Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Hãy thắp một ngọn nến

Thứ Sáu, 22/06/2012, 10:45
Nguyễn Cường ngồi trong căn phòng đầy bóng tối, những nếp nhăn đã hằn trên gương mặt phong trần của ông. Khác với những cuộc gặp với Nguyễn Cường lần trước, lúc nào ông cũng say sưa về dân ca, về Tây Nguyên, như trong ông chỉ có hai thứ đó tồn tại. Lần này Nguyễn Cường đến từ một góc nhìn khác, cận cảnh hơn và sâu thẳm hơn. Nguyễn Cường của khí nhạc. Ông nói, đó là  một cuộc độc hành của nội tâm…

1. Nguyễn Cường hào hứng chia sẻ về dự án Câu lạc bộ Thính phòng đầu tiên ở Hà Nội của mình. Hai đêm diễn, khó nhọc, vất vả về kinh tế. Nhưng có lúc, ông đã khóc vì hạnh phúc. Ông ấp ủ điều này từ 20 năm trước, nhưng đến bây giờ mới bắt đầu. Việt Nam vẫn có những bản sonate, concerto, có những người âm thầm viết khí nhạc, nhưng tất cả hầu như đều chỉ để trong cặp, trong ngăn kéo. Nhạc thính phòng chưa có đời sống ở Việt Nam với đúng tầm của nó.

Có một thực tế, khi các bản nhạc không được cất lên, thì nghệ sĩ nào cũng nghĩ mình là thiên tài, là đấng sáng tạo. Bởi anh không hề có áp lực và sự đào thải từ đời sống. Ai cũng hiểu để đánh giá một nền âm nhạc của một quốc gia, người ta chỉ nhìn vào khí nhạc, nhưng Việt Nam gần như là một cái gì đó quá xa vời ngay cả đối với những người sáng tác. Câu lạc bộ của Nguyễn Cường góp phần khỏa lấp cho khoảng trống đó. Một góc yên lặng, để cho những tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm hồn vang lên.

Nhưng những điều Nguyễn Cường ấp ủ còn lớn hơn thế. Ông tìm thấy một lối thoát, dù còn hẹp, cho âm nhạc thính phòng. Nơi gặp gỡ của những người sáng tác và người trình bày, với công chúng. Đó là những người trẻ, tâm huyết với dòng nhạc này, với tiền cát xê cho mỗi đêm diễn chỉ 500 ngàn đồng, con số quá khiêm tốn so với các ca sĩ thời thượng bây giờ. Nhưng với uy tín của mình, ông đã trở thành điểm kết nối, để cho những tác phẩm bị lãng quên trong các ngăn kéo của các tác giả có cơ hội ra đời sống, để các nghệ sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc này có nhiều hơn những cơ hội biểu diễn. Và mục đích thứ 3, có ý nghĩa đối với đời sống âm nhạc nước nhà, là xây dựng những khán giả biết nghe nhạc thính phòng. Như một ngọn lửa nhỏ thổi lên dù đang giữa mùa đông lạnh giá, vẫn đủ hơi ấm để lan tỏa…

2. Không phải đến bây giờ Nguyễn Cường mới viết khí nhạc, mới đăm đắm với nó. Nguyên cớ của câu chuyện hôm nay bắt nguồn từ những ước mơ, (có thể là hoang tưởng) của tuổi trẻ. Từ những ngày còn là cậu bé, bước chân vào học trung cấp nhạc, Nguyễn Cường đã nuôi giấc mộng học sáng tác. Nhưng thời đó, do những định kiến giai cấp, ông không được học chuyên ngành sáng tác. Nguyễn Cường chọn cây đàn cello.

Nhà nghèo, mẹ chỉ có 45 đồng, cộng thêm phụ cấp 45 đồng công tư hợp doanh, để nuôi 5 anh em ăn học. Nguyễn Cường, cũng vì gia đình thành phần nên không có học bổng. Nếu cắt cho ông 20 đồng, thì cả nhà bị đói. Thế là hơn 3 tháng trời, người bạn thân của anh, nhạc sĩ Cát Vận đã chia suất cơm của mình cho Nguyễn Cường. Dù suất cơm đó, một người ăn vẫn còn thòm thèm. Ba tháng, cả hai người gầy rộc vì thiếu ăn. May hồi đó, nhạc sĩ Hoàng Dương, thầy giáo của Nguyễn Cường, nhìn thấy tài năng của cậu học trò, đã kiên quyết bảo vệ và giữ anh ở lại. Nguyễn Cường nói rằng, nếu ngày đó, nhạc sĩ Hoàng Dương không ủng hộ thì không hiểu bây giờ số phận của ông đang đi về đâu.

Đó là một thời của tuổi trẻ, của lý tưởng. Một thời của khát vọng được khẳng định mình. Nhưng tôi hiểu, sau những nỗ lực đốt cháy mình của Nguyễn Cường, có cả những tự ái cá nhân, để chứng minh cho sự tồn tại độc lập của mình… Nguyễn Cường lao vào học. “Hồi đó tôi học như điên, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, tôi tự đặt ra chương trình cho mình, vì vừa muốn học sáng tác, vừa học cả cello”. Nguyễn Cường đến xin cô Tuyết Minh được học piano. Trong túi không có một xu. Đàn piano lúc đó là một ước mơ quá xa xỉ. Nguyễn Cường và Cát Vận nghĩ ra một cách học “cướp” đàn của đám sáng tác, thanh nhac, chui trong các lớp piano từ 5 giờ sáng, lúc mọi người đang say sưa ngủ. Sợ phát ra âm thanh, ông dùng chiếc khăn choàng mùa đông bịt kín cái búa để âm thanh chỉ vừa tai mình nghe. Cứ thế 4 năm ròng rã, Nguyễn Cường miệt mài từ 5 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm. Đói, rét. Bánh mì không có mà ăn. Nhưng âm nhạc cất lên, thì ông quên hết, cả nỗi mệt nhọc, nỗi sợ hãi phải học chui.

Ngày đó, nhà trường có những quy định rất khắt khe. Một người bạn của Nguyễn Cường cầm chiếc đàn nhị để trong hộp đựng violon mà cũng bị đưa ra kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường vì tội không an tâm nghề nghiệp. Nên việc học chui của Nguyễn Cường nếu bị phát giác sẽ bị đuổi học. Mỗi sáng có hai tiếng đồng hồ, có hôm say học, quên thời gian, chợt nghe tiếng gõ cửa, Nguyễn Cường giật mình. Chả ai nghĩ lại có môt gã nào mê học đến thế. Lần đó, Nguyễn Cường thoát hiểm.

Bốn năm ròng rã, miệt mài như thế, Nguyễn Cường ra trường đã có hai bằng, vừa cello vừa sáng tác (“bằng” tự phong). Có một ngọn lửa luôn cháy trong tâm hồn ông, ngọn lửa đó, lúc bùng lên dữ dội, lúc âm ỉ cháy qua những biến động của đời sống. Một lần, vào mùa đông, ông ngồi kéo đàn. Nước mũi chảy dài ướt cả đàn. Ông dùng chiếc khăn vẫn để bên cạnh để lau đàn. Ngẩng lên, ông giật mình. Chiếc khăn đỏ bầm máu. Ngày đó, Nguyễn Cường mới chỉ 20 tuổi…

Bốn năm, Cường chỉ nghỉ học có 8 buổi. Mùa hè, đám học trò tản mát lo đi chơi. Một mình Nguyễn Cường lọ mọ đến thư viện của trường, nghe nát những đĩa nhạc nổi tiếng của Mozart, Beethoven, Bach…

Hồi đó, Nguyễn Cường chỉ có một khát vọng duy nhất là học thành tài. Cái khát vọng ghê gớm đó đã giúp ông vượt qua những tháng ngày mệt nhọc của cuộc đời. Khát vọng đó mang theo cả những ảo tưởng của tuổi trẻ, mà ngay lúc này đây, khi đã ở tuổi 70, ông vẫn nói với tôi một giọng ngậm ngùi. Đó là những “ước mơ gãy cánh” của một thế hệ, của Nguyễn Cường, của nhạc sĩ Dương Thụ, của Trần Tiến, của Phó Đức Phương… Ước mơ Mozart  Beethoven, Tchaikovsky. Nhưng họ chỉ viết được phần ca khúc. Còn một phần chìm, mà ông luôn đau đáu trong mình, phần khí nhạc… Nguyễn Cường vẫn lặng lẽ viết. Những bản nhạc phủ mờ bụi thời gian.

Nhưng ông vẫn may mắn hơn nhiều nhạc sĩ khác khi 4 trong số rất nhiều tác phẩm khí nhạc của ông có cơ hội vang lên trong những buổi biểu diễn hiếm hoi ở Việt Nam: Bản Tứ tấu đàn dây, Hòa tấu 99… Và không gian âm nhạc thính phòng, là cơ hội để Nguyễn Cường nâng đỡ ước mơ của mình. 

3. Ông là một nhạc sĩ và những danh xưng khác đối với ông chưa bao giờ quan trọng. Nguyễn Cường nói, ông luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu nhạc sĩ của mình. Thế là đủ. Còn những vướng bận thị phi, những đua chen trong đời, ông không màng. Ông tự nhận mình là người biết chấp nhận mọi điều trong cuộc sống. Bởi Nguyễn Cường quan niệm, được sinh ra trên đời, được sống qua những thời kỳ quá nhiều biến động của đất nước, đối với một nghệ sĩ như anh, đã là điều hạnh phúc. Bởi, vốn sống với người nghệ sĩ vô cùng quan trọng.

Có một câu chuyện, ám ảnh ông đến tận bây giờ, dù chuyện xảy ra hơn 20 năm trước. Đó là năm 1984, trong một buổi chiều, Nguyễn Cường ngồi nghêu ngao ghi ta với bạn bên một quán nước vỉa hè ở Phổ Yên, có một cậu tiếp phẩm đẩy chiếc xe cút kít đi qua. Cậu ta nhận ra Nguyễn Cường, bèn xin, cho em hát với anh được không. Chàng thanh niên văn hóa lớp hai, may ra chỉ viết được tên của mình, hồn nhiên ca Điệp và Lan. Nguyễn Cường nghe sởn cả gai ốc. Ông khen cậu ta hát hay. Cậu nghiêm nghị: “Em rút ruột rút gan mình ra em hát đấy”… Nguyễn Cường giật mình: “Trong trường hợp này thì anh văn hóa lớp 2 ấy là thầy của tôi rồi”. Ông không đọc sách nhiều, mà Nguyễn Cường sống sâu trong đời sống, những chiêm nghiệm, những đúc kết của ông mang hơi thở của đời sống, từ đời sống mà ra… Thế nên, trong mắt Nguyễn Cường, cuộc sống lúc nào cũng đáng yêu. Ông không thích buồn: “Tôi từ chối nỗi buồn, bởi tôi hiểu nỗi buồn”. Ông tâm niệm: “Mỗi người hãy thắp lên một ngọn nến hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.

4. Nguyễn Cường vốn rất kín tiếng trong chuyện đàn bà, chuyện tình yêu. Ông nói, đó là một góc riêng của đời sống, ông muốn giữ lại cho riêng mình. Từ thời sinh viên, nhóm bạn của Nguyễn Cường, có 4 người đã ký với nhau một bản cam kết, “cách ly với phụ nữ”. Thế mà, suốt một thời trẻ đó, chỉ Nguyễn Cường giữ được cam kết. Còn 3 người kia thì “phá giới”. Chàng cao bồi của phố cổ ấy không biết đã làm bao trái tim đàn bà thổn thức. Và ông chắc cũng từng đau đớn, hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng Nguyễn Cường giữ kín những bí mật đó. Bởi ông là người tôn sùng tình yêu, như một tín đồ. Tình yêu, với Nguyễn Cường, là tuyệt đối và vô cùng.

Đối với Nguyễn Cường, không có mối tình đầu và tình cuối, “Tôi không bao giờ chấp nhận câu thơ của Xuân Diệu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, với tôi, yêu là chết trong lòng một kiếp. Và nếu yêu lần nữa, mình sẽ được hồi sinh thêm một kiếp”. Rồi ông hát, vẻ hồn nhiên, mê đắm trong tình yêu: “Ôi tình yêu tình yêu là gì, mà suốt cuộc đời không ai dễ một lần qua”. Nguyễn Cường chỉ tâm đắc một câu thơ về tình yêu của nhà thơ Nazim Hikmet, mà ông chỉ nghe Xuân Diệu đọc một lần: “Khi ta đạt tới em cũng là lúc ta hiểu ta chưa đạt tới bao giờ”. Nghệ thuật cũng như người phụ nữ, không bao giờ người nghệ sĩ có thể đạt tới và chiếm lĩnh được nó. Và Nguyễn Cường, trên chặng đường dài không mỏi mệt ấy, vẫn miệt mài làm việc. Từ nhu cầu nội tâm của chính mình, từ nỗi buồn, niềm vui của chính mình. Và từ những sâu thẳm chân thành ấy, ông đã gặp tha nhân.

Cứ mỗi buổi chiều rảnh rỗi, Nguyễn Cường lại đi bộ từ Hàng Bạc lên tận Ô Chợ Dừa ăn cơm với con gái và cháu ngoại… Một chặng đường không quá dài nhưng đủ cho ông ngẫm ngợi về những nhịp đi chậm của cuộc sống. Bởi phía sau sự ồn ào hoạt náo của ông, vẫn còn những nỗi niềm không chạm tới...

Việt Linh
.
.