Nhạc sĩ Thanh Tùng: Cần có Nhân, Trí, Dũng

Thứ Năm, 08/12/2005, 12:50

Đã từng không chỉ hò hẹn qua điện thoại với nhau từ vài năm nay nhưng chỉ tới giờ tôi mới có được hạnh ngộ trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Tùng, trong một buổi sáng se lạnh ở Hà Nội. Thanh Tùng mời chúng tôi đến một quán cà phê nằm ngay ở trung tâm, nơi mà theo tôi hiểu, mỗi lần ra Thủ đô, anh thường chọn làm “văn phòng di động” tiếp khách khứa và bạn bè.

- Anh từng đánh giá cao giọng ca Mỹ Linh. Thế nhưng, Mỹ Linh là một ca sĩ đã lên tới đỉnh của mình rồi. Với ca khúc của Thanh Tùng, hiện nay có giọng ca mới nào sẽ nổi lên không?

Nhạc sĩ Thanh Tùng (NS TT): Có lẽ đó sẽ là Mỹ Dung. Mỹ Linh là giọng ca hay nhất, theo tôi đánh giá, trong khoảng 30 năm qua. Nhưng hiện nay, trong thế hệ học trò mới mà tôi đang tuyển lựa để giúp hoàn chỉnh kỹ năng biểu diễn có Mỹ Dung là người mà tôi kỳ vọng.

- Anh “truyền giáo” những gì cho học trò của anh?

NS TT: Trong trường nhạc, thông thường các ca sĩ chỉ được dạy kỹ thuật hát cơ bản và các kiến thức văn hóa xã hội phụ trợ khác. Nhưng để trở thành một ca sĩ theo đúng nghĩa của nó thì còn cần rất nhiều thứ khác nữa, nhất là đối với các ca sĩ theo dòng nhạc nhẹ. Kỹ thuật diễn xuất là môn khoa học hoàn toàn không đơn giản chút nào.

Ví dụ như các em cần phải tạo dựng được cho mình khả năng kiểm soát tai nghe, khả năng biểu cảm trên khuôn mặt và các động tác khác nhau, rồi cả khả năng biểu cảm bằng các kỹ thuật âm nhạc... Rồi kiến thức về thẩm mỹ âm nhạc, rồi vũ đạo... Tóm lại, ngay cả sau khi đã tốt nghiệp trường nhạc ở bậc đại học rồi, các em vẫn cần phải học thêm nhiều thứ lắm thì mới mong đứng vững được trên sân khấu đúng tầm, đúng cỡ của mình...

Còn một việc này nữa, người thầy cần phải nghiên cứu trên cơ sở những khả năng thiên phú của từng em mà giúp các em xác định xem mình cần khổ luyện theo kỹ thuật gì, xây dựng tính cách âm nhạc nào là tối ưu... Thông thường, những điều này chưa được quan tâm đủ trong các học đường chính thống.

Nhạc sĩ Thanh Tùng: Tôi là đạo diễn âm nhạc chuyên nghiệp!

- Với ngay cả một giọng ca thiên phú rất tốt, đã từng được đào tạo rất chỉn chu về cái gọi là khoa học thanh nhạc, nhưng để trở thành một ca sĩ thực sự có tầm cỡ, thực sự có ấn tượng, thì vẫn cần phải khổ luyện nhiều, không chỉ về kỹ thuật mà về “điệu tâm hồn”. Có sống thực tâm và tận tình với cuộc đời thì may ra mới vươn được lên đỉnh cao trong nghệ thuật, mới có thể khiến người nghe cười khóc theo mình. Môi trường nghệ thuật nói chung và môi trường ca nhạc nói riêng lắm khi trông từ bên ngoài vào cứ ngỡ như lắm trò, nhiều chuyện, cạm bẫy, sóng gió, bất cập. Nhưng nhìn từ góc độ khác, chính môi trường như thế mới là “lửa thử vàng”, mới lọc ra được những tính cách và tài năng đích thực, và gạt bỏ đi những gì chưa mạnh, chưa cao. Nghệ sĩ mà ở trong môi trường thanh lọc như nước cất có lẽ khó có thể làm nên trò trống gì. Mỗi một tài năng phải đi theo kiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” của riêng mình thì mới mong có được một phong cách riêng quyến rũ và ma mị mà không một ai khác có. Anh thấy cách hiểu này có đúng không?

NS TT: Có lẽ là đúng. Ca sĩ không đơn thuần là một người có giọng hát nghe được. Giọng hát hay thực sự là giọng hát phải có tâm hồn, có thân phận, thậm chí, có cả định mệnh nữa... Để mang được giọng hát đẹp thiên phú thực sự tới được với người nghe, ca sĩ phải xây đắp cho mình rất nhiều thứ. Cần biết về nguồn với văn học dân gian, phải đọc tiểu thuyết, xem phim, biết nghe các luồng nhạc khác, thưởng ngoạn hội họa, nhiếp ảnh...

- Và biết yêu những người không thể không yêu được, như những nhạc sĩ tài danh chẳng hạn?

NS TT (cười): ...

- Chẳng lẽ tôi nói có gì không đúng ư?

NS TT: Đúng, nhưng tôi đang muốn nói tới chuyện khác... Chương trình huấn luyện của tôi đối với các học trò là phải hoàn chỉnh về văn hóa nhân văn, không văn hóa chung, phải cố gắng giữ gìn họ để họ không bị lôi cuốn quá sớm bởi các trò phù hoa, hoặc để họ có đủ khả năng tự vệ trước những cái cám dỗ dễ ảnh hưởng xấu đến nghề nghiệp lâu dài. Điều này quan trọng lắm, vì làm nghệ sĩ là một nghề khắc nghiệt.

- Làm nghệ sĩ kém tài thì rất khổ. Nhưng tài năng lớn cũng có những đau khổ lớn...

NS TT: Một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh, hôm nay có thể còn ở dưới đáy, chưa ai biết đến tên tuổi, nhưng rồi chỉ vài ba tháng, có thể trở thành một ngôi sao, ngỡ như ai ai cũng ngưỡng mộ. Đó là một thử thách quá nặng nề mà nếu không được chuẩn bị tâm lý một cách thích đáng, rất dễ “gãy” và phạm phải các sai lầm không đáng có...

- Khi ta đang ở trên một đỉnh cao nào đó, ta dễ bị huyễn tưởng về mình. Văn hào Nga Liev Tolstoi đã từng nói rồi, quan trọng không phải là cái ghế ta đang ngồi, mà là hướng ta đang đi. Không cứ nghệ sĩ mà nhiều người ở những ngành nghề khác đôi khi cũng bị lầm lẫn khi cho rằng mình với cái ghế mình đang ngồi, cái vị trí mình đang giữ là một... Và thế là tai họa từ đấy nảy sinh...

NS TT: Khi ta lên được một đỉnh cao nào đó thì điều rất quan trọng là ta phải tự nhận thức được chân giá trị của mình. Vinh quang lắm khi lại là một áp lực lớn. Là ca sĩ, ta phải hiểu rõ ràng về việc ta đang được nổi danh như thế là vì sao? Vì tài năng thực sự? Vì may hơn khôn? Hay là vì được một số phương tiện truyền thông lăngxê để cùng trục lợi, thí dụ như để “làm hàng” cho ngành quảng cáo?

- Tôi nhớ, nhà thơ Nga Evtushenko cũng đã từng viết rằng, vượt qua thử thách là những khổ đau, thiếu thốn thì không khó. Khó nhất là phải vượt qua những thử thách là phát đạt, vinh hoa, là... phụ nữ đẹp... Chỉ những nhân cách lớn và tài năng lớn thực sự mới bình thản và kiên tâm bảo toàn được cốt cách khi sống trong nhung lụa, trong những tiếng hoan hô, những lời ngưỡng mộ...

NS TT: Rất đúng! Ở đời không phải ai cũng được nếm trải vinh quang nên không phải ai cũng hiểu rằng, vinh quang, cũng giống như tấm huân chương, có mặt trước và mặt sau...

- Anh nói làm tôi lại nhớ tới một câu thơ khác, của nhà thơ Hy Lạp Ritsos: “Những tràng vỗ tay phải đâu là cái tát, sao mặt bạn tím bầm”...

NS TT: Hiểu được như thế mới là hiểu lẽ đời!--PageBreak--

Huấn luyện viên... ca nhạc

- Hình như lớp ca sĩ mà anh tuyển mộ và đào tạo là của riêng anh, chứ không phải trong khuôn khổ chương trình của một nhạc viện nào cả?

NS TT: Đúng, xưa nay tôi chỉ làm công đoạn cuối cùng, thông qua từng tiết mục, từng chương trình biểu diễn để giúp đỡ cho các ca sĩ mà tôi lựa chọn tìm được đúng phong cách hợp với khả năng và tâm tính mình. Nếu vận dụng ngôn ngữ sân cỏ thì tôi huấn luyện ca sĩ thích ứng với từng trường hợp biểu diễn. Tức là tôi không phải là trường dạy bóng đá, mà tôi là một huấn luyện viên của một đội bóng.

- Tôi thấy ở nước ngoài, trong các trường báo chí hay các trường nghệ thuật, thường là những người làm nghề đã thành danh tới tuyển chọn những sinh viên hợp với mình nhất để đào tạo theo kiểu “đệ tử chân truyền”. Thật buồn cười nếu ông thầy dạy báo chí lại không có thực tế làm báo một ngày nào, ông thầy dạy đạo diễn lại chưa từng có bộ phim nào có giá trị... Anh nghĩ thế nào về triển vọng, tới một ngày nào đó, những ai đã từng qua các khóa đào tạo của nhạc sĩ Thanh Tùng rồi cũng sẽ được cấp một cái bằng nào đó có giá trị chính thức như của các học đường Nhà nước?

NS TT: Bằng cấp của nhà trường có giới hạn nhất định của nó. Nhà trường mỗi năm cho tốt nghiệp hàng trăm, hàng ngàn sinh viên. Để có thể tìm được chỗ đứng trong cuộc đời, những cựu sinh viên đó còn phải tiếp tục vận động nhiều, học thêm nhiều thứ khác nữa để trụ lại càng lâu càng tốt, với gương mặt càng ấn tượng càng tốt.

Liên hệ tới việc đá banh, CLB lớn nào chẳng có trường đào tạo riêng, thậm chí họ còn gọi đó là Học viện bóng đá. Nhưng cầu thủ được đào tạo ra rồi sẽ đá thế nào trong đội hình CLB thì đấy là việc của các huấn luyện viên. Huấn luyện viên mới là người bảo các cầu thủ trong từng trận một chạy như thế nào, lên cao xuống thấp làm sao để thu được kết quả trận đấu tốt... Công việc của tôi đối với các ca sĩ đại loại cũng như của một huấn luyện viên.

- Tức là anh tự nhận mình là một huấn luyện viên ca nhạc, nói một cách vui thế?

NS TT: Nói theo thuật ngữ của nghề, tôi là đạo diễn âm nhạc chuyên nghiệp...

Không sợ nói điều mình nghĩ

- Tôi nghe nói là anh từng có thời gian tu nghiệp ở CHDCND Triều Tiên. Anh học ở đó tới năm nào?

NS TT: Năm 1971 thì tôi tốt nghiệp...

- Anh học về chỉ huy dàn nhạc, hay học về sáng tác?

NS TT: Tôi học chỉ huy dàn nhạc.

- Khi ấy, nền âm nhạc CHDCND Triều Tiên đã gây ấn tượng với anh như thế nào?

NS TT: Đó là nền âm nhạc rất có quy củ, rất có kỷ luật. Nhạc giao hưởng, nhạc dân tộc ở CHDCND Triều Tiên phát triển rất mạnh mẽ.

- Kể ra cũng là lạ, anh theo học những môn âm nhạc rất nghiêm ngắn, thông thường những người đã có học vấn như anh rất khó thành công trong thể loại nhạc nhẹ trữ tình. Ở nước ngoài đã vậy và ở ta hình như cũng thế. Tại CHDCND Triều Tiên, theo những gì tôi biết, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng thường hướng về những biểu tượng lớn lao, hào sảng, chú trọng hơn cả là tính tập thể, tính cộng đồng. Trong nhận thức của nhiều người yêu âm nhạc Việt hiện nay, nhạc sĩ Thanh Tùng là người của những nỗi niềm riêng tư, một trong những nhạc sĩ đi sâu và rất thành công khi bộc lộ các tâm trạng khác nhau của những cá nhân trong một xã hội bề bộn nỗi niềm. Theo anh điều này có gì mâu thuẫn nhau không?

NS TT: Tôi nghĩ là không có gì mâu thuẫn. Quả thực là tôi đã được theo học một nền âm nhạc rất nghiêm khắc, rất uyên bác. Tôi là một học sinh tốt nghiệp với bằng rất cao. Nhưng cũng chính vì được đào tạo chu đáo như thế nên tôi mới thấy những cái thiếu của tôi là gì. Và tôi biết cách tự học để lấp bù vào những chỗ thiếu đó. Cũng như tôi nhìn vào các em ca sĩ hiện nay, tôi biết họ đã được đào tạo bài bản lắm, nhưng tôi lại nhìn ra cả những cái thiếu hụt của họ. Và tôi hiểu cách để lấp đầy những chỗ thiếu hụt ấy của các em học trò của mình. Ngày xưa tôi tự mày mò là chính, còn các em bây giờ thì có nhiều thuận lợi hơn vì đã có những người đi trước các em.

- Năm 1971, khi anh về nước, miền Nam chiến sự ác liệt, miền Bắc đang phải chống lại cuộc chiến tranh phá hoại trên không của kẻ thù, đời sống rất kham khổ và nghiêm ngắn... Lúc đó, anh cảm thấy thiếu gì nhất trong âm nhạc?

NS TT: Tôi thấy thiếu những ca khúc phục vụ đại chúng, đơn giản, tập thể dễ hát. Khi đó đại đa số những bài hát của chúng ta thường dài, chỉ dân chuyên nghiệp hát mới hay được. Tất nhiên, cũng có một số tác giả thành công khi viết các ca khúc đại chúng, như Phạm Tuyên chẳng hạn, nhưng nói chung là thiếu loại ca khúc này. Tôi cũng hiểu, trong chiến tranh, trong bối cảnh cả nước phải hy sinh, chịu đựng nhiều gian khổ to lớn thì tạm dẹp tình cảm cá nhân sang một bên cũng là điều dễ hiểu và tất yếu. Nhưng dẹp hết cả thì cũng không nên...

- Thực ra có bao giờ chúng ta dẹp hết cả đâu...

NS TT: Đúng. Những bài hát như “Đường cày đảm đang”, câu chuyện người vợ viết thư cho chồng, có lồng tình cảm tập thể vào rất ngọt, cũng vẫn được sáng tác hồi đó. Nhưng tỉ lệ những ca khúc như thế không cao... Phải tới sau năm 1975, mặc dù vẫn phải có những người đi ra chiến trường, đi thanh niên xung phong lên rừng núi, nhưng mặt khác, đất nước đã ở trong thời bình, thì rất nên có thêm nhiều những bài hát tình cảm, nhớ quê hương, nhớ người yêu... Không nhìn nhận vấn đề này một cách công bằng, chúng ta dễ bị nghiêng về một thái độ áp đặt đối với sự phát triển âm nhạc...

- “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”... Các cụ mình đã nói thế rồi...

NS TT: Con người có thân phận, đất nước cũng có thân phận, nếu gắn kết lại được với nhau thì là hướng đi đúng đắn. Đất nước cũng trở nên tốt đẹp hơn và các cá nhân cũng sẽ phong phú hơn, sâu sắc thêm về tinh thần, về tình cảm. Tôi nghĩ thế nên tôi đã bắt tay viết những ca khúc về thân phận và tình cảm con người.--PageBreak--

- Nghe các bài hát của Thanh Tùng thì thấy rõ đó là con người “lụy tình”. Nhiều nỗi cô đơn, lắm niềm khắc khoải: “Một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em. Mặt trời thì hồng, Mà trên cây khế có nhiều tiếng chim. Và rồi một ngày, Một ngày đã qua, Không ngày nào hơn. Con đường vẫn đợi, Mà đâu thấy, Đâu thấy dấu chân em...”. Thực đẹp và buồn! Và còn nữa, vui đấy mà lại ngậm ngùi bởi linh cảm chia ly và khác biệt: “Xin em hãy về, hát cho riêng tôi nghe, Để cơn gió chiều xanh ngát những hàng me. Hát với em về cuộc đời, ồ, cuộc đời thật nên thơ. Nói với nhau dù một lần, rồi buồn vui, hay lãng quên...”. Rõ ràng, đó là lập luận của con người tư duy thiên về cảm tính ngay cả khi nhìn mọi sự rất dễ dàng và... sòng phẳng. Quả thực là gặp anh, nghe anh nói, tôi thấy anh có cả chất “quản lý văn hóa”. Tôi sai hay những lời hát của anh sai?

NS TT: Có lẽ hai con người đó chỉ là một ở trong tôi. Tôi luôn thấy rõ ảnh hưởng của các ca khúc tới quần chúng nên khi viết, tôi rất kỹ lưỡng cả về ngôn từ lẫn giai điệu, tức là luôn cố gắng không làm băng hoại tình cảm lành mạnh của con người. Tuy nhiên, mặt khác, tôi rất phóng túng khi thể hiện tình cảm của mình. Tình cảm của tôi nó có thật trong lòng tôi, nó mang lại nhiều sự tốt đẹp cho đời tôi, cho nên nó không có gì xấu và không thể xấu được...

- Anh là người sẵn sàng công khai cả những gì riêng tư nhất? Tôi nhớ tới ca khúc “Em và tôi” của anh: “Em và tôi, một đêm trăng sáng, Một ngày chiều tàn. Em - sao Mai đầu non, Còn tôi - sao Hôm mỗi tối. Em và tôi, xa nhau thấy nhớ, gần nhau giận hờn, Em và tôi, những tiếng ca vui, Những khúc nhạc buồn...”. Rất dễ suy đoán những gì trong đời thực để gây nên tâm trạng cho anh sáng tác ca khúc này...

NS TT: Theo nhận thức của tôi, không có cái gì tôi nghĩ mà lại không thể nói ra công khai. Những điều tôi đã nói ra thì không thể có gì sai, bởi nếu tôi biết là sai thì tôi đã không nói ra...

“Ca khúc của tôi, tôi hát hay nhất!”

- Với rất nhiều công chúng yêu nhạc, thì các ca khúc Thanh Tùng dường như là lúc nào cũng hợp thời, không cần phân biệt giai đoạn cụ thể để làm gì. Dường như chúng sinh ra và được phổ biến cùng một ngày, một tuổi. Ngay ở cuối thế kỷ XX mà anh “nhớ em vội vàng trong nắng trưa” vẫn nói tới nỗi lo người mẹ “bâng khuâng khi con đang còn nhỏ, tan ca bố có đón đưa...” như thời bao cấp ở Hà Nội... Ca khúc của anh luôn gieo những tình cảm tươi mới, trong trẻo dẫu không ít suy tư. Nhưng với anh, hôm nay anh còn nhớ sáng tác đầu tiên được phổ cập của anh không?

NS TT: Đó là những giai điệu tôi viết cho vở cải lương “Cây sầu riêng trổ bông”... Đó là nhạc có tính cách tình huống, cho vở cải lương đó, nói về sự chia ly của một đôi vợ chồng, mà người ta đã phấn đấu vượt qua gian khổ như thế nào để mà sum họp lại với nhau và cảm thấy hạnh phúc. Thế nhưng, bài hát đầu tiên tôi viết để nói lên tiếng nói công khai của mình, mà xác lập hình ảnh của tôi là bài hát “Hát với chú ve con”, viết năm 1982. Ca khúc đó là “tuyên ngôn” của dòng nhạc pop trữ tình của Việt Nam... Đấy là tôi nghĩ thế...

- “Một hôm mây trắng, Bỗng nhớ tiếng hát em. Mây lang thang hoài, để bầu trời thêm vắng... Một hôm có nắng, bỗng nhớ tiếng hát em, Nắng bâng khuâng hoài ngỡ không muốn quên...”. Không chỉ tình yêu mà đôi khi ngay cả sự phụ tình cũng làm ta “ngỡ không muốn quên”... Đấy là tôi tiện thể thì nói vậy thôi. Thưa nhạc sĩ Thanh Tùng, anh còn nhớ ai là người đầu tiên hát bài hát này trên sân khấu không?

NS TT: Đầu tiên là ca sĩ Nhã Phương. Lúc đó, Nhã Phương khoảng 20 tuổi, mới từ Cần Thơ lên Sài Gòn...

- Đến nay đã có rất nhiều ca sĩ hát bài này. Anh ấn tượng với ai nhất?

NS TT: Bài đấy tôi hát là hay nhất! (cười)

Như thể tình yêu

- Hôm nay mới là lần đầu được ngồi trò chuyện trực tiếp với anh, nhưng tôi nhìn thấy anh lần đầu là vào năm 1993, tại khách sạn Quân đội trên đường Võ Văn Tần, tôi đã từng được thấy. Khi đó, tôi đang ngồi cùng với một số bạn bè, trong đó có cô ca sĩ quen anh. Anh ào vào phòng như gió, nói đôi điều tâm đắc và tôi nhớ nhất câu: “Phải học cách làm ca từ của Trịnh Công Sơn!”. Bây giờ anh vẫn nghĩ thế?

NS TT: Đúng.

- Tôi biết anh cũng là người hay giao thiệp gần gụi với anh Sơn. Theo anh, bí quyết gì tạo nên sự quyến rũ đến ma mị trong ca từ của Trịnh Công Sơn: đôi khi những tập hợp từ tập hợp tưởng như hết sức vu vơ và thậm chí gần như là vô nghĩa, nhưng trong “nhạc Trịnh” lại trở nên cực kỳ có lý và lúc nào cũng có vẻ như sáng tỏ tình ý, dù chúng ta không thể diễn giải chúng bằng những từ ngữ đơn giản hơn? Ca từ của anh Sơn như thế thì đã ảnh hưởng tới anh như thế nào?

NS TT: Ca từ của Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng tới tôi rất lớn. Đứng về mặt từ vựng và tục ngữ văn học, anh Sơn chắc là rất “giàu có”. Có những người mà lời ăn tiếng nói của họ hàng ngày gói lại cùng lắm chỉ được trên dưới 1-2 nghìn từ. Có những nhạc sĩ giỏi cũng chỉ sử dụng khoảng 1-2 nghìn từ trong các ca khúc của mình. Nhưng Trịnh Công Sơn thì khác, anh rất giàu có về lượng từ và rất đa dạng về thủ pháp.

- Anh có thể chỉ ra một vài thí dụ cụ thể để chứng minh nhận xét vừa rồi của anh được không?

NS TT: Cách tư duy của Trịnh Công Sơn đại thể thế này: nhân sinh là vũ trụ, nhân sinh là vô cùng bé nhỏ trong vũ trụ, nhưng mỗi một con người là một vũ trụ và mỗi một vũ trụ cũng giống như một vì sao trên trời, đều có một thân phận riêng của mình...--PageBreak--

- “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời...” - đó là thơ Evtushenko. Chẳng có ai vô nghĩa cả, cũng chẳng có ai quá quan trọng...

NS TT: Chính lập luận đó của Trịnh Công Sơn khiến đôi khi ta thấy “nhạc Trịnh” vừa rất xa vời, trừu tượng, nhưng cũng lại rất là gần gũi. Nhưng đó không phải là sự hiểu rõ, thấu tỏ đâu, mà chỉ là gần gũi thôi. Ngay cả những người uyên bác nhất đôi khi cũng không hiểu được hết ý ca từ của Trịnh Công Sơn, nhưng ngược lại, những người bình dân nhất, không cần hiểu ca từ nhưng vẫn cảm thấy dễ hiểu, dung dị và gần gụi. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là không giống ai cả! Không thể “làm nhái” được!

- Cũng giống như tình yêu, đôi khi ta không hiểu ta yêu vì đâu, vì cái gì, để làm gì nhưng ta vẫn cảm thấy rất mãn nguyện...

NS TT: Nếu mà ta nói, ta yêu một người con gái nào đó vì cô ấy hiền lành lắm, cô ấy đáng trân trọng lắm hay cô ấy như thế này như thế kia lắm, thì đó là cái điều hết sức ngây ngô...

- “Ai đem phấn chất một mùi hương, Hay bản cầm ca, tôi chỉ thương, chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc, như thuyền ngư phủ lạc trong sương...”. Xuân Diệu từng viết như thế vì “Làm sao định nghĩa được tình yêu!”. Nếu ta biết, khi ta yêu vì cái gì, ta có thể dễ dàng bỏ người yêu vì lý do ngược lại. Chỉ khi ta không rõ yêu vì sao thì ta mới có thể yêu lâu bền được... Thưa nhạc sĩ Thanh Tùng, anh có nghĩ anh Trịnh Công Sơn đọc nhiều sách không? Cứ nghe theo lời kể của một số người thì hình như anh Sơn suốt ngày chỉ đàn hát và uống rượu thôi, thì giờ đâu còn mà đọc sách?!

NS TT: Anh Sơn đọc sách vào lúc khuya. Anh Sơn là một người rất giàu có, là tỷ phú, nhưng là tỷ phủ của thời gian vì anh ấy sống cuộc sống độc thân, không vướng bận vào gia đình, chỉ có những cuộc vui với bạn bè và sau đó là những khoảng thời gian rất cô độc. Những lúc ấy, anh ấy dành cho việc đọc sách. Anh Sơn không chỉ đọc sách tiếng Việt mà đọc cả các cuốn sách nổi tiếng thế giới, như của Pháp chẳng hạn. Rồi anh ấy học cả kinh Phật, đọc cả sách dịch kinh Coran, đọc nghiên cứu cả về đạo Cao Đài, Hòa Hảo...

- Con người chân chính là con người biết tiếp thu đa dạng về cuộc sống này, và chỉ cần giữ một điểm tựa duy nhất là sự nhân từ, tựa tình yêu đối với con người, đối với đồng loại, đối với mảnh đất đã sinh ra mình. Theo anh, anh Sơn đã là người như vậy, có đúng không?

NS TT: Quan điểm sống của tôi cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa cổ. Đối với tôi, con người muốn sống tốt thì phải lấy ba điều Nhân, Trí, Dũng là trọng. Nhân để có lòng thương yêu. Trí để có sự tỉnh táo của mình. Còn có Dũng thì mới có đủ bản lĩnh dám sống theo lý tưởng của mình...

- Và để phát triển tất cả những gì mình có thể phát triển được...

NS TT: Giữa cái Nhân và cái Dũng đôi khi lại là hai mặt của một vấn đề. Muốn có Trí phải học thật nhiều, biết thật rộng. Còn muốn Nhân thì phải biết giữ gìn nề nếp, gia phong, biết tiếp thu tất cả những cái tử tế của nhân loại, để mà biết sống và biết yêu nhân loại. Còn Dũng thì không phải là dũng cảm với người khác đâu, mà phải dũng cảm với chính mình, đôi khi biết và dám từ bỏ những cái sai của chính mình, phải dám thừa nhận mình là sai. Khi ấy thì trong chữ Dũng có chữ Lý, trong chữ Nhân có chữ Trí...

“Âm nhạc của tôi khả biến”

- Trong vòng 25 năm trở lại đây, Thanh Tùng là một nhạc sĩ hàng đầu, được yêu mến, được tìm đến nhiều ở Việt Nam. Anh nghĩ như thế nào, một nhạc sĩ hợp thời thì luôn bị tiềm ẩn một nguy cơ là có thể sẽ lỗi thời. Anh nghĩ thế nào về 25 năm tới đối với ca khúc của anh?

NS TT: Âm nhạc có những cái khả biến, có những cái dĩ biến và bất biến. Khả biến là cái ứng đối linh hoạt. Dĩ biến có thể biến đổi. Bất biến thì không bao giờ thay đổi. Tôi cho dòng nhạc của tôi nằm trong dòng nhạc dĩ biến. Âm nhạc của tôi chưa thể trở thành tác phẩm cổ điển bao nhiêu trăm năm như là của Beethoven, hay như Shuman, Schubert... Trình độ của tôi là trình độ rất thấp, không thể so sánh như vậy. Âm nhạc của tôi khả biến vì tôi có thể làm được như các bạn trẻ hiện nay đang làm, bởi vì nhiều tác phẩm của tôi viết cách đây 25 năm thì một số vẫn hiện đại hơn nhiều ca khúc nhạc trẻ mới xuất hiện...

- Nói một cách công bằng, trông bên ngoài thì anh vẫn còn trẻ. Tuy nhiên, đã đến lúc Thanh Tùng buộc phải cảm thấy rằng, Thanh Tùng cần phải biết nói “Không!” với một người phụ nữ, với một tình yêu? Và nếu như một nhạc sĩ nói “Không!” với tình yêu thì chắc là anh sẽ từ bỏ luôn việc sáng tác với cả mình?

NS TT: Tình yêu là cái không bao giờ hết, cũng như đôi khi nó không bao giờ có! Chính vì vậy tôi không bao giờ nói có cũng như không bao giờ nói không với tình yêu hết. Có thể nói không với một cuộc hôn nhân, hay nói không với một cuộc sống ràng buộc nam nữ... Nhưng với tình yêu thì tôi không nói không và cũng không cần nói, vì đó là tâm sự mà tôi không cần phải thổ lộ cùng ai... Với tôi, quan trọng là trong lòng tôi có tình yêu, còn miễn tôi có tình yêu, người ta có yêu tôi hay không thì cũng không quan trọng. Vấn đề là tôi có yêu được cuộc sống này hay không, hay có yêu được một người nào đó hay không, đấy là vấn đề quan trọng!

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Minh Huyền (thực hiện)
.
.