Nhạc sĩ Phú Ân: Nhớ bàn tay ấm áp của Bác Hồ

Thứ Bảy, 25/05/2019, 09:55
Có lẽ từ những tình cảm được dồn nén, gom góp sau những lần gặp ấy mà nhạc sĩ Phú Ân đã có thể đặt lời Việt cho ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh sâu sắc đến thế. 

“Hôm ấy, khi tôi cùng đội kèn ngồi dọc lối đi để chờ biểu diễn thì bỗng dưng có một bàn tay ấm áp xoa vào đầu. Tôi quay lại thì nhận ra đó là Bác Hồ. Lúc ấy, tôi rất bất ngờ và nghĩ chắc do mình người bé mà ôm kèn Tuba to quá, trông ngồ ngộ nên mới có vinh dự như thế”.

Đó là kỷ niệm mà nhạc sĩ Phú Ân kể lại trong lần biểu diễn vào năm 1957 tại Đại học Y - Dược khoa (phố Lê Thánh Tông, Hà Nội) nhân dịp Bác tiếp Tổng thống Indonesia Sukarno. Khi ấy, ông mới chỉ 17 tuổi, đang là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Tháng 5 này, đến thăm nhạc sĩ Phú Ân tại tư gia, tôi được ông kể nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Người nhạc sĩ đã ở tuổi xấp xỉ 80, mái tóc đã bạc trắng nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và đặc biệt khi nhắc về Bác mắt ông bỗng sáng lên, những ký ức cứ ùa về một cách tự nhiên.

Trên nền nhạc du dương, giọng chầm chậm, ông kể, ông sinh ra ở Phú Thọ, thế nhưng khi giặc bắn phá ác liệt, gia đình đã chuyển lên ở tạm nhà người mợ (mợ giáo Mùi) trên Tuyên Quang, khi ấy ông mới 7 tuổi. Mợ giáo Mùi có 2 người con, một là trung đoàn trưởng, một là tiểu đoàn trưởng. 

Một hôm, sáng sớm mợ nói hôm nay gia đình có khách nhưng lại không nói cụ thể là ai. Thì ra khách là một ông cụ và hai người đi cùng. Lúc ăn, ông cụ có dặn mọi người khi gắp và khi và phải đảo đầu đũa để giữ vệ sinh.

“Khi ăn hết bát cơm như thường lệ, tôi chìa ra xin mợ thêm bát nữa nhưng ông cụ vội xua tay và bảo: “Cháu ăn hết cứ ra lấy”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cứ làm theo. Khi khách về, mợ tôi mới nói ông cụ đó là Bác Hồ, còn hai người đi cùng là đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Văn Đồng. Nói thật, lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết ông cụ ấy là Bác Hồ cũng như hiểu được lời dạy của Người về sự tự lập trong từng việc làm nhỏ nhất”, nhạc sĩ Phú Ân rưng rưng nhớ lại.

Những cuộc gặp đã diễn ra cách đây hàng mấy chục năm nhưng nói chuyện với tôi hôm nay, nhạc sĩ Phú Ân vẫn dâng trào nỗi niềm cảm xúc. Ông tự nhận mình là người may mắn, bởi không phải ai cũng được gặp Bác nhiều lần như vậy. 

Có lẽ từ những tình cảm được dồn nén, gom góp sau những lần ấy mà nhạc sĩ Phú Ân đã có thể đặt lời Việt cho ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh sâu sắc đến thế. Dẫu vậy, ông vẫn tự nhận rằng, mình chỉ là người nói lên lòng kính yêu, mến phục Bác của triệu triệu người con nước Việt cũng như nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Bài ca Hồ Chí Minh là bài hát được Phú Ân đặt lời Việt từ The ballad of Ho Chi Minh của nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình Ewan MacColl (1915-1989). Đây là bài hát được nhạc sĩ người Anh sáng tác năm 1954 lấy nguồn cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sinh thời, nhạc sĩ Ewan MacColl đã nói với những người bạn của mình: “...Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Italy... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ”.

Bài hát này được nhạc sĩ Ewan MacColl và người bạn đời của mình là nghệ sĩ Mỹ Peggy Seeger đưa đi biểu diễn khắp châu Âu trong các đoàn biểu tình phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. 

Nhưng phải đến năm 1967, khi đoàn văn công Việt Nam được cử đi biểu diễn ở một số nước xã hội chủ nghĩa nhân Đại hội Liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh, chính ca sĩ (sau này là nghệ sĩ ưu tú) Quang Hưng là người đã mang ca khúc ấy về nước cho Phú Ân đặt lời Việt.

Đó là lần ở thủ đô La Habana, Cuba, ca sĩ Quang Hưng đứng trên bãi biển hát Tiến về Sài Gòn - một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, loa mở công suất hết cỡ với hy vọng âm vang ấy lan truyền theo con sóng sang tận nước Mỹ. 

Còn nhạc sĩ Ewan MacColl và phu nhân thì hát bài The ballad of Ho Chi Minh. Ở tại một đất nước cách Việt Nam “nửa vòng trái đất”, ca sĩ Quang Hưng vô cùng xúc động khi biết được tình cảm, sự yêu mến lớn lao của những người bạn quốc tế đã dành cho đất nước mình.

Ngay lập tức, hai nghệ sĩ đã trò chuyện thân mật với nhau như những người anh em lâu ngày không gặp. 

Ewan MacColl nói với Quang Hưng rằng: “Tôi rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã lặn lội khắp năm châu tìm kiếm độc lập, giải phóng dân tộc. Ông tập hợp được những người lính nông dân thành một đội quân đánh thắng thực dân Pháp, bây giờ lại quyết tâm đuổi đế quốc Mỹ. Chính vì thế tôi đã sáng tác bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh”.

Nói rồi, MacColl đề nghị được dạy Quang Hưng bài hát này, bù lại Quang Hưng dạy ông bài Tiến về Sài Gòn

Trong bản nhạc The ballad of Ho Chi Minh tặng Quang Hưng, MacColl còn ghi ngoài bìa mấy câu thơ tạm dịch là: “Trên đời có những vật không thể thay đổi/ Có những con chim không khuất phục bao giờ/ Có những tên người sống mãi với thời gian/ Hồ Chí Minh”.

Sở dĩ Quang Hưng chọn Phú Ân để gửi gắm ca khúc này là bởi từ lâu ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, ông đã có tiếng trong việc viết lời Việt cho ca khúc quốc tế, tiêu biểu như: Lê-nin sống mãi với chúng ta, Bông hồng đỏ của Ba Lan... 

Thế nhưng, cả Quang Hưng và Phú Ân đều không biết tiếng Anh. Họ đã tìm đến một thầy giáo ở Đại học Sư phạm Hà Nội để có được bản dịch nghĩa.

Nhạc sĩ Phú Ân chia sẻ, bài của Ewan MacColl có đến 9 lời, bao quát rất rộng từ tinh thần của Bác Hồ đến cuộc kháng chiến trường chinh gian khổ hy sinh. Lúc ấy, ông rất phân vân vì nội dung ca từ quá rộng, nếu đưa tất cả vào lời Việt sẽ lan man, dài dòng và khó nhớ. Còn Quang Hưng thì đề nghị, chỉ tóm gọn lại thành một lời ca mà vẫn nói được về Bác và phải rất Việt Nam.

“Quang Hưng kể, Ewan MacColl giải thích rằng Bác được người dân yêu kính, nguyện đi theo. Tôi cộng vào những phần hồn Việt, ví dụ cách người dân gọi Bác là “Cha già”, thế rồi gắn kết tất cả vào, để đúc rút: “Người từ chân lý sinh ra” hay “Lòng thành kính toàn dân gọi Cha già”... Tôi đã gửi gắm được tâm sự của mình để nói về Bác một cách sâu xa”, nhạc sĩ Phú Ân chia sẻ.

Từ một hành khúc chuyển thành ca khúc, vẫn nhịp đi nhưng lại mang tính trữ tình phù hợp với giọng hát Quang Hưng, đồng thời khi Việt hóa phải được hát trên sân khấu thay vì ngoài đường. 

Phú Ân đã mất 1 tháng để rút gọn 9 lời thành 4 lời, phỏng theo nội dung và thêm vào cảm xúc của mình. Điều tài tình ở chỗ, dù rút gọn nhưng Phú Ân không bỏ sót ý, vẫn truyền tải những gì là hồn cốt của bài hát tiếng Anh vào bài hát của mình.

Lần đầu tiên Bài ca Hồ Chí Minh vang lên trong nước là ở Nhà hát Lớn Hà Nội đúng sinh nhật Bác năm 1967. Giọng hát ngọt ngào, sinh động của Quang Hưng cất lên trên nền nhạc đệm guitar đầy lãng tử kèm tiếng huýt sáo ngẫu hứng khiến Bài ca Hồ Chí Minh từ một bản nhạc mang tính hành khúc trở thành một bản tình ca trên nền nhịp đi đầy thú vị.

Một năm sau, Quang Hưng được mời vào Phủ Chủ tịch hát Bài ca Hồ Chí Minh đúng sinh nhật Người. 

“Hôm ấy, khi nghe Quang Hưng hát xong, Bác nói thích bài hát với phần lời này vì nó dung dị, không tôn vinh quá mức. Bởi theo lý giải của Bác thì bài hát không chỉ ca ngợi Bác mà sâu xa hơn là ca ngợi đất nước ta, nhân dân ta”, nhạc sĩ Phú Ân kể.

Hiện nay, The ballad of Ho Chi Minh đầy đủ 9 lời được biết đến nhiều nhất là bản thu âm của ban nhạc Stormy Six. Phiên bản Việt Nam thì bản thu âm chính xác nhất đang phổ biến có phần tiếng Anh chỉ sử dụng 2 lời (lời 1 và 3) cùng với 4 lời Việt do Phú Ân viết, Quang Hưng thể hiện.

Đã 52 năm kể từ ngày Bài ca Hồ Chí Minh ra đời, thế nhưng khi giai điệu của ca khúc cất lên với những ca từ đi sâu vào trái tim người nghe như điệp khúc “Hồ Hố Hồ Chí Minh” khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi xao xuyến, bồi hồi, nhung nhớ.

Ngô Khiêm
.
.