Nhạc sĩ, NSƯT Phan Huấn: Ngân mãi khúc quân hành

Chủ Nhật, 03/04/2016, 10:39
Ông lịch lãm trong chiếc áo măng tô sang trọng, mái tóc đẹp ngang vai toát lên vẻ hào hoa, phong lưu của người nhạc sĩ, nghệ sĩ, đã có mấy chục năm trên sân khấu, trên bục giảng, mang tiếng hát, tiếng đàn của mình đến mọi miền đất nước. Ông là người đầu tiên thể hiện các ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng như "Bộ đội về làng", "Đàn Tràng", "Sông Đắk Krông mùa xuân về", "Hành khúc ngày và đêm"...


Một buổi chiều cuối xuân cùng ông ngồi bên li cà phê trong một con phố của Hà Nội. Trong không gian cổ kính của Hà Nội xưa, người nghệ sĩ tuổi quá thất thập cổ lai hi vừa thoáng nhìn mưa bay, vừa hát lại một điệu nhạc xưa cũ, một điệu nhạc tôi đã từng nghe suốt tuổi thơ ấu trên những chiếc loa phường được phát đúng giờ qua các kênh radio, hoặc đó là khi cha tôi mở kênh FM của Đài Tiếng nói Việt Nam có chương trình ca nhạc cách mạng. Ông đã hát những âm thanh quen thuộc ấy, thật khó có thể mờ phai trong ký ức của nhiều người: "Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng tôi còn nhớ mãi/ Ước mong sao đến khi nào trở lại/ Đón mừng anh vui chiến thắng về qua/…".

Nghệ sĩ Phan Huấn như được nhớ lại cả một thời vang bóng, gương mặt sáng bừng lên những ký ức, ông bảo, đó là những năm tháng có ý nghĩa nhất đời, được đi khắp nơi, đón nhận bao nhiêu tình cảm của khán giả, được hát hết mình giữa đất trời, trên những sân khấu lớn có hàng ngàn người là dân quân, bộ đội, là nhân dân lắng nghe. 

Ông từng hát trong bom đạn của chiến tranh, được nếm trải đủ mọi vui buồn mất mát, được sống trở về sau nhiều lần chết hụt dưới làn đạn bom của quân thù... Phan Huấn cũng là người thể hiện đầu tiên tác phẩm “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Tô Vũ, phát liên tục tại quảng trường Ba Đình khi nhân dân biết Bác lâm trọng bệnh và những ngày tầm tã mưa trong tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1969. Với ông, tất cả như một đặc ân của số phận ban tặng!

Nhạc sĩ Phan Huấn chia sẻ rằng, ông đến với âm nhạc như một định mệnh. Cha mẹ ông vốn là người say mê âm nhạc cổ truyền, nên từ nhỏ, những giai điệu của liền anh, liền chị đã ngấm vào ông. 

Năm 1954, Phan Huấn đã có cảm xúc viết về bộ đội khi về giải phóng Thủ đô. Sau đó ông tham gia cuộc thi đơn ca tại TP Hải Phòng và đoạt giải nhất, rồi được giới thiệu vào Trường Âm nhạc Việt Nam tại Khoa Thanh nhạc hệ chính quy 4 năm do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. 

Khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn Ca múa Hồng Quảng (giờ là Quảng Ninh). Năm 1967, ông được chuyển về Trường Sư phạm nhạc họa Trung ương, là người đầu tiên viết giáo trình thanh nhạc cho trường, đồng thời góp công đào tạo những giáo viên âm nhạc ngay từ thuở ban đầu. Phan Huấn cũng là thầy của nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi danh của dòng nhạc chính thống. Ông đã tu nghiệp tại Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bulgaria). Năm 1985 ông về nước, làm chuyên viên ở Bộ Giáo dục rồi về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Ca sĩ, nhạc sĩ Phan Huấn thời trẻ.

Nhạc sĩ, nghệ sĩ Phan Huấn tâm sự: Làm công việc của một người đào tạo, đồng thời là một diễn viên, tôi có may mắn được đi khắp mọi miền Tổ quốc. Những năm 1960, tôi đào tạo lớp thanh nhạc cho Hồng Gai (Quảng Ninh) và hát cho công nhân ở hầm lò, cho đồng bào ở Đông Bắc nghe. Trong kháng chiến chống Mỹ, nghệ sĩ đã đến các công trường, trận địa, vùng sâu, biên giới, hải đảo.

Những tác phẩm do ông thể hiện đầu tiên đều được đông đảo người nghe ghi nhận và cổ vũ như: "Bộ đội về làng" (Lê Yên), "Hành khúc ngày và đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Sông Đắk Krông mùa xuân về" (Tố Hải), "Đàn T'rưng (Nguyễn Viêm), "Tiếng hát dâng Đảng" (Lưu Hữu Phước), "Tình ta biển bạc đồng xanh" (Hoàng Sông Hương)... 

Đặc biệt ca khúc "Hành khúc ngày và đêm" được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu "chọn mặt gửi vàng" ngay từ khi sáng tác, nên khi thể hiện đã góp phần cổ vũ cho lớp lớp các chiến sĩ ra trận. Ông đến khắp các chiến trường, có lần ông hát trực tiếp nơi phòng bệnh dã chiến, với những yêu cầu của thương binh trước khi chết muốn nghe Phan Huấn hát, đó là những kỷ niệm sẽ đi theo ông suốt cuộc đời.

Nói về NSƯT Phan Huấn, nhà thơ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: "Ký ức lại sáng lên đêm mùa đông Tây Nguyên 1974, giữa cuộc âm thầm chuẩn bị cho những bất ngờ tháng 3/1975". 

Ở trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột, bỗng nghe vang qua đài bán dẫn một giai điệu mang âm hưởng Tây Nguyên da diết: "Anh bắc qua năm tháng/ Chiếc cầu phao âm thanh/ Đời hai đầu mưa nắng/ Đàn mắc võng tâm tình... ". Nghe mới biết đó là ca khúc "Đàn T'rưng” của Nguyễn Viêm (thơ Huy Cận). Người làm thơ đã quá tuyệt chiêu khi chọn được cái tứ hiểm hóc này. Cái sự nói hai đầu mơ hồ của tình yêu đã được Huy Cận triển khai đến tận cùng tứ thơ: "Anh cùng em ta nối/ Qua trăm suối ngàn đèo/ Tiếng quê hương vời vợi/ Như dậy rừng nứa reo…". 

Nhạc sĩ Nguyễn Viêm cũng không phải là vừa. Anh đã thả hồn nhạc hòa quyện với hồn thơ đến mức không thể tách rời. Đặc biệt nhất là anh đã sử dụng cung bậc Tây Nguyên bay theo nhịp 7/8 của ví dặm Nghệ Tĩnh. Một nhịp điệu thuần Việt, để tạo nên một hiệu quả chinh phục bất ngờ. Ca khúc phổ nhạc nhuần nhuyễn đến mức không thể chê vào đâu. Ca khúc hay là thế, người thể hiện nó trên làn sóng điện phải đủ bản lĩnh tới chừng nào mới có thể chuyển tải được sự lấp lánh của tác phẩm. Phan Huấn đã thực hiện điều đó xuất sắc. 

Nghe "Đàn T'rưng” qua giọng ca Phan Huấn, thấy bị hút hồn, thấy niềm tự hào của người lính đứng chân trên mặt trận Tây Nguyên những tháng năm thắt ngặt này. Ngày tôi gặp nhà báo Cao Nhị, cùng ông trao đổi về "Đàn T'rưng", Cao Nhị đã khen cách thể hiện của Phan Huấn không ngớt. Ông còn cho tôi biết, để giữ được giọng, Phan Huấn đã phải tập thể dục đều đặn và tuyệt đối không hút thuốc, uống trà, uống rượu. Nhưng "Đàn T'rưng" mới chỉ là khối âm thanh thẩm mĩ nạp năng lượng cho lính Tây Nguyên trước khi vào trận. 

Ca sĩ, nhạc sĩ Phan Huấn.

Ca khúc "Sông Đắk Krông mùa xuân về" mà Phan Huấn thể hiện qua làn sóng phát thanh mùa xuân năm 1975 mới thực sự chắp cánh cho lính Tây Nguyên bay vào chiến địch Buôn Ma Thuột tháng 3/1975. Bay bổng quá. Dạt dào quá. Giọng hát Phan Huấn đã đồng hành cùng chúng tôi trong những ngày lịch sử đầy bụi đỏ của miền đất bazan".

Từ một ca sĩ, Phan Huấn bắt đầu cầm bút sáng tác khi cùng đoàn thương binh Minh Hải ra Hà Nội viếng lăng Bác trở về Cà Mau. Ở nơi chót cùng đất mũi của Tổ quốc, Phan Huấn đã có cảm xúc viết ca khúc "Vùng trời cuối đất một tình yêu". Ca khúc này NSND Thu Hiền thể hiện và được rất nhiều người mến mộ đón nhận. Dường như cảm xúc được thăng hoa, nên đến mọi vùng miền của Tổ quốc như Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh, Hà Nội... Tỉnh Bắc Giang gọi ông là người viết được ví như "tỉnh ca” cho họ với bài "Bắc Giang màu xanh yêu thương". 

Với Hà Nội, Phan Huấn cũng có những giai điệu da diết đầy kỷ niệm gắn bó như "Nói với Hồ Gươm", "Hà Nội ơi màu xanh", "Phố bên sông"... Ở vào tuổi ngót 80, dù không còn đứng trên sân khấu, không còn đứng trước chiếc micro quen thuộc để thu âm, nhưng nhạc sĩ, NSƯT Phan Huấn vẫn viết, vẫn sáng tác những lúc trong lòng ông dâng lên mạch cảm xúc. Ông viết để ghi lại ký ức của những năm tháng mưa bom bão đạn để lại xanh mướt giai điệu êm đềm của những miền quê.

Giáo sư Dương Viết Á, chuyên về mỹ học và âm nhạc đã nhận định: "Phan Huấn đã đem lại cho người yêu nhạc đầy cảm xúc, đem lại tiếng hát tròn rõ, lời ca rất tinh tế ấn tượng, có bản lĩnh riêng, sáng tạo trong học thuật. Kể cả trong sáng tác ca khúc. Phan Huấn còn là người đưa ra những chính kiến về thanh nhạc đăng trên tạp chí, trên diễn đàn bàn về "ca hát rõ lời” của mấy chục năm về trước, Phan Huấn xứng đáng là một trong những nghệ sĩ tài năng chuẩn mực của nước nhà…".

Nhiều người ở thế hệ trước mỗi khi nghe giọng hát trên đài phát thanh đều nhận ra Phan Huấn. Không biết bao nhiêu vùng miền Tổ quốc vẫn nghe ông hát trên sóng phát thanh, trên những chiếc loa phường đầy ký ức của nhiều vùng quê, thành thị... ông đã để lại dấu ấn trên mỗi vùng đất đi qua. 

Nói như nhà báo Cao Nhị về Phan Huấn trong một bài báo cũ: "Tài năng không bao giờ là chuyện tình cờ. Bên cạnh một cái giọng tốt, phải bao nhiêu mồ hôi lao động nữa đổ vào thì người nghệ sĩ mới phát ra được những âm thanh kỳ diệu làm rung động hàng triệu trái tim. Phan Huấn đã công phu rèn luyện và bảo vệ giọng hát của mình".

Tôi hỏi ông còn nhớ kỷ niệm nào sâu sắc thời còn đi hát trong chiến tranh. Ông nhìn xa xăm nhớ lại một thời quá khứ. Ông kể: Khi còn đang ác liệt "chọi loa", "chọi cờ" tại vĩ tuyến 17 những năm 1963, tôi được Hội Nhạc sĩ cử cấp tốc cùng một số văn nghệ sĩ đi chiêu hồi quân VNCH tại cầu Hiền Lương sông Bến Hải. Và tôi đã hát qua loa sắt công suất rất mạnh ca khúc “Quê tôi” của nhạc sĩ Lưu Cầu, còn thấy quân VNCH hàng đoàn như phục tùng im lặng ngóng nghe... Tôi cũng có duyên với những làn điệu cổ truyền dân tộc. Thường xuyên trình diễn trên sóng phát thanh với những làn điệu dân ca các vùng miền. 

Có lần, thật bất ngờ và xúc động khi một cụ già tóc bạc phơ người dân tộc miền núi về tận Đài Tiếng nói Việt Nam đòi gặp tôi bằng được vì tôi đã hát một bài dân ca cổ của dân tộc cụ mà tưởng không bao giờ được thấy nữa. Bảo vệ của Đài phải thưa rằng, nhà anh Phan Huấn không phải ở đây, đây là đài phát sóng nơi anh ấy đến làm việc thôi...”.

Giờ đây, dù đã ở tuổi gần 80, ông vẫn có thể hát vo nhiều ca khúc, giọng ông dù không được cao và ngân vang như thuở trước, nhưng vẫn là ông, không lẫn vào đâu trong giọng hát trời phú của riêng mình. Và ông đã hát cho tôi nghe trong một buổi chiều tháng ba đầy kỷ niệm, giữa rất nhiều gió và cái lạnh còn sót lại của mùa đông. Ca khúc “Hành khúc ngày và đêm” mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trao gửi cho ông ngay từ khi những nốt nhạc còn trên bản thảo. Một ca khúc mà ông nhiều lần biểu diễn thành công. 

Để biết rằng, trong trái tim yêu thương của người nghệ sĩ già, vẫn còn một ngọn lửa nồng ấm, rạo rực, hào hoa như thuở ban đầu khi đắm chìm trong âm nhạc, trong biểu diễn và trong sáng tác: “Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran/ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…”. 

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.