Nhạc sĩ Mặc Hy: Hương thời gian còn mãi

Thứ Năm, 07/01/2010, 16:22
Bạn bè văn nghệ - và có lẽ không chỉ trong giới văn nghệ - khi bàn định về một nhân vật, một tác phẩm, thường bảo nhau: "Đừng vội tâng bốc. Sự sàng lọc của thời gian là nghiệt ngã lắm!". Cũng có khi lời bàn có tính cách trung dung: "Thời gian là thước đo công bằng nhất".

Quả là có không ít tác phẩm, không ít văn nghệ sĩ vụt trở thành "sao", xuất hiện ồn ào một thời gian rồi tắt lịm. Nhạc sĩ Mặc Hy có lẽ là một trong số không nhiều văn nghệ sĩ có số phận khác thường; nếu tính theo "tần số" tác phẩm được trình diễn thì hình như thuở ban đầu, Mặc Hy cũng xứng đáng là một "sao" với hai ca khúc "Lúa Vàng" và "Gặp nhau dưới trăng".  Hai ca khúc xuất hiện từ hơn nửa thế kỷ trước, nhưng tôi đoan chắc rất nhiều thính giả từng trải qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đến nay vẫn còn nhớ lời ca với âm điệu êm dịu, tình cảm, đậm chất thôn dã của hai tác phẩm này.

"Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng tang tình tang… Lúa ơi, từng nhánh lúa thơm rơi…" (Lúa vàng).

"Đêm qua tát nước sau đình, ra về anh bỏ quên (bỏ quên) cái áo vắt trên cành (trên cành) bông hoa sen…" (Gặp nhau dưới trăng).

Công bằng mà nói, nếu tôi không nhầm thì "Gặp nhau dưới trăng" được nhiều người biết hơn, nhất là khi được thu đĩa ở Liên Xô, được phát nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng ca của nghệ sĩ Thương Huyền. Ca khúc này là tiết mục thường trực của nhiều liên hoan văn nghệ ở hầu khắp các miền. Nhưng "Lúa vàng" thì lại có lịch sử oanh liệt hơn. Hơn nửa thế kỷ sau khi sáng tác, nhạc sĩ Mặc Hy mới có điều kiện kể lại hoàn cảnh ra đời của "Lúa vàng". Đó là sau khi tác giả dự lớp Văn nghệ quân đội Liên khu Tư tại Thanh Hóa. Lớp học gồm trên 70 cán bộ chiến sĩ làm công tác văn nghệ được tổ chức theo lệnh của Thiếu tướng - Tư lệnh Nguyễn Sơn, kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ tháng 3/1949.

Vị tướng yêu văn nghệ này đã tập hợp được rất nhiều người tài: từ Hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Đình Lạp (tác giả tiểu thuyết "Ngoại ô") đến các giáo viên Chu Ngọc, Trúc Quỳnh, Hoàng Uẩn (kịch); Lê Yên, Phạm Văn Chừng, Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn (họa)… Sau lớp học, 15 học viên trẻ - trong đó có Mặc Hy - xung phong vào "Bình Trị Thiên khói lửa"; đội trưởng là anh Đình Quang, hai đội phó là Bửu Tiến và Phạm Duy.

Chính trong chuyến đi này, Mặc Hy, khi từ vùng núi về một làng giáp ranh ở đồng bằng, một sáng thức dậy thấy bên ngoài là cánh đồng lúa chín vàng rực. "Một tứ thơ, một ý nhạc chợt nảy ra trong óc tôi. "Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng tang tình tang…". Nét nhạc uốn lượn như sóng lúa, nhẹ nhàng êm ái…Bài hát hoàn thành trong một đêm cuối năm 1949 ở vùng Kế Môn, Đại Lược, huyện Phong Điền, Bắc Thừa Thiên…". Nhạc sĩ Mặc Hy đã viết như thế trong một trang hồi ức của mình…

Tôi lần mở những trang hồi ký của nhạc sĩ Mặc Hy, sau khi đến thắp hương tưởng niệm bên linh cữu của ông tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 10/2009. Phải! Tác giả của "Lúa vàng", người "hát xẩm" đã đi hầu khắp đất nước phục vụ nhân dân khi râu tóc đã bạc phơ vừa để "cho gió cuốn đi" - nói theo một lời ca của Trịnh Công Sơn - cùng với những tình ca vượt thời gian" của mình. Ca khúc "Lúa vàng" từng được chọn vào "Tuyển tập 100 ca khúc tiền chiến và những tình khúc vượt thời gian" (NXB Phương Đông, 2007) đến nay vừa tròn 60 năm ra đời, còn tác giả của nó hưởng thọ trên 80 tuổi.

Khi tôi mua vòng hoa kính viếng nhạc sĩ theo sự ủy nhiệm của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, người bán hoa nói nhỏ: "Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vừa mua vòng hoa ở đây…". Cho dù có một thời chìm nổi, long đong, nhưng nhạc sĩ Mặc Hy vẫn thuộc hàng trưởng lão trong Hội Nhạc sĩ Việt Nam - từ năm 1955, Mặc Hy đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Ca vũ nhạc Hà Nội, từ năm 1957 tham gia giảng dạy bộ môn Âm nhạc cổ truyền tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Trên một tấm ảnh tư liệu về Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tháng 5-1957), chúng ta thấy Mặc Hy bên cạnh những Lê Lôi, Nguyễn Đình Phúc, Phan Huỳnh Điểu… rồi Lương Ngọc Trác, Doãn Mẫn…--PageBreak--

Với hầu hết anh chị em ở Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế hôm nay thì có thể nói nhạc sĩ Mặc Hy chỉ mới hiện diện khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, sau chuyến anh và nhà văn Trần Nguyên Vấn trở lại thăm chiến khu Dương Hòa năm 1986 cùng với những cựu chiến binh Trung đoàn 101 anh hùng, mặc dù anh có duyên nợ với vùng đất Cố Đô từ hơn nửa thế kỷ trước.

Cũng trong chuyến đi này, tôi mới biết ông chính là tác giả của "Gặp nhau dưới trăng" - bài hát mà lứa tuổi như tôi hầu như ai cũng thuộc. Và thật tình cờ, tôi có người bà con là một thầy giáo dạy Trường Đồng Khánh, Huế, trước 1975; biết nhạc sĩ Mặc Hy trở lại Huế, ông đã nhờ tôi tặng lại nhạc sĩ bản in bài "Lúa vàng" do NXB Tinh Hoa ấn hành tại Huế năm 1950. Bản in nhuốm màu năm tháng, đã mòn rách đôi chỗ, nhưng với Mặc Hy, đó là tặng phẩm vô giá.

Thì ra, "Lúa vàng" không chỉ vượt thời gian mà còn là tác phẩm vượt tuyến (vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước), được phổ biến rộng ở miền Nam trước năm 1975, được thu đĩa và trình diễn ở nước ngoài. Sau này tôi mới được biết, có lần anh Mặc Hy ghé thăm nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An đã bất ngờ và xúc động đến run người khi thấy gần hai chục cô tuổi trạc ngũ tuần cùng đồng ca "Lúa vàng"! Thì ra văn nghệ có những giá trị phổ quát vượt lên sự khác biệt chính kiến, tuổi tác, vùng miền… Bây giờ thì điều ấy đã được thừa nhận như một lẽ đương nhiên - ca dao, Truyện Kiều, thơ văn Nguyễn Trãi… dưới chế độ nào cũng được đưa vào sách giáo khoa.

Vậy nhưng mấy chục năm trước, việc "Lúa vàng" được in ở thành Huế tạm chiếm đã thành một "nghi án" Mặc Hy từng "dinh tê" theo địch, là một vết đen bí mật trong lí lịch chàng nhạc sĩ trẻ đã đồng hành cùng chiến sĩ trên nhiều chiến trường. Chuyện này, mãi đến năm 1980, khi Mặc Hy về hưu, mới biết; còn tôi thì vừa được nghe trong lời điếu do nhà văn Trần Nguyên Vấn đọc tại lễ truy điệu nhạc sĩ Mặc Hy!

Trước đó, tôi cũng có lúc thoáng nghĩ: Ông bạn nhạc sĩ già này hẳn có điều chi trục trặc nên một thời đáng gọi là "sao", nhưng rồi lặn gần như mất tăm suốt mấy chục năm. Tôi không tiện hỏi ông vì sợ chạm đến nỗi đau riêng; mà đất nước trải qua những biến động như thế, có biết bao nhiêu số phận chìm nổi. Thì ra là có một "nghi án" như thế. Có người còn nói nhỏ với tôi rằng, nhạc sĩ Mặc Hy bị chuyển về Sở Ăn uống Hà Nội hồi năm 1959 còn vì có lỗi "yêu đương gì đó"! Chẳng biết hư thật ra sao, nhưng trước một nhạc sĩ với cây đàn "tình tang", với những tình khúc vượt thời gian như Mặc Hy, con gái không yêu ông mới là chuyện lạ!

Mặc dù quen thân với ông hơn hai chục năm qua, nhiều lần ông đã đến đàn hát tại nhà tôi mỗi dịp về thăm Huế, nhưng cũng qua điếu văn, lần đầu tôi mới biết ông tên thật là Lê Mạnh Chí, sinh tại Thanh Hóa, mới để ý đến quãng đời có thể gọi là oanh liệt của ông, khởi đầu từ Cách mạng Mùa Thu Tháng Tám. Xuất thân trong một gia đình nhà giáo ở thị xã Thanh Hóa, Lê Mạnh Chí rời Trường Collège de Thanh Hóa là bước chân ngay vào con đường cách mạng, hoạt động âm nhạc ở nhiều đơn vị vũ trang: Từ Ty Công an Thanh Hóa, đến Đội Võ trang tuyên truyền mặt trận Tây tiến, từ Đội Tuyên truyền Trung đoàn 77 (Mặt trận Trung Lào) đến "Bình Trị Thiên khói lửa"…

Những năm trước, tôi không quan tâm đến lý lịch của nhạc sĩ Mặc Hy vì thấy ông hiện diện bên mình với nụ cười mãi trẻ, với bộ râu, mái tóc bạc trắng như một Ông Tiên, với cây ghi ta thùng cổ điển luôn sẵn sàng bập bùng hòa nhịp với giọng hát mê say của ông với những "Lúa vàng", "Gặp nhau dưới trăng", rồi "Hương thời gian", "Em đi qua đời tôi", "Về lại chiến khu xưa"…ở tất cả những nơi ông đặt chân đến, chẳng bao giờ biết đến tiền cát-sê, khiêm tốn chỉ nhận mình là người hát xẩm; chỉ từng ấy đủ để yêu quý ông.

Đến nay, nhìn lại quãng đời trai trẻ của ông, tôi mới thật hiểu ông, hiểu vì sao ông có thể sống trọn đời với niềm say mê ca hát, không một lời oán thán về những điều ngộ nhận và thua thiệt trong cuộc đời. Chính là những kỷ niệm đẹp đẽ thời trai trẻ như là suối nguồn trong trẻo không thể bị vùi lấp, vẫn âm thầm truyền nhựa sống cho người nhạc sĩ-cựu chiến binh mê say hát tình ca cho đến cuối đời. Trong một bài thơ tình Mặc Hy viết năm 1981, có đoạn: "Dù số phận có dập vùi, cay đắng / Ngăn cách ta thành đôi ngả em ơi /Ta vẫn giữ mối tình ta thầm lặng/ Như nước ngầm chảy mãi giữa dòng khơi".

Còn trong bài hát "Về lại chiến khu xưa" viết sau chuyến thăm lại chiến khu Dương Hòa nơi thượng nguồn sông Hương - bài hát đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được in trong tập "30 năm ca khúc Việt Nam 1975-2005" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Mặc Hy đã viết: "…Ôi nhớ sao là nhớ. Nhớ biết bao mẹ già đã quên mình nuôi đàn con chiến sĩ thắm bao tình quân và dân kết nghĩa…". Tình nghĩa ấy, nguồn mạch ấy đã tiếp sức cho ông mang tiếng hát tới gia đình các anh hùng Vai, Kan Lịch, A Nun ở vùng cao A Lưới, đến đỉnh Hải Vân, đến tận Điện Biên… Những kỷ niệm, những chuyến đi "hát xẩm" như thế đã được ông kể lại trong hàng loạt bài đăng trên báo "Nhân Dân".

Trong bài "Đi hát xẩm ở A Lưới" (Báo Nhân Dân hằng tháng, 8/1997), khi kể lại chuyến đi gần một tháng ròng này, Mặc Hy đã viết: "Đêm giao lưu này giữa núi rừng Pa Cô thật thân tình, ấm cúng, cảm động, cho tôi sống lại những năm tháng còn là diễn viên Văn công Quân đội thời chống Pháp. Tiệc rượu sắn, nhắm với sắn luộc và chuối chín, của chủ nhà chiêu đãi khách, kéo dài suốt đêm… ở cái tuổi cổ lai hy như tôi, còn được cầm đàn đi hát cho đồng bào miền núi nghe, được thăm lại chiến trường xưa, tôi thầm nghĩ: Thật là hạnh phúc…".

Ông còn mở lớp dạy đàn cho đến cuối đời mình, ông đã truyền lại niềm say mê âm nhạc cho mấy ngàn học trò. Năm 1995, ông sáng tác bài "Hành khúc người cao tuổi" và đã chỉ huy 500 cụ ở quận Ba Đình trình diễn tại vườn hoa trước cột cờ Hà Nội, với sự phối hợp của Đoàn Quân nhạc. Bài hát có đoạn viết: "Dù gió với sương đã phai bạc mái đầu. Tuổi càng cao, chí khí càng cao. Nêu gương cho cháu con…".

Ông viết điều ông đã làm. Tất cả sự nghiệp của ông - những kỷ niệm đời bộ đội, sáng tác âm nhạc, thơ tình và thơ trào phúng, các bài viết của ông về bạn bè và bạn bè viết về ông - đã được tập hợp lại trong 3 cuốn sách đều có tên là "Hương thời gian". (tập 1 gồm 15 tình khúc, Sở Văn hoá thông tin Thừa Thiên  Huế in năm 1993; tập 2 gồm 29 tình khúc, NXB Âm nhạc in năm 2003 và tập 3 là tuyển tập văn thơ nhạc, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội in năm 2005). Ông "chơi" trò độc đáo - ba cuốn sách cùng tên - hẳn là để thầm tỏ lòng biết ơn thời gian, dù là nghiệt ngã, vẫn luôn dành ít nhiều hương thơm cho ông để lại với cuộc đời…

Nguyễn Khắc Phê
.
.