Nhà viết kịch Học Phi: Ngọn lửa sống chưa bao giờ nguôi cạn
Dạo ấy, thời gian dễ cũng cách nay tròm trèm chục năm có lẻ, khệ nệ vác một túi sách to đùng theo sự ủy quyền tới biếu nhà viết kịch Học Phi. Ông lúc này đâu như còn một mình ở trong căn hộ trầm buồn tại khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội), tuổi cũng đã trong ngoài 90 nhưng vẫn nước da đỏ đắn, mắt sáng tinh nhanh và giọng nói thì hoàn toàn tròn vành rõ chữ. Dí dủm chuyện trò đủ điều, nhắc đến người này hỏi thăm người nọ, rồi chợt bâng quơ mà rất sôi nổi, ông hào hứng bảo: “Cô xem có bà trung trung tuổi độc thân nào làm mối cho tôi đi”.
1. Năm 2012 tháng 9, lễ mừng đại khánh thọ tuổi 100 của nhà viết kịch Học Phi được tổ chức trọng thị. Lọ mọ đến thăm ông, lần này đã chuyển về khang trang bừng sáng đủ đầy tiện nghi giữa khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính. Trước khi gọi cửa, yên tâm vì được người con trai thứ 9 của ông, nhà văn Chu Lai dặn dò: Lúc nào cũng có người ở nhà với ông cụ. Băn khoăn thế bởi nghe nói ông đã đi lại khó khăn, và nhớ chen sang chuyện có lần hẹn nhà thơ Hoàng Cầm độ tác giả Bên kia sông Đuống còn trên dương thế. Hoàng Cầm nhiệt tình: “Đến đi, đến nhà nhé, lúc nào tôi cũng ở nhà”. Đến rồi loạn xạ nhấn chuông chả thấy động tĩnh gì, bấm điện thoại gọi giọng nhà thơ còn sang sảng: “Tôi đang đợi đây”. Bảo, vâng cháu cũng đang đứng dưới đường, lúc ấy thi sĩ mới ngớ ra, bần thần: Tôi đang ở nhà một mình.
Hoàng Cầm cũng bị yếu chân, đã phần nhiều lệ thuộc vào cái giường, mà con cháu thường ngày đều mỗi người mỗi việc, không phải lúc nào cũng có người ở nhà đón khách giúp ông. Tròn 100 tuổi, nhà viết kịch Học Phi vẫn thế, dí dỏm và hài hước, chỉ có điều ông có vẻ ít thoải mái vì đang mệt phải nằm tiếp chuyện, nhưng sách và những trang giấy viết dở vẫn xếp ngay ngắn đầu giường. Người nhà bảo khoe khỏe một chút ông lại ngồi dậy viết, sức làm việc của Học Phi đến Chu Lai, một người tự nhận lao động quần quật như trâu cày cũng phải lắc đầu lè lưỡi: “Có lần đến nhà thấy ông cụ đang ghì người trên bàn gắng gỏi viết, tôi choáng. Khả năng làm việc của tôi vẫn chưa là gì so với ông cụ”.
Nhân Học Phi tròn đầy một thế kỷ sống, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ định Nhà hát Chèo Việt Nam dựng lại Ni cô Đàm Vân của ông, một vở diễn từng là dấu mốc của đời sống sân khấu, nhà viết kịch lão thành vẫn đích thân đề nghị tác giả Trần Đình Ngôn chuyển thể chèo, vẫn ngồi xe lăn đến Nhà hát xem các nghệ sỹ luyện vở, rà soát những lớp lang ông chưa cảm thấy ưng ý hài lòng. Đam mê hoạt động đến vậy nên sự yếu dần kể cả ở tuổi 100 cũng là điều Học Phi không sẵn sàng đón nhận. Hôm ấy ông cứ nhắc đi nhắc lại chuyện từ sau ngày con cháu mừng ông thượng thọ 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng dịp Tết Nhâm Thìn xong thì tai ù mắt kém, bao nhiêu bệnh già thi nhau tìm tới. Nói rồi tiếc rẻ, hăm hở kể lúc còn khỏe, còn dư dôi sức ở tuổi 98, 99 vừa qua, ông đang viết dở dang quyển này quyển khác, tiếc nữa là kịch bản phim truyện nhựa Âm vang bãi sậy tri ân người anh hùng Nguyễn Thiện Thuật của quê hương Hưng Yên tưởng đã xuôi chèo mát mái nhưng gặp đúng lúc Cục Điện ảnh có họa mất tiền, nên dự án đành gác lại do thiếu kinh phí.
Một cảnh trong vở chèo Ni cô Đàm Vân. |
Nhà viết kịch Học Phi là một trong số ít những tiên chỉ làng văn làng sân khấu còn giữ nguyên khí ngọn lửa sống đầy nhiệt tình tận tới giờ khắc xuôi tay nhắm mắt. Thế nên có lần “mách” với Chu Lai chuyện cụ Học Phi nhờ “mai mối”, ai dè ông con trai sảng khoái cười, mắt sáng lên đầy hãnh diện: Khí chất đàn ông của những trai đinh trong dòng họ nhà tôi luôn rất mạnh mẽ. Kính nể cha mình tột bậc, nhưng Chu Lai tiết lộ rằng, hai bố con thực ra không gần nhau nhiều lắm dù cách này hay cách khác nhà viết kịch Học Phi luôn có ảnh hưởng ít nhiều tới đường đời, đường văn của người đồng nghiệp ruột thịt: nhà văn Chu Lai. Thuở còn hảo hán anh hùng chuyên cầm đầu tụi bạn học đánh nhau với đám bạn học sinh miền Nam ở bãi sông Hồng, Chu Lai từng bị tóm gáy, bị dẫn về đồn công an, khiến ông Học Phi phải thân chinh đến bảo lãnh.
Sau những tháng năm học trò đầy dông bão, Chu Lai thi tuyển vào Đoàn kịch Quân đội làm diễn viên, trúng tuyển và sau này vẫn tự cười thầm: Chắc hồi đó người ta nể ông Học Phi nên nhận. Kiểu cách ngang tàng ào ào đến ào ào đi và ngọn lửa hừng hực đam mê vốn làm nên sức hấp dẫn trong Chu Lai phần nào thừa hưởng từ chính người cha bề thế của mình. Cả cái bản tính ngang tàng, chỉ thuần đeo đuổi văn chương viết lách không màng chức quyền địa vị, những bon chen giành giật chốn quan trường ở Chu Lai cũng chiêm nghiệm suy tư từ cuộc đời người cha mà đúc kết. Người cha thường lặng lẽ dõi theo con, lặng lẽ đọc sách của con mình, hiếm khi đưa lời nhận xét, càng hiếm khi buông lời khen, chỉ âm thầm dặn vợ - lúc bà còn sống - ra hiệu sách mua thêm sách của Chu Lai về để ông dành tặng bạn bè. Vốn có số làm to từ trẻ, ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã đảm đương trọng trách Chủ tịch lâm thời Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên, rồi máu lãng tử lại cuốn Học Phi đi, ngôi sao “tài hoa chiếu mệnh” định vị cuộc đời, Học Phi bỏ hết chức vụ đi theo làm văn nghệ, để thay vì có một vị quan đầu tỉnh xứ nhãn lồng Hưng Yên đã may mắn góp thêm cho đời nhà văn, nhà viết kịch, một học giả đầu đàn, thuộc hàng khai sinh mở cõi của giới văn chương và sân khấu Cách mạng.
Sinh năm 1913, viết văn viết kịch từ thời mặt trận bình dân 1936, tên tuổi Học Phi bắt đầu được biết đến như một nhà viết kịch thủ lĩnh ngay sau những ngày sục sôi Cách mạng tháng Tám 1945 với Cà sa giết giặc và dần dần xác lập vị thế không thể lẫn lộn bằng loạt vở diễn được liệt vào hàng kinh điển Chị Hòa, Một đảng viên và nhất là Ni cô Đàm Vân. Sự nghiệp văn chương kịch nghệ của ông, trước sau như nhất chỉ đau đáu với đề tài: Người Cộng sản và điểm xuyết thêm nữa là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy quật cường khởi nguồn từ đồng đất Hưng Yên. Bản thân Học Phi cũng là một người Cộng sản nguyên nghĩa, một người tận đến những tháng năm sau cùng, còn mãi trăn trở nghĩ suy đau đáu cho lý tưởng Cộng sản mà ông theo đuổi, tôn thờ.
2. Đã có được cho mình hầu như trọn bộ những ghi nhận vinh danh mà một đời văn nghệ sỹ hướng tới, nhưng nhà viết kịch Học Phi lại không mấy đề huề thỏa nguyện trong cuộc sống thực. Ông đã phải cáng đáng một ám ảnh vô hình do số phận giáng xuống mà ít người làm cha làm mẹ nào phải trải qua. Sinh được 10 người con trai, suốt cả cuộc đời dằng dặc dài, Học Phi nuốt nước mắt tiễn đưa 8 người con, 8 núm ruột thân thương của mình về miền cực lạc. Những người con trai lần lượt giã biệt cõi đời trong cả thời đạn bom khói lửa tên bay đạn lạc, và trong cả những năm tháng khốn khó chật vật thời bao cấp sau này. Sự ra đi gần đây nhất của người con thứ 8, nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo Hồng Phi, người được bạn bè trong giới coi như một lãng tử Hà Nội đích thực, một tay chơi theo cách diễn giải lành mạnh nhất của từ này đã là ngón đòn tàn độc giáng tiếp xuống khả năng chịu đựng đã vượt quá giới hạn của người cha đang cận kề tuổi 100. Nhà văn Chu Lai ngay từ dạo đó, sau vẻ ngoài tưng tửng phớt đời đã không giấu được sự lo lắng cho nhựa sống mỗi ngày một hao gầy trong cha trước nỗi buồn trĩu nặng. Bù lại, Chu Lai cũng tự bạch rằng, chính những éo le thiệt thòi mà gia đình mình liên tiếp gánh nặng đã khiến những thành viên còn lại, từ nhà viết kịch Học Phi đến các con cháu đều biết yêu hơn, trân trọng và mở lòng bao dung hơn với người, với đời.
Tháng 5 năm 2014, chưa mấy lần đã vào tiết lập hạ mà trời Hà Nội còn âm u bàng bạc, cái rét nàng Bân còn vương vấn lưu luyến mãi chưa dời, nhà viết kịch Học Phi, người Cộng sản chưa bao giờ ngơi nghỉ đã chọn đúng thời khắc lạ lùng này, dành lại nguyên vẹn gia tài nghệ thuật đầy đặn và ngọn lửa sống ăm ắp nhiệt tình cho cuộc đời để làm cuộc đoàn viên với người vợ tào khang cùng 8 người con trai xa cách lâu ngày ở một miền xa thẳm, nơi không còn nỗi đau lẫn sự tột cùng bất hạnh vì mất mất. Ra đi ở độ tuổi hồng tang khi tất cả những gì cần phải làm ông đều đã đàng hoàng thực hiện trọn vẹn, nhà viết kịch Học Phi còn lưu lại nơi dương thế phẩm cách một người Cộng sản, một Đảng viên được trân trọng viết hoa ở văn chương, kịch nghệ và ngay giữa cuộc đời vốn luôn rất thực