Nhà văn Trần Thị Trường: Có nhiều người bị xã hội bỏ lại với chính cái giàu của họ

Chủ Nhật, 22/03/2020, 15:19
Nói đến hai từ “hạnh phúc”, nói thật là tôi vẫn luôn suy nghĩ về nó từ chính câu chuyện của bạn tôi. Tôi cảm giác rằng bạn tôi không hạnh phúc trong khối hai mươi mấy tỉ của bạn. Bởi vì, bạn ấy có một ngôi nhà rất to, rất đẹp, thậm chí có thể thuê kiến trúc sư có tiếng đến thiết kế, nhưng sau đó thì sao? Sau đó, lại không có những người bạn đến chơi.


Tôi và nhà văn Trần Thị Trường cùng sinh hoạt trong một CLB điện ảnh, nơi mà cứ tối Chủ nhật hằng tuần chúng tôi cùng ngồi để xem lại và phân tích các tác phẩm điện ảnh kinh điển thế giới. Những buổi sinh hoạt thường kết thúc rất muộn, có lúc tới tận 10, 11 giờ đêm. 

Lúc đầu tôi cứ ngỡ vào thời điểm rất muộn ấy, nhà văn Trần Thị Trường sẽ lên taxi về nhà ở cách đó khoảng 10km. Nhưng hóa ra không phải thế. Bà lặng lẽ đi vào bãi đỗ xe, lặng lẽ ngồi lên chiếc xe máy, rồi cứ thế phóng cái vèo. Một người phụ nữ vào tuổi 70 nhưng vẫn tự tin cầm tay lái trong đêm, chỉ riêng điều ấy thôi đã khiến tôi bất ngờ. 

Sau này khi quan sát “người phụ nữ 70” vẫn sống một đời sống “trẻ trung như thanh niên” (đấy là cảm nhận của riêng tôi) thì bên cạnh sự bất ngờ tôi lại tò mò về bà nữa. Phải nói rất thật là tôi tò mò về đời sống và cách sống của bà hơn cả những trang văn mà bà viết. Bởi trong tôi cứ vân vi một suy nghĩ rằng: nếu giải mã được cuộc sống ấy, chúng ta rồi sẽ biết chìa khóa hạnh phúc nằm ở đâu, ngay cả khi chúng ta đã đi qua thời kỳ sung sức và rực rỡ nhất của cuộc đời mình. 

Và chính từ sự tò mò ấy mà tôi đã “bắt cóc” nhà văn Trần Thị Trường vào một cuộc đối thoại không có trong bất cứ một kịch bản nào.

Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà văn Trần Thị Trường, nhiều người kể với tôi rằng, vào những năm 80 của thế kỷ 20, bà sinh sống ở Bulgaria, và có thể được xếp vào hàng “đại gia” người Việt Nam ở đó. Nếu không ngại, bà có thể tiết lộ xem thời kỳ ấy những người Việt ở Bulgaria như bà làm gì mà lại giàu có vậy?
Nhà văn Trần Thị Trường thời trẻ và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhà văn Trần Thị Trường: Phải nói thế này mới chuẩn: trước khi đi Bulgaria, tôi không giàu có gì đâu. Tôi đi tìm đường cứu nhà nên mới sang Bulgaria, với một danh nghĩa là sang lao động xuất khẩu vị trí thợ hàn. Nhưng nhờ có khiếu ngoại ngữ từ trước, nên tôi mau chóng chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Bulgaria và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đó bằng vốn tiếng Bulgaria của mình. 

Chính lợi thế ngoại ngữ và sự tháo vát vốn có của một người con trong một gia đình biết làm giàu, nên đúng là tôi đã “tung hoành” ở Sofia. Ngoài lương đi làm hằng ngày để giữ trọn hợp đồng mà mình đã kí với bên Bulgaria, tôi còn sản xuất quần bò. Lúc đó, thật sự là chẳng hề có ý thức về vấn đề bản quyền hay sở hữu trí tuệ gì, nên tôi đã làm quần bò nhái của các nước tư bản để bán cho những người của các nước xã hội chủ nghĩa ở Bulgaria và thu về một mối lời không nhỏ. 

Sau này, tôi có thấy những người mà bây giờ là tỷ phú thì lúc ấy, ở vạch xuất phát, họ cũng chỉ có cơ hội giống tôi thôi. Lúc ấy, tôi cũng có một số vốn tương đối, và có người đồn rằng khi về nước thì tôi mang về cả tấn hàng.

- Chuyện ấy có thật chứ ạ?

- (Cười…) Thôi, cho tôi không thanh minh, không xác nhận, không điều chỉnh gì về mấy chuyện này cả. Chỉ xin giải thích rằng ở thời của chúng tôi, ngoại tệ quản lý rất chặt, cho nên chúng tôi phải mang hàng hóa, từ bàn là, nồi hầm, đồ điện và bất cứ thứ gì khác. Tôi vẫn nhớ thuốc Tây và vải vóc là đặc sản của Bulgaria. Bạn cứ thử về nhà hỏi cha mẹ là thời đó có đi mua những mét vải kẻ của Bulgaria không, hàng ngàn mét luôn? Nếu có, thì khả năng cao là mua chính từ tôi đấy!

- Giàu có và đầy cơ hội làm ăn như thế, tại sao bà lại đột ngột bỏ Bulgaria về Việt Nam? Liệu lúc đó bà nghĩ rằng với vốn liếng mình có, về Việt Nam hoàn toàn có thể phất lên nhanh hơn nữa?

- Ồ không! Tôi không chủ quan và ảo tưởng như thế đâu, vì tôi đã từng sống qua những thời gian rất khó khăn của đất nước này rồi. Lúc đó tôi nghĩ rất rõ rằng, nếu đúng là có thể mang một tấn hàng về thì cũng chẳng giải quyết được gì nhiều đâu. 

Tôi đã từng để một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết của mình thốt lên: “Trời ơi, mẹ ơi! Tại sao 300m vải chỉ chia trong hai ngày thôi đã hết? Sao họ hàng của con đông thế?”. Tức là, tôi muốn nói rằng, có mang về bao nhiêu đi chăng nữa, nếu không mua ngay biệt thự, sắm ngay mấy mảnh đất thì lập tức cũng chẳng còn gì. Bởi vì xung quanh mình toàn những người nghèo, mình không thể bước qua sự nghèo của những người thân mình được. 

Tôi xác định rõ ràng những điều này vì học được tư duy lý tính, thực dụng của người châu Âu. Tư duy thực dụng chính là cái gì có thật thì ta phải làm đúng thật, đừng lãng mạn một cách vô bổ, viển vông. Thậm chí không định hình mình khi không biết mình là ai. Ở thời điểm đó, trong số những người từng ở Bulgaria với tôi, có những người tin rằng nếu cho họ làm vua họ cũng làm được. Tôi thì khác. Tôi thực tế và lý tính hơn họ, và tôi âm thầm mong muốn những điều rất khác…

Trở lại với câu hỏi của Phan Đăng, vậy thì tại sao lúc ấy tôi vẫn về nước? Bây giờ các bạn sẽ cho là sáo rỗng, nhưng tôi nói thật đấy, ở Bulgaria dù giàu có và đầy cơ hội làm giàu thì tôi vẫn cứ nhớ quê hương mình. Tôi nhớ mẹ tôi. Tôi nhớ những sinh hoạt thường ngày của người Việt. Rồi tôi nhớ cái phố Khâm Thiên lụt lội mà mình thường đi qua. 

Và tất cả những điều đó dẫn tôi đến một suy nghĩ: Dẫu có nghèo đi một chút nhưng được về sống ở quê hương mình thì tôi vẫn cứ về. Rồi khi có cơ hội định cư ở Mỹ thì tôi vẫn cứ nghĩ thế, và chính vì vậy mà bây giờ tôi mới bỏ con cháu lại ở Mỹ để sống ở Việt Nam như thế này. 

Nhưng, đó là sau này những ý nghĩ đó trở nên một cách chắc chắn rõ ràng, chứ hồi quyết định rời Bulgaria về nước nó chỉ mơ hồ. Có lẽ là một linh hướng, mà sau này tôi vẫn hay nói với con cái mình rằng có lẽ là do “trời mách bảo”. Và chính từ những mách bảo như thế mà sau này tôi mới cầm bút, để trở thành nhà văn. Lúc ở Bulgaria, tôi chưa viết gì đâu nhé. 

- Bà vừa nói là sau này bà còn có cơ hội định cư ở Mỹ?

- Vâng, đúng thế! Con gái tôi đã ở Mỹ trên 20 năm rồi và có chồng là một người Mỹ gốc Do Thái. Tôi không tiện nói ra, nhưng vợ chồng con có địa vị xã hội ở Mỹ hẳn hoi. Tức là tôi thừa điều kiện cùng con cái mình định cư ở Mỹ. Nhưng tôi không ở.

- Nói một cách sòng phẳng thì vào những năm 80 của thế kỷ trước, bỏ Bulgaria là bỏ một chân trời tiền bạc với mình, còn về Việt Nam lại thỏa mãn những nhu cầu cảm xúc trong con người mình, và lúc đó nhà văn Trần Thị Trường chọn cái thứ hai chứ không chọn cái thứ nhất. Cho tôi hỏi rất thật, và cũng mong bà trả lời thật, khi nói “không” với tiền bạc để trở lại một cuộc sống có nhiều phần thiếu thốn ở Việt Nam, có bao giờ bà hối hận với quyết định của mình hay không? Tôi muốn nói thêm rằng, tôi rất dị ứng với những câu trả lời mang màu sắc “diễn”, và tôi nghĩ là ở tuổi của mình, nhà văn Trần Thị Trường sẽ không “diễn” giống như một vài nghệ sĩ khác mà tôi từng biết…

- (Cười…). Tôi có đọc rất nhiều các bài đối thoại của bạn, tôi hiểu Phan Đăng là ai mà. Bây giờ thế này, tôi sẽ kể một câu chuyện cụ thể về một người bạn của mình rồi bạn tự trả lời xem khi đối thoại với bạn, tôi có “diễn” hay không nhé. 

Bạn của tôi, một người bạn rất thân thiết hiện đang có cửa hàng trên chợ Đồng Xuân, và giờ chị ấy có hẳn hai mươi mấy tỉ đồng. Chị bảo rằng, nhà cửa cũng sắm rồi, mọi thứ đề huề, sung túc rồi, chả thiếu gì, nhưng vẫn hùng hục buôn buôn bán bán vì không thể bỏ cái cửa hàng đang hái ra tiền của mình được.

- Buông bỏ cái cơ hội làm giàu, cơ hội tiến thân, đấy là điều mà nào phải ai cũng làm được!

Nhà văn Trần Thị Trường trong ngày khai mạc triển lãm tranh cá nhân.

- Nhưng đến một lúc nào đó, nếu không biết buông bỏ thì con người ta khó tìm ra hạnh phúc của đời mình. Phan Đăng biết không, bạn tôi nói: “Mày ơi, tiền nhiều thế nhưng nếu có mặc một bộ quần áo diện thì tao cũng không biết đi đâu, có muốn đi xem những bộ phim mà mày nói ở những CLB Điện ảnh, thì tao cũng không đủ tự tin để đến đó. Tao không biết là có thể hiểu được những bộ phim đó hay không, có thể vui vẻ ngang bằng để trò chuyện với người cùng xem hay không”. 

Bạn tôi vừa nói vừa rơm rớm nước mắt. Lúc đó tôi thương bạn vô cùng. Tiền không làm cho bạn hạnh phúc. Bạn đang bị xã hội bỏ lại phía sau. Nhiều lần bạn mặc đẹp chờ tôi nhưng rồi bạn cũng không dám cùng đi đến nhà hát, vì bạn cũng không biết nghe nhạc. Đôi khi trái gió trở trời, bạn bỏ hàng đống tiền mua thuốc rồi lại không dám uống, vì mỗi người bán thuốc lại nói một kiểu, bạn cũng không có đủ trình độ để xử lí các thông tin quanh bạn. Bạn thường hoang mang trước những tin đồn. 

Tôi cho rằng, những người không có kiến thức là những người hoang mang nhất trong xã hội. Không có kiến thức thì làm sao phân biệt trái, phải? Đâu là điều ta nên nghe? Từ đó dẫn đến dễ dao dộng, chếnh choáng, a dua. Vậy thì tôi xin hỏi lại Phan Đăng, một câu rất nhiều người hay đùa: “tiền nhiều để làm gì?”.

- Từ câu chuyện của bà và của người bạn mà bà kể, chúng ta có thể khái quát vấn đề thế này: Nếu chúng ta chỉ chăm chăm nuôi đời sống vật chất của mình thôi, mà không chịu nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, cũng không chịu vun vén, xây đắp cho đời sống tinh thần của mình thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ bị xã hội để lại với chính cái đời sống vật chất thừa mứa của chúng ta. Một đời sống hạnh phúc nhất định phải là một đời sống cân bằng giữa vật chất và tinh thần – công thức này đúng một cách tất yếu, và đúng trong mọi trường hợp, phải không ạ?

- Nói đến hai từ “hạnh phúc”, nói thật là tôi vẫn luôn suy nghĩ về nó từ chính câu chuyện của bạn tôi. Tôi cảm giác rằng bạn tôi không hạnh phúc trong khối hai mươi mấy tỉ của bạn. Bởi vì, bạn ấy có một ngôi nhà rất to, rất đẹp, thậm chí có thể thuê kiến trúc sư có tiếng đến thiết kế, nhưng sau đó thì sao? Sau đó, lại không có những người bạn đến chơi. 

Chưa kể, không gian của bạn ấy được một kiến trúc sư thiết kế rất đẹp, nhưng bạn tôi cũng chỉ sử dụng cái công năng thiết yếu thôi, còn cái đẹp dường như bạn ấy không cảm nhận được. Bạn bày biện trong đó những thứ tạp nham phá hết cả vẻ đẹp của ngôi nhà. Nhiều lúc tôi thấy bạn tôi lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình, thậm chí cả với chính những đứa con mình. 

May mà những đứa con của bạn tôi tự tìm tòi và không bị hư hỏng, nhưng một người bạn của bạn ấy, cũng là một người buôn bán có tiếng ở chợ Đồng Xuân lại không may như thế, cô ấy có những đứa con bị dính vào tệ nạn xã hội. Người bạn ấy nói với chúng tôi rằng: “Mất hết rồi, chúng ta có cả một đời để kiếm tiền, đến bây giờ tiền không biết để làm gì nữa! Vì cho con, con cũng không có cơ hội để tiêu những đồng tiền mà chúng ta kiếm ra được nữa…”. Cái giá như thế quá đắt, đúng không?

Nhà văn Trần Thị Trường với những người bạn nhạc sĩ.

Tôi có thể không giàu bằng bạn mình. Mà nói thật là lúc đầu, tôi cũng không đủ tự tin để chơi với những người bạn giàu như thế. Hơn nữa, bạn cũng quá bận rộn với công việc buôn bán hằng ngày. Tôi thì luôn tự nhủ là kiếm tiền vừa vừa thôi. Đến một lúc nào đó thậm chí nên dừng lại. Để làm gì? Để dành thời gian cho sách, cho nhạc, hội họa và văn chương. Những thứ đó phải được nạp vào như là cách để tự tiêm vắc xin cho mình, phòng những tệ nạn lôi cuốn ngoài kia của xã hội. 

Nguyên tắc vắc xin bằng văn hóa để chống bệnh tật của tôi là bất di bất dịch, nhờ những điều như thế, trong môi trường văn hóa ấy của tôi mà các con tôi khỏe mạnh mọi mặt. Tôi có thể tự hào khoe rằng các con tôi rất thành đạt trong xã hội. Phan Đăng biết không, từ rất sớm, chúng luôn ý thức được rằng mỗi người sinh ra ở đời đều trình diễn mình trước loài người. Nhưng phải trình diễn kiểu gì để vừa khiêm tốn, vừa có ích với chính mình mà lại vừa hấp dẫn với người thân của mình.

- Bây giờ bình tâm nghĩ lại, có bao giờ bà đặt ra viễn cảnh: vài chục năm trước, nếu bà không về nước, mà vẫn lao vào công cuộc kiếm tiền thì những đứa con của mình rồi sẽ như thế nào không?

- Giả sử như thế thì tôi mất tôi trước, tôi sẽ là một Việt kiều châu Âu điệu đàng, sang trọng, giàu có nhưng chồng con tôi ở nhà không cần đến sự có mặt của tôi, tôi ở ngoài cuộc đời họ, ngoài niềm vui, nỗi buồn họ có. Hoặc giả, tôi lấy một người châu Âu, có một gia đình mới hạnh phúc, nhưng chắc chắn sẽ khó có một tôi như hiện nay: vui cùng niềm vui của các con các cháu, chia sẻ những thách thức của một khám phá mới của chúng, và nhất là tôi có thể khám phá bản thân mình bằng những tác phẩm được đón nhận tại quê hương bản quán. Những bức tranh vẽ ngôi nhà góc phố Hà Nội của tôi luôn đầy ắp cảm xúc. Đấy là nói theo chiều tích cực, chứ chiều ngược lại, biết đâu tôi mất tất cả ấy chứ.

- Vậy là chúng ta vừa nói hàng loạt câu chuyện để thấy rằng đời sống tinh thần có một giá trị quan trọng trong việc kiến tạo hạnh phúc mỗi cá nhân. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị qui kết là những người phủ nhận vật chất một cách cực đoan. Thế nên chỗ này cho tôi xin phép cắt lời bà để nói thêm về mối liên hệ giữa vật chất và hạnh phúc. 

Có rất nhiều các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu dữ liệu lớn đã khảo sát về mối liên hệ này, và họ kết luận rằng, khi đời sống vật chất của một con người hay một nhóm người là không đầy đủ thì quả nhiên tiền bạc/ vật chất sẽ đem đến cho người ta cảm giác hạnh phúc. Nhưng khi đời sống vật chất đã đạt tới một cái ngưỡng nào đó rồi thì con người ta mới thấy vật chất có khi còn khiến người ta bất hạnh. Lúc này sự song hành và mở rộng của các yếu tố như giá trị tinh thần, sức nội kháng bên trong, những rung động tâm hồn… mới thực sự là hạnh phúc bền vững.  

- Ồ! Phan Đăng cũng không quên rằng tôi vẫn chăm chỉ đến lấy nhuận bút ở tờ báo mà bạn đang làm, và tôi rất quý trọng những đồng tiền mình kiếm được đó sao? Khi tôi ngồi uống cà phê với bạn, trước khi gọi một món đồ, tôi cũng phải luôn liếc nhìn giá của món đồ đó trên menu để xem nó có phù hợp với túi tiền hiện tại của mình không. 

Nói như thế để thấy rằng ngay cả bây giờ, khi không thiếu thốn gì cả thì tiền bạc nói riêng và vật chất nói chung vẫn có ý nghĩa với tôi. Điều chúng ta đang nói ở đây là, nếu chỉ có tiền và chấm hết thì chúng ta là kẻ nghèo nàn vô cùng trong đời sống này. Thêm một khía cạnh nữa cũng phải bàn thêm: Cách mà chúng ta có được những đồng tiền ấy là như thế nào? 

Có một lần, vì thương người bán xổ số nên tôi mua một vé số và không ngờ là trúng giải ba. Tiền trúng giải đem lại cho tôi hạnh phúc không? Một chút bất ngờ, vui vui thì có, nhưng hạnh phúc thì nhất định không! Bởi tôi ý thức một cách rõ ràng rằng đồng tiền kiếm được một cách chân chính mới có thể đem tới cho mình hạnh phúc. 

Tôi không nói xổ số là không chân chính, nhưng nó chỉ là một trải nghiệm may rủi, chứ không phải là một trải nghiệm lao động, nên không đem lại cho tôi bất cứ kinh nghiệm nào cả. Nhưng khi tôi viết một bài báo và được in trên An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng chẳng hạn thì khác, đồng tiền nhuận bút khi ấy là một trải nghiệm lao động thật sự. Tiền bạc chỉ đem tới hạnh phúc khi nó đi qua một trải nghiệm lao động thực sự. 

Khi đã sống nhiều năm ở Mỹ, tôi thấy các tỷ phú Mỹ không ai cho con mình  tiền để tiêu xài một cách dễ dàng cả. Thậm chí họ không cho gì cả, chỉ cấp vừa đủ để chúng thực hiện các dự án có ý nghĩa cho cuộc đời của chúng, đồng thời có ý nghĩa với cộng đồng, còn lại họ thường tài trợ cho các quỹ từ thiện hoặc phát triển tài năng. 

Tại sao vậy? Tại vì họ muốn con cái mình phải có những trải nghiệm lao động đúng nghĩa trong cuộc đời này. Lao động nâng con người lên, trải nghiệm bằng lao động sẽ đem lại cho con người sự hiểu biết các hệ giá trị và điều đó đem lại cho con người hạnh phúc ở mọi chiều kích.

Nói vui thêm một tý nhé, khi tôi bước vào quán cà phê này, cô chủ quán hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Khi biết là tôi 70 tuổi, cô ấy đã ồ lên, vì có thể cô ấy ít gặp những người 70 tuổi như tôi. Tại sao tôi lại có một tuổi 70 được nhiều người đánh giá là “khá trẻ so với tuổi 70?”. À, là vì tôi chịu khó tập luyện và trải nghiệm. 

Dù nhà tôi có ô tô, thì bây giờ tôi vẫn đi xe máy bình thường, vì tôi thấy đi xe máy là một cách để trải nghiệm phố phường. Rồi tôi trải nghiệm yoga mỗi ngày để có một nền tảng sức khỏe đủ tốt. Mà chẳng nói đâu xa, chỉ cần nói thế này, ở tuổi 70 mà vẫn có thể theo kịp cuộc nói chuyện với Phan Đăng thì cũng không hề đơn giản nhỉ? (Cười…)

Nhà báo Phan Đăng: (Cùng cười…) Xin cảm ơn nhà văn Trần Thị Trường, và chúc bà mãi mãi trẻ trung với tuổi 70 này!

Phan Đăng (Thực hiện)
.
.