Nhạc sĩ Đức Trí: Gã đầu trọc đi ngược trời mưa

Thứ Tư, 18/04/2012, 15:50
Đã đôi lần viết về Trí nhưng tôi vẫn còn cái ham muốn viết thêm về anh, thật cụ thể, như đúng hình dung của tôi về anh. Nhưng quả thật, viết về Trí rất khó, bất chấp thời gian anh em chơi với nhau, làm việc cùng nhau đã rất lâu, những vui - buồn; bực bội - bao dung… đều đã cùng sẻ chia cả. Tôi vẫn thấy ở Trí một điều gì bí ẩn, khó phác họa, khó đoán định. Song đã cầm bút lên, tôi cứ quyết là viết thôi, với một chủ quan về những gì tôi thấy về Trí cho tới hôm nay. Còn ngày sau, nếu anh hé lộ thêm được điều gì, có thể tôi sẽ viết về anh với những dòng khác…

Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được một ngày cận Tết, cuối năm 2011. Cùng trên đường về nhà với nhau, Trí đã kể tôi nghe những khó khăn mà anh phải đối diện ở thời điểm đó. Hai anh em ở cùng một khu chung cư, tuy chuyện thi thoảng tôi quá giang xe Trí về nhà cũng không phải là thông thường nhưng mỗi khi có gì cần tâm sự, chúng tôi đều có thể cởi mở hết được với nhau. Tất nhiên, cởi mở nào mà không có giới hạn của nó song những năm tháng cùng sát cánh đã đủ để tôi và Trí có thể xích lại gần nhau, sát một đường biên vô hình nào đó mà nhiều người khó có thể sát lại đến thế.

Hôm ấy, nghe Trí kể, tôi thấy buồn và thương vợ chồng anh vô cùng. Đức Trí của chiều cuối năm ấy là một Đức Trí đã khác, không phải một Đức Trí nghệ sỹ mà là một Đức Trí làm chồng, làm cha với những gánh nặng của cả gia đình, một Đức Trí-đàn-ông-bình-thường như tất cả những người-đàn-ông-bình-thường khác.

Sau buổi trò chuyện ấy, tôi nghĩ ngợi nhiều và để ý đến anh nhiều hơn, một cách thầm lặng như một người quan sát vô hình ngoài cuộc. Tôi chợt nhận ra rằng, ở cạnh nhau đấy, cận kề nhau đấy mà tôi ít quan tâm đến đời sống của anh quá. Những ngày mải vui của tôi đã trôi qua với chủ quan cho rằng đời của Trí rất êm đềm, không nhiều âu lo, không nhiều vất vả. Nhưng trong một sát na thôi, ở đúng cái thời khắc ấy, trong đúng cái khoảng không gian yên tĩnh của chiếc xe kín cửa rào giậu hết thảy những ồn ào ngoài đời, tôi đã nhìn thấy nỗi vất vả của bạn mình, nỗi vất vả ít ai nghĩ đến.

Nếu nhìn Trí qua những bức hình ở một sự kiện âm nhạc nào đó, ở một buổi lễ trao giải nào đó, ở một bữa tiệc nào đó, người đời sẽ hình dung Trí là một người sống sung sướng nhường nào. Nhưng đằng sau cái tấm màn nhung của showbiz kia là gì? Có ai đoán được không? Có ai nghĩ được không? Tất thảy chắc sẽ bất ngờ nếu biết được nỗi buồn mà Trí đối diện. Thật ra, Trí không giàu như người ta nghĩ về những nhạc sỹ ăn khách hiện nay. Trí không giàu bởi vì Trí đã chọn con đường đi như thế, đi như tâm thức của một kẻ đơn lẻ đầu trần đi ngược trời mưa.

Rồi tôi nhớ lại cũng một ngày gần thôi, tôi ngồi với Kiên, một người anh em khác của Trí ở Hà Nội. Hai chúng tôi, bên ly bia bên hông Bách Thảo, đã “bày mưu” với nhau để làm sao đó “xui” Trí đừng đi ngược trời mưa nữa. Để làm gì? Để mong Trí giàu có xứng với khả năng của chính anh. Để mong bạn mình bớt đi vất vả. Chúng tôi cũng đã thử tìm cách “xúi giục” anh như thế song chúng tôi đã thất bại hoàn toàn. Có thể vì cách của chúng tôi chưa đủ sức thuyết phục. Mà cũng có thể vì Trí không muốn thay đổi con đường. Và cuối cùng, anh vẫn đi ngược trời mưa, một mình, lẻ loi và chắc là cũng có đôi lúc thấy lạnh.

Nhiều người nói Trí là người vô cùng thông minh nhưng tôi lại nghĩ anh là người khôn ngoan và túc trí hơn là thông minh. Đôi mắt sáng của anh, đôi chân mày rộng và đậm của anh, đôi tai hơi vểnh ra ngoài của anh đã đủ nói lên tất cả cái khôn ngoan và túc trí ấy. Trí lắng nghe nhiều và ít khi đưa ra nhận xét. Anh cứ lẳng lặng nghe hết tất cả những gì xảy ra xung quanh nhưng bộc lộ ra ngoài lại là vẻ như anh chẳng biết điều gì cả. Để rồi khi xảy ra chuyện gì đó, anh mỉm cười, cái nụ cười kiểu như “tui biết lâu rồi”. Chính cái cách đó của Trí khiến nhiều người phải ngại. Họ ngại mỗi khi họ muốn lừa phỉnh anh gì đó hoặc muốn chứng tỏ mình điều gì đó. Vì họ biết, rất có thể Trí đã đọc ra điều đó từ lâu.

Lâu lắm rồi người ta không được nghe một cái gì mới của Trí, một con người vốn đã từng tung bài nào ra là thành “hit” lập tức. Có thể nhiều người sẽ võ đoán, cái võ đoán thông thường rằng “chắc lấy vợ rồi, Trí không còn lãng mạn nữa để viết” nhưng thực chất tôi biết là không phải vậy. Trí vẫn viết đều tay, vẫn viết rất hay nhưng anh dường như chẳng muốn tung ra nữa. Những lần đi ngược trời mưa để rồi tơi tả đã khiến anh chán ngán cái thị trường âm nhạc này rồi. Anh chán ngán nó, muốn tránh xa nó, không một lời nào cả. Và cái cách tránh xa của anh cũng thể hiện đúng tính cách của anh, thể hiện cái túc trí của anh đúng nghĩa. Anh tránh xa theo cách im lặng ngồi đó, lẳng lặng nhìn, lẳng lặng chờ đợi và hi vọng một ngày nào đó sẽ có gì thay đổi tích cực theo hình dung của anh, một hình dung mà anh đã muốn có kể từ khi anh trở về từ chuyến du học ở Mỹ, chuyến du học mà theo tôi, Trí cũng mất nhiều không thua gì những thứ mà anh được.

Ngày Trí đi, dù tôi chưa chơi với anh nhưng tên của Trí đã là hàng “hot” và nếu như không có chuyến đi ấy, có lẽ Trí sẽ làm bá chủ ít nhất là mảng thị trường phía Nam này rồi. Nhưng anh vẫn chọn cách ra đi, vì hơn ai hết, tôi hiểu Trí là người ham tìm hiểu, ham học hỏi và mày mò. Trí trở về với hành trang khác hẳn, đó là một kiến thức âm nhạc tuyệt vời, một kiến thức về kinh doanh âm nhạc chuẩn mực và kỹ năng, xảo thuật của anh cũng đã trở thành thượng thừa. Nhưng anh mất đi cái vị thế kia vì hai lẽ. Thời gian ở xa nhà lâu quá khiến người ta phải tìm đến với những người khác. Làm việc lâu dần thành thói quen và người ta ngại đổi thói quen ấy, vì quan hệ, vì nhiều thứ nữa. Rồi thêm vào đó là người ta ngại, ngại làm việc với Trí thì sẽ có những đòi hỏi cao quá sức, cả về tài chính lẫn về năng lực. Thế nên Trí bỗng trở nên “hàng hiệu”, được ngưỡng mộ, được xuýt xoa vì mê thích nhưng lại ít được ai đủ gan để lại gần, chạm tới. Nhưng cái mất ấy không phải là cái mất lớn, theo riêng thiển ý của tôi thôi. Cái mất lớn lại là cái khác, thứ mà đôi khi trong cuộc chuyện trò tôi vẫn thường nói với Trí nhiều lần. Trí đã mất rồi cái hồn nhiên của buổi đầu tiên. Mà nghệ sỹ, mất đi sự hồn nhiên và ngạc nhiên thì khổ lắm.

Vậy nên sau này những sáng tác của Trí, dù vẫn rất hay, rất nịnh tai, nhưng đã thấm đẫm cái chất kỹ năng và xảo thuật hơn là cái hồn nhiên của những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước. ở đó, người ta thấy một Đức Trí của học thức, học thuật nhiều hơn là một Đức Trí của nghệ sỹ. Cũng may cho đời và may cho anh là anh còn giữ được một điều rất riêng. Đó là ca từ. ít người quan tâm đến ca từ của anh bằng giai điệu của anh. Nhưng thực chất, Trí có một nền tảng khá tốt về ngôn ngữ nên ca từ của anh nhiều chất thơ lắm. Và như một bản năng, nó lại có sự gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu của đời sống. Thế nên nó tuyệt vời phù hợp để làm ca khúc. Trí còn giữ được điều đó, với tôi, thế là còn Trí rồi.

Trong cái hồ hởi của những kỹ năng mới mà Trí được học, anh hứng khởi muốn áp dụng nó ngay, để thay đổi lối tư duy chung của thị trường âm nhạc Việt Nam. Chỉ điển hình về dịch vụ phát hành ca khúc ở công ty của anh thôi cũng đủ để thấy anh nóng lòng thế nào với việc đưa kiến thức mình được học vào ứng dụng. Nhưng một mình đơn lẻ làm sao thay đổi cả một đám đông xu thời. Trí lại lần nữa, một mình đi ngược trời mưa.

Đến giờ chắc Trí đã tơi tả nhiều. Thật ra, anh thất bại nhiều hơn là thành công trong những hoài bão quá lớn của mình kể từ ngày trở về ấy. Những thất bại đáng yêu kia làm anh buồn, anh nản nhiều nhưng tôi biết chúng không làm anh sờn lòng đâu. Nhất là khi đọc những dòng tự trào mà anh viết về chính anh cuối năm 2011 trên Facebook kể chuyện rằng đi làm về khuya lục cơm nguội ăn và kết luận bằng câu: “Năm sau mà còn nghệ với chả thuật thì đến cơm nguội cũng có khi chẳng có mà ăn”. Cả một chuyển động rần rần ngoài đời đều đi ngược với Trí, ngược với những gì thời đại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đang làm. Bạn bè anh cũng có người hiểu, có người nể phục, có người động viên, cổ vũ anh tiếp tục cho cuộc thay đổi lớn mà mình anh đương đầu ấy. Nhưng mấy ai dám bước xuống lòng phố, để đi ngược trời mưa cùng anh? Họ sợ tơi tả như anh. Ngay đến cả thằng tôi, một đứa chẳng có gì để mất, luôn luôn bồng bột đúng nghĩa, xốc nổi và bốc đồng đúng nghĩa cũng chẳng dám. Tôi, như Kiên, chỉ dám “xúi giục” anh dung hoà cuộc “cách mạng âm thầm” của mình với đời sống. Để làm gì, để sống đã trước khi “săn bắt con nghệ thuật”.

Dạo này người ta bắt đầu thấy Trí lơi dần với sản xuất âm nhạc mà thay vào đó, bên cạnh công việc như khổ sai của một CEO công ty, anh chọn con đường mở trường, mở lớp dạy nhạc, đâu như ở góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ thì phải. Tôi biết Trí đi dạy lâu rồi, khoảng 2 năm gì đó, dạy cho Đại học Sài Gòn. Nhưng bây giờ anh mở lớp riêng, dạy đồng nghiệp, dạy những người trẻ quan tâm đến âm nhạc, dạy cả một vài nhà báo văn hoá văn nghệ… Anh cho đó là con đường tích cực khác, một lối nhỏ an toàn hơn, để anh làm cuộc cách mạng cho nghề nghiệp của đời mình. Tôi không biết dự án ấy có thành công không nhưng tôi hi vọng là sẽ thành công. Vì tôi khâm phục nỗ lực ấy, nỗ lực muốn thay-đổi-àïí-làm-cho-đúng…

Nhiều đêm buồn buồn, tôi muốn gọi điện rủ anh uống rượu nhưng rồi tôi ngại. Ngày xưa độc thân thì dễ lắm. Còn bây giờ, anh có vợ con rồi, đêm hôm là lúc bất tiện. Sáng sớm mai, người bạn tôi thương quý ấy lại phải làm người đàn ông của gia đình, phải lo toan, phải tính toán, phải cân nhắc nhưng cũng không thể quên đi ám ảnh về cuộc cách mạng của đời mình. Và cứ âm thầm như thế, cái vóc dáng bé nhỏ mà tôi hay tếu táo đùa là “đẹp giai nhất khi ngồi” kia sẽ lại tiếp tục lao vào cuộc theo cách của mình, cách mà tôi đang hình dung ra đây, hoàn toàn võ đoán thôi, một hình ảnh tuyệt đẹp vì buồn, của một nghiêng ngả, tả tơi, rời rã nhưng khuôn mặt vẫn kiên định với vẻ hân hoan trong dáng vẻ thân quen của một gã đầu trọc đi ngược trời mưa, một mình và nhẫn nại…

Hà Quang Minh
.
.