Nhà văn nữ Vũ Hoàng Hoa đi theo ánh sáng thạch anh vàng

Thứ Sáu, 13/08/2010, 10:15
Tôi vẫn có một niềm tin rằng tất cả những vui buồn trong cuộc đời của một người mẹ bao giờ cũng nằm sâu trong tiềm thức của người con gái. Và khi người con gái ấy làm nghệ thuật, thì tất cả những gì cô day dứt về thân phận đàn bà cũng chính là những day dứt về cuộc đời của mẹ cô, cuộc đời của chính cô.

Từ những liên tưởng ấy, tôi quý trọng Vũ Hoàng Hoa thêm nhiều phần, khi đọc những trang viết của chị về kiếp đàn bà phù du, mà mẹ chị, nghệ sĩ Kim Thư và cuộc đời quá nhiều chìm nổi của bà là nguyên mẫu.

Vũ Hoàng Hoa có một gia đình để tự hào. Ông nội chị là nhà văn Vũ Ngọc Phan. Bà nội chị là nữ sĩ Hằng Phương. Cha của chị là sĩ quan quân đội Vũ Hoài Tuân, đã mất vì một vụ nổ máy bay trong khi đang làm nhiệm vụ. Mẹ chị là một nữ nghệ sĩ "của hiếm" của Nhà hát Kịch Việt Nam trong nhiều năm. Hoàng Hoa kể: "Khi còn nhỏ, ai gặp tôi cũng nói tôi là cháu nội ông Vũ Ngọc Phan và bà Hằng Phương. Tôi không biết là cháu của ông bà thì có gì đặc biệt. Nhưng sau này lớn lên, đọc sách của ông bà thì tôi rất tự hào".

Chính tủ sách của ông bà nội đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của Hoàng Hoa, chính dòng máu của ông bà chảy trong trái tim Hoàng Hoa đã khiến chị âm thầm ấp ủ giấc mơ trở thành nhà văn ngay từ thuở đang cắp sách tới trường. Có thể ai đó sẽ hỏi Hoàng Hoa, vì sao ước mơ văn chương của chị lại phải âm thầm như vậy. Thì câu trả lời sẽ là, cái chết của người cha đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chị.

Trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tên "Thảo - Những hạt cát đời", có dư vị gần giống với một cuốn tự truyện về tuổi trẻ của mình, Hoàng Hoa viết: "Bố chết năm Thảo lên 9 tuổi. Chiếc máy bay đâm vào núi Sơn Trà làm nổ tung cuộc sống yên ấm của gia đình Thảo. Người đàn ông che chở hóa thành bụi rơi lả tả, ba người phái yếu bị hất tung lên trong cơn sốc tột cùng. Gia đình thủng hoác, từng đợt gió từ bên ngoài buốt lạnh, bạo cuồng thổi thốc vào họ...

Thảo bước ra từ vụ nổ máy bay của bố với những mảnh tuổi thơ chắp vá, lo buồn... Nó thôi viết truyện, tựa như Bá Nha thôi gảy đàn sau cái chết của Chung Tử Kỳ. Trò kịch cọt cũng hạn chế. Hai trò yêu thích của Thảo thui chột, không chỉ vì thiếu vắng người ủng hộ, mà vì chúng trở nên lố bịch bên cạnh nỗi đau đớn, vất vả của mẹ".

Bi kịch mất cha của một đứa trẻ đã nhốt tất cả mọi ước mơ của Hoàng Hoa vào trong một cái túi, chỉ thỉnh thoảng lặng lẽ giở ra ngắm nghía rồi lại cất đi. Suốt tuổi thơ và tuổi trẻ của mình, Hoàng Hoa đã chứng kiến mẹ vật lộn, bươn bả với đời sống cực nhọc, cô quạnh vừa để nuôi 2 con, vừa để bảo toàn cho tình yêu sân khấu vốn vô cùng mãnh liệt trong trái tim bà.

Cô bé đã biết xót đau khi nhìn mẹ trút bỏ xiêm áo lộng lẫy trên sân khấu để trở thành một người đàn bà bình thường nuôi gà, nuôi lợn, bán cà phê, đan len, buôn quần áo... chỉ để lo cho hai con miếng cơm manh áo hàng ngày. Chị gái Linh Dương của Hoàng Hoa thì đau ốm và không bình thường về trí tuệ, khiến cho nỗi lo phiền, héo hắt trên gương mặt người mẹ càng hiện rõ.

Tuổi thơ của Hoàng Hoa như ngắn lại vì những ngày tháng lo buồn, cơ cực ấy. Chị thú nhận: "Khi đã mất cha rồi, tôi sợ nhất là một ngày mẹ tôi chết. Nỗi sợ mẹ chết ám ảnh đến mức tôi làm bất cứ điều gì để mẹ vui. Tôi lắng nghe mẹ và cố gắng "đọc" mẹ, sao cho không một phút giây nào mẹ phải phiền lòng vì mình".

Cùng mẹ chèo chống để vượt qua những tháng ngày điệp trùng gian khó ấy, dễ hiểu vì sao tình yêu đối với mẹ trong trái tim Hoàng Hoa trở nên đặc biệt. Khi bắt đầu cầm bút viết văn, đối với Hoàng Hoa không có câu chuyện nào có sức nặng mạnh hơn nỗi ám ảnh về cuộc đời của mẹ. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Hoàng Hoa chỉ xoay quanh cuộc đời của người mẹ, một người đàn bà đắm say với nghệ thuật và éo le, trắc trở trong đường đời.

Hoàng Hoa bày tỏ: "Từ góc độ của người cầm bút, tôi thấy mình may mắn khi mình có được một thứ chất liệu tuyệt vời, là cuộc đời của mẹ, với những khốc liệt của số phận đàn bà mà tôi là đứa con đã chứng kiến, nếm trải cùng mẹ. Có những chi tiết quý giá trong đời mẹ không có trí tưởng tượng phong phú nào của nhà văn có thể tưởng tượng ra".

Viết về mẹ cũng chính là cách để Hoàng Hoa thanh lọc mình, soi lại bóng mình trong đó. Đó còn là một sự thôi thúc, mà nếu chưa làm được, chị vẫn còn cảm thấy có một "khối" gì đó không thể gọi thành tên đè nặng lên trái tim mình. Nó làm chị không thanh thản, không bình yên.

Khi cuốn tiểu thuyết thứ 2 của Hoàng Hoa ra mắt bạn đọc, không ít người thắc mắc về cái tên "Thạch anh vàng" mà chị chọn đặt cho tác phẩm. Có một kỷ niệm mà Hoàng Hoa muốn chia sẻ ở đây. Khi chị đang loay hoay tìm một cái tứ cho cuốn tiểu thuyết dựa trên nhật ký về cuộc đời của mẹ mình thì chị bất ngờ gặp được ánh sáng của thạch anh vàng. --PageBreak--

Thạch anh vàng, trong niềm tin của rất nhiều người là tinh thể được hình thành từ lòng đất, chứa đựng không chỉ lịch sử của trái đất mà là hiền minh của vũ trụ. Nó còn được gọi tên là đá mặt trời. Thạch anh vàng tỏa hơi ấm, sức sống mãnh liệt, cũng như mang đến sự bình yên và che chở cho con người. Trong sự liên tưởng ấy, với cảm thức của nhà văn, Hoàng Hoa chợt nhận ra rằng hình như trong trái tim của mẹ mình đã có sẵn thứ ánh sáng trong suốt diệu kỳ của thạch anh vàng.

Và chính thứ ánh sáng đẹp đẽ ấy đã dẫn dắt mẹ chị băng qua những khó khăn, cam go của đời sống, vượt qua những thất vọng, cô đơn của đời người để đến với nghệ thuật và tình yêu. Hoàng Hoa ngồi vào bàn viết. Chị cảm thấy con đường cho cuốn sách về cuộc đời của mẹ đã mở ra. Chỉ trong 2 tháng cuốn tiểu thuyết được hoàn thành. Cho dù không rầm rộ như những cuộc ra mắt sách của nhiều tác giả trẻ hiện nay, nhưng tôi tin Hoàng Hoa đang có nhiều bạn đọc.

Vì trong "Thạch anh vàng" là kết tinh một cách sâu sắc (không dễ có ở những người cầm bút trẻ) số phận con người với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố của đời sống. Nó chân thực và bề thế, với ngồn ngộn những chi tiết, những chân dung con người rất điển hình cho thời đại chúng ta đang sống. Riêng về điều này Hoàng Hoa, với tư cách một nhà văn, phải nói lời biết ơn với mẹ của mình.

Vì chính bà, với tính cách mạnh mẽ, dám lặn ngụp đến đáy sâu của đời sống, dám trả giá cho những điều mình tin tưởng, đã cho Hoàng Hoa những câu chuyện đẹp như mơ và khốc liệt đến tận cùng. Dưới ngòi bút tái hiện và đồng cảm của Hoàng Hoa, cuộc đời nghệ sĩ Kim trong "Thạch anh vàng" chính là đại diện cho cuộc đời của những người đàn bà làm nghệ thuật đích thực trong thời kỳ đất nước nhiều biến động, đổi thay.

Khép lại trang cuối cùng cuốn sách của Hoàng Hoa, tôi đã không ngừng suy nghĩ về hành trình đi tìm hạnh phúc của người đàn bà làm nghệ thuật. Nó có gì như ảo vọng, như sương khói. Nó thật chẳng dễ dàng chút nào với một người đàn bà, khi họ vừa đẹp lại vừa thông minh.

Nói về hạnh phúc, Hoàng Hoa tâm sự, chị có lẽ là người đàn bà may mắn hơn cả trong gia đình. Chị gặp một kiến trúc sư người Pháp rồi yêu, rồi cưới. Anh cho chị một đời sống đủ đầy tinh thần và vật chất. Anh chưa bao giờ ngăn cản chị việc gì, miễn đó là việc chị thích.

Chị được đi lại tự do trong thế giới của mình, không có "vùng cấm" nào anh đề ra cả. Anh giữ chị bằng niềm tin và sự rộng lượng. Hoàng Hoa thầm biết ơn chồng vì tất cả những gì anh đã thấu hiểu với một người đàn bà cầm bút như chị. Đó là hạnh phúc, Hoàng Hoa thừa nhận. Nhưng chị cũng thừa nhận thêm rằng hạnh phúc có thật nhiều khuôn mặt.

Mỗi người nhìn thấy và yêu thích một khuôn mặt hạnh phúc tùy theo thẩm mỹ của mình. Có khi hạnh phúc ban phát đầy rẫy những khuôn mặt màu mè, quyến rũ, chúng thỏa mãn nhu cầu của ta, để ta tin rằng mình đang "đủ", mình đang hạnh phúc. Song, gương mặt mộc cuối cùng của hạnh phúc thì rất ít người được nhìn thấy. Sự thỏa mãn, với một người đàn bà viết văn, có bao giờ là đủ chăng?

Đôi khi cảm giác về một cái lồng của hạnh phúc vẫn ẩn hiện trong tâm trí Hoàng Hoa, và chị tìm đến Thiền, để được yên tĩnh, để hiểu và sống theo những thứ đời sống đang ban cho mình. Và trong lúc Thiền, chị hiểu được rằng, không chỉ với người đàn bà làm nghệ thuật, mà với đàn bà nói chung, hạnh phúc vẫn luôn là câu hỏi rất khó trả lời. Hình như con người ta, ngoài những nỗi lo thường nhật ra, ai cũng quan tâm đến vấn đề đi tìm hạnh phúc.

Viết, đối với nhà văn Vũ Hoàng Hoa không phải là khoái cảm, mà là một nhu cầu thực sự. Chị cho rằng nếu một ngày chị không viết được nữa thì không điều gì có thể bù lại mất mát ấy. Chị không lên kế hoạch cho việc viết, nhưng mỗi thời điểm của cuộc sống chị lại có nhu cầu giải quyết một vấn đề nào đấy.

Nó hiện diện rõ ràng trong chị. Chị phải cầm bút lên, viết như là để gỡ rối, để thoát khỏi mớ bùng nhùng đang bủa vây mình. Cảm giác ấy có lẽ hơi khó hiểu đối với bạn đọc nói chung, nhưng tôi cho rằng nó không hề xa lạ với những ai đã từng cầm bút viết văn.

Vũ Hoàng Hoa có một lối viết cực kỳ giản dị. Văn của chị ít màu mè, son phấn. Câu chuyện của chị luôn đủ sức hấp dẫn lôi kéo bạn đọc từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng mà không cần đề cập đến vấn đề sex như cách mà nhiều nhà văn trẻ khác hiện nay đang lựa chọn.

Về vấn đề này, Hoàng Hoa bày tỏ: "Sex trong văn chương chưa bao giờ là vấn đề đối với tôi. Tôi không tránh né. Khi nào cần thì tôi sẽ đưa nó vào trong tác phẩm, nhưng chắc chắn là phải ở trong một trạng thái cần thiết nào đó, và nó phải thực sự là phương tiện cần thiết để chuyển tải tư tưởng của tôi. Tôi quan niệm sex giống như những nét chấm phá trên tranh Thiền. Nó có ngưỡng. Vì tôi cảm thấy mình đã đủ trải nghiệm và tỉnh táo để thấy rằng, trong văn học, sex chỉ là thuần túy thôi thì không có giá trị mấy. Viết cho tinh tế, nghệ thuật thì khó, chứ viết cho sướng thì dễ sa đà".

Là một cuộc vật lộn, một cuộc dấn thân, một cuộc kiếm tìm bản thân, khi ai đó quyết định chọn viết như một công việc quan trọng của đời mình. Hoàng Hoa đã lựa chọn viết để đi tìm những ẩn số về thân phận con người, đặc biệt là người đàn bà. Nếu như chị tin rằng ánh sáng của thạch anh vàng đã có từ rất lâu trong trái tim của mẹ chị, thì tôi tin rằng chính là thứ ánh sáng ấy đã soi rọi vào ngòi bút của chị và tỏa ấm áp lên từng trang viết. Và từ đấy, chị có thể chia sẻ với cuộc đời

Bình Nguyên Trang
.
.