Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói

Thứ Năm, 07/05/2009, 16:56
Sau nhiều lần ngoái đầu về cố quốc, Tết năm 2005, nhạc sỹ Phạm Duy chính thức trở về với quê hương, mảnh đất luôn luôn coi trọng tình nghĩa, không bao giờ "đánh người chạy lại". Ông đã chọn TP HCM làm nơi sinh sống những năm tháng cuối đời của mình. Sau không ít những ấp ủ, liveshow "Ngày trở về" của Phạm Duy đã vang lên trong một đêm diễn duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào cuối tháng 3/2009.

Sự trở về của bản thân nhạc sỹ Phạm Duy và âm nhạc của ông mới đây đã làm dậy lên một làn sóng báo chí quan tâm. Tuy nhiên, không ít điều xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng xung quanh đêm nhạc Phạm Duy đã gây nên những bức xúc cho những người chính trực.

Nhìn lại bản chất của vấn đề, đánh giá một cách công bằng nhất những giá trị đích thực của Phạm Duy và âm nhạc của ông, Báo ANTG đã mở ra một diễn đàn nhỏ để mời các nhạc sỹ lớn, những người có tên tuổi có trọng lượng trong nền âm nhạc Việt Nam nói về sự kiện này.

Nhạc sỹ - NSND Trọng Bằng

Tôi có đọc trên báo thấy có nhiều lời tâng bốc cũng hơi là lạ, không quen. Nhạc sĩ Phạm Duy nếu nói ngắn gọn chỉ 4 “thứ” thôi.

Thứ nhất, anh là một người đầu kháng chiến chống Pháp có một số bài hát được quần chúng yêu thích.

Thứ hai, sau khi anh bỏ Tổ quốc ra đi, không biết anh có công nhận không nhưng lúc đó cả nước người ta nói anh đi theo giặc, đi phục vụ địch. Và một số bài hát của anh, anh đã làm lời lại để phục vụ hoàn cảnh mới.

Thứ ba là khi anh về nước, anh nói rằng anh trở về với nguồn cội. Anh có đến Hội Nhạc sĩ gặp tôi. Tôi cũng có nói chuyện và bảo anh rằng: Ngày xưa khi tôi còn bé, anh Phạm Duy và anh Trọng Loan (anh trai của tôi) cùng ở một đoàn nghệ thuật. Ngày xưa tôi cũng thích những bài hát của anh. Nhưng âm nhạc bây giờ khác chứ không ít ỏi như thời anh viết những tác phẩm ngày xưa nữa đâu. Cả một cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi viết hàng ngàn bài hát, hàng ngàn ca khúc. Chúng tôi viết và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hôm trước thì ngay hôm sau cả nước hát, và hát cho đến bây giờ.

Thứ tư tôi muốn nói là anh về thì cứ về, cứ thế mà làm việc, cứ sáng tác, viết thêm được gì thì viết, cống hiến được gì thì cống hiến chứ đừng lợi dụng lúc này mà tâng bốc mình lên như vị nọ vị kia. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự tâng bốc này là lỗi một phần ở các nhà báo, dễ dãi, và chạy theo thị hiếu, cứ coi đây như sự kiện âm nhạc lớn, Phạm Duy được tâng bốc như là nhà sáng tạo ghê gớm.

Vì nói đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả.

Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiến rất tốt, bây giờ Cục Biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi.

Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta.

Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc.

NS Phạm Tuyên

Ảnh: T.M.

Hôm nhạc sỹ Phạm Duy ra đây nói chuyện nhân việc phổ nhạc các trích đoạn trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, tôi có được mời tới dự. Sau đó một số người hỏi tôi về chương trình này. Tôi nói rằng đây là một sự tìm về một áng văn chương tuyệt tác của văn học Việt Nam. Nhưng nếu vào âm nhạc thì còn xa lắm so với chất lượng "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Tuy nhiên đó là sự biểu hiện của tìm về với cội nguồn.

Riêng tôi lúc vào trong TP HCM, nghe tin ông Phạm Duy về, tôi nghĩ đó là một sự trở về với nguồn cội thôi. Dân gian có câu "Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại". Chính lúc đó các nhạc sỹ ở trong TP HCM cũng cho rằng không nên làm rùm beng cái chuyện này, thậm chí báo chí đề cao quá như vừa rồi thì người ta không tán thành. Tôi lại không nghĩ như thế.

Ai cũng có những sai lầm trong quá khứ cuộc đời. Trong cơ chế thị trường hiện nay có những công ty nhạy bén với thị hiếu của thị trường, người ta săn đón, mua bản quyền của nhạc sỹ Phạm Duy, xuất bản và tổ chức biểu diễn rầm rộ. Một số anh em nhạc sỹ trong Hội Âm nhạc TP HCM gặp tôi và nói rằng không nên làm như thế.

Còn việc đánh giá về phẩm chất nghệ thuật thì phải nhìn cả một quá trình. Đóng góp như thế nào, sai lầm như thế nào. Nếu bây giờ chúng ta chỉ đánh giá phần đóng góp mà quên đi phần sai lầm, thậm chí gạt bỏ hết mọi sai lầm để tâng bốc đóng góp thì như thế chưa công bằng với các nhạc sỹ trong nước.

Có một số anh em nhạc sỹ sau khi đọc báo chí nói về "Ngày về" của Phạm Duy, sự trở lại rầm rộ, được báo chí săn đón và tâng bốc thái quá đã thốt lên: "Trời đất ơi, thế thì thành tựu âm nhạc của chúng ta mấy chục năm qua nhỏ nhoi quá nhỉ!". Trong khi đó, tôi là người trong cuộc, cảm thấy được sức mạnh của vũ khí âm nhạc, đúng ra trong thành công của Cách mạng chúng ta, trong chiến thắng thống nhất đất nước có sự đóng góp lớn của âm nhạc, và chúng tôi rất tự hào.

Một số anh em ở Huế hỏi tôi đánh giá như thế nào về nhạc sỹ Phạm Duy, tôi trả lời hồi nhỏ tôi có thuộc và thích một số bài hát của Phạm Duy. Nhưng sau khi nhạc sỹ Phạm Duy rời bỏ đất nước ra đi, thậm chí có một thời gian đưa âm nhạc phục vụ chính quyền Mỹ - ngụy. Tôi nghĩ, rồi cũng sẽ có lúc bản thân anh Phạm Duy phải nhìn thẳng vào sự thật.

Trong cơ chế thị trường hôm nay, tôi nghĩ cần phải thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, không nên quá đề cao. Bởi lẽ tìm tòi trong âm nhạc của Phạm Duy cũng chỉ có hạn thôi, trong khi đó tìm tòi về mặt sáng tạo âm nhạc ở trong nước ta có rất nhiều tài năng, nhiều khả năng.

Ngay vấn đề đem âm nhạc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì làm thế nào mà so sánh nổi với Văn Cao hay bất cứ một nhạc sỹ nào tham gia cách mạng. Sự đóng góp của nhạc sỹ Văn Cao rất phong phú, bây giờ được ghi nhận là người có đóng góp lớn cho đất nước và âm nhạc Việt Nam.

Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ, chúng ta chúc cho ngày trở về của nhạc sỹ Phạm Duy là một sự trở về của lá rụng về cội. Còn đánh giá về con người, nhất là đánh giá về tác phẩm thì phải rất thận trọng, công bằng và đúng bản chất, một phần nào đó phải có giới hạn. Đừng chạy theo thị hiếu, theo cơ chế thị trường mà quá đề cao sự đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, như vậy mới xứng đáng với lịch sử, với những người đã đổ máu xương cho đất nước, cho dân tộc được có ngày hôm nay.

NS Hồng Đăng

Ảnh: T.P.

Vấn đề này thực ra rất tế nhị đối với anh em nhạc sỹ. Vì đối với những người sáng tác với nhau, bao giờ chúng tôi cũng hết sức rộng lượng, nhìn nhau bằng cặp mắt tốt đẹp và mong cho nhau thành công. Riêng trong vấn đề Phạm Duy, cái nhìn của tôi có thể khác hơn.

Ngay trong giai đoạn đầu kháng chiến, nhạc sỹ Phạm Duy là một trong những nhạc sỹ có ý thức khai thác vốn dân ca, đưa chất liệu dân ca vào sáng tác mới. Cho nên những "Bà mẹ Gio Linh", những "Về miền Trung"... ngày ấy rất được nhiều người tán thưởng. Nhưng thời kỳ ấy chúng tôi đang còn bé quá. Sau này lớn lên thì có nghe tin nhạc sỹ Phạm Duy đã vào trong thành, sau đấy bẵng đi thời gian 5 đến 6 chục năm, chúng tôi cũng không mấy lưu tâm.

Vừa rồi ông Phạm Duy xin phép được trở về, và được Nhà nước ta cho phép. Lúc Phạm Duy về, rất nhiều anh em nhạc sỹ vui vẻ vì thấy rằng đây là một lần quay lại của các anh em mà trước kia có một thời kỳ bẵng đi không thấy mặt nhau.

Nhưng gần đây, báo chí lại rộ lên về những chương trình của Phạm Duy. Tôi cũng nghe rất nhiều người phàn nàn là tác phẩm của Phạm Duy như thế mà báo chí tâng bốc, đề cao đến mức y như là nhân vật số một của âm nhạc Việt Nam hiện nay, và là người nhạc sỹ kỳ tài. Điều ấy là vô lý, như thế không đúng, huống gì lại xem như người có công lớn (?!).

Những giá trị thật của một người nghệ sỹ, thứ nhất là tinh thần yêu nước, những đóng góp tâm hồn của mình cho dân tộc… So sánh một cách thẳng thắn, những bài hát của Phạm Duy có một vài bài công chúng thích và không phải bài nào công chúng cũng thích. Có một thời nghe nói các tác phẩm của ông cũng không được người ta ưa chuộng lắm đâu, ngay cả ở nước ngoài. Điều ấy chúng ta phải có sự cân nhắc tử tế. Nếu như có sự đóng góp nào đấy thì nên ghi nhận. Nhưng đừng nghĩ rằng như thế thì tất cả các anh em khác không ra gì.

Trong lúc ấy chúng ta có những tên tuổi lừng lẫy từ Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lê Yên, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hoàng Vân, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, và còn rất nhiều người khác đã gắn bó với những ngày gian khổ, thiếu thốn cùng cực của đất nước chỉ để góp một chút gì của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc.

Từ ngày anh đi, anh Duy ạ, nền âm nhạc của chúng ta đã khác trước nhiều lắm. Từ một đội ngũ thưa thớt thời của anh, giờ đây không biết bao nhiêu tên tuổi nổi lên một cách xứng đáng, có hiểu biết, có tìm tòi, khác xa thời anh bỏ khu III, khu IV mà đi. Điều đáng nói là nhiều anh em thành thực mong cho anh có nhiều đêm nhạc tốt đẹp, trong khi hàng trăm hàng nghìn người không có nổi kinh phí để lo một đêm nhạc của riêng mình dù tác phẩm cứ ngồn ngộn ra đấy…

Muốn nhìn nhận công bằng, nên nhích xa ra một tí để nhìn toàn cảnh. Còn nhớ năm 1994, chúng tôi tổ chức được 4 đêm, 4 chương trình khác nhau ở Nhà hát Lớn Hà Nội lấy tên là "Nửa thế kỷ Bài hát Việt Nam" chỉ giới thiệu được gần 80 bài cho gần 80 tác giả, trong đó riêng anh Văn Cao được 2 bài. Chương trình có tiếng vang lớn nhưng hàng trăm nhạc sỹ khác nằm chờ giới thiệu ở TP HCM thì vướng quá nhiều thứ, nhất là kinh phí mà không giới thiệu được thêm nữa, đành cay đắng mà chịu trong sự thiệt thòi.

Tất nhiên anh Phạm Duy có thể kiêu một tý cũng chẳng sao, (thói thường mà)! Nhưng những người hướng dẫn dư luận có lẽ nên nghĩ kỹ một tí, để khách quan hơn, công bằng hơn. Còn riêng một chi tiết nhỏ về chuyên môn: Các anh em nhạc sỹ sau này khai thác dân ca vào sáng tác mới giỏi hơn anh nhiều lắm. Có thể kể Thái Cơ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Văn Thành Nho, Nguyễn Đình Bảng, Lê Mây… Tư liệu này ở Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đều có cả. Anh Phạm Duy trở về, chúng tôi chúc mừng anh và mong anh khỏe mạnh để có những sáng tác mới

Khánh Thy
.
.