Nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Suốt đời đi tìm mộng
Ký ức về một mùa thu Hà Nội
Thật may vào dịp giữa tháng tư mới đây, tình cờ gặp nhà thơ Lê Huy Mậu ở Vũng Tàu, tôi mới hay tin nhạc sĩ Trần Quang Lộc vừa đi chữa bệnh ở Mỹ về. Vào dịp tết năm nay, ông còn tổ chức đêm âm nhạc để kỷ niệm 45 năm sáng tác âm nhạc của mình tại TP Hồ Chí Minh. Thế là chúng tôi cùng đi tìm đến nhà ông, ở ven thành phố Bà Rịa, theo sự chỉ dẫn của chính ông qua điện thoại, đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn. Đó là một ngôi nhà cấp 4 bên cạnh một con kênh nhỏ đã cạn kiệt.
Câu chuyện về âm nhạc giữa chúng tôi hết sức thân thiện, ngỡ như đã quen biết nhau từ lâu. Khi tôi hỏi về ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội, đôi mắt đượm buồn của ông bỗng bừng sáng bởi bao ký ức tràn về. Ông kể, giọng nói Hà Nội đã chinh phục tâm hồn ông và ông luôn luôn mơ về Hà Nội, bởi khi đó đất nước còn hai miền bị chia cắt. Mộng về một Thăng Long-Hà Nội với một mùa thu đẹp và dịu dàng trong những tà áo dài thanh lịch. Không ít lần, ông lén mở đài tiếng nói Việt Nam ngày ấy, để nghe phát thanh viên, người Hà Nội đọc truyện đêm khuya. Một âm thanh vang lên ngọt ngào trong trẻo làm xao xuyến tâm hồn ông.
Và thật tình cờ và những ngày tháng của thập niên 70, khi sinh hoạt trong nhóm “Hàn Giang” ở thành phố Đà Nẵng, nhạc sĩ trẻ Trần Quang Lộc đã gặp nhà thơ Tô Như Châu. Bài thơ Có phải em là mùa thu Hà Nội của Tô Như Châu đã tạo nên một cảm xúc sâu lắng và đầy chất lãng mạn trong trái tim của chàng nhạc sĩ Trần Quang Lộc ở tuổi 20 khi ấy (ông sinh năm 1949, tại Gio Linh, Quảng Trị). Đây là bài thơ dài khoảng gần 100 câu, nhưng nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã nắm bắt được mạch cảm xúc cô đọng nhất, ở những khổ thơ hay về Hà Nội.
Chỉ trong một đêm, trào dâng cảm xúc như một giấc mơ, nhạc sĩ đã hoàn thành sáng tác của mình. Ca khúc cùng tên bài thơ đã ra đời trong một đêm mộng như vậy và đã được trao cho một giọng hát sức quyến rũ: nữ ca sĩ Thanh Thúy. Ngay lập tức bài hát có sức thu hút kỳ lạ vào năm 1971. Dường như ngày nào bài hát cũng được vang lên trên đài phát thanh. Nhưng chỉ hai tháng sau chính quyền ngụy trong chế độ cũ ngày đó đã ra lệnh cấm và thu hồi tác phẩm. Họ cho là nhạc sĩ đã có hơi hướng tuyên truyền cho cách mạng tháng Tám, với những câu thơ như: “Tháng Tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ. Từ độ người đi thương nhớ âm thầm…”, hay “Có phải em là mùa thu Hà Nội. Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sóng hát…”, hoặc “Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm. Có phải em mùa thu xưa”. Nghĩa là câu nào nhà cầm quyền cũng vin cớ nhạc sĩ có chiều hướng thân cộng sản. Tác giả đã bị cảnh sát ngụy gọi lên chỉnh đốn và đe dọa. Thậm chí tấm căn cước của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng bị in số màu đen để ghi dấu phần tử cần chú ý, khác hẳn những số thẻ căn cước của mọi người có màu đỏ. Từ đó bài hát rơi vào quên lãng.
Nỗi xúc động về câu chuyện oan ức ngày đó vẫn làm đỏ hoe con mắt của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Mãi tới 20 năm sau, khoảng đầu thập kỷ 90, ca sĩ Hồng Nhung là người có công đưa bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội trở lại với công chúng yêu âm nhạc, trong Album Chợt nghe em hát, với một cảm xúc mới lạ. Liên tiếp sau đó là các ca sĩ Lam Trường, Thu Phương, Thanh Lam… đều dàn dựng bài hát này, với những sáng tạo mới và gây dấu ấn đặc biệt với người yêu âm nhạc. Đặc biệt là ca sĩ Thu Phương, người đã được lĩnh không ít giải thưởng khi hát Có phải em mùa thu Hà Nội, qua Album Ngủ ngoan nhé ngày xưa. Giải Video hay nhất; Người hát hay nhất; và giải nhạc sĩ hay nhất… Cuối cùng bài hát còn được giải Nhất của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam năm 1998. Ấy là chưa kể hàng chục giải thưởng khác trong các cuộc thi ca nhạc, hay Hội diễn hàng năm. Trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội đã được biểu diễn khai mạc Lễ hội. Và mới đây nhất, trong tháng tư năm 2014, bài hát đã được dàn dựng công phu trong đêm nhạc hội của Festival Huế lần thứ 7.
Mái tóc nhạc sĩ đã bạc trắng, với nhiều nếp nhăn xưa cũ trên vầng trán, nhưng giọng hát và tiếng đàn ghi ta của ông vẫn tinh tế và truyền cảm mạnh. Có lẽ tính đến nay bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội tồn tại và có sức phổ biến rộng khắp đã được 45 năm. Nó vẫn tươi mới như ngày nào, bởi mãi mãi vẫn là câu hỏi “Tháng Tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi thương nhớ âm thầm…”.
Lớp học đặc biệt
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc trước đó đã nổi tiếng từ bài hát Về đây nghe em phổ thơ A Khuê, năm 1968, ngay sau khi ông vừa tốt nghiệp Cao đẳng âm nhạc Huế (1967). Ở tuổi 19, ông đã được coi là một tài năng trẻ nhờ những giai điệu đồng quê và một khả năng chơi đàn ghi ta xuất sắc. Âm nhạc của Trần Quang Lộc đã có thiên hướng rõ nét ở sự hiện diện âm hưởng dân ca truyền thống. Bình yên, sâu lắng đi vào lòng người. Cùng với Về đây nghe em ông còn có Câu hát tình quê, Trở về với mẹ ta thôi, Võng đưa tình cũ, hoặc sau này các tình khúc lãng mạn, say đắm ra đời như: Chợt nghe em hát, Em còn nhớ Huế không, và đặc biệt là Có phải em mùa thu Hà Nội và Cho tôi lại từ đầu… Tính đến nay ông đã sáng tác được khoảng 600 bài hát và hàng chục tác phẩm khí nhạc cho sân khấu, điện ảnh và nhạc kịch. Đó là một con số đáng kể. Thị trường băng đĩa đã ghi dấu ấn đặc biệt của ông vào những năm 1992, với CD Chợt nghe em hát, do ca sĩ Hồng Nhung hát, đã phát hành có số kỷ lục hơn 30.000 bản chỉ trong một tuần. Cùng với đó, ông ra liên tục nhiều CD khác nhau, tổng số là 27 Album ở cả trong nước ngoài nước.
Câu chuyện giữa chúng tôi đang mỗi lúc một thêm thú vị, thì ông có khách. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc nói đó là những học trò của ông đến học đàn. Đã đến giờ lên lớp. Mười bảy giờ các buổi chiều. Học sinh từ nhiều nơi đến cái xóm nghèo này để học những ngón đàn của ông. Ngoài những học sinh phổ thông, còn có không ít cán bộ công nhân viên trẻ hoạt động trong các phong trào ca nhạc. Đặc biệt có một cô giáo dạy tiếng Anh tại thành phố Bà Rịa, đã 65 tuổi cũng đến học.
Thậm chí có một bà sơ ở giáo hội địa phương cũng đến nhờ thầy giáo Lộc hướng dẫn cho cách xử lý một bản nhạc nhà thờ. Bà cũng đã khoảng 60 tuổi, nhưng vẫn cần mẫn học hỏi từng đoạn nhạc khó, để chỉ huy dàn nhạc nhà thờ vào mỗi buổi thánh lễ. Một cảm giác bồi hồi trong tôi khi nghe những giai điệu âm nhạc vang lên từ một giọng ấm và truyền cảm của một người phụ nữ đầu đã bạc trắng với thời gian. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc tâm sự, công việc dạy nhạc nằm trong những hoạt động xã hội của ông, cùng với những đồng tiền ít ỏi để mưu sinh. Sau này, tình cờ tôi và nhà thơ Lê Huy Mậu có dịp gặp một học trò của ông kể, học phí mỗi buổi nhạc sĩ Trần Quang Lộc chỉ lấy có ba mươi ngàn. Cậu ta còn kể nhạc sĩ thương học trò nghèo lắm, nhiều khi dạy thêm giờ nhưng không bao giờ lấy tiền. Sau đó cậu học trò này biểu diễn cho chúng tôi nghe bài Rừng lá thấp, với những giai điệu trữ tình và ngọt ngào tiếng tình yêu quê hương làm rung động lòng người. Tôi nghe dường như trong tiếng đàn ghi ta rung lên một tình cảm chân thành, đó chính là nỗi lòng của chính nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã truyền lại cho những học trò của mình.
Bên trời xa sương tóc bay
Câu chuyện cuối cùng mà tôi muốn nói đến đó là người vợ thân yêu của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, người đã có 6 mặt con với ông. Bà là Nguyễn Thị Thuận, cử nhân văn khoa, và cũng là một hoa khôi một thời của đại học Đà Nẵng, vào giữa thập niên 60. Sau những năm dạy học, hiện bà đã về hưu và giúp chồng tổ chức các lớp học nhạc tại nhà. Bà chăm lo từng việc nhỏ như lau những cây đàn và chuẩn bị những bản nhạc cho mỗi học sinh. Khi trò chuyện về âm nhạc của chồng, bà tỏ ra khiêm tốn không nói nhiều, và rất kiệm lời khen. Giọng nói của bà vẫn giữ chất ngọt ngào và dịu dàng của xứ Huế thân thương. Tôi chợt để ý, có lúc bà đã khích lệ một học trò đang say sưa với ngón đàn ghi ta, đó là một ông giám đốc kinh doanh trẻ. Bà nói tiếng đàn ấy chính xác và có hồn lắm.
Vậy là giờ đây, hai mái đầu bạc đã gắn kết 45 năm vẫn cùng đồng hành trên con đường âm nhạc. Ông truyền lại cái tinh của giai điệu, thì bà lại truyền được cái thần của thanh âm. Họ là nghệ sĩ đang nuôi dưỡng tâm hồn cho những người con nơi xóm nghèo trên đất biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà lắng nghe chúng tôi trò chuyên, còn ông hát tặng chúng tôi bài hát khi chia tay; Nhưng dường như ông hát tặng cho hạnh phúc của chính mình, với những lời ca tha thiết: “Ngày sang thu anh lót lá em nằm. Bên trời xa sương tóc bay…”