Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Cõi mơ… xẩm
Mỗi lần gặp Nguyễn Quang Long, lại thấy anh đang tất bật chuẩn bị làm một đĩa nhạc nào đó, gặp một nghệ nhân nào đó, hoặc viết một cái gì đó liên quan đến nghệ thuật dân tộc. Và mỗi khi cần một tư liệu liên quan đến vốn âm nhạc cổ truyền thì Quang Long, với kỹ năng của một “anh giáo” có nhiều năm trên bục giảng, đã có thể trở thành một kho tư liệu sống trong vốn văn hóa dân gian, phi vật thể truyền khẩu ấy.
Như một mối nợ duyên, dù là một nhạc sĩ trẻ tuổi, sinh năm 1976, nhưng đã từ lâu Nguyễn Quang Long gắn bó và đam mê với nghệ thuật hát xẩm. Dường như tất cả mọi hoạt động âm nhạc của mình từ bao năm qua, Quang Long chỉ vì mục đích nghiên cứu và phục hồi nghệ thuật hát xẩm. Anh tham gia nhiều hoạt động, ở nhiều góc độ khác nhau: từ đi điền dã đến nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thông tin báo chí, biên tập, tổ chức biểu diễn… với mong muốn và mục tiêu lớn nhất mong xẩm có vị trí xứng đáng mà đáng lẽ ra nó đã có được trong đời sống tinh thần của người dân cả nước, ít nhất nó cũng được nhận diện trong gia đình âm nhạc cổ truyền dân tộc, tương đương với Quan họ, Chèo, hát Xoan, hát Ghẹo hay thể loại âm nhạc cổ truyền nào đó trên khắp đất nước.
Nói về điều này, Nguyễn Quang Long “bật mí”: Từ 2005 đến nay có lẽ 50% hoạt động âm nhạc của tôi dành cho xẩm. Giống như có một ai đó cứ luôn thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó cho xẩm, tôi cảm nhận thấy thế. Chẳng hạn như trước khi viết bài Tiễu trừ cướp biển, mặc dù tôi chưa sáng tác bao giờ, nhưng trong thâm tâm rất muốn có một bài để góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền biển đảo theo cách của riêng mình, vậy mà cuối cùng, một buổi chiều muộn lại mưa rơi tầm tã, đang trên đường đi làm về bỗng đâu vang lên trong đầu tôi một câu thật hóm hỉnh “Cái đường lưỡi bò, vô duyên, cái đường lưỡi bò”, tôi bật cười, rồi phải dừng xe lại lấy máy điện thoại ra và thu âm lại ngay câu hát đó. Hôm ấy về tôi viết một mạch và hoàn thành ngay trong đêm. Bài xẩm ấy ngay sau khi ra mắt đã lập tức được đón nhận nồng nhiệt.
Thậm chí đầu xuân 2015 vừa qua trong chương trình biểu diễn tại Paris của nhóm Xẩm Hà thành sau khi nghe hát bài này, các du học sinh trẻ đã chạy tới cứ liên miệng hát “Ấy là tai ách, ấy là tai ách” - một câu hát được lặp đi lặp lại trong tác phẩm rồi nói: “Nó cứ găm vào đầu, không sao quên được”
Có một kỷ niệm mà Nguyễn Quang Long nhớ mãi. Anh kể: Mười năm trước, hát xẩm hầu như không được nhắc tới, mọi người chỉ biết tới cụ Hà Thị Cầu ở Ninh Bình hát rất tài, thế thôi, chứ mấy ai đã được nghe một lần hoặc trực tiếp bỏ thời gian về tận Ninh Bình để nghe một cụ già hát dân gian? Một lần, tôi đang làm việc ở phòng thu của cơ quan (NXB Âm nhạc) thì nhạc sĩ Thao Giang, một người cũng nặng lòng với xẩm tới chơi. Biết tiếng và ngưỡng mộ tài năng ông từ lâu nhưng khi khi tiếp xúc thì tôi cảm thấy ấn tượng. Ấn tượng bởi sự hòa đồng nhưng càng phục ông khi ông chia sẻ về mong muốn tập hợp anh em các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ để phục hồi lại hát xẩm.
Vậy là tôi đã may mắn cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa là 2 người trẻ được đứng cùng hàng ngũ với GS.TS Phạm Minh Khang, các nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, các NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSƯT Thanh Ngoan… để bắt tay vào phục dựng hát xẩm. Phục dựng xong, thì phải có sản phẩm để đến với công chúng. Tôi đã thuyết phục bằng được ban lãnh đạo cơ quan và cuối cùng đĩa Xẩm Hà Nội đã ra mắt vào đầu năm 2006. Sau đó lại phải tính tới chuyện đưa xẩm xuất hiện trở lại nơi phố xá Hà Nội như ngày xưa nó từng hiện hữu.
Vậy là một chiến dịch đã được lập lên, chúng tôi đã đi vận động, thuyết phục thành công để rồi sân khấu âm nhạc dân gian Hà Thành 36 phố phường với đặc sản chính là xẩm đã trở lại hàng tuần tại chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, khi ấy cái tên Hà Thành 36 phố phường là do tôi đề xuất, lúc đầu còn gặp phản ứng ngay trong nội bộ nhưng sau mọi người đã thống nhất, thế là suốt từ 2006 đến giờ nó vẫn được duy trì với cái tên ấy.
Bên cạnh đó, cùng các đồng nghiệp tiền bối đã tổ chức phục hồi lại Lễ giỗ tổ nghề Hát Xẩm mà tôi chính là người viết phần kịch bản, lễ đầu tiên được diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội vào mùa xuân 2008. Song song đó chúng tôi thành lập thêm nhóm Xẩm Hà thành với mục đích duy trì hoạt động xẩm và tăng cường tính tương tác, chức năng truyền thông hết sức độc đáo của hát xẩm để xẩm đến gần hơn nữa tới những người trẻ tuổi. Cùng đồng nghiệp tổ chức được 2 đêm diễn riêng của nhóm Xẩm Hà thành tại Nhà hát lớn Hà Nội vào mùa xuân năm 2011 (đêm Xẩm Hà thành) và mùa xuân 2015 (đêm Xẩm và Đời)…”.
Nguyễn Quang Long chia sẻ rằng, anh may mắn vì được sinh ra tại vùng đất Kinh Bắc, một vùng đất mà thấm đẫm âm nhạc dân gian. 8 tuổi cậu bé Quang Long đã đăng ký học nhạc tại Nhà văn hóa tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay) và trở thành một cây đơn ca của đội thiếu niên - nhi đồng tỉnh trong nhiều năm. Ước mơ ngày càng lớn hơn khi anh chừng 12 tuổi một lần NSND Trần Hiếu về Bắc Giang biểu diễn, bố anh đã mời ông tới nhà chơi và nghe thử giọng hát, ông đã khuyến khích anh đi theo nghề nhạc.
Rồi thì mơ ước gần hơn nữa khi hết trung học anh thi đỗ thứ 3 vào khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, lần ấy đỗ đầu bảng là nữ ca sĩ nhạc Opera Lan Anh. Nhưng càng học Quang Long càng thấy không hợp với thanh nhạc, mà lại thấy mình có khả năng thiên về nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc. Nó như một liều thuốc tinh thần lớn giúp anh thêm quyết tâm thi vào chuyên ngành mà sinh viên học nhạc lúc ấy ai cũng ngại và nghĩ như một ngọn núi khó vượt qua.
Quang Long khẳng định rằng, anh thấy mình thật hạnh phúc với ngã rẽ này, bởi anh được là chính anh, tự tin và đam mê, sẵn sàng dồn hết nhiệt huyết vào những dự án âm nhạc do mình tự đặt ra, dù những dự án âm nhạc truyền thống, một thể loại âm nhạc đã dần dần bị khuyết mòn trong niềm đam mê của các bạn trẻ, nhưng anh tin rằng, mình không phí hoài bởi vì những giá trị vĩnh cửu của dòng nhạc truyền thống thì chưa ai có thể phủ nhận được vì nó đã tồn tại trong đời sống bằng chính những giá trị thường hằng của nó.
Một điều may mắn nữa, là ngay khi học xong đại học, Quang Long được nhận thẳng về làm việc tại Nhà xuất bản Âm nhạc, nơi là điểm tựa để anh được thực hiện những niềm đam mê của mình bằng kế hoạch âm nhạc hướng tới các di sản. Với việc mỗi năm thực hiện một album âm nhạc cổ truyền, cho đến nay, anh đã thực hiệc được 8 DVD về âm nhạc cổ truyền các vùng miền những DVD đã trở thành “nền tảng” về âm nhạc dân tộc mỗi khi ai đó cần tới như Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế - Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, các DVD Lối chơi quan họ, Âm nhạc và Múa Chăm, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan Phú Thọ, Ca trù Thăng Long - Hà Nội…
Để thực hiện được các bộ đĩa này cần khoảng một năm chọn đề tài, tìm hiểu qua các nhà nghiên cứu, các công trình nghiên cứu, băng đĩa rồi đi tiền trạm khoảng 3 lần, sau khi mọi việc đã sẵn sàng thì cả đoàn phim thường khoảng trên dưới 10 người mới trực tiếp vào thực hiện, thời gian quay hình cũng phải mất từ 10-20 ngày tùy theo từng dự án cụ thể... Hiện nay, ngoài những công trình đã có, Quang Long bắt đầu sáng tác và thực hiện MV đầu tiên về loạt xẩm truyền thông. Có nghĩa là xẩm hát những vấn đề xã hội quan tâm. MV đầu tiên đã quay xong đang hậu kỳ và sẽ ra mắt trong tháng 5 này.
Nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn tại Tượng đài Lý Thái Tổ - Hà Nội ngày 17/5/2015. |
Anh chia sẻ: “Tôi sẽ khai thác lại chức năng truyền thông của hát xẩm để đưa vào những đề tài đương đại. Thực tế ngay từ khi mới ra đời, do những người hát xẩm phải tự lấy lời ca tiếng đàn của mình làm kế sinh nhai nên để được người nghe cho nhiều tiền người hát phải hát những giai điệu và những nội dung mà người nghe quan tâm, nên yếu tố truyền thông đã hiện hữu từ đấy. Sự phản ảnh của xẩm mang tính phản biện, có thể đó là một vấn đề rất nóng nhưng truyền tải vui vẻ, dí dỏm song vẫn là một tiếng nói góp cho cuộc sống tươi đẹp hơn. MV đầu tiên này tôi lấy ý tưởng là Xẩm Trà Đá. Mấy ông nghệ sĩ nửa mùa cùng ngồi chém gió các vấn đề to tát của xã hội như vụ tắm ở công viên nước Hồ Tây, vụ chặt gỗ rừng ở Chư Pah dân làng lo quá tự tổ chức bắt bọn trộm gỗ hay bỏ con rơi, máy bay rơi… Nhưng rồi té ra là cả mấy ông này đều sợ vợ, nói chuyện thì lớn lao lắm, nhưng vợ gọi cái là phải về ngay mà lo chuyện nhà cửa. Với mục đích đưa sự dí dỏm, hóm hỉnh của xẩm để truyền tải nhẹ nhàng những thông điệp xã hội”.
Quang Long cho biết anh và một số người bạn đang chuẩn bị thành lập nhóm Tinh hoa nhạc Việt nhằm hướng tới việc giới thiệu, tôn vinh nghệ thuật âm nhạc cổ truyền tới công chúng, trước mắt ở quy mô nho nhỏ. Anh cho rằng, âm nhạc cổ truyền của ta có nhiều thứ hết sức hấp dẫn, càng tiếp xúc càng thấy độc đáo, nhưng hầu như nó không được chú ý, không có chỗ đứng trong đời sống hôm nay.
Điều này thật đáng tiếc, để cân bằng thì là một vấn đề lớn mà một hoặc một vài cá nhân không giải quyết được: “Tôi chỉ muốn góp phần giới thiệu nét tinh hoa của nhạc Việt để mọi người hiểu được và yêu mến nó theo đúng nghĩa của một khán giả yêu nghệ thuật chứ không ở góc độ bảo tồn và phát huy gì cả”.
Anh chia sẻ rằng muốn làm theo chủ đề, chẳng hạn như tháng này giới thiệu hát Văn, hát Quan họ, Chèo, Dân ca Hà Nam, hát Xoan, hát Then… và anh sẽ là người trực tiếp nói chuyện hoặc mở các cách tiếp cận để mọi người cùng bước vào thế giới nghệ thuật của mỗi loại hình. Thực ra thì mơ ước này ấp ủ trong Quang Long vài năm nay rồi, nhưng thời điểm tới đây có vẻ thuận lợi hơn khi anh có được sự tham gia nhiệt tình từ những người bạn cùng chí hướng với mình.
Tôi đã từng được ngồi nghe nhóm hát xẩm của nghệ sĩ Quang Long hát trên những chiếu xẩm ở chợ Đồng Xuân hàng đêm nhiều năm trước, hay ở góc phố, ở chân tượng đài Lý Thái Tổ, cũng đã từng được xem nhóm ngồi trên sân khấu Nhà hát Lớn để được phiêu linh cùng tiếng hát, tiếng đàn của một dòng nhạc đã đi vào dòng chảy truyền thống của dân tộc. Ở đó, dường như không còn phân biệt đâu là sân khấu lớn, đâu là sân khấu nhỏ, chỉ biết sâu lắng đến tận cùng là những âm thanh về như từ tiền kiếp, với những câu ca cứ luyến láy, ngân vang, cứ ám ảnh trong lòng người những dư âm bất tận.