Nhà văn Trần Thị Trường: Biển của một thời

Thứ Năm, 11/09/2008, 13:30
1. Chị lấy chồng sớm. Căn cứ vào vóc dáng của người đàn bà đã sắp bước vào tuổi 60 bây giờ có thể hình dung nét xinh đẹp của cô gái 20 tuổi đi lấy chồng thời ấy. Thì cũng phải có nhan sắc thế nào mới hớp hồn chàng họa sĩ Nguyễn Hưng Việt - con trai thứ ông chủ bút Báo Trung Hòa (thời trước 1945).

Lúc chị về làm dâu - gia đình nhà chồng cũng đã trải qua những biến đổi thời cuộc nhưng nếp sống của một gia đình Công giáo (ông chủ bút còn là người dạy trong chủng viện) luôn khép kín, không mở cửa bao giờ thì vẫn không thay đổi.

Trong một gia đình như thế, họa sĩ chồng chị tất nhiên là ít nói và cũng sống khép mình. Tới mức cho đến tận bây giờ những ai từng xem tranh của họa sĩ đều biết nó không phải thứ thuộc về số đông nhưng chưa một lần anh đem tranh triển lãm.

Anh chị quen nhau ở lớp học vẽ. Trong đầu nhà văn Trần Thị Trường lúc ấy chưa có tí khái niệm nào về văn chương cả. Nhưng vốn mê vẽ nên cũng thần tượng các họa sĩ. Lúc ấy chị chỉ là nhân viên ở một nhà máy vật liệu xây dựng. Còn anh vì thành phần gia đình cũng không được nhận vào biên chế mà chỉ làm hợp đồng vụ việc ở Sở Văn hóa Hà Nội với công việc chính là kẻ vẽ khẩu hiệu, trang trí pano, áp phích...

Cái sự đam mê nó lạ lùng. Năm 23 tuổi lúc đã có 1 con, chị thi đỗ Khoa Gốm sứ ĐH Mỹ thuật công nghiệp (cái vụ đi học này nó cũng dở dang không đến đầu đến đũa). Tuổi 23, gái 1 con, cắp giá vẽ đến trường, trong những năm tháng ấy, là chị đã tự mang đến cuộc sống không bình yên cho chính bản thân và cả cái gia đình nhỏ ấy rồi. Công việc của chồng ngày càng ít, vợ thu nhập kém.

Đời sống kinh tế khó khăn. Những rạn nứt về niềm tin và cá tính mạnh của cả 2 bên cộng lại. Nhưng nó lại cũng không được đổ vỡ theo đúng nghĩa. Quan niệm của người Công giáo đã khiến họ không có một cuộc ly hôn thực sự. Nhưng kể từ năm chị 27 tuổi, mặc dù đã có thêm cậu con trai thứ 2, họ gần như là những người sống độc lập...

2. Trong sự bế tắc chị tìm lối thoát bằng cách đi lao động ở Bulgaria. Nghe nói quãng thời gian ở nước ngoài chị cũng có một mối tình sâu nặng nhưng cũng không đi đến đâu. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, chị bắt đầu cầm bút viết văn.

3. Về nước năm 1986, so với những người trong nước thời ấy, chị rủng rỉnh tiền nong hơn. Và người ta bắt gặp chị ở toà nhà số 1 Bà Triệu - lúc ấy nơi này cùng với Phú Gia gần như là những nơi đầu tiên mở lại sàn nhảy ở Hà Nội. Và cũng từ đó, người ta thấy chị và nhạc sĩ Trần Tiến làm chương trình ca nhạc "Giai điệu quê hương", một mình Trần Tiến hát ở Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên phố Tăng Bạt Hổ.

Cũng từ đây, chị tỏ ra là người có khả năng làm bầu sô ca nhạc. Người ta thấy chị xuất hiện cùng nhạc sĩ Trần Tiến trong những cuộc họp báo về cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân số (đây là thời gian đã xuất hiện những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến như "Sao em nỡ vội lấy chồng", "Sói con ngơ ngác", "Con chim sẻ tóc xù"...).

Hình như sau hội họa, cuộc đời chị bắt đầu bước vào thời kỳ bị chi phối bởi âm nhạc? Chị trả lời khi nghe tôi đưa ra câu hỏi ấy: "Bạn có thấy ở chốn thờ cúng tôn nghiêm mà vẫn có những cô đồng mê anh cung văn, thì đủ biết âm nhạc chi phối con người ta thế nào? Tất nhiên, thời ấy, mình cũng cái phần hơi dại dột đàn bà". Câu trả lời ấy phần nào lý giải cho cả quãng thời gian dài chị thân với ca sĩ Ngọc Tân sau đó, khi họ luôn xuất hiện cùng nhau ở nhiều nơi...

4. Nhà văn Trần Thị Trường bảo rằng cả đời Ngọc Tân hát trong khoảng 150 chương trình thì phải đến 100 chương trình do chị cùng tổ chức biểu diễn. Mà chương trình đầu tiên không thể nào quên được là "Biển của một thời" chị làm cùng với nhà báo Mạnh Cường (bây giờ là Phó Tổng biên tập Báo Lao động) và nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Không ít người bảo chị là người quá tận tụy với đàn ông và Ngọc Tân cần ở chị một người có khả năng tổ chức biểu diễn một cách tận tụy. Tới mức có khá nhiều giai thoại thêu dệt quanh mối quan hệ giữa 2 người.

Có một nhạc công trong dàn nhạc (bao giờ Ngọc Tân cũng hát với dàn nhạc bán cổ điển) cam đoan đã chứng kiến khi Ngọc Tân hát hết bài thứ 2, thấy Trần Thị Trường giả vờ là khán giả hâm mộ lên tặng hoa, ca sĩ Ngọc Tân cau mày nói: Hoa hoét làm gì, vé bán đến đâu rồi?! Có người còn kể đã từng nghe Ngọc Tân nói với Trần Thị Trường: Mất cái vé nào Trường phải đền cái vé đấy nhé!

Lại cũng có người mê tiếng hát Ngọc Tân đã kể rằng có lần phải mua vé đêm nhạc Ngọc Tân ở chợ đen đã nghe dân phe vé gọi Ngọc Tân là anh còn gọi Trần Thị Trường là mẹ... Khi tôi đem tất cả những chuyện này hỏi chị, chị chỉ cười: Ối giời, trong thế giới showbiz thiếu gì chuyện bịa như thật!

Nhưng có một sự thật là mỗi chương trình biểu diễn của Ngọc Tân, chị thường là người tổ chức biểu diễn, lên kịch bản cho chương trình, thiết kế sân khấu, bán vé, giữ tiền... Và Ngọc Tân tuyên bố từ đầu là đi làm chương trình nếu lỗ thì thôi, còn lãi thì chị được trả 1 triệu cho một đêm diễn. Mà đêm nhạc của Ngọc Tân thì chưa bao giờ lỗ, cũng như chưa bao giờ anh quên trả tiền như thỏa thuận từ đầu. Sau phút cười chảy nước mắt khi nghe nhắc lại các giai thoại, giọng chị chùng xuống: Mình nói thật đấy, nếu mình nói sai thì anh ấy vặt cổ!

Chị bảo đúng là họ có nhiều năm liền thân nhau, cả một quãng dài của thập kỷ 90, đi với nhau khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nhưng giữa 2 người hình như chỉ là tình bạn hoặc một cái gì cao hơn tình bạn. Đúng là chị mê tiếng hát Ngọc Tân và nói Ngọc Tân chỉ cần chị với vai trò một người tổ chức biểu diễn hình như cũng đúng.

Chị còn nhớ có lần anh đã nói với chị: Chúng ta cùng nhau có một giới hạn và nếu đi quá giới hạn ấy thì cả anh và em cùng thấy ê chề. Đó cũng chính là những mặt khác nhau trong một con người chị, vừa mơ màng, vừa không dám vượt quá giới hạn lại cũng vừa là người làm kinh tế. Chị bảo có lẽ sở dĩ chị và Ngọc Tân hợp tác với nhau lâu vì cả 2 cùng ham kiếm tiền?...

Nhưng là chị nói vậy chứ nếu không có tình yêu, sự đam mê với giọng ca nam đẹp hàng đầu ấy thì chị chắc chẳng có được sự tận tụy như thế? Chị lại cười: Hãy để cho tôi một chốn riêng tư!

Chị kể bây giờ chị vẫn thường nghe đĩa Ngọc Tân và cũng có những lúc lẩn thẩn nghĩ rằng ở Việt Nam chắc không bao giờ có thêm một giọng hát thứ 2 như vậy. Một vài ca sĩ cũng hát được quãng 8 như Ngọc Tân nhưng những người khác không phải trải qua một cuộc đời bão táp để có một giọng hát mang cả nỗi đau, hạnh phúc, tình yêu trong đó.

Nghe nói khi Ngọc Tân ốm nặng nhất định không muốn gặp những người đã từng thân thiết như chị. Khi Ngọc Tân mất, Trần Thị Trường đang ở bên Mỹ thăm con gái. Chị bảo có 2 người báo tin này cho chị là nhà báo Mạnh Cường, Báo Lao động và con trai chị - luật sư Nguyễn Hưng Quang. Chị đã gửi về Báo Tiền phong một bài viết nhắc nhiều đến chữ thương tiếc. Con trai chị đã dự đám tang Ngọc Tân như một người bạn của con trai Ngọc Tân, như với một người quen của gia đình...

5. Khi nghe tôi tò mò hỏi nhiều đến sự tận tụy với đàn ông của chị (như cả với một vài người bạn gần với bây giờ hơn), chị lại cười: Bạn đã thấy là mình chơi với ai cũng thế, đã là bạn bè, mình tận tụy với cả đàn bà đấy chứ! Bây giờ ở cái tuổi dường như đã có thể nhìn lại cuộc đời, chị bảo hình như giới văn nghệ sĩ cần những lóe sáng tình cảm để thúc đẩy cảm xúc. Nhưng chị cũng rất phục những cặp vợ chồng yêu nhau hết cả cuộc đời.

Chị bảo đến tuổi này, có con dâu con rể, có cháu ngoại cháu nội, chị càng hiểu cái lý của sự tồn tại hôn nhân trong đó mỗi người thuộc về một người. Họ yên trí về nhau và không có sự nhàm chán.

Nhưng cuộc đời cũng sinh ra những số phận khác. Họ cũng ước ao được là duy nhất và có một duy nhất khác tồn tại song song với mình nhưng "cựa quậy" thế nào, giữ gìn thế nào, ý thức về sự chu toàn thế nào thì cái duy nhất vẫn vuột khỏi tầm tay. Có người bước 2 thì hay hơn bước 1, bước 3 hay hơn bước 2. Nhưng có người càng bước càng tan nát...

Nhưng cũng ở tuổi này rồi chị thấy suy cho cùng mình cũng là người hạnh phúc. Con cái thành đạt và với "ông ấy", trên danh nghĩa, với chị vẫn là người một nhà!

Cẩm Thúy
.
.