Nhà xuất bản Hàn Thuyên: Một hiện tượng độc đáo

Thứ Sáu, 23/10/2020, 15:11
Ra đời ngày 25 tháng 12 năm 1940 và kết thúc hoạt động ngày 17 tháng 12 năm 1946 (hiến toàn bộ máy móc cho Nhà in Quân đội - nay là Nhà in báo Quân đội Nhân dân và Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân), chỉ 2 ngày trước khi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 nổ ra. Giám đốc trị sự là Nguyễn Xuân Tái và Giám đốc văn chương là Trương Tửu. Với 6 năm tồn tại và hoạt động, Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã trở thành một hiện tượng độc đáo.

Độc đáo và nổi bật

Độc đáo bởi tập hợp xung quanh cơ sở này những nhà trí thức mang nhiều tư tưởng trái chiều nhau: Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Ngọc Khuê, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Trần Huân, Hoàng Như Mai, v.v...

Độc đáo bởi bản thân những sản phẩm văn hóa do Hàn Thuyên xuất bản vốn thừa hưởng sẵn không khí dân chủ từ phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Chỉ trong 6 năm tồn tại, Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã "trình làng" trên 50 tác phẩm "do những nhà văn giá trị và danh tiếng xuất bản" với các thể loại chính: Loại giáo dục, Loại văn nghệ, Loại nghiên cứu Việt Nam và Loại kiến thức phổ thông.

Độc đáo bởi như đánh giá của Hà Xuân Trường là "những trí thức đi theo Đảng Cộng sản lại tìm đọc hầu hết các sách nghiên cứu, khảo luận triết học, văn hóa Đông Tây của Hàn Thuyên và Tân Việt… Những kiến thức lý luận đầu tiên người trí thức Cộng sản được trang bị lại thu nhận ở các nhà xuất bản không phải của Đảng".

Nhà văn Trương Tửu - Linh hồn của Nhà xuất bản Hàn Thuyên - Tư liệu KMS.

Độc đáo bởi những đánh giá trái chiều nhau của thế hệ những nhà nghiên cứu lịch sử và phê bình văn học đi trước đã tạo ra cho Nhà xuất bản Hàn Thuyên ở một thời điểm độc đáo có thể nói là có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam mà cho đến nay dẫu đã có nhiều người bàn đến nhưng vẫn chưa đi vào trọng tâm của nó.

Cuối năm 1957, nhóm Lê Quý Đôn (Lê Thước, Trương Chính, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn) trong công trình “Lược thảo Lịch sử Văn học Việt Nam” (tập 3) đã đánh giá: "Những năm này (1939-1945) sự ra đời của nhóm Hàn Thuyên là một sự kiện nổi bật…".

Nhà xuất bản Hàn Thuyên sẽ còn tốn nhiều bút mực dành cho các nhà nghiên cứu phê bình sau này ở góc độ độc đáo trong tính phức tạp của nó. Bước đầu, tôi chỉ xin góp một phần khiêm tốn để đi những bước chập chững tiếp cận nghiên cứu hiện tượng văn hóa độc đáo này.

Hoàn cảnh ra đời và tiêu chí hoạt động

Với mục đích nhằm để chủ động in những công trình có tính chất nghiên cứu vì phần lớn các báo và nhà xuất bản khác không in các tác phẩm nghiên cứu, (sợ không bán được, lỗ vốn), cuối năm 1938, Trương Tửu và Nguyễn Xuân Tái (sau này trở thành anh vợ của Trương Tửu) lập một nhà xuất bản nhỏ lấy tên là Đại Đồng thư xã ở 55 phố Tiên Tsin, nay là phố Hàng Gà, Hà Nội. "Đây được coi như là tiền thân của Nhà xuất bản Hàn Thuyên" như lời Trương Tửu trả lời phỏng vấn nhà giáo Nguyễn Cảnh Tuấn, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1992.

Đầu năm 1939, ông Trương Tửu lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lai, là con gái cụ Nguyễn Xuân Giới, chủ hiệu may ở phố Tiên Tsin.

Một số tác phẩm của NXB Hàn Thuyên - Tư liệu KMS.

Năm 1940, giữa lúc cụ Nguyễn Xuân Giới thấy nghề may gặp nhiều khó khăn, đang muốn chuyển hướng kinh doanh, Trương Tửu và Nguyễn Xuân Tái đã thuyết phục cha đầu tư thành lập một nhà xuất bản lấy tên là Hàn Thuyên. Cụ Nguyễn Xuân Giới đồng ý và đã cấp vốn cho con trai cả Nguyễn Xuân Tái 5.000 đồng Đông Dương để lập nhà xuất bản (mua nhà in 53 Hàng Gà) với mong muốn làm ăn phát đạt hơn trước. Lập Nhà xuất bản Hàn Thuyên, theo Trương Tửu, "trước hết là in sách tử tế của tôi và các bạn bè, những nhà tri thức uy tín".

Về tiêu chí hoạt động của Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã được Đại tá Nguyễn Xuân Lương - nguyên Giám đốc Nhà in Hàn Thuyên, Chủ nhiệm tạp chí Văn Mới kể lại với Phong Thơ. Tiêu chí là "do ông Trương Tửu đề ra, được các bạn đồng nghiệp tán thành và ông Trương Tửu rất kiên trì với tiêu chí đó, tới khi kết thúc Hàn Thuyên. Đó là: Tác phẩm xuất bản phải có chất lượng, tư tưởng tiến bộ; Tác giả phải là những người có uy tín trong xã hội, đồng nghiệp; Tôn vinh văn hoá, lịch sử dân tộc, chống phong kiến, thực dân; Có tư tưởng mác-xít, hướng về Chủ nghĩa xã hội; Là diễn đàn của nhiều xu hướng tư tưởng khác nhau, miễn là chống phong kiến, thực dân, văn hoá nô dịch; Tác  giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình.

Căn cứ vào những tiêu chí trên, Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã cho in nhiều loại sách khác nhau. Đầu tiên in cuốn “Kinh thi Việt Nam” của Trương Tửu, “Văn học Khái luận” của Đặng Thái Mai, “Việt Nam cổ văn học sử”của Nguyễn Đổng Chi, “Lê Thánh Tông” của Chu Thiên, “Tương lai kinh tế Việt Nam” của Hồ Hữu Tường, “Xã hội Việt Nam” của Lương Đức Thiệp, “Cải tạo sinh lực” của Phạm Ngọc Khuê và những tác phẩm nghiên cứu của Nguyễn Bách Khoa..., “Lịch sử thế giới” của Nguyễn Đức Quỳnh, “Chủ nghĩa Ford” của Lê Văn Siêu... Đến cuốn sách cuối cùng là “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” của Đào Duy Anh.

Độc đáo trong phức tạp

Nhắc đến Nhà xuất bản Hàn Thuyên là gắn với Trương Tửu - linh hồn của Nhà xuất bản. Chính những sóng gió trong cuộc đời Trương Tửu đã tạo ra những đối nghịch trong đánh giá về vai trò của Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Nói một cách khác, số phận Nhà xuất bản Hàn Thuyên gắn liền với số phận của Trương Tửu.

Ông từng bị vua Bảo Đại truy tố vì một bức hí họa trên tuần báo Quốc gia số 4, chế giễu nhà vua. Bị cáo gồm có ba người: chủ bút báo là Trương Tửu, quản lí báo là Ngô Thị Thoa và họa sĩ trình bày báo là Nguyễn Đỗ Cung. Theo Xuân Trào, tức nhà văn Ngô Tất Tố, kết quả vụ án này là bà Ngô Thị Thoa phải phạt trăm quan, ông Trương Tửu thì bị gấp hai, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung thì được trắng án.

Nhà cầm quyền Pháp, Nhật luôn đàn áp Hàn Thuyên, khủng bố những người chủ chốt, nhất là Trương Tửu. Tờ báo Ngòi bút do Phạm Ngọc Khuê đứng tên chủ bút mới ra được 2 số, chuẩn bị ra số thứ ba thì bị rút giấy phép. Tờ Văn mới cũng có số phận tương tự. Tác phẩm của Trương Tửu bị cấm, tịch thu như “Kinh thi Việt Nam”, “Thằng Hóm”.... Tên Trương Tửu bị cấm xuất hiện trên văn đàn, phải chuyển qua dùng bút danh Nguyễn Bách Khoa.

Cho đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), bản thân Trương Tửu cũng bị người Nhật lùng bắt, ông phải trốn về quê vợ mãi dưới Thanh Oai (Hà Đông) cho đến những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945.

Trường Chinh trong "Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này" đăng trên tạp chí Tiên phong, số 2 ngày 1/12/1945 viết: "Gần đây các sách báo công khai đã năng đả động đến vấn đề văn hóa Việt Nam". Nhà Hàn Thuyên xuất bản loại sách "Tân văn hóa" và tạp chí "Văn mới nghị luận" để cổ động phong trào tân văn hóa một cách hăm hở, nhiệt liệt. Tiếng tân văn hóa đã gần thành "mốt". Nhưng một điều đáng chú ý là ít ai để ý đến phương châm vận động văn hóa Việt Nam hiện nay phải như thế nào".

Để kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn lại ý kiến của Hà Xuân Trường trong bài Vài ý kiến nhân "Nhìn lại một thế kỷ văn học Việt Nam" (2001):

"Các nhóm "Tự lực văn đoàn", "Tiểu thuyết thứ bảy", những nhà xuất bản như Mai Lĩnh, Tân Dân và sau này (khi phát xít Nhật đã vào thống trị ở Đông Dương) như Hàn Thuyên, Tân Việt đều có đóng góp vào tiến trình của văn học nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Đánh giá sự đóng góp này đến đâu cần có sự nghiên cứu khách quan. Trước đây có lúc chúng ta đánh giá chưa đủ, chưa đúng về một số trào lưu, một số tác giả thì sau này chúng ta đã lần lượt điều chỉnh sự đánh giá đó cho phù hợp với thực tế của văn học. Không phải mọi chữ "nhìn lại" đều suôn sẻ, nhưng hết sức tránh thái độ từ cực đoan này sang cực đoan khác".

Sự kết thúc của Nhà xuất bản Hàn Thuyên

Tác phẩm cuối cùng được Nhà xuất bản Hàn Thuyên in vào 15/12/1946 là cuốn "Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” của Đào Duy Anh. Kháng chiến bùng nổ, cụ Nguyễn Xuân Giới hiến nhà in 53 Hàng Gà cho cách mạng. Gia đình cụ theo nhà in lên Việt Bắc, bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình. 5 người con trai Nguyễn Xuân Tái, Nguyễn Xuân Lương, Nguyễn Xuân Tước, Nguyễn Xuân Tiến và Nguyễn Xuân Phát với tay nghề sẵn có, trở thành cán bộ nhà in Quân đội như sách “Lịch sử Công ty TNHH một thành viên In quân đội 1 (1946-2011)” ghi nhận.


Kiều Mai Sơn
.
.