Nhạc sĩ Phạm Tuyên: "Tôi là người Mohican cuối cùng của dòng họ..."

Thứ Ba, 22/04/2014, 09:30
Ông đã gọi điện thoại cho tôi ngay từ sau Tết ít ngày, nói muốn tặng tận tay tôi cuốn sách mà người vợ quá cố của ông, PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết, đã viết và vừa được Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành theo yêu cầu của gia đình. Tôi đã từng được nhìn thấy bản thảo cuốn sách này, nhan đề “Chúng tôi đã sống như thế”, vài năm trước, khi tới nhà ông thực hiện một cuộc trò chuyện cho số báo ra hằng tháng của chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng – Cuối tháng, ngay sau khi phu nhân của nhạc sĩ ra đi vào cõi vĩnh hằng không lâu. Thế nhưng, khi cầm trên tay cuốn sách dày dặn và trang nhã này, thực sự tôi cảm thấy xúc động như được chạm một cách vô hình vào những nhịp đập còn hôi hổi tình yêu thương và sự quên mình của người nữ trí thức rất khả kính và rất xứng đáng được thương cảm này...

1. Phu nhân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết thực sự đã là một trong những tên tuổi nổi bật trong đội ngũ những trưởng lão của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Bà đã từng rất nhiều năm làm công tác giảng dạy tại Đại  học Sư phạm Hà Nội. Bà đã là Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Giáo dục Mầm non, từ năm 1985, ở học đường sư phạm này. Chính bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã đích thân nhờ cậy TS Nguyễn Ánh Tuyết gánh vác vai trò “khai sơn phá thạch” này trong giáo dục mầm non ở nước ta... 

TS Nguyễn Ánh Tuyết đã góp sức đào tạo, hướng dẫn nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về Tâm lý học và Giáo dục mầm non... Tuy nhiên, có thể nói rằng, vai trò to lớn hơn cả là bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò phu nhân toàn bích của một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng nước ta. Bà nâng niu ông không chỉ trong những chi tiết đời thường mà cả trong những cảm hứng sáng tạo để ông có được những tác phẩm để đời phục vụ nhân dân, đất nước...

Làm vợ các nhạc sĩ không bao giờ là dễ. Làm vợ một nhạc sĩ như Phạm Tuyên lại càng không dễ. Câu chuyện của chúng tôi với nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã bắt đầu từ những hồi ức của ông về vợ.

- Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Một dạo, tự nhiên tôi thấy nhà tôi thỉnh thoảng cứ ngồi vào máy tính viết viết cái gì đó. Tôi hỏi, thì nhà tôi bảo, em muốn ghi lại những gì còn nhớ về quá khứ của chúng ta... Rồi sau này khi tập bản thảo hoàn thành, nhà tôi đã ghi trong lời nói đầu: “Có quá nhiều kỷ niệm với biết bao biến cố, sóng gió, thăng trầm của cuộc đời, giờ đây như một bộ phim dài nhiều tập, lần lượt hiện lên màn hình của chiếc máy vi tính với bàn tay gõ phím, đẩy chuột của một bà lão hơn bảy mươi tuổi...”.

- Hồng Thanh Quang: Năm 2007 là năm phu nhân của nhạc sĩ cũng bước sang tuổi “cổ lai hy”?

- Nhà tôi sinh ngày 2/10/1936...

- Như vậy là nhạc sĩ hơn vợ mình 6 tuổi?

- Đúng thế, tôi sinh tháng 1/1930...

- Bây giờ nhạc sĩ có nhớ gì nhiều về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” giữa hai người không ạ?

- Thực ra khi chúng tôi tới với nhau thì mọi sự cũng đã không dễ dàng gì. Cũng có nhiều trở ngại lắm. Về sau, nhớ lại quá khứ, có lần nhà tôi đã nói, chúng ta nên được duyên chồng vợ với nhau thì phải nói là nhờ có không chỉ một “ông Bụt”... Tại sao nhà tôi lại nói thế? Chắc Hồng Thanh Quang cũng biết, tôi thì hoàn cảnh xuất thân từ gia đình con quan lại của triều đình nhà Nguyễn. Trong tập sách của mình, ngay ở chương đầu vợ tôi đã viết về “Người cha và bi kịch lịch sử” của gia đình chồng mình. Còn vợ tôi thì lại xuất thân từ một gia đình cách mạng của tỉnh Quảng Bình, ở Đồng Hới. Chúng tôi gặp nhau ở Khu Học xá bên Trung Quốc, căn cứ địa giáo dục của cách mạng Việt Nam đặt trên đất bạn, để đào tạo những mầm non tài năng sau này trở về phục vụ đất nước... Tôi thì học nhạc, còn nhà tôi thì học toán... Rồi những hoạt động văn nghệ chung đã dẫn chúng tôi lại gần với nhau rồi yêu nhau từ lúc nào không hay. Nói đúng hơn là tôi cảm thấy yêu trước nhưng cứ kìm nén trong lòng mãi mới dám thổ lộ... Khi chúng tôi đặt vấn đề yêu nhau, cũng có ý kiến này nọ phản đối, vì những yếu tố liên quan tới lý lịch của tôi. Thế nhưng, may nhờ những người biết rõ về tôi như ông Võ Thuần Nho, em ruột Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng có mặt ở Khu Học xá, giải thích thì mọi sự mới êm xuôi... Đấy là “ông Bụt” thứ nhất...

Thế nhưng, tới đó thì câu chuyện đầy trắc trở vẫn chưa kết thúc. Lúc đó lại có tin đồn về việc tôi bị mắc bệnh lao, không thể làm chồng được... May lại gặp đúng anh bác sĩ từng chữa bệnh cho tôi, anh ấy khẳng định rằng, đúng là Tuyên trước đây có bị mắc bệnh lao nhưng đã chữa khỏi rồi, không ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình đâu... Vị bác sĩ đó là “ông Bụt” thứ hai... Mãi sau này, khi cùng ngồi với nhau, nhà tôi đã nói rằng, thực sự vợ chồng mình nên duyên là còn nhờ “ông Bụt” khác nữa. Nói thì bảo là to tát nhưng chính là nhờ chúng ta có chung một mục đích phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân... Chúng ta nhìn chung một hướng về phía trước nên đã đi được cùng nhau tới cuối con đường, dù phải gặp không ít gian nan, trắc trở...

- Tôi thấy trong sách, phu nhân của nhạc sĩ đã kể chuyện tình yêu của hai người trong một chương viết với nhan đề “Cuộc tình đầy sóng gió”...

- Sóng gió thật chứ đâu có chơi...

- Tôi xin phép được trích lại một đoạn trong sách của TS Nguyễn Ánh Tuyết khi bà kể lại thời điểm mà hai ông bà đã nhận lời yêu nhau. Lúc đó bà được về nước, sau khi trở lại thăm quê hương Quảng Bình ra Hà Nội để lại đi sang Khu Học xá thì vấp ngay phải một làn sóng phản đối việc bà nhận lời yêu con trai của một ông quan cao cấp cũ:

“...Tôi bị một sự phản đối ghê gớm  của gia đình và những người bạn  chiến đấu của ba mẹ tôi, kể cả các bác, các cô trong Tỉnh ủy Quảng Bình ngày trước khi biết tôi nhận lời yêu anh Phạm Tuyên. Họ cho rằng, con của một gia đình cách mạng không thể lấy con của một quan lại phong kiến. Lời nặng tiếng nhẹ, mọi người đều đồng lòng bắt tôi cắt đứt quan hệ với anh Tuyên. Tôi đã khổ và hoang mang đến cực độ. Ngày lên tàu quay về Khu Học xá,  chú ruột tôi là ông Nguyễn Chuẩn, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Đường sắt tiễn tôi sang Bằng Tường (một huyện của tỉnh Quảng Tây giáp với Việt Nam). Suốt thời gian tàu chạy, chú chỉ thuyết phục tôi là phải cắt đứt quan hệ với anh Tuyên. Tôi chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn ra ngoài trời tối đen như mực mà khóc...”.

- (Xúc động): ...

- Cá nhân tôi cũng từ lâu nhận thấy, con gái Quảng Bình kiên gan lắm, không dễ lay chuyển được đâu một khi họ tin rằng việc họ làm là đúng...

- Nhà tôi trong sách cũng đã kể lại rằng, khi sang tới Khu Học xá, cô ấy đã không nói được câu nào, vừa nhìn thấy tôi đã khóc. Ngay lúc ấy tôi đã mơ hồ cảm thấy là kiểu gì cũng có chuyện trục trặc vì lý lịch hồi ấy là một căn bệnh nặng nề lắm. Nhưng mình là đàn ông nên mình phải nói cứng dù trong lòng hơi run: “Chúng mình đã có nhau thì không thể có gì ngăn trở được tình yêu này!”.

- May rồi cũng tai qua nạn khỏi...

- Không dễ dàng, nhưng rõ ràng là đã có nhiều người tốt giúp đỡ...

- Từ lúc phu nhân của nhạc sĩ qua đời tới giờ đã gần 5 năm rồi nhỉ?

- Đã sắp 5 năm. Gia đình đang chuẩn bị thay áo cho nhà tôi. Trước khi qua đời, nhà tôi có nói với cô con gái lớn (chúng tôi chỉ được hai con gái thôi) là bà ấy muốn được về quê...

- Về Quảng Bình?

- Không, về quê chồng, ở Hải Dương. Vừa rồi con gái tôi cũng có về quê xem, thì thấy các anh ở xã đã chuẩn bị chu đáo lắm, phần đất ở gần mộ ông tôi..

- Tức là cha của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh?

- Đúng, của ông nội tôi... Còn mộ cha tôi hiện nay nằm ở Huế. Dịp Thanh minh vừa rồi tôi có vào trong đó...

- Bây giờ anh chị em trong gia tộc họ Phạm nhà mình còn những ai?

- Bên Pháp thì còn hai người, bên Mỹ cũng còn một cậu em... Đều trên 80 cả rồi... Tôi thì như anh chị em vẫn nói, là “người Mohican cuối cùng” của dòng họ (cười buồn)...

2. Ngồi với nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng 11/4/2014, tôi không dám hỏi ông nhiều chuyện. Chiều hôm trước, ông bị mệt nên đã phải đi khám bệnh mãi tới muộn mới về. Trong căn phòng khách nhỏ ở khu Vạn Bảo của ông, tôi cứ miên man nhớ lại những gì đã cùng ông trao đổi vào năm 2007. Và tôi muốn cùng bạn đọc đi lại một phần ký ức ấy...

- Hồng Thanh Quang: Hôm nay, ngồi ở đây, ở Hà Nội, lại trong một buổi chiều nhiều xúc cảm, ông nhớ thế nào về tuổi thơ của mình ở Huế, về cái thời hoa niên ấy? Nếu bây giờ nhìn lại, ở tuổi 79 này, có lẽ ông có thể nói ra mọi thứ rồi. Và nói thực, khi đặt ra câu hỏi với ông, tự nhiên tôi cũng cảm thấy xúc động…

- Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tất nhiên bây giờ nhắc lại tuổi thơ thì rất hồn nhiên. Về gia đình tôi, sau này một số nhà văn, nhà sử học cứ nói lung tung rằng ở đấy họ thấy vàng bạc, thấy đủ các thứ quý giá. Tôi chả nhớ gì về những thứ đó cả nhưng có  một cái mà tôi đoán chắc rằng, tất cả các quan lại trong triều đình Huế không thể nào có được cái tủ sách lớn như nhà tôi đã có. Tuổi thơ tôi, những khi nào được nghỉ, không phải học ở trường thì bao giờ  tôi cũng trốn vào trong buồng sách để đọc. Thói quen đọc sách về sau đã theo tôi suốt cả đời. Thói quen ấy được hình thành trong buồng sách của cha tôi… Sau này ra Hà Nội để ôn thi tú tài, mình cũng toàn tới thư viện để đọc sách, để tự học…

- Đó là vào năm nào, thưa ông?

- Năm 1945 - 1946.

- Thế ra Hà Nội, trong hoàn cảnh của gia đình ông khi ấy, ông đã sống bằng gì?

- Hồi ấy tôi có bà chị…

- Chị cả?

- Chị cả. Bà ấy là Phạm Thị Giá, vợ ông Tôn Thất Bình là Hiệu trưởng Trường Thăng Long trước đấy. Lúc ấy chị tôi có nhà ở phố Hàng Da… Trong khi cả Hà Nội có bao chuyện sôi nổi, nhất là sau cách  mạng, nhưng mình thì cứ cắm cúi đi học ở thư viện. Đến nỗi về sau, năm 17 tuổi thì không được học ở trường nào cả vì lúc ấy kháng chiến toàn quốc nên mình phải theo gia đình đi tản cư ở Nam Định.

Nghe nói trong Ninh Bình có tổ chức thi chuyên khoa, tức là thi tú tài, thì mình xin phép khăn gói tới Ninh Bình để thi thử. Rất ngạc nhiên là về sau có mấy anh bác sĩ bảo, cả trăm người đăng ký thi, nhưng chỉ đỗ có 3 người thôi, trong đấy có Phạm Tuyên. Nội dung mà Phạm Tuyên làm thì rất hồn nhiên. Đáng lẽ thi ngoại ngữ dùng tiếng Pháp thì lại thi ngoại ngữ tiếng Anh, còn văn làm về Truyện Kiều. Toàn những cái tự nhiên, tự đến chứ không có sự mách bảo gì. Đúng khi biết đỗ rồi thì dứt khoát xin phép gia đình, bảo xin phép lên...

- Chiến khu?

- Lên chiến khu Việt Bắc. Tại vì trên ấy có hai loại trường, trong kháng chiến chỉ có mỗi Trường Y và Trường Pháp lý. Luật sư Đỗ Xuân Sản làm Hiệu trưởng Trường Pháp lý. Mình không có khiếu làm bác sỹ, nhưng mà...

- Làm thầy cãi thì được? (cười).

- (Cũng cười): Học pháp lý nó có cái hay là, đến đấy học, người ta còn dạy thêm ngoại ngữ, tức là tiếng Trung Quốc. Thế là mình lên học pháp lý. Học được hai năm thì... Hồi đi học pháp lý 17 tuổi được sự giác ngộ về Đảng với các thứ sách do các ông Lê Đạt, rồi Đặng Đình Hưng mang cho.

- Ông cũng cùng lứa với nhà thơ Lê Đạt và nhạc sĩ Đặng Đình Hưng?

- Thì cùng học với nhau. Các ông ấy mang cho mình sách viết về chủ nghĩa Cộng sản in bằng tiếng Pháp. Cho nên mấy bài về Đảng mà sau này mình viết hoàn toàn là từ giác ngộ do đọc tiếng Pháp.

- Đọc tiếng Pháp cả thơ Aragon: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”…

- Tôi cũng xin được nói thế này. Có một số anh em tới phỏng vấn, bảo, tại sao lại viết bài về Đảng như thế? Tôi mới nói rằng, ở đây không chỉ là vấn đề giác ngộ giai cấp đâu, mà là đất nước, con người…

- Đảng và đất nước?

- Đảng và đất nước! Thơ Aragon có câu giật mình: Đảng cho tôi màu xanh nước non nhà. Hay câu của một triết gia: Chủ nghĩa Cộng sản là...

- Mùa xuân của nhân loại…

- Mùa xuân của nhân loại! Đó là những thứ mà tôi bị ảnh hưởng, hoàn toàn bị ảnh hưởng. Cho nên, có lần, có người hỏi tôi, tại sao anh viết như thế trong lúc có phải đảng viên nào cũng xứng danh đâu thì tôi đã nghiêm mặt lại, nhưng lúc ấy tôi viết đúng như thế vì lúc ấy chỗ nào gian khổ nhất…

- Là chỗ đấy có đảng viên…

- Là chỗ đấy có đảng viên… Đó là những lời nhắn nhủ của một thời. Tôi cũng xin kể, vì sao tôi lại viết bài Màu cờ tôi yêu, phổ thơ của Diệp Minh Tuyền. Đó là vào những năm 80. Khi hai anh em ngồi với nhau, Diệp Minh Tuyền bảo, bây giờ viết về Đảng khó lắm anh ơi. Mình mới nói, đúng  là khó nhưng bây giờ không thể không viết được, với bối cảnh hiện nay như thế này.

Rồi sau lên ngồi trên máy bay, Diệp Minh Tuyền ghé tai mình bảo, em có bài thơ về Đảng đây. Mình đọc thấy bài này được. Trong đấy có những câu về sau Thanh Hoa và cả Lê Dung hát, tôi cứ nhấn lại cái ý của tác giả: Suốt đời lòng dặn giữ lời/ Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau… Trong giác ngộ của mình về Đảng là có tình yêu đối với quê hương, dù thế nào thì mình cũng phải gắn bó với quê hương…

- Thưa nhạc sĩ Phạm Tuyên, thực sự trong đời thì đã làm con, ai cũng kính yêu cha mình, dù cha mình là ai đi chăng nữa. Ông bây giờ nhớ gì về học giả Phạm Quỳnh?

- Cha tôi đối với gia đình thì vì ông sợ liên lụy nên hoạt động rất đơn độc. Sau này tôi có được đọc những ghi chép của cha tôi, viết cho bản thân mình, thì tôi mới hiểu thêm về cha tôi. Thực sự, khi cha tôi còn sống, tôi còn bé nên tôi cũng không hiểu gì nhiều về cha tôi, có lẽ các chị của tôi biết rõ hơn…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Ảnh: Minh Trí.

- Ông là con út trong nhà phải không?

- Không, còn một cậu em nữa.

- Em trai của ông cũng ở bên Pháp?

- Bên Mỹ. Cậu này tốt nghiệp khoa Văn, thời trước cũng bị ép đi lính. Sau này gặp lại, cậu ấy nói buồn cười lắm, bảo: “Cây gậy Trường Sơn” của anh văng đến đâu là em phải chạy rời đi khỏi đấy… (cười).

- (Cũng cười):…

- Nhưng cậu ấy cũng rất gắn bó với gia đình nên sang bên kia hoàn toàn chỉ nghĩ đến danh dự của gia đình thôi…

- Tôi vẫn muốn hỏi, bây giờ thực ra ông nhớ gì về học giả Phạm Quỳnh trong tư cách một người cha? Tất nhiên, hồi đấy ông còn nhỏ, nhưng chắc ông cũng nhớ cách cha ông dạy dỗ con cái chứ? Chức Thượng thư trong triều đình Huế là rất oách rồi, nhưng cái oách ấy liệu có ảnh hưởng tới việc giáo dục con cái trong gia đình không và ảnh hưởng như thế nào?

- Trong ký ức của mình, đồng thời cả những bà chị còn nhớ, cha tôi luôn giáo dục con cái trong gia đình phải sống trong sáng. Và cha tôi hay dặn dò con cái, chủ yếu là giữ đạo đức cho tốt. Nhưng cái quan trọng hơn là, cha tôi rất tôn trọng ý của các con, rất là hay ở chỗ đó, cho nên về sau người ta mới bảo, nhà này có mấy ông con giai thì mỗi ông một kiểu.

- Tôi xin lỗi cắt ngang, gia đình học giả Phạm Quỳnh được mấy người con trai, mấy người con gái?

- 5 con trai, 8 con gái.

- Tức là 13 người?

- 13 người. Ngày xưa tôi sáng tác bài 5 con voi và 8 nàng tiên, là nói về các anh chị em tôi. Anh cả tôi, nay đã mất rồi, thì lãng mạn, thích vọng cổ. Sau ông ấy vào miền Nam lấy một bà người Huế, con thương gia. Có người bảo, sao con cụ Thượng thư lại lấy con một nhà buôn? Nhưng ông ấy cứ thích thế… Ông anh thứ hai thì học luật sau làm ở Liên Hiệp Quốc nhưng cũng đã mất rồi. Ông ấy lại thích nhạc cổ điển. Ông thứ ba là ông Phạm Khuê.

- Tôi cũng có được hân hạnh biết Giáo sư Phạm Khuê và cả con giai của giáo sư nữa, thỉnh thoảng cũng được ngồi uống rượu với anh ấy…

- Ông Phạm Khuê thì thích nhiều thứ, vừa thích nhạc cổ điển, vừa thích nhạc mới.

- Còn ông thứ tư?

- Ông thứ tư là ông Tuyên đây (cười).

- (Cũng cười): Là nhạc sỹ rồi! Ông thứ năm là ông từng ở miền Nam và nay ở Mỹ mà ông vừa nhắc tới.

- Đấy!

- Đó là ông mà “gậy Trường Sơn” văng đến đâu thì chạy khỏi đấy (cười).

- (Cười):...

- Người ta nói chuyện này nhưng tôi muốn được nghe từ chính ông nói. Có phải là Bác Hồ đã có lần gặp ông và có dặn dò một số điều? Đó là những điều gì vậy?

- Tôi không được trực tiếp gặp Cụ Hồ nhưng nghe qua lời ông Huy Cận…

- Ông Huy Cận nói thế nào với ông?

- Nói là, cụ Phạm là người của lịch sử, hãy để cho lịch sử phán xét, các con cháu cứ yên tâm mà đi theo cách mạng. Lời dặn ấy về sau trở thành một lời phổ biến trong gia đình tôi. Hôm có mấy anh em phỏng vấn tôi, tôi bảo, mỗi người có một cách ứng xử, tôi không giống như một vài nhân vật khác, cũng gia đình quan lại nhưng được đối xử tốt như thế mà ra nước ngoài lại đổi giọng chửi đổng, chửi chả được cái gì cả.

- Vâng, chả để làm gì cả!

- Đối với đất nước thì lại thất thố.

- Đúng là thất thố!

- Thế thì cách của mình là vượt qua cái đó để mà có cách ứng xử đúng đắn...

- Với đất nước, với thời đại của mình thôi…

- Tôi có đọc được trên một tờ lịch có ghi câu nói của Bill Gates, tỷ phú Mỹ, rằng: “Cuộc sống vốn không công bằng, phải tìm cách thích nghi và vượt lên nó”. Đúng như thế, anh nào mà đòi hỏi cuộc sống lúc nào cũng phải công bằng thì luôn luôn là bất mãn. Gần đây tôi đọc những bài của Bùi Tín thấy rất không được. Ai lại viết như thế về đất nước mình, nhân dân mình...

Tôi nhớ ngày trước có lần tôi sang Campuchia khi đất nước Ăngco mới được giải phóng khỏi họa diệt chủng. Bùi Tín còn dẫn tôi đi, hai anh em nói chuyện với nhau, hồi đấy tôi đi với tư cách nhạc sĩ thôi. Nghe Bùi Tín nói lúc đó tôi đã kinh ngạc, ai lại một Phó tổng biên tập một tờ báo lớn mà lại ăn nói như thế, rặt chửi đổng… Không biết gì cũng chửi… Tôi nghĩ, làm như thế thì nhân cách con người sẽ bị mất đi…

- Làm người tử tế thì không nên ăn cháo đá bát!

- Tôi đọc sách tôi thấy, trong quá trình diễn ra các cuộc đảo lộn xã hội, ở nước nào cũng khó tránh xảy ra những vụ việc manh động, cả ở Pháp, ở Nga hay ở bất cứ đâu cũng từng như thế. Và mình phải chấp nhận và khi đã chấp nhận được thực tế lịch sử như thế thì anh sẽ tìm được nguồn an ủi, động viên. Nói thật với Hồng Thanh Quang, mình mà không được công chúng yêu âm nhạc dành cho những tình cảm thì mình khó vượt qua được, công chúng đối với mình tốt quá.

- Thực ra là vì ông có tài, những bài hát của ông cũng giúp ích cho mọi người… Tôi muốn hỏi ông thêm chuyện này, không biết có ai đã từng hỏi ông không. Người ta bảo phúc đức tại mẫu. Ông nhớ gì nhất về mẹ của ông?

- Mẹ tôi thì hiền vô cùng. Lúc mẹ tôi còn sống thì tôi là một trong những đứa con được chiều nhất.

- Ông là gần út mà, giàu con út khó con út, đúng không ạ?

- Sau chị tôi kể cho tôi biết chứ lúc bé tôi có biết đâu. Chị tôi bảo là, mẹ tôi đẻ tôi trong cái bọc, sau phải rạch ra. Nghe người ta bảo, đứa nào đẻ ra từ ở trong bọc là tốt lắm đấy nên mẹ tôi mới chiều. Thế nhưng ngược lại, ông cụ tôi lại bình đẳng, không phân biệt đứa nào với đứa nào.

- Con cái như nhau hết!

- Con cái đều được bố đối xử bình đẳng, còn mẹ tôi thì lại hơi ưu ái tôi một tí. Nhưng có đặc điểm mà về sau tôi mới biết được là, mẹ tôi không biết chữ mà thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ…

- Vợ quan Thượng thư, vợ học giả mà không biết chữ?

- Thế đấy, nhưng mẹ tôi có trí nhớ rất tuyệt vời. Khi cha tôi còn làm ở Hội Khai Trí Tiến Đức, người ta tới đóng tiền thì mẹ tôi nhớ hết, về sau đọc lại cho cha tôi ghi biên lai… Cuốn Ca dao tục ngữ Việt Nam mà cha tôi biên soạn là hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mẹ tôi…

- Cụ bà quê ở đâu, thưa ông?

- Bắc Ninh.

- Kỷ niệm cảm động về người mẹ mà ông còn nhớ đến bây giờ?

- Tôi chỉ nhớ là mẹ tôi hiền lắm, không bao giờ gắt mắng con cái.

- Bà cụ có hay bị chồng bắt nạt không? Vì quan Thượng thư rất là oai vệ, nghiêm khắc…

- Không, ông lại rất bình đẳng.

- Tôi xin lỗi, tôi muốn hỏi là học giả Phạm Quỳnh có đa tình không? Tôi nghĩ, văn nhân học giả thời xưa, quan lại thời xưa đều công khai đa tình, năm thê bảy thiếp. Vậy quan Thượng thư Phạm Quỳnh có lấy nhiều thê thiếp không ạ?

- Tuyệt đối không có! Cha tôi có một công trình nghiên cứu về hát ca trù rất công phu…

- Hát ca trù thì phải có đào nương…

- Công trình này về sau Viện Âm nhạc Việt Nam cũng cho in lại. Mấy người mới bảo, ôi trời, chắc cụ gặp nhiều đào nương lắm. Nhưng ngày ấy, nếu có ai hỏi ông về chuyện này thì ông trả lời, tôi lấy vợ sớm…

- Từ lúc bao nhiêu tuổi ạ?

- Từ năm 20 tuổi. Cụ ông và cụ bà bằng tuổi nhau. Mỗi khi ai hỏi về chuyện ca trù thì cha tôi bảo, gặp đào nương như thế, không bao giờ tôi nghĩ chuyện gì khác vì tôi lấy vợ sớm nên các cô đào nương chỉ bằng con mình thôi, nên tôi không bao giờ nghĩ gì với các đào nương ấy cả… Hồi xưa là thế...

- Nói thật, hồi sang Paris cách đây gần hai chục năm, tôi có dịp được đọc bài ghi chép của học giả Phạm Quỳnh kể chuyện “Kinh đô ánh sáng”. Đọc xong tôi mới giật mình, nói mình hậu sinh bây giờ mà viết thì cũng không thể bao giờ hơn được. Muốn nói gì thì nói, đó là một học giả cự phách.

- Về sau này có những nhà nghiên cứu về sử người ta mới nói, là qua đó mới thấy hóa ra đúng thật Phạm Quỳnh và Nguyễn Ái Quốc đã gặp nhau ở Paris, tâm sự với nhau rất nhiều. Cụ Hồ về sau có giao cho Huy Cận rằng, nếu vào kịp thì mời cụ Phạm ra đây để trò chuyện… Nhưng…

- Tôi hiểu… Trong suốt hoạt động của ông, chắc chắn ông chịu nhiều mặc cảm, sức ép thì những khi đó, ông đã suy nghĩ như thế nào? Điều gì tâm niệm để ông tận trung với Đảng, tận hiếu với dân suốt cuộc đời đến từng này tuổi và cái đó là tấm gương nỗ lực không phải ai cũng hiểu được?

- Lúc mà mình đến với Đảng là lúc rất hồn nhiên, hoàn toàn phù hợp với…

- Khao khát, hướng thiện của mình…

- Phù hợp với cái lý tưởng mình phấn đấu như thế. Trong cuộc đời gặp nhiều trắc trở nhưng lại được gặp nhiều người tốt.

- Đó là những ai, thưa ông?

- Khi mình ở bộ đội, tốt nghiệp Trường Lục quân về làm Đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Lúc ấy, Hiệu trưởng là ông Lê Chiêu, Thiếu tướng, về sau làm Giám đốc Bảo tàng Quân đội đấy.

- Bác Lê Chiêu giúp gì cho ông?

- Ông giới thiệu tôi vào Đảng. Lúc ấy mọi người hồn nhiên bảo anh này tốt thì vào Đảng được đấy… Sau này, gặp lại ông Lê Chiêu trên phố Lý Nam Đế, tôi có hỏi, việc anh giới thiệu một người có lý lịch như tôi vào Đảng thì có gây phiền phức gì cho anh không? Ông ấy bảo, cũng có chút ít thôi nhưng không sao; ai hỏi thì mình bảo Tuyên là người tốt, cần được kết nạp, mà nếu có là con quan Thượng thư thì chắc phải là con của bà ba, bà tư, tức là thuộc thành phần không bóc lột (cười).

- Có ai biết đâu Phạm Tuyên lại là con của bà cả và quan Thượng thư Phạm Quỳnh chỉ có một vợ thôi.

- Phải, một vợ thôi (cười).

- Đôi khi chúng ta cũng dễ hiểu nhầm tiền nhân, cứ nghĩ tiền nhân cũng như chúng ta mơ ước, có thể năm thê bảy thiếp (cười).

- (Cười): Đấy… Còn trường hợp thứ hai, khi mình được cử làm tổ trưởng một tổ giáo viên ở Trung tâm học vụ, trong tổ có cả Nguyễn Cảnh Toàn, rồi cả cụ Nguyễn Lân nữa... Mình thì trẻ quá mà vẫn được tín nhiệm. Có ý kiến bảo sao lại thế thì ông Võ Thuần Nho, em ruột ông Võ Nguyên Giáp, đứng lên nói, cậu ấy tốt lắm, không có vấn đề gì đâu…

- Cuộc đời của ông xem ra cũng có không ít những thăng trầm

- Tôi luôn luôn ý thức được, trong cái rủi phải tìm cái may...

H.T.Q.
.
.