Nhà văn Sơn Tùng: Không đầu hàng bệnh hiểm

Thứ Sáu, 15/10/2010, 15:37
Gặp Sơn Tùng nhiều lần, nhưng hôm ấy tôi mới được uống bia với anh, lại được chứng kiến "sự kiện" anh vào quán sau 30 năm chữa trị thương tật. Chúng tôi đều là khách của nhà thơ Quang Huy, lúc ấy còn là Giám đốc NXB Văn Hoá Thông tin, tại quán ăn trưa phố Hoà Mã quen thuộc này của ông giám đốc. Lý do câu nói của Sơn Tùng phải được giải thích bằng cả một cuộc đời, đúng hơn, một "cuộc đổi đời" !

Tên khai sinh là Bùi Sơn Tùng, anh sinh ngày 8/8/1928, quê làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, Diễn Châu - Nghệ An. Cách mạng tháng Tám 1945, anh làm công tác Đoàn thanh niên Cộng sản, năm 1955 là đại biểu thanh niên đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần V tại Vacsava (Ba Lan).

Anh làm báo, viết báo Nông nghiệp và Tiền Phong từ năm 1960; năm 1965 làm phóng viên chiến tranh ở mặt trận Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, rồi vượt Trường Sơn vào Nam Bộ. Năm 1971 bị thương nặng ở miền Đông Nam Bộ, anh được đưa từ Nam ra Bắc để điều trị.

Sau một thời gian dài kiên trì luyện tập và chữa trị, anh đã đi lại và giao tiếp với mọi người, nhưng vào quán với cánh tay bị gập sát ngực, ngón tay co quắp dị dạng, chỉ gợi sự ái ngại cho mọi người thì theo anh, chẳng nên vào quán làm gì! Đến hôm nay, tay phải anh đã co duỗi được, ngón tay cái đã có thể mở để cặp chiếc thìa đưa lên miệng không phải người giúp.

Thế mà, cái bàn tay từng "không cặp được thìa" đó đã lần lượt viết và cho in khoảng ba chục tác phẩm. Đặc biệt là những tác  phẩm chuyên đề về Bác Hồ với những tư liệu phong phú về cuộc đời hoạt động của Bác mà trước đó, nhiều tình tiết, sự kiện ít ai được biết: Nhớ nguồn (tập truyện, 1974), Kỷ niệm tháng năm (truyện,1976), Búp sen xanh (tiểu thuyết, 1982 tái bản nhiều lần), Bông sen vàng (tiểu thuyết, 1990), Từ làng sen (truyện tranh, 1990), Bác về (truyện ký, 1990), Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, 2004), Bác ở nơi đây (ký, 2005), Nguyễn Ái Quốc trong ký ức bà mẹ Nga (tập truyện, 2007), Chung một tình thương Bác (tập truyện ngắn 2008), Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản phim, 1990)… Tác giả được Giải thưởng đặc biệt về cuốn Búp sen xanh.

Trước năm 1975, ước mơ lớn của nhà văn Sơn Tùng là viết được một cái gì đó đáng kể về Bác Hồ. Sơn Tùng từng ở khu Giải phóng miền Nam nên luôn được gặp các đồng chí từ Phan Thiết vào, từ Sài Gòn, Kiến Phong lên… Họ kể chuyện về cụ Phó Bảng, chuyện Bác Hồ hồi ở Sài Gòn, ở Trường Dục Thanh… Nhưng họ chỉ là các đầu mối để có thể lần ra những người trực tiếp biết chuyện hoạt động và gia đình Bác. Nhưng đang chiến tranh, giành nhau với địch từng thước đất. Làm sao đến được những nơi ấy!

Đến khi thống nhất đất nước, mọi người có điều kiện đi lại thăm nhau thì anh lại bị thương tật đến 81%, tiền lương hưu may ra đủ sống, tiền đền bù thương tật vừa đủ mua một căn buồng. Nhưng tấm lòng khao khát sưu tầm tài liệu về Bác đã khiến anh vượt qua tất cả.

Tháng 7/1975, hai vợ chồng anh đã vào được thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, lại đi Sa Đéc, về Cao Lãnh, trở lên Phan Thiết, Huế, vào Quảng Nam lần theo vết chân của Bác. Đến năm sau, nhờ món tiền nhuận bút tập Con người và con đường, chị lại dìu anh đi lần thứ hai vào Nam. Với nhà văn, nhuận bút thường là để bù đắp cho sự hao tổn tâm sức thời gian viết sách. Riêng với Sơn Tùng, anh còn phải chắt bóp để khai thác tư liệu cho những cuốn tiếp theo.

Viết về nhân vật lịch sử mà bao người còn sống biết rõ, lại được lý tưởng hoá đến mức hoàn hảo, khó khăn biết nhường nào! Trong khi thuở thiếu thời của Bác, Bác cũng là một cậu bé, một chàng thanh niên với đầy đủ tâm tính, nhu cầu một con người…

Ở những vùng mới giải phóng, anh lại gặp một trở ngại khác:  Mặc cảm của người dân trong vùng địch. Tìm mãi mới gặp được một cụ bà từng là bạn học chữ nho, rồi chữ quốc ngữ với Bác Hồ hồi ở Huế. Nhưng Sơn Tùng đến thăm cụ đến lần thứ …

15 mới được nghe kể một vài chuyện về Bác, sau đó còn được căn dặn: "Ông phải hứa với tôi là trong lúc tôi còn sống, ông không được công bố những kỷ vật, những câu chuyện tôi kể với ông. Làm vậy, người ta tưởng tôi hám danh lợi, muốn được chính quyền cách mạng ban thưởng". Mới gặp một nhân vật có liên quan đến Bác, nhà văn còn phải mất công như vậy, còn bao nhân vật nữa thì sao?

Nhà văn Sơn Tùng khi là phóng viên Báo Tiền Phong, năm 1965, anh dẫn một tốp phóng viên vào bám trụ ở Nam Ngạn ở Vĩnh Linh. Năm 1967 anh lại dẫn một số nhà báo đi B, để xây dựng cho Hội Thanh Niên giải phóng một tờ báo.

Một hôm anh đang ngồi dưới hầm viết xã luận cho số báo kỷ niệm Ngày thành lập Hội thì máy bay địch đánh phá mở đầu một trận càn. Với cương vị Bí thư Chi bộ cơ quan, anh phải lên nắm tình hình để đối phó. Một trái M79 từ trực thăng phóng xuống, anh ngã ra bất tỉnh, khắp người 14 vết thương.

Khi tỉnh dậy ở bệnh viện anh mới biết nhiều mảnh đạn găm phía trái người anh, 3 mảnh vào sọ não, một mảnh vào khớp vai trái. Cánh tay trái chỉ nhúc nhích bên dưới, không đưa lên được. Cánh tay phải co gập lên ngực lại không đưa xuống được. Thần kinh chéo bị tổn thương, mắt bên phải mờ đi. Chân phải chỉ động đậy được chút ít…

Tổ chức đưa anh ra Bắc chạy chữa, bệnh viện định mổ để lấy ba mảnh đạn ở sọ não đã làm tổn thương thần kinh mắt, thần kinh tay, chân của anh, chỉ may chưa ảnh hưởng nhiều đến thần kinh trí nhớ. Anh đã từ chối mổ. Bệnh viện đưa anh sang Quế Lâm (Trung Quốc) định chữa trị 3 năm, mới 3 tháng anh đã xin về.

Định đưa anh sang Đức giải phẫu, anh cũng từ chối. Vốn là con một gia đình có nghề Đông y, anh hy vọng có thể phục hồi dần các chức năng bằng khổ luyện. Anh lo nếu mổ mà không thành công có khi còn bị tàn phế nặng hơn, bao nhiêu tài liệu đã thu thập, rất cần được viết ra. Anh tin vào ý chí của mình!

Điều làm anh lo sợ nhất là sau khi tỉnh dậy, anh quên đi rất nhiều điều. Mình là Bùi Sơn Tùng quê ở Diễn Châu, Nghệ An thì rất nhớ. Nhưng thuở nhỏ mình lớn lên như thế nào nhỉ? Chịu! Không nhớ nổi! Anh hoảng lên, tự ôn lại cả quá trình đã sống. Cuốn phim dĩ vãng như bị ấm mốc, loang lổ từng đám.

Thử sang lĩnh vực thứ hai những điều do học được mà có, điều tối cần cho một nhà văn. Thì… chữ Hán anh quên sạch, tiếng Pháp còn nhớ lõm bõm vài từ. Ngày đi học, anh thuộc Phan Trần, Nhị Độ  Mai, Truyện Kiều. Thế mà, trời ơi! Chả lẽ mình phải học lại như một đứa trẻ!

Trường hợp tự chữa bệnh của anh cũng là trường hợp đáng được nghiên cứu, bổ ích cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc. Hồi mới bị thương, anh hay bị choáng, ngất, thường là tiếp sau một tiếng động mạnh, thí dụ tiếng sét. Đặc biệt anh thường ngã vật bất tỉnh trước khi người nhà nghe thấy tiếng sét.

Như vậy là cả cơ thể anh cảm ứng với hiện tượng đó trước cả thính giác. Khi ngã xuống, anh thường bị co giật, quằn quại. Lúc đầu, người nhà lo sợ giữ tay giữ chân cho anh, cơn co giật càng kéo dài. Sau cứ để mặc thì cơn co giật lại qua nhanh. Các cơn co giật bớt dần theo kết quả luyện tập. Đến năm 1985 thì hết hẳn.

Cũng may mà hồi trẻ, Sơn Tùng từng luyện khí công, nay nhớ lại, luyện lại. Ngày nào anh cũng dậy từ 2 giờ sáng, bắt đầu vào ngày luyện tập và làm việc. Anh vận động nội công trước, khi nội công mạnh, anh cảm thấy nội lực vững dần, có được sự tự tin.

Lặng lẽ và kiên trì luyện tập, bàn tay phải co quắp teo đi, nay dần tươi giãn. Chân phải dần nâng lên được, lần bước… Mắt phải cũng sáng dần ra. Đầu năm 1981 thì anh đưa được tay phải xuống, đến 1982 thì quay được cánh tay. Chỉ có mấy ngón là không duỗi ra được vì thần kinh trụ đã bị hỏng hẳn.

Nhưng chỉ cần mở hé được ngón tay cái của bàn tay phải là anh đã kẹp được bút, không thể ngờ một kẽ ngón nhỏ hẹp như vậy lại mở đường cho bao trang viết, cho một đời văn! Trước đó anh đã tập viết bằng tay trái, nhưng viết quá chậm.

Hồi viết Búp sen xanh, chưa mở được kẽ đó, anh phải cột chặt bút vào ngón tay bằng dây cao su, chữ loằng ngoằng rất khó đọc. Đang viết, khi bị cơn đau dạ dày, anh phải ôm chặt bình nước nóng vào lòng mà viết. Khi cảm thấy choáng váng sắp lên cơn ngất xỉu thì anh tập trung đọc sách báo, suy nghĩ đến điều sắp viết để phân tán bớt cơn đau buốt thần kinh…

Mỗi ngày tập khí công xong, anh mới tọa thiền. Lúc đầu, chân rất khó điều khiển, anh ngồi bán kết, khá lâu sau mới ngồi kết sen được thoải mái. Hơn chục năm trước, cứ mùa rét là anh bị đau và chảy máu dạ dày, 4 năm liền như vậy, đã tưởng phải mổ. Sau nghiên cứu sách Đông y, anh tự chữa bằng ăn nghệ tươi kèm ít mật ong. Trong vòng 4 tháng, anh ăn hết 3 kilô nghệ.

Thế mà mười năm nay không bị đau lại! Có ai khen ý chí, nghị lực tự rèn luyện của anh, anh đều nhắc đến chị, người bạn đời thật hiếm có! Có thể nói: không có chị, sẽ không có đoạn đời thứ hai của anh sau ngày thương tật. Nếu định mệnh muốn có một nhà văn viết được trong hoàn cảnh như anh thì định mệnh cũng đã an bài một người phụ nữ có thể hy sinh tất cả  mọi lạc thú của cuộc sống tối thiểu để giúp anh trong văn nghiệp.

Chị từ chối làm mẹ để giúp anh nuôi dạy bốn đứa con riêng của chồng trưởng thành. Thôi làm y tá bệnh viện để làm hộ lý suốt đời cho anh. Chị vừa là thư ký riêng, dìu anh đi lấy tài liệu khắp nơi, đánh máy bản thảo, đưa bản thảo đến các nhà xuất bản, vừa lo mọi sinh hoạt cho anh…

Năm xưa, có một cô bé Phan Hồng Mai vừa hết tuổi Đội được một nhà báo biểu dương trên mặt Báo Tiền Phong về thành tích học tập. Ai ngờ, khi cô gái này lớn lên, làm y tá một bệnh viện đã gặp lại tác giả bài viết trong một hoàn cảnh khắc nghiệt đến vậy! Nếu cái ơn tri ngộ của nhân vật với tác giả đều được thể hiện như Phan Hồng Mai với Sơn Tùng thì các nhà văn hạnh phúc biết bao!

Có một người vợ tuyệt vời thì có thể kể ra được, nhưng anh còn một điểm tựa tinh thần (đôi khi cả vật chất) của anh là bạn hữu, anh em họ hàng trong những ngày gay go nhất thì làm sao có thể kể hết! Bát cơm Phiếu mẫu đành chỉ trả ơn bằng… ngàn trang bản thảo vậy thôi!

Nhà văn Sơn Tùng còn được động viên bằng một nguồn khác không kém quan trọng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp anh, đã nói một câu rất tình nghĩa, rất hình tượng: "Nhà văn còn có 3 ngón tay mà vẫn bấu được vào cuộc đời để làm việc bằng óc, dẫu bộ óc ấy còn găm 3 mảnh đạn!".

Nhà văn Sơn Tùng đặt viên đá nhỏ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng trước bàn làm việc. Đây là một kỷ niệm được nhân đôi giá trị! Chính viên đá này Bác Hồ dùng để luyện ngón tay, đã trao  lại cho Thủ tướng. Một cảm giác ấm nóng mỗi khi anh nắm viên đá trong tay, vẳng đâu đây lời thư Bác ngày nào căn dặn thương binh tàn mà không phế!

Văn Long
.
.