Nhạc sĩ Trần Tiến và những âm bản của đời sống
Kỳ thực thì có gì không phù hợp lắm, khi giữa quán cà phê sang trọng, Trần Tiến nhè nhẹ hát "Phố nghèo". Những câu thơ như cứa vào lòng người: "Hà Nội buồn thương nhớ ơi/ Nơi tôi qua ngày thơ ấu/ Một lần về thăm phố xưa/ Ngỡ như Hà Nội của ai/ Sao tôi cứ yêu Hà Nội xưa cũ/ Nghèo mà sang/ Sao tôi cứ yêu người yêu xưa cũ/ Buồn mà thương".
Trần Tiến viết không nhiều ca khúc về Hà Nội, nhưng Hà Nội trong âm nhạc của ông bao giờ cũng buồn. Nó là những giai điệu được cất lên dưới ánh sáng của kỷ niệm, của quá khứ, với những mẹ, những chị, những con phố ẩm mốc, trầm cảm, những mối tình đã mất.
Hỏi, ông có cực đoan quá không khi viết về thành phố quê nhà như vậy, Trần Tiến nói: "Khi tôi viết một bài hát là viết về những kỷ niệm. Giống như người ta luôn nhung nhớ những mối tình cũ. Cái mùi của kỷ niệm, của người tình xưa ám ảnh vô cùng. Đối với tôi, đó là cái mùi nguyên chất Hà Nội, không pha tạp". Trần Tiến đã có cả tuổi thơ và tuổi trẻ gắn bó với Hà Nội. Trong ký ức của ông và những bạn bè cùng thế hệ ông, Hà Nội là những viên gạch vỡ, những mảng tường rêu, những gốc cây quen thuộc mà "nếu ai đẵn nó đi mình đau như thể họ đang đẵn vào lòng mình vậy".
Hà Nội còn là những phận người bé nhỏ, vất vả mà bình thản trong mưu sinh. Lớn lên trong chiến tranh nên với Trần Tiến, Hà Nội cũng là những mất mát. "Nhà tôi xưa ở phố ga Hàng Cỏ, một con phố ngoài kinh, rất nghèo. Người ngoài kinh thường mặc áo chàm xanh. Ngày chiến tranh, hai trái bom đã ném vào phố ngay sau lưng nhà tôi".
Trần Tiến xa Hà Nội đã nửa đời người. Nhưng thường xuyên là những cuộc trở về, không chỉ trong đời thường mà cả trong âm nhạc. Những "Ngẫu hứng sông Hồng", "Ngẫu hứng phố", "Mùa thu trắng", "Hà Nội những năm 2000"... đều mang tới cho khán giả cảm xúc về một Hà Nội xa vắng, có chút lấm bụi, có chút thân phận. Đã có hàng ngàn ca khúc viết về Hà Nội, phần nhiều là vết dấu của sự hào hoa, sang trọng và thanh lịch. Nhưng Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến là thật nhất.
Thật như là ta đang đi trên mảnh đất này, ngồi quán nước nhỏ của bà cụ già mặc áo bông, ăn một bắp ngô nướng buổi tối mùa đông, trò chuyện với một chú bé đánh giày…Trên những khuôn mặt người bình dị ấy, trong những khung cảnh bình dị ấy tỏa một mùi hương Hà Nội mà Trần Tiến gọi là vùng "âm bản". Hà Nội trong ông đẹp vì vẻ lấp lánh của những vùng âm bản còn sót lại ấy, dù nó đang mất dần đi.
Trần Tiến đã vào tuổi 64, đúng là chẳng còn trẻ khi ta làm một phép tính thời gian. Nhưng ông sẽ cãi ngay nếu ta nói ông đã già. "Tôi bao giờ cũng khác với mọi người đấy. Người ta nhiều tiền, tôi ít tiền. Người ta đang thích ly dị thì tôi quyết chí chỉ sống với vợ già, người ta về hưu thì tôi lại viết sung sức…". Để chứng minh, ông hát ngay một "tỉnh ca" vừa hoàn thành vì được đặt hàng. Tôi ít nhiều có tâm lý dị ứng với những bài hát "tỉnh ca", "ngành ca", nhưng với Trần Tiến thì không.
Với Trần Tiến, đơn đặt hàng hay một vùng đất cụ thể nào đấy chỉ là cái cớ cho một ca khúc được sinh thành. Ông tự do hoàn toàn trước một đề tài. "Viết một bài hát mà mọi người phải nghĩ đến một cái gì cụ thể, bài hát đó là bài hát tồi. Viết một bài hát để cho người ta khóc, bài hát đó là bài hát tồi. Viết một bài hát người ta cười sằng sặc bài hát cũng tồi luôn. Viết bài hát để cho người ta bay, bài hát đó mới thực là bài hát".
Vâng, chính xác thì Trần Tiến có thể làm khán giả bay trên đôi cánh âm nhạc mà ông sáng tạo. Nếu không phải như vậy, khán giả đã không yêu quý, mến mộ ông nhiều đến vậy. Viết, bao giờ cũng là một công việc nhọc nhằn, và chẳng dễ chịu gì, ngay cả khi anh đã quẫy ra khỏi mọi sự lệ thuộc.
Tôi nhớ một lần nào đó ông đã nói đại ý, rằng làm người nhạc sĩ phải biết vượt qua thần lực đám đông, vượt qua nỗi khiếp sợ bản thân vốn như những bức tường dựng lên ngay trong lòng mình, và quan trọng là phải biết đạp đổ những thần tượng, tự tin với con đường mình đang đi…Thật chẳng dễ chút nào để có được phong độ ấy, nếu không phải là một người cầm bút bản lĩnh với một nội lực đủ mạnh và một văn hóa đủ rộng, đủ sâu để nhìn ra sự khác biệt của chính mình.
Khởi đầu là một ca sĩ, rất nổi tiếng, nhưng rồi cảm giác về một chú hề xuất hiện trong Trần Tiến ngày một rõ rệt. Muốn chối bỏ cảm giác ấy, ông phá hủy giọng hát bằng cách ăn ớt thật nhiều. Rồi ông cầm bút, làm người sáng tác. Sáng tác là công việc khó khăn hơn, nhưng nó thỏa mãn ý muốn đi tìm kiếm cái lõi, cái tận cùng của đời sống.
Trong những vật vã của nghề viết, nơi chỉ có bóng tối và hun hút ảo ảnh làm chứng, người sáng tạo phải cô đơn đối diện với chính mình, chối bỏ mọi phô diễn. Người ta thường nói, khi bạn là chính mình, bạn thật khác biệt. Trần Tiến có lẽ ngộ hơn ai hết điều này. Âm nhạc chính là gương mặt đời sống của ông, không màu mè, son phấn.
Chỉ có ông mới làm cho những đề tài chả có chút gì liên quan đến âm nhạc vào âm nhạc rất nhuần nhị và hiệu ứng một cách ngạc nhiên. Tôi trộm nghĩ, nếu người ta đã mất rất nhiều giấy bút để bàn về ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì cũng sẽ là tương tự như vậy khi viết về Trần Tiến. Trịnh Công Sơn sương khói bao nhiêu thì Trần Tiến hiện thực bấy nhiêu. Trịnh Công Sơn cô đơn, thân phận bao nhiêu thì Trần Tiến đám đông bấy nhiêu. Nhưng điểm chung là họ đều có nhiều công chúng.
Và công chúng của họ đều là những con người bình dân, đằng sau những ồn ào lo toan là cảm giác cần được bình yên, an ủi. Cái chất bình dân trong nhạc của Trần Tiến được ông lý giải: "Người dân nghĩ gì thì tôi cố nói giùm họ. Tôi cố gắng làm điều gì mà mọi người nghĩ cùng với tôi. Tôi viết về những điều họ trải qua, nhưng tôi mong muốn họ bay lên khỏi cái vui buồn của thực tế để làm cái gì hay hơn, nhân văn hơn…".
Trần Tiến viết nhiều và viết nhanh. Ông thường đùa, đời ông nếu rời việc viết ra, sẽ chẳng thể làm gì nên cơm nên cháo cả. Viết rồi cất đi. Những ca khúc đã công bố chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài tác phẩm của ông. Sự nổi tiếng của nhiều ca khúc cũng nằm ngoài suy nghĩ của nhạc sĩ. "Rất nhiều ca khúc đến với công chúng là do công của một số người bạn tôi. Có bài tôi cho là không hay, nhưng khi đến với công chúng rồi, nó lại được yêu thích".
Rồi ông ví dụ: "Bài "Quê nhà" tôi viết xong thì để đấy bao năm, chả ngó ngàng tới. Một hôm một cậu bạn tôi đem nó cho ca sĩ trẻ Tùng Dương để Dương hát trong cuộc thi Sao Mai- Điểm hẹn. Tôi bảo Dương, con hát làm gì bài này, vì chú thấy bài này không ép-phê sân khấu đâu. Nhưng Tùng Dương vẫn hát và cậu ta giành chiến thắng cuộc thi đó". Vậy đấy, số phận một bài hát có khi nằm ngoài dự tính của người sinh ra nó.
Trần Tiến thường không hào hứng khi bàn về thị trường âm nhạc. Thế hệ của ông gắn liền với chiến tranh, bom đạn, cái chết, những ưu tư thời cuộc nên âm nhạc không đơn thuần chỉ là giải trí. "Thị trường chẳng có ý nghĩa gì với tôi từ khi tôi bắt đầu cầm bút"- nhạc sĩ nói. Ông không bao giờ mất thời gian vào công việc giới thiệu tác phẩm của mình ở nơi này, nơi kia. Nếu thực sự mỗi bài hát có số phận của mình thì ông Trời luôn dành sẵn cho nó một cơ duyên để nó có thể đến với khán giả.
Ông kể: "Có một cô người mẫu kiêm ca sĩ đến tìm tôi và nói em thích nhạc của anh, em muốn được hát nhạc của anh. Tôi trả lời ngay, anh không có loại nhạc để em thích đâu. Khi cô ấy đi rồi, mọi người mới bảo tôi rằng cô ấy là một người đẹp, đang "hot" trên thị trường giải trí đấy, sao lại từ chối. Tôi không cần biết thị trường, không cần biết cô ấy là ai. Cô ấy nổi tiếng, tốt thôi. Nhưng cô ấy sẽ không hát nhạc của tôi".
Về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay, Trần Tiến có ưu tư rằng: "Nó quá hời hợt, a dua, thiếu hẳn chất đắng của trí tuệ, sức nặng của những cảm xúc tâm hồn". Trước câu hỏi khi đối diện trang giấy, người nhạc sĩ viết cho mình hay là viết cho công chúng, Trần Tiến trả lời: "Tôi yêu công chúng nhưng quan điểm của tôi là không làm những điều công chúng thích. Tôi sáng tác về những điều mình quan tâm chứ không phải sáng tác những gì mà công chúng muốn".
Nhưng Trần Tiến vốn không thích những câu hỏi quá nghiêm trọng. Ông luôn hướng đến một sự tự nhiên, hóm hỉnh hơn là sự cầu kỳ, khuôn thước. Trò chuyện với ông, loanh quanh thế nào rồi cũng quay về chủ đề âm nhạc và đàn bà. Đàn bà với ông là ký ức, là quá khứ, nó giống như một thứ hương vị của đời sống, vừa cụ thể vừa mơ hồ. Ông kể trong đời mình đã có một vài lần "hèn".
Lần hèn thứ nhất là khi ở chiến trường Quảng Trị, Trần Tiến bị sốt rét, đồng đội tưởng chết, vùi đi. Rồi ông tỉnh dậy và đuổi theo đơn vị. Một mình trong đêm tối không súng, không đèn pin, đói, khát, rét và đơn độc, ông cứ gào lên kêu cứu. Cho đến khi nhìn thấy le lói một ánh đèn, ông lết tới và thì thào: "Tôi là Trần Tiến, tác giả bài "Thanh niên ra tiền tuyến đây", xin hãy cứu tôi".
Lần hèn thứ hai liên quan đến đàn bà, nhạc sĩ thật thà: "Tôi mê một cô, bị vợ và các con bắt được". Tình yêu, sự xao động là mê cung của người làm nghệ thuật. Không có nó thật khó để sáng tạo. Trần Tiến cũng không là ngoại lệ. Ông nói, ông cũng là người bình thường như bao đàn ông khác trên đời, cũng mê muội vì phụ nữ đẹp và có những phút giây chao đảo.
Nhưng ông cũng tự hào rằng ông có một người vợ và những đứa con hiểu cho mình ở những phút giây chao đảo ấy, để ông vẫn được là người đàn ông của một gia đình êm ấm và làm nghệ thuật. Tôi nhớ có lần ở đâu đó, Trần Tiến đã nói rằng, bỏ qua chuyện đạo đức, vợ con, ông thực sự không có một mối tình lớn trong đời, cho dù có những bóng hồng đã lướt qua cuộc sống của ông.
Phạm trù tình yêu dường như là câu chuyện của số phận, thật khó để bình luận ở đây. Nhưng dù cho ở một ý nghĩa mơ hồ nhất, tượng trưng nhất, thì tình yêu vẫn là một điểm tựa không thể chối bỏ với người cầm bút. Nó có thể làm mất mát, nhưng nó cũng khiến cho người nghệ sĩ thăng hoa. Nó mang đến niềm vui, nhưng rất nhiều khi lại là buồn tràn ngập. Mà nỗi buồn chính là nguyên cớ cho âm nhạc cất cánh…
Tôi thích một câu hát của Trần Tiến trong nhạc phẩm "Con chim sẻ tóc xù" và mượn làm lời kết cho bài viết này, kèm với đó là nụ cười vừa trẻ thơ lại vừa như chưng cất từ một vết thương nào đó trong lòng ông. "Đừng tin những người không còn tình yêu/ Cuộc đời mà lại xấu xa/ Thì sao cây táo nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế/ Thì sao ông lão nhà bên/ Còn làm thơ và ngắm hoa quỳnh lên/ Sao anh thợ giày mê cô hàng xóm/ Sao thiếu phụ buồn yêu hoa trinh nữ…"