Nhà văn Phùng Hi: Mải chơi lạc chốn văn chương

Chủ Nhật, 25/10/2015, 17:05
Một ông thầy dạy toán ở một trường trung học thuộc vùng sâu vùng xa, nhưng lại đoạt giải thưởng văn chương quốc gia và nổi tiếng với những truyện ngắn mang đậm chất hài hước. 

Nguyễn Phi Hùng sử dụng lối nói lái tên thật mà có bút danh Phùng Hi. Gặp nhà giáo Nguyễn Phi Hùng ngoài đời, thật khó tin đó chính là nhà văn Phùng Hi có tập “Y không là y” khá lý thú!

Nguyễn Phi Hùng đích thị dân nông thôn. Ông luôn tự hào sinh ra ở xóm Bến Lội, thôn Long Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên và luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất quê mùa của mình. Không có chuyện gì ở sau lũy tre làng mà Nguyễn Phi Hùng không biết làm. Lùa vịt, chăn bò, đốn củi, nuôi heo… đều tháo vát như các bậc thánh nhân thuộc thiên văn, tường địa lý. Nhà nghèo, không làm thì lấy đâu tiền đi học. Nguyễn Phi Hùng sẵn tư chất thông minh, lội ruộng đi học cũng có bằng tú tài, rồi nhảy xe đò đi học cũng có bằng cử nhân Toán - Đại học Sư phạm Qui Nhơn.

Thầy giáo trường huyện Nguyễn Phi Hùng lấy vợ sinh con và gắn bó với mảnh vườn gốc rạ. Không khí đổi mới hướng đến thị trường ùa đến từng bờ ao, từng con kênh. Ngó qua ngó lại, hàng xóm đua nhau kiếm tiền, nhà nhỏ rồi nhà to, riêng Nguyễn Phi Hùng vẫn ở căn hộ tập thể nằm trong khuôn viên trường trung học. 

Người ta thắc mắc, ông dạy toán cũng vào hàng giáo viên giỏi, sao cứ nghèo mãi thế? Nguyễn Phi Hùng gàn: Nghèo thì sao! Người ta lại thắc mắc: Không lẽ ông cứ ở căn hộ tập thể vậy à? Nguyễn Phi Hùng lại gàn: Căn hộ tập thể không phải cái nhà sao! Cứ ngày qua ngày, người ta mỏi miệng không thèm chấp Nguyễn Phi Hùng nữa, mà Nguyễn Phi Hùng cũng không thèm chấp người ta. Một buổi lên lớp, một buổi câu cá hoặc trồng rau. Bữa nào nắng quái hay mưa tuôn thì nằm đọc sách, an nhàn như nho sinh, thảnh thơi như mặc khách!

Vợ của Nguyễn Phi Hùng quá hiểu tính khí chồng, không nỡ trách giận một câu nào, chỉ lẳng lặng mở một quầy giải khát kiếm thêm chút tiền nuôi ba đứa con. Nhiều lần chứng kiến vợ sốt li bì suốt đêm mà sáng sớm vẫn phải lui cui nấu chè bán cho học sinh, Nguyễn Phi Hùng xót xa lắm. Nguyễn Phi Hùng quyết định trưng dụng mấy bộ bàn ghế nhựa của quầy giải khát để dạy thêm vào buổi tối. Học trò kéo đến đông nghịt, vì thầy giáo Nguyễn Phi Hùng có phải dạng vừa đâu. 

Không đủ bàn đủ ghế, học trò ngồi lên cả cái giường của thầy để mong nắm bắt mạch lạc những khái niệm phương trình tiếp tuyến hoặc đồ thị hàm số. Phen này thầy giáo Nguyễn Phi Hùng sắp có đồng ra đồng vào để đưa vợ đi chợ rồi đây. Ai dè, mới mấy tháng lớp học thêm đã ngưng vô thời hạn. Ơ hay, lúc ấy ngành giáo dục đã cấm giáo viên dạy thêm đâu nhỉ? 

Nguyễn Phi Hùng e dè thổ lộ: “Mình ngại nhắc đến tiền với học trò. Mình dạy thì được, nhưng cuối tháng không thể mở miệng đòi tiền, vì biết gia cảnh nhiều học trò ở xung quanh cũng túng bấn lắm. Có học trò cũng tự giác đưa tiền, nhưng mình nghĩ đến bàn tay đen sạm của cha nó gieo sạ trên đồng ban trưa và bàn tay mẹ nó chắt chiu từng mớ cải mớ hành ở phiên chợ chiều, rồi nhìn cái áo cũ bạc phếch mà nó đang mặc, nên mình trả lại. Thầy giáo đã nghèo, thì không nên bắt nạt học trò nghèo!”.

Kế hoạch xóa đói làm giàu bằng nghề dạy thêm đã phá sản một cách ngon lành, Nguyễn Phi Hùng vận dụng những phép tính tinh diệu nhất của một giáo viên toán để cải thiện đời sống. Nguyễn Phi Hùng dự định viết sách dạng như giải bài tập toán hoặc sổ tay toán học, nhưng thủ tục xuất bản thế nào, kinh phí in ấn thế nào thì hoàn toàn nằm ngoài tầm tay.

Trong trường cũng có ba giáo viên văn làm thơ cũng được trọng vọng trong tỉnh là Đào Tấn Phần, Phạm Ngọc Hiền và Ma Joan, nên Nguyễn Phi Hùng cũng thử viết văn. Chả cần tìm đề tài đâu xa, cứ chuyện xảy ra trong môi trường dạy học của mình mà phóng bút. Các truyện ngắn Y là thầy giáo, Thèm đi dạy, Bồi dưỡng hè, Thầy giáo uống cà phê… cứ tuần tự mà ra đời. Thầy giáo viết về nghề giáo thì khai thác đúng sở trường rồi. 

Nguyễn Phi Hùng thổ lộ: “Quả là chuyện khổ của thầy cô giáo thời nay là chuyện dài tập. Nhưng cái khổ nói ở đây ngoài tác động khách quan từ xã hội, từ chính sách giáo dục, nó còn bị tác động bởi chính thầy cô giáo. Tham sân si hỉ nộ ái ố có đủ thì không khổ sao được. Có vẻ như cả xã hội chối bỏ đức tính tốt đẹp của người thầy trong quá khứ mà dân tộc đã đúc kết. Ví dụ câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” đã bị phụ huynh biến tướng chữ “yêu” đi. Thấy thầy cô nghèo thì khinh là điều khá lạ, lẽ ra phải kính mới đúng chứ. Chỉ một chi tiết này thôi đã làm cả ngành giáo dục nháo nhào…”.

Bản thảo nhiều lên từng ngày. Không lẽ tự viết rồi tự… đọc? Phải gửi báo chứ. Thế nhưng, lỡ như được… in, đồng nghiệp liếc mắt qua chê dở thì ngượng chết. Phải núp sau cái tên hư ảo gì đấy mới an toàn. Nguyễn Phi Hùng bèn lấy bút danh Phùng Hi. 

Truyện ngắn đã gửi đi, nỗi chờ đợi hồi âm khiến tháng ngày như dài đằng đẵng. Khi trước hình ảnh anh bưu tá ghé vào trường đưa thư rất bình thường, mà bây giờ thấp thoáng bóng dáng anh bưu tá đã khiến Nguyễn Phi Hùng nghe tim đập thình thịch. Sao lâu không thấy anh bưu tá đến trường mình nhỉ? Hay là nước lụt ngăn mất lối, hay là đất lở sạt đường đê? Hồi hộp mãi, cuối cùng cũng có giấy báo ra bưu điện nhận nhuận bút. 

Cái ngày thầy giáo Nguyễn Phi Hùng bí mật xuất hiện dưới bút danh Phùng Hi sao mà rạng rỡ lạ kỳ, trời xanh bỗng thênh thang quá, mây trắng bỗng bồng bềnh quá! Có lẽ chính khoảnh khắc ấy đã giúp Nguyễn Phi Hùng - Phùng Hi chiêm nghiệm rằng: “Các bạn cứ thử viết văn đi, như từng thử một nghề nào đó, nghề mộc chẳng hạn. Nếu thành công coi như bạn có cái gửi đến bạn đọc. Nếu không thành công, tôi tin bạn sẽ yêu văn chương thêm chút nữa như đã từng yêu. Cả hai trường hợp, đằng nào bạn cũng có lợi, đều góp phần giải tỏa những ẩn ức trong bạn!”.

Từ báo tỉnh, truyện ngắn của Phùng Hi tiến lên báo trung ương. Tác phẩm Phương Nam của Phùng Hi đoạt giải Ba Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-2012, rồi tập truyện ngắn Y không là y của Phùng Hi được Nhà xuất bản Trẻ đầu tư ấn hành. 

Nhà giáo Nguyễn Phi Hùng có thêm tư cách nhà văn Phùng Hi, nắc nỏm: “Tôi cũng không nghĩ mình viết được văn. Vậy rồi một ngày lại có riêng một tập truyện. Có điều gì đó không chắc chắn lắm, bồng bềnh, chưa định hình được. Có lẽ chính xác là tôi chưa đủ tự tin, thấy “nghề viết” hình như chưa gắn vào mình, còn nghiệp dư và còn kiểu “văn nghệ cho vui”. Viết văn với tôi hiện giờ mới là duyên, duyên kỳ ngộ chứ chưa phải nghiệp, mà duyên thì có thể hết bất kỳ lúc nào. Tôi sợ chuyện viết ám vô mình như nhiều người từng hăm dọa!”.

Truyện ngắn của Phùng Hi không đề cập điều gì to tát. Những mẩu chuyện rất giản dị, rất đời thường nhưng được kể với giọng điệu rất hóm hỉnh. Ngay cả những éo le của thế sự, cũng được Phùng Hi phản ánh dưới cái nhìn bông lơn hòng xoa dịu và an ủi. Các truyện ngắn Thèm danh, Thanh tra hoặc Muốn làm giám đốc, Mất trắng bạc trúng số vừa buồn cười vừa đắng đót.

Phùng Hi thường dùng câu ngắn, văn gọn gàng không sa vào điệu đà. Ông cũng thường dùng cấu trúc mở cho từng truyện ngắn, độc giả khi đọc xong vẫn còn cảm giác muốn nghe tác giả nói thêm và muốn nghĩ tiếp cùng tác giả. Một ưu điểm nữa của Phùng Hi là dùng phương ngữ miền Trung để tạo ra nét riêng, nhưng lại biết cách nhấn nhá trong những đối thoại bất ngờ. Tuy nhiên, thầy giáo dạy toán Nguyễn Phi Hùng bỗng dưng viết văn, lại có lý luận kiểu nhà văn Phùng Hi: “Tôi thấy chẳng có thế mạnh nào. Sống ở đâu cũng là nơi đi về, rảnh chút thì ngắm nghía cuộc đời, rảnh hơn chút nữa thì ngắm nghía mình, rồi mài mình ra mà viết, vậy mà vẫn cứ đụng chạm đâu đó…”.

Bây giờ Phùng Hi đã có nhà riêng, đất khá rộng để làm thêm khoảnh vườn phía sau. Ngoài vai trò một ông thầy dạy toán ở Trường Trung học cấp 2-3 Sơn Giang, thuộc huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, thì Phùng Hi đang quyết tâm làm kinh tế nông nghiệp. Không chỉ trồng cây lấy gỗ, Phùng Hi còn trồng bầu bí và các loại đậu. Bạn giáo viên hay bạn văn chương đến thăm, Phùng Hi đều có đặc sản hoa màu để thết đãi.

Đặc biệt, sau những câu chuyện văn chương, thì khách ghé nhà sẽ được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do cả nhà Phùng Hi cùng biểu diễn. Phùng Hi đàn ghi-ta cho vợ và con gái hát. Khi vợ hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”, thì Phùng Hi ngừng đàn để vỗ tay đôm đốp. Còn khi con gái hát “tôi yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, vài ngàn năm đứng trên đất nghèo”, thì Phùng Hi ngừng đàn, để đưa tay lau nước mắt!

Lê Thiếu Nhơn
.
.