Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng: Tóc bồng xanh mướt tài hoa

Thứ Ba, 05/05/2015, 16:05
Sau vài rào đón, Thắng ngồi xuống bên cạnh tôi, sôi nổi chuyện trò. Chúng tôi nói về âm nhạc, về tuổi trẻ, về những giấc mơ-xanh-ngắt. Mà chung quy thì, với Thắng cũng chỉ có âm nhạc và tuổi trẻ thôi. Bởi, những giấc mơ ấy Thắng dành cho âm nhạc. Trọn vẹn và nâng niu.

1. Thắng, giọng trong veo như trẻ nhỏ, khuôn mặt chẳng chịu già, cách nói chuyện cực sinh viên. Thật khó để hình dung anh chàng đang ngồi trước mặt tôi đôi năm nữa là chớm 30. Người lạc quan thường trẻ lâu. Hỏi Thắng có phải vậy không? Thắng cười giòn, chắc vậy. “Hồi nhỏ gia đình gặp biến cố, chứng kiến cảnh bao nhiêu đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi, buồn và thương ba mẹ dữ lắm. Nhưng rồi biết, ở cái tuổi của mình, không lo được. Thành ra, cứ gắng hết sức làm những chuyện trong khả năng và cố không để ba mẹ phải lo”. Thắng chẳng bao giờ đòi hỏi, vòi vĩnh đồ chơi, cũng chẳng theo chúng bạn học thêm. Tất cả đều tự lực xoay sở, tự làm đồ chơi, tự học đuổi kịp bạn bè.

Rồi Thắng kể chuyện “thiệt thòi” do… trẻ! Nhìn bộ dạng sinh viên từ đầu tới chân, ngày Thắng chưa nổi tiếng, nhiều ánh mắt nhìn Thắng nghi ngại pha lẫn ngạc nhiên: “Ủa, thằng này ngó vậy mà viết được nhạc hả?”. Bởi, người ta quen đóng khung, nhạc sĩ phải lãng tử, phong trần phải “ngông”. Còn Thắng, rụt rè và mộc mạc quá thể. “Nếu mình và một nhạc sĩ nữa cùng bước vào phòng trình bày bài hát hay dự án âm nhạc gì đó, thường người được chọn không phải là mình” – lời của Thắng.

Mà, cho đến bây giờ, ngay cả khi Thắng đã có danh, được nhiều người biết, thậm chí được ghi nhận bằng một giải thưởng – cá nhân tôi nghĩ đáng quý và đáng trọng với bất cứ ai làm nghề sáng tạo nghệ thuật – thì vẫn có nhiều người xỉa xói: “Ôi, thằng đó mà viết nhạc cái gì! Chỉ là một cú ăn may thôi! Để xem mai mốt nó làm được gì”.

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi cái tư duy, tuổi nhỏ thì làm được gì, biết gì vẫn đang hằn trong nếp nghĩ của không ít cá nhân. Thắng cực thông minh nên dư sức biết điều đó. Chỉ là, mỉm cười không thèm chấp. “Phạm Toàn Thắng là đứa rất thích giả nai nên ai nói Thắng giả nai là hoàn toàn đúng!” – Thắng cười hết cỡ, tự giễu mình. Tôi nghĩ, không có ai thích giả nai, giả hươu gì đâu.

Chẳng qua vì người ta thường mang cái nhìn, cái suy nghĩ của chính bản thân họ áp đặt cho người khác, buộc người khác phải thế này, thế kia. Và nếu có ai biểu hiện khác đi thì ngay lập tức trở thành “kẻ dị biệt”, nhất định phải xâu xé, chỉ trích, lên án, bủa vây chửi mắng mới thấy hả dạ. Thắng, như tôi nói, cực thông minh nên chọn cách “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Vài lần, những cái miệng chỉ trích thấy hớ người tự thẹn bóp lại. Đó cũng là một cách “lợi hại” đương đầu với thị phi.

Nói chuyện áp đặt cái nhìn, Thắng cáu lắm. “Mình ghét nhất cái thói đạo đức giả. Tràn ngập trên mạng xã hội, hễ có việc gì, chưa biết đầu đuôi, đúng sai ra sao, người ta cứ vác hai chữ đạo đức ra ném vào mặt nhau. Người ta nhân danh hai chữ đạo đức mà xỉa xói, chỉ trích, lăng mạ người khác mà không bao giờ tự nhìn lại, rằng hành động của họ có đạo đức hay không? Cái nữa làm mình hãi là các “thánh” từ thiện. Thấy ai mua sắm cái gì là y như rằng, sao không dùng tiền đó làm từ thiện.

Chi vậy hông biết! Tiền của người ta, muốn làm gì là chuyện của người ta. Hông lẽ mỗi lần thiện nguyện người ta phải báo cho mình biết, kiểu: “Ê mấy đứa, bữa nay tui tặng nhiêu đây nè, chiều về tui sắm cái túi hiệu, đừng có lên án tui nha”. Mốt, nhất định mình sẽ viết một bài hát về vấn đề này. Thiệt luôn”.

2. Viết nhạc, với Thắng là hoạt động thường ngày, từ hồi còn nhỏ xíu, như người ta ăn cơm, hít thở. Thắng thường ngồi lân la cạnh mẹ, đòi hát bài Thắng tự nghĩ ra cho mẹ nghe. Thắng tự ví mình là đứa mải vui và ham chơi. Chỉ cần cuộc vui thoải mái, Thắng chẳng hề chối từ. Thắng nói, có người viết nhạc trong phòng đóng kín còn Thắng cứ phải chạy nhảy vậy mới có chất liệu để viết. Thắng không muốn bỏ lỡ, trước mắt là những cuộc vui, sau hết là tuổi trẻ.

“Vì mình ý thức được, có những chuyện chỉ tuổi trẻ mới có thể làm được. Một khi nó qua đi, mình sẽ không bao giờ có lại được nữa”. Có lẽ vậy nên, Thắng trì hoãn danh vọng đến với mình. Thận trọng và từng bước một, để được trọn vẹn với tuổi trẻ. Điều mà tôi nghĩ không phải ai cũng đủ sức thắng cám dỗ quá lớn của hào quang, của sự tung hô rực rỡ.

18 tuổi, cái tên Phạm Toàn Thắng với hit Cô bé mùa đông tung hoành trên các bảng xếp hạng âm nhạc, là bài hát nằm lòng của bao cô cậu học trò. Người ta nghĩ, Thắng sẽ xếp chuyện học hành, dấn thân vào làng giải trí. Vậy mà, Thắng im hơi lặng tiếng, đứng ngoài sự tung hô. Thắng nhẹ nhàng vào đại học, lên giảng đường, đi mùa hè xanh, có mặt khắp mọi mặt trận xung kích của Đoàn.

Tưởng, giấc mơ âm nhạc đã chìm vào quên lãng thì 2010, Thắng trở lại với Uống trà, đầy trưởng thành, ngạc nhiên và lạ lẫm. Hóa ra, trong những tháng ngày tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đó, Thắng vẫn âm thầm tích lũy kiến thức âm nhạc, mày mò tự học là chính. Tích lũy để “làm một cái gì đó phải được sự tôn trọng về nghề nghiệp”.

Sau Uống trà, Thắng lại lặn mất tăm. Thắng đi làm công ty sự kiện, tổ chức event, làm marketting để kiếm tiền. Vì việc nhà chưa ổn định, Thắng muốn tự nuôi sống bản thân, vừa đỡ ba mẹ được một phần. Thắng rơm rớm nước mắt: “Mình nhớ hoài lần mình được phân công mua cuộn băng cassette với cuốn sách nhạc có mấy bài hát của Đội về tập cho các bạn trong lớp. Giá hai món đó là 10 ngàn. Mình về xin mẹ, mẹ quay lưng giấu nước mắt, nói mẹ không có.

Mình nghĩ tới nhiệm vụ phân công không được hoàn thành, ngồi khóc ngon lành. Hai mẹ con ôm nhau khóc suốt. Từ lúc đó, mình có suy nghĩ, ba mẹ cực khổ nhiều rồi, nhất quyết không được để ba mẹ lo lắng nữa”. Và cũng là để trải nghiệm cảm giác “mình đúng mà người ta nói mình sao mình cũng phải cắn răng chịu”, cảm giác “bị dí dead line là như thế nào”.

Chính cách sống tự lập, tập thỏa hiệp với những niềm vui đang có và những tháng ngày làm marketting, thăm dò thị hiếu khách hàng đã giúp Thắng có một cái nhìn tỉnh táo khi làm nhạc. Vừa thỏa hiệp được với ca sĩ, vừa thỏa hiệp được với khán giả lại vẫn giữ được chất riêng của Phạm Toàn Thắng. Hỏi Thắng, bây giờ đã có thể dùng nhạc để nuôi nhạc chưa? Thắng cười viên mãn: “Cũng đủ để xoay sở nhưng mình không bán nhạc nhiều lắm đâu”.

3. Sau Uống trà đầm ấm, bình yên và dung dị, là một Bốn chữ lắm vui tươi, nhí nhảnh, một Chạy mưa phảng phất suy tư, triết lý, một Bảy ly rượu nhiều trăn trở, đớn đau, vỡ mộng, một Lạc lọt thỏm giữa đám đông khi giấc mơ yêu vụn vỡ, rồi lại hóa ra một Dấu mưa nồng nàn, dịu ngọt. Với Thắng đó thực sự là một hành trình chông gai, đầy nỗ lực và nhiều cân nhắc.

Để thấy tự tin hơn và trả lời cho câu hỏi, mình thật sự cần gì và muốn gì. Niềm vui của Thắng, ngoài những giờ phút rong chơi là được thỏa thuê với những cuốn manga và những cuốn phim hoạt hình Nhật Bản. Tôi vẫn nghĩ khi người ta yêu và say cái gì đến tận cùng, đắm đuối, người ta sẽ thấm được cái chất, cái cốt của tình yêu đó. Trở lại câu chuyện hành trình, Thắng bảo, chính câu chuyện trong Honey and Clover đã thay đổi cuộc sống của Thắng, một cách sâu sắc và rõ nét.

“Mình nhớ mãi hình ảnh nhân vật xây tháp thanh niên làm đồ án tốt nghiệp. Tháp cứ cao lên nhưng xiêu vẹo, lúc bên này, lúc bên kia, cũng như tuổi trẻ của mình, cứ việc đi thôi, rất chông chênh, không xác định mình sẽ đi đâu, không biết mình đang xây cái gì. Cậu ấy mới quyết định tạm dừng việc xây dựng, đạp xe đi khắp nước Nhật, tìm kiếm bản thân mình. Những cuộc gặp gỡ, những lần chuyện trò mở ra trong đầu cậu ấy nhiều suy nghĩ. Một ngày, xe hư và tiền trong túi thì cạn veo. Để tiếp tục cuộc hình trình, cậu ấy xin theo cánh thợ tu sửa những công trình kiến trúc cổ xưa. Và cậu ấy nhận ra rằng, đam mê của cậu không phải là làm cái gì đó mới mà là đem lại giá trị cho những cái cũ. Sau khi có đủ tiền, cậu ấy tiếp tục đạp xe đến Hokkaido, đích đến của hành trình rồi trở về trường, lấy ghế đập nát tháp Thanh niên. “Tuổi trẻ của tôi không thể xiêu vẹo như vậy. Tôi biết mình cần làm gì rồi”. Đọc xong, mình quyết định nộp đơn nghỉ việc, trở lại với Uống trà”.

Ngay cả những lúc khó khăn nhất, Thắng vẫn không làm nhạc để kiếm tiền. Thắng dùng âm nhạc nuôi tâm hồn và giữ đam mê cho mình. Đến năm 2013, xem lại bộ phim hoạt hình đó một lần nữa, lúc này, cảm thấy đủ lực, đủ trưởng thành và đủ tiếng nói trong thị trường âm nhạc, Thắng quyết dứt khoát việc công ty, tập trung vào làm nhạc và bắt đầu tỏa sáng thực sự với rất nhiều bản hit.

“Nếu hỏi mình có tiếc nuối gì không, có lẽ mình chỉ tiếc rẻ, giá như hồi sinh viên, mình làm thêm nhiều hơn, để có thêm kinh nghiệm, mình được học nhạc bài bản hơn. Còn chuyện không tận dụng sức hút của Cô bé mùa đông để bước chân vô làng nhạc là nhiều người tiếc cho mình, chứ mình thì không. Mình biết mình chưa đủ lực. Cô bé mùa đông, với mình khi ấy chỉ là một cú ăn may. Mà sự nổi tiếng, được nhiều người biết thì nhất thời lắm và có thể thay đổi. Nhưng, sự tôn trọng nghề nghiệp giữ được rất lâu và giúp mình tự tin hơn rất nhiều” – lời của Thắng.

Tôi dự định viết một cái kết, đặt Phạm Toàn Thắng cạnh những gương mặt trẻ nhiều dấn ấn như Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Đỗ Hiếu, Phạm Hồng Phước. Chợt nhớ, Thắng đã nói với tôi một ý rất hay rằng: “Chuyện tương lai mình không biết trước được thế nào; nhưng hiện tại, âm nhạc là điều mình có thể. Tức là, làm một cái gì đó để mình có thể tự hào về tuổi trẻ của mình”. Tôi gọi Thắng và có lẽ những cái tên vừa liệt kê ở trên nữa là những-người-trẻ-hồn-nhiên. Hành trình âm nhạc của họ có lẽ chỉ mới bắt đầu. Nhưng tôi tin, với sự hồn nhiên và quyết đoán ấy, họ đã và sẽ đi trọn giấc mơ đời mình.

Hoàng Dung
.
.