Nhà viết chèo cổ Trần Đình Ngôn: Người cuối cùng trên sân ga
- Bảo tồn và phát triển Chèo cổ từ một cách làm mới
- Sức sống của chèo cổ
- Người trả “Quan âm thị Kính” về với chèo cổ sân đình
Oan quá! Thật ra, ông đã theo nghề chèo từ khi là cậu thanh niên, đóng góp công sức giữ gìn vốn chèo cổ suốt mấy thập niên qua.
Những người đặc biệt thường có số phận đặc biệt và sẽ làm nên những điều đặc biệt. Quả không sai, nhà viết chèo cổ cuối cùng còn sót lại Trần Đình Ngôn là một người như thế.
Quê ông ở Nam Sách, Hải Dương, ngôi làng bên bờ sông Cái hay còn gọi là sông Kinh Thầy, nước chảy dập dềnh mêng mang quanh năm và người dân trong làng sống bằng nghề mò cua bắt ốc, trồng trọt cấy cày.
Số phận của ông ngay từ khi chào đời đã không giống như bất kì đứa trẻ nào cất tiếng khóc trong ngôi làng nhỏ ấy. Gia phả ghi lại đằng nội của ông nhiều đời được học chữ thánh hiền và biết làm câu đối.
Ông nội của ông là cụ Khoá Thiềm thông đạt y, nho, lý, số, sau này ông nội truyền cho cha ông. Mẹ ông là người phụ nữ tần tảo nết na con nhà thuần nông được cha mẹ gả cho cha ông. Tuy không được coi là môn đăng hộ đối, nhưng cũng gọi là gái sắc trai tài gặp nhau.
Họ nên duyên từ chuyện bàn tính của hai bên gia đình mà không có sự chọn lựa, nhưng tình yêu sớm đơm hoa kết trái trong căn nhà nhỏ ba gian nơi làng quê, đêm nghe tiếng ếch kêu, ngày cùng nhau ra đồng làm ruộng.
Về làm vợ đã lâu nhưng bà chỉ sinh được hai mụn con gái. Điều này khiến bà buồn phiền day dứt, cảm thấy có lỗi với gia đình nhà chồng. Sau những tháng ngày buồn tủi, bà đi đến quyết định thưa chuyện với chồng và cha mẹ chồng đồng ý để chồng mình lấy lẽ. Nhưng bà cũng xin người vợ lẽ ấy là người em ruột kém 10 tuổi của mình vừa lâm vào cảnh góa bụa, để những đứa con không phải chịu cảnh khác máu tanh lòng.
Vậy là cha ông lấy lẽ, và thật kì lạ, người vợ lẽ mãi không sinh được con, còn người vợ cả nửa năm sau đã bụng mang dạ chửa. Ngày ấy, đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời ở đống rơm vang khắp cả sân nhà, cậu bé ấy chính là Trần Đình Ngôn.
Làng quê Việt thời đó đậm chất thi ca với những cánh chuồn ở bờ ao, đàn bò trên triền cỏ xanh, những chú trâu trầm mình nơi mương nước, với mái đình, giếng nước, gốc đa, cả những đêm trăng thanh gió mát, ánh trăng quê sáng vằng vặc rẽ mây in xuống mặt nước.
Hình ảnh “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” cứ ngày ngày in sâu vào tâm hồn cậu bé, để sau này góp phần thai nghén nên những kịch bản chèo nổi tiếng về thân phận người phụ nữ thôn quê.
Nhà viết chèo Trần Đình Ngôn thừa nhận, chính vì được sinh ra và lớn lên, được tắm mình ở trong không gian làng quê, với mùi hương ngai ngái của đất, mùi rơm rạ hương lúa, mùi nồng nàn hoa bưởi quện trong tóc của những người đàn bà là mẹ, là chị, là cô, là dì, mà tâm hồn ông luôn rung động và đầy xúc cảm.
Hình ảnh những đứa trẻ thơ ngủ ngon trên bầu vú mẹ, cái yếm nâu sồng giản dị đã được ghi lại sắc nét trong tâm trí ông. Và, kì lạ thay, mẹ ông cũng như bao người đàn bà ở ngôi làng đa phần đều không biết chữ, họ chỉ biết điểm chỉ (lấy ngón tay nhúng vào mực in lên giấy) thay cho chữ kí, nhưng ở họ là cả một kho tàng những câu ca dao, tục ngữ.
Ông kể, ngày còn nhỏ ông chứng kiến cảnh mẹ mình hát ru em. Mẹ ông thuộc nhiều ca dao, bà có thể hát ru con hàng tiếng đồng hồ và không bao giờ bị trùng lặp. Bà thuộc cả quyển thơ Truyện Kiều theo kiểu truyền khẩu. Cậu bé Ngôn cứ lớn lên như hạt ngô, hạt lúa ở cái làng quê êm đềm, thơ mộng ấy.
Miệng ăn núi lở, cha ông tuy thông thạo chữ thánh hiền nhưng vẫn phải đi kéo vó bè để nuôi cả gia đình chục miệng ăn. Áo quần vá chằng, vá đụp, bữa ăn độn sắn, độn ngô. Cuộc sống nghèo khó nhưng cha ông vẫn cố gắng gửi con lên tỉnh học vì ông mong muốn con trai mình sẽ thi đỗ Đại học Tổng hợp văn.
Năm 19 tuổi, Ngôn đang học lớp 10 thì có người biết tiếng Ngôn văn chương mượt mà, lại khúc chiết đã viết thư ngỏ ý mời cậu về làm ở đoàn chèo Tả Ngạn Hải Phòng, vừa viết kịch bản vừa dạy bình dân học vụ cho anh chị em ở trong đoàn.
Bức thư được viết tay, lời lẽ thống thiết, khiến người đọc rưng rưng cảm động. Cha ông, phần vì không có tiền cho con đi học nên đành đồng ý. Đây chính là môi trường tốt để tố chất và vốn văn chương tiềm ẩn của ông được dịp bung toả.
Ông về đoàn chèo công tác và lấy vợ ở đây. Vợ ông là con của một diễn viên nghiệp dư ở một nhà máy Hải Phòng. Bố cô gái sau khi tiếp xúc thấy cậu thanh niên văn chương tài hoa thì liền giới thiệu rồi đồng ý gả con gái cho.
Sau này khi về Hà Nội công tác, ông đã đưa cả gia đình về với đất thủ đô. Ngày ấy, cuộc sống hai vợ chồng ông cũng như bao gia đình nghệ sĩ khác lâm vào vào cảnh túng bấn, cơ hàn. Ai đó đã nói văn sĩ là hàn sĩ quả không sai.
Vợ ông lần lượt sinh cho ông hai người con, một trai, một gái. Họ sống trong một căn nhà nhỏ, tuềnh toàng mái dột, mỗi khi mưa xuống thì nước chảy tong tỏng phải lấy xô chậu hứng.
Ông kể, có những hôm dắt xe đạp ra đến chợ, tần ngần vét những đồng xu cuối cùng trong túi mua mớ rau muống rồi lững thững ra về, cũng chả đủ tiền mua quả chanh để vắt vào nước canh.
Trên đường về thấy quả sấu trên cây sấu già rụng dưới lề đường, dừng xe xuống nhặt về dầm nước canh. Bữa cơm ngày ấy của gia đình chỉ có rau muống luộc chấm nước mắm, và lạc rang, hôm nào sang lắm thì có thêm đĩa trứng tráng. Thịt, cá là hai món xa xỉ chẳng dám nghĩ tới.
Giấy rách phải giữ lấy lề, ông vẫn nghĩ vậy và đã làm vậy. Một thời sân khấu chèo cổ chao đảo nhường cho chèo cải biên. Nhà viết chèo phải sửa lại theo hướng hiện đại để đáp ứng thị hiếu của khán giả.
Một cảnh trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”. Ảnh: L.G. |
Có lần, Trần Đình Ngôn sau khi nhận lời đã hì hụi viết một kịch bản chèo tâm đắc, nhưng sau đó ông được thông báo người ta sẽ sửa kịch bản ấy từ chèo cổ sang chèo hiện đại. Ông liền từ chối thẳng thừng, mặc dù ông biết nếu đồng ý ông sẽ nhận được khoản tiền cho vợ con ăn thịt cả tháng.
Cuộc sống dần khấm khá hơn, lúc ấy ông cũng đã học thạc sĩ văn học nhưng về quê nhà thì cha ông đau bệnh qua đời. Người cha khi mất vẫn đau đáu cả cuộc đời chả có tiền cho con học đại học. Ông về quê thăm mẹ, mang bánh cốm phố Hàng Than biếu cụ.
Cụ già lặng lẽ bóc bánh ăn, thủng thẳng nói: “Tiếc quá! cha anh khi sống chả bao giờ được miếng bánh ngon như thế này”. Ông xót xa nói: “U cứ ăn đi, con đã mang bánh thắp hương trên bàn thờ cha rồi”. Nay cha mẹ ông đã về với tổ tiên, đời người như giấc mộng, thịnh suy luân kiếp.
Còn một năm nữa là ông bước sang tuổi 80, lẽ ra đã được vui vẻ thảnh thơi. Nhưng sự cố đã xảy ra vào mùa hè năm 2015. Người con trai độc nhất của ông, nhà viết chèo trẻ Trần Đình Văn 40 tuổi, một cây bút đang sung sức, qua đời đột ngột vì nhồi máu cơ tim tại nhà riêng sau khi nhận giải “Nhà biên kịch xuất sắc nhất của Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013”.
Sự ra đi của người con trai khiến vợ chồng ông suy sụp, nỗi mất mát ấy quá lớn, nước mưa ngoài trời như nước mắt của ông giáo già. Hằng đêm, hai vợ chồng vẫn mang những tác phẩm chèo của con ra đọc, ngắm nghía, giọt lệ lại rơi trên trang viết còn dang dở. Những chuyến tàu định mệnh đã đi qua, sân ga chỉ còn lại duy nhất người lữ hành cô độc.