Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy: Khi mất cha cho con tấm giấy giới thiệu

Thứ Ba, 24/01/2012, 11:50
Trước khi ông mất vài ngày, báo Nhân Dân đăng bài của ông với nhan đề Những khoảng trống đáng sợ. Vấn đề cảnh báo về nguy cơ xã hội, về đạo đức xuống cấp. Phải chăng đây là lời tiên tri, ông cảm thấy chống chếnh, người ta xô vào cờ bạc, tham nhũng, rượu chè, ma túy…

Ông Hoàng Đạo Thúy có cuốn Người thầy là sách gối đầu giường của các giáo học trước Cách mạng Tháng 8, in năm 1944. Rồi cũng trong những ngày tháng đó, có một cuốn sách của ông được rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ yêu thích và truyền bá rộng rãi là Trai nước Nam làm gì? Lần đầu tiên có cuốn sách viết về phận sự của thế hệ thanh niên trước Cách mạng Tháng 8, yêu nước thương dân thì phải tìm con đường đi cho mình như thế nào trong bối cảnh lịch sử phức tạp và nhá nhem ấy?! Khi cuốn sách này xuất bản, toàn quyền Pháp muốn trao giải thưởng rất to nhưng ông đã từ chối vì nhận thì không khác nào mình công nhận Pháp là đô hộ. Còn một mảng lớn nữa mà ông tâm đắc là viết sách kể chuyện lịch sử ở dưới dạng tôi nhớ, tôi thấm.

Trong suốt từ những năm trước Cách mạng Tháng 8 cho đến về sau, ông vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết cho đề tài này. Đặc biệt ông viết một loạt bài in ở báo Quân đội nhân dân vào năm 1957, 1958 với tiêu đề Kể chuyện ông cha ta đánh giặc. Đó là một xeri về các vị tướng từ thuở Lý Thường Kiệt mang gươm đi mở cõi, đến anh hùng áo vải Quang Trung… Độc giả cứ mong chờ từng bài ra để đọc. Sau xeri đó sau được in thành cuốn sách. Ông cụ có cách truyền bá bằng văn chương nhẹ nhàng, tóm gọn, dễ hiểu để người dân thường đọc có thể dễ dàng thấm được, nhưng cũng rất hàn lâm. Và một cuốn sách ông viết trong thời kì chống Pháp về công tác hành chính là Sửa đổi lề lối làm việc. Cho đến tận giờ, rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách vẫn còn mới.

Quan tâm đến lĩnh vực rèn người, nên ngay trong thời chống Pháp, ông viết về sách giáo khoa Công dân giáo dục. Ông viết về sự trong sáng của tiếng Việt. Và mấy chục năm sau thì Bộ Giáo dục mới có môn Giáo dục công dân phổ biến cho các học sinh tiểu học và trung học.

Nhiều người viết về lịch sử, ông cụ viết về chứng nhân, về thời của ông. Đó là thời gần như sau thế kỉ XIX nửa đầu thế kỉ XX. Ông sinh năm 1897, chất Hà Nội còn lại đến năm 1954, Hà Nội của thời mười lăm vạn dân, của Hà thành, kẻ sĩ... Cái chất của ông là kể chuyện đã trôi về dĩ vãng, Hà Nội đang trầm tích mà cũng đang dần phôi pha.

Ông nói về Hà Nội, Hà Nội không chỉ là kiến trúc, Hà Nội cũng không chỉ là phố phường, Hà Nội không chỉ là làng nghề, Hà Nội là cách ứng xử, Hà Nội là cách sống của xã hội từ cái ăn, cách mặc, đi lại, giao thiệp, lời ăn tiếng nói… Xeri cuối cùng của ông là 4 cuốn sách về Hà Nội, Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội và cuốn cuối đời là Hà Nội thanh lịch. Phải chăng, ông thấy nơi thủ đô linh thiêng văn hóa suy đồi, xuống cấp và ông muốn đề cao xây dựng cái nền nếp thanh lịch của người Tràng An xưa trong hoài niệm. Người ta gọi ông là Nhà Hà Nội học. Ông bảo ông không làm nghiên cứu, ông không thích chữ “học” ấy. Ông chỉ biết gì kể nấy, kể về Hà Nội, về những gì đã được nhào nặn, thẩm thấu, và cảm nhận của riêng ông.

Hơn 80 tuổi, cuốn sách cuối cùng của cuộc đời ông mang bao tâm huyết là cuốn Đi thăm đất nước, sau đó đổi tên thành Đất nước ta. Ông đi khắp đất nước và viết hoàn toàn bằng trí nhớ. Ông yêu vô cùng các dẻo đất miền quê Việt Nam và thuộc bản đồ ghê gớm. Vài tháng trước khi ông ra đi, khi hai cha con tôi trò chuyện cùng nhau, ông nói: “Người ta già lúc chết người ta quên bớt đi. Còn cậu lại khổ về trí nhớ, cậu không quên ai, không quên cái gì bao giờ”.

Năm 1920, 1921 ông dạy học ở Cao Bằng, Hưng Yên… cứ ba năm lại đổi một nơi dạy. Vào những năm cuối của thập niêm 80, sau 60 năm học trò khắp nơi về thăm thầy, ông không những nhớ tên học trò, còn nhớ bố mẹ, họ hàng học trò. Người ta gọi ông là pho sử sống. Ông là người rất tĩnh tại, điềm nhiên, không bao giờ bị quấy rối vào chuyện lộn xộn. Có thể bảo tồn nhiều thứ nhưng riêng bộ óc của ông không thể bảo tồn. Ông chăm chỉ, cần mẫn viết tất cả bằng trí nhớ, bằng những gì được lồng qua nhãn quan của mình.

Trước khi ông mất vài ngày, báo Nhân Dân đăng bài của ông với nhan đề Những khoảng trống đáng sợ. Vấn đề cảnh báo về nguy cơ xã hội, về đạo đức xuống cấp. Phải chăng đây là lời tiên tri, ông cảm thấy chống chếnh, người ta xô vào cờ bạc, tham nhũng, rượu chè, ma túy…

Ông giáo dục lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân qua phong trào hướng đạo sinh. Ngày đó, hướng đạo sinh lôi kéo hàng vạn thanh niên trí thức tiểu tư sản. Hoàng Đạo Thành, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Cơ Thạch…  đều là những người đi theo hướng đạo sinh Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Thụ trước khi bị Tây bắt xử bắn, có đến tìm đến cha tôi, nhờ cha tôi đưa hướng đạo sinh vào hoạt động Việt Minh. Năm 1945, ông Hoàng Đạo Thúy đi cùng ông Hoàng Tùng lên Việt Bắc, tham gia Đại hội Tân Trào, tại đây, lần đầu tiên ông Thúy được gặp Cụ Hồ. Cụ Hồ bảo: “Anh Thúy bày trò hướng đạo cho anh em vui đi”.

Ông Thúy bày trò đốt lửa trại, cùng hát với mọi người ở Tân Trào. Sau Cách mạng Tháng 8, phong trào hướng đạo sinh dưới sự chỉ đạo của ông Thúy ngày càng phát triển và đã lôi kéo rất nhiều tầng lớp xã hội tham gia. Từ văn nghệ sĩ, đến sinh viên học sinh hướng đạo, còn có cả những cán bộ  cao cấp như Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng… cũng hăng hái tham gia hướng đạo sinh.

Đời ông Thúy bi kịch lắm. Ông có ba người con mất do tai nạn. Người đầu tiên là chị cả tôi. Chị là người đẹp nổi tiếng đất Hà thành khi xưa. Chị bị tai nạn ô tô, khi  đang đưa thư hướng đạo của cha tôi thì bị xe Tây cán, tất cả bác sĩ giỏi nhất của Hà Nội đều có mặt nhưng rồi cũng chẳng thể làm gì được. Đêm hôm đó, chị tôi mất ở bệnh viện Phủ Doãn, (sau này là bệnh viện Việt Đức).

Một người con trai nữa của ông lại chết tai nạn ở Sơn Tây, khi bơi bị đâm vào cọc tre rồi chết. Một người con gái nữa của ông là chị sát tôi lại cũng  qua đời vì tai nạn xe máy. Chị tôi đi xe đạp ở phố Tôn Đản, bị một người đi xe máy hất chị tôi lên vỉa hè, đập đầu xuống nền gạch, chị mất. Đời cha tôi rất buồn. Ông có bài thơ về người chị cả của tôi, ông yêu chị tôi lắm, chị đẹp và tài nữa.

Ông là người cả đời không xin xỏ ai, đến chết cũng vẫn thế. Ông có gần 10 năm trời tự nấu ăn lấy. Thời bao cấp khốn khó, 16 năm trời hầu hạ vợ ốm đau bệnh tật, không nề hà gì từ chuyện đổ bô, nấu cháo, giặt giũ cho vợ. Không cần phải các con, ốm đau không bao giờ ông kêu ca, ông tự chữa bệnh. Ông tự trồng rau lấy ăn, tự trồng hoa để ngắm, tự đóng lấy đồ đạc. Ông trồng cây cà chua, trồng cây cúc đại đóa như một người nông dân làng hoa Ngọc Hà.

Khi nhà nước giao cho ông ở biệt thự Pháp, đồ vật dụng cũ của Pháp bỏ lại, ông mang về dùng. Khi về hưu, ông trả lại nhà cho nhà nước và tất cả các đồ đạc khác, tuyệt đối không lấy bất kể một thứ gì, và về ở trong cái nhà gần như cái lều. Nhà ba gian, xây tường gạch và lợp lá gồi. Đời ông Thúy khi về hưu hơn 20 năm trời ông chống chọi vật lộn với sự dột của nhà lá gồi, quan điểm của ông là thanh bạch. Sau bộ đội thương lại lợp ngói cho nhà ông.

Khi về hưu, ông có nỗi buồn gì đó, người ta bảo ông Thúy rất buồn, mọi nhà nho đều thế, buồn nhân tình thế thái. Ông Thúy đã trải qua thăng trầm dâu bể của đất nước không bao giờ ông ca cẩm. Ông đã đi theo sự nghiệp đó. Và ông chân thành với nó. Ông không bao giờ viết đơn xin xỏ, không bao giờ đòi hỏi chế độ chính sách. Không bao giờ a dua. Không bao giờ than vãn. Không bao giờ nói gì với các con muốn các con tin tưởng để làm việc. Không bao giờ bất mãn. Bất mãn ông cho là hèn. Sau ngày thống nhất đất nước đã lâu, mãi đến tận những năm cuối đời, người ta như sực nhớ ra và trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho ông.

Ông không bao giờ viết giấy xin cho con một điều gì hết. Trước khi mất vài ba tháng, cha tôi nói với tôi: “Cậu không để lại cho các con cái gì cả. Cậu chỉ để lại cho con giấy giới thiệu”. Thời ấy, đi đâu cũng phải giấy giới thiệu, cha tôi đã để lại cho các con cái tên của ông - Hoàng Đạo Thúy.

Ông rất hay giúp đỡ người nghèo, thương trẻ mồ côi. Ông là nhà nho, nhà nho nào cũng thế, rất tiết tháo, không ưa bọn súng sính. Ai cần giúp đỡ gì cha tôi đều cho hết.  Những năm cuối đời ông còn giữ lại cái mũ, ống tiêm, ống pha cà phê, cái tẩu hút ở chiến dịch Điện Biên Phủ, cái kính. Ông sống giản dị. Giải thưởng văn học đầu tiên ở Hà Nội là tặng cụ Thúy, nhưng ông không thích nói huân chương, không thích nói khen thưởng.

Ông là người hoạt động ghê gớm nhưng trước mọi chuyện lại hết sức bình tĩnh. Như khi ốm ông tự tiêm thuốc, dù khỏe hay mệt nhưng không bao giờ ông có kiểu người già gắt gỏng, mà nhỏ nhẹ ân cần.

Ngày cha tôi mất, ông ở một mình trong túp lều tại làng Đại Yên mà ông gắn bó suốt hơn 20 năm cuối đời. Ông mất vào 7 giờ sáng ngày mồng 5 Tết năm 1994, trên ghế mây. Như mọi ngày, ông ra khỏi màn là  tập thể dục,  pha ly cà phê sữa uống dở, rồi lặng lẽ thiếp đi. Con trai tôi đến chơi với ông gọi điện cho vợ chồng tôi bảo: “Bố mẹ ơi về đi, hình như ông có chuyện gì”. Khi chúng tôi đến nơi thì ông đã đi rồi. Hai vợ chồng tôi đặt ông xuống giường. Ông  đi không một lời kêu ca, phàn nàn, ốm đau bệnh tật. Ngày hôm trước các bạn vẫn đến đầy nhà, và ông nói chuyện tỉnh táo, minh mẫn, thế mà hôm sau ông đã ra đi. Ông đi rất thanh thản.

Ông được an táng ở nghĩa trang Mai Dịch, trên mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Cụ Hoàng Đạo Thúy 1900-1994”. Không chức tước, không huân chương, chỉ là năm sinh, năm mất. Cái tên đã là tinh thần sự nghiệp. Chữ Cụ bởi cụ đã sống gần một thế kỉ. Khi còn đương thế, cụ từng bảo: “Chết mà lên sân khấu làm gì?”

Bằng cách sống của cụ, cụ dạy lại người ta.

Bức thư của cụ Hoàng Đạo Thúy gửi lại các con trước khi mất:

“Sau khi cha mất, đừng làm như thói thường mà rước huân chương đi đường. Làm sao tránh được đồ phúng tốn và phiền đến bà con, láng giềng.

Các con và các cháu, cả cuộc đời của bố mẹ là một lời dặn các con và các cháu chữ Trung hậu. Trung với nước, với công việc. Hậu với bà con, với đồng bào. Các con, các cháu giữ nếp trung hậu cố có được hạnh phúc và thắng lợi…

Điểm tang là điểm cuối cùng của đời người. Ý của cậu là làm đơn sơ khi xảy ra thì nói với người gần nhất, người mất xin không viếng bằng tiền, đối trướng, hay hoa mà chỉ dùng mấy nén hương hay mấy chữ trên một tờ giấy. Đừng đem ảnh và huân chương đi đường. Không cần chụp ít ảnh thôi, yêu cầu đốt đi, đào một lỗ nhỏ. Sát cậu là mộ mợ, bên em Minh, bỏ gói tro cho xuống đấy, lấp đi. Đất trả lại đất. Thế là xong cả. Không làm phần mộ, không dựng mộ chí. Nếu chưa làm được, thì kỉ niệm bố mẹ bằng cách ăn ở”.

Trần Mỹ Hiền (ghi lại)
.
.