Nhạc sĩ Giáng Son: "Em mơ những mùa hoa nhỏ"

Thứ Ba, 23/04/2013, 14:47

Ngồi với Giáng Son ở quán cà phê vỉa hè đúng nghĩa. Chị váy hoa giản dị, gương mặt gần như không son phấn. Chị nói cười nhẹ nhàng, không có một từ sáo ngữ nào trong câu chuyện. Một buổi trưa tháng tư, mưa nhè nhẹ. Chị làm tôi yêu quý, vì những giây phút bình yên đến thơ mộng, những câu chuyện đời thường đến chân tình. Chị cho tôi một khoảng lặng giữa bộn bề phố phường, công việc. Chị, một ca sĩ, nhạc sĩ, nhưng tuồng như không bao giờ thuộc về những ồn ào, màu mè showbiz.

Giáng Son làm những gì trong một ngày? Chị bảo, thì cũng bình thường như bất kỳ một người phụ nữ bình thường nào khác trên đời thôi. Buổi sáng chị lên lớp với các em sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh. Cô giáo Giáng Son có rất nhiều học trò thanh nhạc. Chiều về lại làm việc tại một số công ty truyền thông, nơi họ mời Giáng Son cộng tác với vai trò biên tập âm nhạc. Trừ những lúc có công việc bận rộn phải đi, còn lại chị dành thời gian chăm sóc gia đình. Dù chưa có tiếng trẻ nhỏ bi bô trong căn nhà của vợ chồng chị, nhưng vun vén cho từng bữa ăn gia đình vẫn luôn là công việc chị say mê. Hạnh phúc vốn có gương mặt giản dị. Giữ lấy hạnh phúc, bằng những quan tâm nho nhỏ, những chiều chuộng và chăm chút nho nhỏ, chị thường tự nhắc mình như vậy. Còn chút thời gian rảnh trong ngày, chị ngồi vào bàn viết. Viết, như một cách nhìn sâu vào cuộc sống, vào chính mình, và trút bỏ những nghĩ suy đã được chắt lọc lên trang giấy trắng.

Tôi đã nghe rất nhiều ca khúc của Giáng Son. Chị là một trong những nhạc sĩ nữ đương đại mà tôi thích. Mỗi lần nghe ca khúc chị viết, những Cỏ và mưa, Chút nắng vàng bay, Giấc mơ trưa, Trôi trong gương, tôi vẫn thường tự hỏi, làm thế nào chị có thể giữ được một tâm thế bình an đến ngạc nhiên như vậy. Cả giai điệu lẫn ca từ trong bài hát của chị đều mang ta về một miền tĩnh lặng, nó  đầy ắp trong trẻo của tuổi trẻ mà cũng đầy ắp suy ngẫm. Như là một “giấc mơ trưa”: “Em nằm em nhớ/ Một ngày trong veo/ Một mùa nghiêng nghiêng/ Cánh đồng xa mờ/ Cánh cò nghiêng cuối trời...”. Giáng Son có thể là một nhà thơ, bởi nếu ta tách lời bài hát ra khỏi âm nhạc, thì không ít bài hát của chị có thể trở thành một bài thơ hay.

Tôi hỏi Giáng Son: Chị làm cách nào mà tránh xa được đời sống ồn ã, tốc độ ngoài kia? Chị đang sống trong lòng của nó, sao khi viết, chị như ở ngoài nó vậy? Giáng Son cười, đôi mắt long lanh thơ trẻ. Chị bảo, mình ít ra đường lắm. Có việc phải đi thì đi, chứ đến những nơi ồn ào mình cảm thấy không được thoải mái. Đường sá thì nguy hiểm, giao thông loạn xạ đến mức mỗi khi đi ngoài đường trở về đến cửa nhà, mình luôn có cảm giác nhẹ nhõm như vừa thoát hiểm. Nhìn cái cách mọi người tham gia giao thông ngoài đường, mình nghĩ, chúng ta đang sống quá gần cái chết. Mình đi đâu cũng không bằng cái tổ ấm của mình, nó bao chứa mình, hiểu mình, chia sẻ với mình. Ra ngoài đường cảm giác cô đơn nó ùa đến...

Thật khó hình dung có lúc Giáng Son đã làm ca sĩ, chạy sô hàng ngày, áo quần son phấn để lên sân khấu hàng ngày. Nghĩa là làm một phần nhỏ trong đời sống showbiz hào nhoáng. Bởi nhìn chị từ phong thái đến cách nói chuyện, đến trang phục tuồng như chẳng còn chút dấu ấn nào của những ngày tháng ấy. Giáng Son chia sẻ: “Ngay cả lúc còn ở nhóm 5 Dòng Kẻ, đi hát hàng ngày với các bạn, mình vẫn luôn có cảm giác mình không thuộc về thế giới ấy. Nhóm nhạc sau nhiều nỗ lực, cuối cũng cũng đã được công chúng ghi nhận. Mình rời xa nhóm vào thời điểm nhóm đang “ăn nên làm ra”. Nhiều người không đồng tình, cho là mình ngu ngốc. Và mình, dù lý trí mách bảo phải rời đi, nhưng tình cảm thì vẫn lưu luyến muốn ở lại. Mình phải đấu tranh với chính mình. Đời sống biểu diễn không phải không có sức hấp dẫn của nó. Ánh đèn hằng đêm, tiếng vỗ tay của khán giả luôn có một ma lực không dễ từ bỏ. Mà con đường của mình, con đường trở thành một người sáng tác, vẫn còn đang mù mịt trước mắt. Nhưng rồi mình đã quyết định được. Dẫu thế nào thì mình vẫn cảm thấy, nhu cầu được viết, được ngồi trong bóng tối, phía sau cánh gà, trong im lặng là lớn hơn cả. Mình quay về cuộc sống đời thường, gắn bó với nghề dạy học, cũng là truyền thống của gia đình. Và khi viết một bài hát nào đó, mình mới thấy được là chính mình một cách thực sự”.

Giáng Son nói, chị không lựa chọn sống trong hay ngoài showbiz. Chị làm nghề điềm nhiên, và sống như một người bình thường nhất có thể. Chị sợ những ảo tưởng, vốn là “cái bẫy” đã lừa mị không ít người, khi họ dấn thân vào nghệ thuật. Những “bất thường” cũng từ đấy mà sinh ra. “Mình đi dạy học, thấy nhiều bạn trẻ hôm nay hoang tưởng về nghệ thuật quá. Các em nghĩ, trở thành một người nghệ sĩ là rất dễ, không cần đến tài năng và sự khổ luyện. Nhiều em gia đình khá giả, được bố mẹ đầu tư tiền tỉ để thành một ngôi sao. Nhưng mình luôn muốn chỉ ra các em thấy sự khó khăn, khắc nghiệt của nghệ thuật. Những em không có tài, mình bảo ngay, em hãy chọn nghề khác. Đừng phí công theo đuổi một ước mơ hão huyền, khi mà em không có thực lực thực sự để biến nó thành hiện thực”.

Nghệ thuật, nó có thể mang lại vinh quang, nhưng cũng có thể là sự hủy hoại đối với những kẻ bất tài, ảo tưởng. Song vì sao ngày càng có nhiều bạn trẻ sẵn sàng làm thiêu thân lao vào thị trường âm nhạc. Họ mơ sẽ thành ngôi sao, sau đêm ngủ dậy, chỉ bằng nhiều tiền và nhiều chiêu trò. Giáng Son giải thích: “Các em nghĩ thế, làm thế, là bởi trong đời sống có quá nhiều ví dụ để các em thấy mình có thể trở thành. Không ở đâu nhiều ca sĩ như ở Việt Nam mình. Chỉ cần có chút nhan sắc, rồi tìm cách ầm ĩ trên truyền thông, là thành nhân vật hot. Càng lắm chiêu trò, càng tai tiếng càng nổi tiếng, cát-sê càng cao. Cũng trên truyền thông, các em thấy, đời sống của các ngôi sao sao mà xa xỉ thế. Họ kiếm tiền như nước, ở nhà biệt thự, đi xe siêu sang. Nếu như các ngành nghề khác kiếm tiền khó khăn, chật vật, thì nghề ca hát kiếm tiền dễ như ra vườn hái quả vậy. Rồi các công ty đào tạo nghệ thuật nữa, luôn sẵn sàng dung nạp bất kỳ bạn trẻ nào, miễn là có tiền, chả cần đoái hoài đến cái gọi là tài năng. Và họ đưa ra thị trường những sản phẩm thảm họa. Và làm cho đời sống biểu diễn trở nên nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn”.

Giáng Son nói, nhìn những gì đời sống biểu diễn đang bày ra đấy, cỏ và hoa lẫn lộn ấy, đôi lúc chị thấy buồn. Chị sợ sự phù phiếm. Chị muốn được thoải mái trong cái góc im lặng của chính mình, như một cách bảo toàn cho những giá trị cuộc sống mà chị hướng tới. Ngoài cánh cửa ngôi nhà của chị, dường như mọi thứ cứ đang điên lên vì tốc độ. Người ta chỉ thích những tính từ như hot chẳng hạn. Một ngôi sao ăn mặc phản cảm, hát nhép, phát ngôn bừa bãi, là tâm điểm của sự quan tâm trên các diễn đàn, các trang báo mạng. Những cái lấp lánh bề ngoài, sự giả tạo và giả dối luôn có cơ hội được trở nên hot. Còn lòng tốt, sự tử tế, sự cống hiến thực sự thì không, và vốn không thể hot.

Vì lẽ đó, Giáng Son chọn một đời sống bình dị. Một ngôi nhà nhỏ, bên một người chồng không phải đại gia, hàng ngày sau buổi đi làm về, chị đi chợ, nấu nướng, thu vén như một người phụ nữ bình thường. Và khi sáng tác, chị được là một người nghệ sĩ, với những bay bổng, tự do đúng nghĩa. Không một ai có thể can dự vào thế giới riêng ấy của chị.

Giáng Son chia sẻ: “Mình thấy đối với những người sáng tạo, xã hội chưa có một cơ chế bảo vệ tốt. Người ta đầu tư cho thể thao rất nhiều tiền, nhưng không mấy người quan tâm đến việc đầu tư cho văn hóa, cho những giá trị làm giàu có đời sống tâm hồn của con người. Mình vẫn tự an ủi mình, là dẫu sao mình là nhạc sĩ, đời sống của mình còn khá hơn các nhà văn, nhà thơ. Dù vậy, vẫn ước ao giá mà những người sáng tạo ra các giá trị tinh thần cho xã hội được bảo hộ tốt hơn, để họ không bị quay quắt với mối lo thường nhật, thì họ có thể cống hiến được nhiều hơn…”

Trách nhiệm công dân của một người sáng tạo, xét đến cùng, đó là ý thức định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Nhạc sĩ Giáng Son, trong các sáng tác của mình, đã luôn đặt song song lên hàng đầu hai vấn đề chất lượng tác phẩm và định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ. Chị không nói về mình như vậy, nhưng, nghe tác phẩm của chị, ta có thể cảm nhận thấy điều đó. Âm nhạc có thể mang đến những gì đáng kể nhất? Đó phải chăng là những giấc mơ của đời sống, những khoảnh khắc tâm hồn được chạm vào cái đẹp, cái hoàn mỹ, sự yêu thương và chia sẻ… Trong âm nhạc của Giáng Son, ta bắt gặp một cái Tôi nghệ sĩ trữ tình, âm tính và trong trẻo, trên nền của văn hóa dân gian rất rõ. Chị thuộc lớp nhạc sĩ trẻ, rất đương đại, rất mới, nhưng luôn có ý thức kế thừa truyền thống. Nhờ vậy, các tác phẩm của chị chạm được vào tình cảm của nhiều lớp khán giả, mà không chỉ là khán giả trẻ….

Có một dư âm gì rất ngọt đọng lại trong tôi, khi Giáng Son cầm ô đi trên vỉa hè, lúc rời quán cà phê vỉa hè. Một buổi trưa tháng tư mưa nhẹ. Chị là người phụ nữ hạnh phúc, vì chị biết chọn con đường riêng để đi. Một con đường rất tĩnh lặng, ẩn khuất, bình dị mà tràn đầy âm nhạc. Niềm vui của đời sống chúng ta, đôi khi chỉ cần như vậy là đủ, như “chút nắng vàng bay”, với  “Những dòng sông vẫn trôi trong lành/ Em mơ những mùa hoa nhỏ/ Từng nhành hoa mỏng manh…”

B.N.T.
.
.