Nhạc sĩ Giáng Son: Những vệt buồn…
- Nhạc sĩ Giáng Son: "Em mơ những mùa hoa nhỏ"
- Giáng Son đã hết cô đơn
- Nữ nhạc sĩ Giáng Son: Vẫn "giấc mơ trưa"
1. Những lúc viết là lúc Giáng Son được sống trọn vẹn trong thế giới của mình, một thế giới của thiên đường, của sắc màu, của những nỗi đau có thật. Ở đó, chị, người đàn bà trót sinh ra để gắn bó đời mình với âm nhạc như một định mệnh ấy, đã tự do bay trong thế giới của mình. Giáng Son nói, ở thời điểm này, cuộc sống của chị tĩnh lặng hơn. Dường như đã thấu triệt mọi lẽ được mất ở đời. Nỗi buồn cũng sâu kín hơn. Niềm vui cũng thăng hoa hơn.
“Bóng tối jazz”, một bản hòa tấu của niềm đau, của nỗi vui đã được chưng cất từ những năm tháng trải nghiệm đó. Giáng Son đã mang đến một không gian âm nhạc khác, gai góc và ám ảnh. Đó là một câu chuyện tình, những khát khao cháy bỏng khi chạm tới tình yêu và ngay cả khi họ mất nhau, những dằn vặt, tiếc nuối. Blues jazz là chất liệu để chị thỏa sức vùng vẫy trong những ngóc ngách tâm hồn mình. Ở đó có nỗi buồn, có nỗi đau và có cả niềm hy vọng. Tất cả những ẩn ức của tâm hồn đều được phơi bày trong ký ức của bóng tối.
“Khi viết là lúc tôi được sống với chính mình, với những gai góc, xù xì, hoang dại nhất trong tâm hồn mình”. Có lẽ, chỉ blues jazz như một cô gái đẹp, sang chảnh, và trí tuệ mới đủ cho Giáng Son vùng vẫy trong thế giới đó. Nỗi buồn, đau khổ hay hạnh phúc trong blues jazz là nỗi buồn có thật, là máu thịt chứ không thể vay mượn.
Tôi đã ngồi một mình trong bóng tối, tĩnh lặng, và chỉ có âm nhạc của Giáng Son, để được sống trọn vẹn trong thế giới của chị. Có những bài hát viết ra để chỉ dành cho Hà Trần và có những bài chỉ để dành cho Tùng Dương. Họ đã gặp nhau trong sự đồng điệu tuyệt vời của những tri âm. Tiếng hát vượt qua mối quan hệ cộng sinh của ca sĩ và nhạc sĩ, trở thành cuộc đối thoại của những tri âm. Hà Trần và Tùng Dương đã một lần nữa, đưa âm nhạc của Giáng Son chạm tới tâm hồn người nghe bằng chính sự thấu hiểu nhau đến độ. Tôi đắm chìm trong không gian của Giáng Son, của nỗi đau, nỗi buồn được chưng cất, dồn nén. Có đau đớn đấy, có tê buốt đấy, nhưng đó là những nỗi buồn rực rỡ, những nỗi buồn đẹp, chạm tới sự thánh thiện trong tâm hồn.
Ai đó nói rằng, âm nhạc của Son mới mẻ quá, khó nhập vào những cái tai đã vốn quen với pop. Sao Son tự làm khó mình thế. Giáng Son cười, nếu chiều theo thị hiếu để lấy số đông thì dễ quá. Chị không chọn con đường ngắn đó. Giáng Son miệt mài trong hành trình của mình. Bởi Giáng Son luôn làm nghề với tâm thế cống hiến. Những gì chị viết, có thể tìm thấy sự đồng cảm trong nhân gian, dù không nhiều, đã là hạnh phúc.
Nhưng, những gì chị viết, có thể ghi dấu về thời đại mình đang sống, để một khoảng lùi nào đó, nhìn lại, sẽ thấy âm nhạc Việt đang trên một dòng chảy, không bị ngắt quãng bởi trào lưu chỉ sống bằng hoài niệm, quá khứ. Vâng, có một thế hệ những nhạc sĩ làm nghề lặng lẽ, âm thầm, đang thắp lên những đốm lửa trong đêm như thế. Họ đang ở trong phần chìm của thế giới truyền thông quá xô bồ và náo loạn bởi những thứ vàng thau lẫn lộn.
Nhưng vẫn còn đó, những Giáng Son, Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Sa Huỳnh v.v... những con tằm đang rút ruột nhả tơ, mang đến những sắc màu mới cho âm nhạc Việt đương đại. “Tôi tin mình không đơn độc vì trong thế giới hỗn loạn, chiêu trò của showbiz, vẫn có những người làm nghề tử tế và cống hiến, tôi tin, rồi đến lúc nào đó, vàng sẽ là vàng và thau sẽ là thau, chứ không thể vàng thau lẫn lộn như lúc này”.
Và Giáng Son, trên nền blues jazz, đã đưa ta về với cội rễ của âm nhạc dân tộc. Chị nói, chị là người Việt Nam và chị viết cho người Việt, vì thế những bài hát của chị đều đi ra từ gốc rễ của truyền thống.
Cái chất dân gian ngấm vào Son từ thuở bé đã trở thành chất liệu để người nghệ sĩ tha hồ trưng trổ những ngón tay tài hoa của mình. Bởi người nhạc sĩ, điều hạnh phúc là tìm được những tri âm. Giáng Son sống trọn vẹn với tâm thức đó, nên bao nhiêu năm, chị vẫn chưa có ý định rời xa Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bởi bài hát, viết ra nếu không có khán giả, như người tình không có tri âm, sẽ cô độc, sẽ buồn lắm.
2. Cuộc sống của Giáng Son gắn với âm nhạc từ những ngày thơ bé theo chân mẹ đi dạy múa chèo ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ngày đó, ai cũng nghĩ rằng, lớn lên Son sẽ theo nghiệp chèo của bố, nhạc sĩ Hoàng Kiều. Có lẽ cũng là số phận, khi cụ Hoàng Kiều đặt tên chị là Giáng Son - một nốt son giáng rất ít gặp trong bản nhạc. Nhiều năm mải mốt, chị không kịp hỏi ẩn ý của bố.
Giờ thì ông cũng đã nhớ nhớ, quên quên. Nhưng gia tài lớn của bố - nhà nghiên cứu chèo hàng đầu Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Kiều, đó chính là tâm thế sống lặng lẽ sáng tạo và cống hiến. Nền tảng giáo dục của gia đình đã định hình nhân cách của cô bé Giáng Son từ nhỏ. Và khi con người mang đủ trong mình tri thức, trí tuệ và bản lĩnh, thì mọi ba động của đời sống, những cám dỗ của cuộc đời không bao giờ chạm được vào họ nữa.
Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp âm nhạc, 5 cô sinh viên thành lập ban nhạc Độc đáo chơi đàn ở các quán cà phê, quán bar. Ngày đó, Son bé tí tẹo, vác cây đàn 20kg đi khắp nơi, có lúc người khuỵu xuống vì quá nặng. Thế rồi cả nhóm quyết định lập nhóm hát 5 dòng kẻ. Nhóm 5 dòng kẻ đi hát, từ những sân khấu lớn bé, từ Sài Gòn- Hà Nội…
Cuộc sống của Giáng Son đã trải qua đủ cung bậc. Chị cũng hiểu, đời sống của một ca sĩ, những xô bồ, thậm chí cả những cám dỗ của đời sống. Ngày đó, đi diễn ở các quán bar xong, đêm khuya, Son lủi thủi về một mình, dường như cuộc sống của chị, ngay từ tuổi trẻ nông nổi và bồng bột ấy, cũng đã là một tông khác biệt. Son thấy mình chẳng liên quan gì đến những cám dỗ hay xô bồ đó.
Rồi đến khi tách nhóm ra, mỗi người đi một hướng, Giáng Son trở về thế giới của mình, sống sâu với tâm hồn mình. Hình như đó là Giáng Son thực thụ, một Giáng Son của đam mê mãnh liệt. Son không viết những bài hát chỉ vì một xúc cảm tức thời, mọi sự sáng tạo của chị đều có ý thức. Bởi bản năng chỉ đi đường ngắn, không bao giờ tới đích. Chị viết không nhiều. Có những bài hát viết từ 10 năm trước, nhưng bây giờ mới tung ra. Bài hát cũng có số phận của nó.
Son chia sẻ những niềm vui về những khán giả ruột của chị, có lẽ đó là một tầng lớp nào đó, văn minh, tiệm cận với những giá trị mới mẻ. Sự tung hứng của khán giả, làm cho người nghệ sĩ hạnh phúc. Bởi với chị, không có gì hạnh phúc hơn khi bài hát trở thành kỷ niệm, vùng ký ức của tâm hồn con người.
Tôi ngồi với Son ở một góc phố nhỏ Hà Nội, địa chỉ “ruột” của Son và đám bạn nghệ sĩ thường gặp nhau, tụ bạ. Mọi sự trên đời tùy duyên. Son không cố tìm kiếm hay khoác cho mình những chiếc áo hào nhoáng. Cả những mối lương duyên bạn hữu trong đời. Với Son đều bắt đầu từ hai chữ nhân duyên.
Giáng Son thư thả, hàng ngày đi xe buýt từ khu đô thị Ecopark sang trung tâm Hà Nội. Thư thả sống và viết. Thỉnh thoảng buồn, chị lại xách ba lô lên đường, đi để cảm nhận đời sống, để những buồn vui, gai góc của đời sống va đập vào chị. Bởi Son quan niệm, người nghệ sĩ không thể ở trong tháp ngà, những điều chị viết đều đi ra từ những vui buồn của cuộc sống này. Và may mắn, những điều chị viết đều tìm được tri âm.
Tôi hỏi Son, nhiều người nghĩ rằng, phải sống gai góc, xù xì thì âm nhạc mới dữ dội. Còn chị, lành lẽ và dịu dàng thế, sao âm nhạc của chị dữ dội, ám ảnh. “Không nên mang cái xù xì trong tâm hồn mình vào đời sống. Tôi vẫn tin và tôn trọng những giá trị chuẩn mực của cuộc sống này, không thể viện cớ mình là nghệ sĩ thì có đặc quyền này nọ. Cứ sống tử tế, và thuần khiết. Còn khi sáng tạo, mình được tự do trong thế giới của chính mình”.
Tôi vẫn nhớ Giáng Son, trong buổi chiều Hà Nội giá buốt ấy. Chị mặc chiếc áo lông màu trắng, tinh khiết. Tóc buộc cao, sang trọng. Son mặn mà, đằm thắm với tuổi của chị. Và trong cả buổi chiều cảm xúc ấy, Son đã kể cho tôi về những giấc mơ, những giấc mơ được viết bằng một thứ âm nhạc đẹp và tinh khiết trong tâm hồn chị. “Cứ tin đi thôi, ngày mai, rồi cuộc đời sẽ khác, những giá trị sẽ được trả lại đúng vị trí của nó”. Giáng Son cười, nụ cười tan trong cơn gió đông se sắt chiều lạnh vắng.