Nhà văn Pháp Maurice Druon: Đứa con cưng của thế kỷ

Thứ Hai, 18/05/2009, 10:00
Một tuần trước lễ sinh nhật lần thứ 91, ngày 14/4/2009, viện sĩ danh dự của Viện hàn lâm  Pháp, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp (trong giai đoạn 1973-1974), nhà văn nổi tiếng Maurice Druon đã qua đời.

"Một nhà văn lớn, một thành viên xuất sắc từng tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít, một chính trị gia có hạng, một tâm hồn lớn - Tổng thống Pháp Nikolas Sarcozy đã đánh giá như thế trong điện chia buồn gửi thân nhân của nhà văn.  - Lòng dũng cảm và tấm gương - đó là những từ mà ta phải nghĩ tới khi nhớ về ông...".

Maurice Druon tên thật là Maurice Kessel (ông đã mượn họ của người cha dượng René Druon, một công chứng viên thành đạt xuất thân từ một dòng họ danh giá ở miền Bắc nước Pháp), sinh ra ở Paris ngày 23/4/1918. Mẹ ông mang trong mình nửa dòng máu Brazil.

Cụ đàng ngoại  của Maurice Druon sinh ra ở miền Bắc Brazil, gần đường xích đạo, là nhà thơ và dịch giả các tác phẩm của Homere và Vergile ra tiếng Bồ Đào Nha. Cha ông tên thật là Lazare Kessel, từng biểu diễn với nghệ danh Siber. Người nghệ sĩ trẻ trung và tài năng này đã nhận được những giải thưởng đầu tiên nhờ những vai bi kịch và hài kịch ở Học viện Nghệ thuật biểu diễn Paris.

Chàng trai từng đóng rất đạt vai Hamlet và đã được dự đoán một tương lai rạng rỡ. Thậm chí anh đã được nhận vào Nhà hát Hài kịch Pháp, một vinh dự lớn đối với bất cứ một diễn viên nào. Tuy nhiên, năm 21 tuổi, Siber đã tự vẫn. Khi đó, cậu con trai Maurice mới lên hai.

Có nhiều dạng thông tin khác nhau về gia tộc Kessel: Theo một nguồn tư liệu, gia tộc này xuất thân từ thành phố Orenburg thuộc Nga; nguồn tư liệu khác lại khẳng định rằng, gia tộc này chỉ ở Orenburg vài năm hồi đầu thế kỷ XX khi tới xứ Ural từ Argentina và tới năm 1908 đã vĩnh viễn rời khỏi đế chế Nga tới Nice rồi định cư ở Paris.

Trong bất luận trường hợp nào, giữa những thân nhân của nhà văn tương lai đã có khá nhiều sự liên quan tới những cuộc phiêu lưu và văn học: một trong những người bà con của Maurice Druon là nhà thơ Charles Cros và vị vua thứ ba của xứ da đỏ Araukanie & Patagonie, Antoine-Himpolyte Cros.

Bác ruột của nhà văn, Jeff Kessel, là một trong những phi công đầu tiên của Pháp, anh hùng thế chiến thứ nhất. Ông Jeff Kessel đã hai lần bay quanh trái đất và đã viết hàng chục cuốn sách. Tiểu thuyết "Đội bay" viết về những phi công thế hệ đầu tiên đã mang lại cho Jeff Kessel danh tiếng thế giới. Tiếp theo đó là "Sư tử", "Những người tình Lisbon" cũng rất được đón đọc.

Ông cũng  viết nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản "Người đẹp ban ngày" mà đạo  diễn lừng danh người Tây Ban Nha  Luis Bunuel đã dựng với nữ diễn viên xinh đẹp Catherine Deneuve trong vai chính. Không có gì ngạc nhiên nếu trong một gia tộc như thế, chú bé Maurice đã sớm có tác phẩm được in - ngay từ năm 18 tuổi. Cũng ở độ tuổi đó nhà văn tương lai đã nhận được giải thưởng trong cuộc thi toàn quốc dành cho học sinh trung học và đã thi đỗ vào Học viện Khoa học Chính trị...

Thời trẻ, Maurice Druon hoàn toàn không phải là một  thanh niên "mọt sách" mà là một người đàn ông sớm "biết mùi hun khói". Năm 1940, chàng trai đã có mặt ở trường pháo binh cổ kính tại Saumur và cùng các bạn thiếu sinh quân đồng môn đã tham gia trận chiến ác liệt khét tiếng ở đây.

Sau khi nhận được lệnh rút lui, Maurice Druon rời quân ngũ nhưng chẳng bao lâu sau đã tham gia phong trào Kháng chiến chống phát xít. Năm 1942, nhà văn tương lai đã phải chạy sang Anh để cùng ông bác ruột Jeff Kessel tham gia phong trào "Nước Pháp chiến đấu" do tướng Charles De Gaulle lãnh đạo.

Chính ở bên kia bờ eo biển La Manche, Maurice Druon đã nghe nữ ca sĩ Pháp gốc Nga Anna Marly hát bằng tiếng Nga ca khúc "Bài hát của người chiến sĩ du kích" của cô và đã cùng ông bác ruột dịch lời bài hát này sang tiếng Pháp. "Bài hát của người du kích" đã trở thành tráng ca không chính thức của những người tham gia phong trào Kháng chiến Pháp, được phổ biến rộng rãi không kém gì bài quốc ca Pháp La Marseillaise.

Giờ đây trong tâm trí của người Pháp tên họ Maurice Druon đã đồng nghĩa với "Bài hát của người du kích"  chứ không phải với những bộ tiểu thuyết cực kỳ ăn khách mà ông viết sau này như "Những ông vua bị nguyền rủa" hay "Những người mạnh ở trần gian". Trong những năm 1944 và 1945, Maurice Druon đã ra chiến trường với tư cách phóng viên. Chỉ sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ông mới quyết định dồn sức vào văn học.

Ông viết với tốc độ thần tốc: năm 1946, ông đã xuất bản cuốn "Lữ đoàn cuối cùng" viết về những chuyện xảy ra năm 1940 và tới năm 1948, ông không chỉ kịp xuất bản tập một bộ sách "Những người mạnh ở trần gian" và nhận giải thưởng Goncourt, mà còn cho mọi người biết rằng, hai tập tiếp theo đã được hoàn thành.

Và tới năm 1951, ông đã xuất bản được trọn ba tập của bộ sách này. Trong những năm tiếp theo, Maurice Druon sáng tạo không ngừng nghỉ, thử sức mình trong đủ các thể loại, từ sách thiếu nhi, tiểu thuyết huyền thoại, tiểu thuyết Alexandre Macedonia và hai tập "Hồi ký của Thần Dớt" tới tiểu luận về lịch sử, văn hóa và tiếng Pháp... 22 năm ông đã dồn sức cho bộ sách 7 tập "Những ông vua bị nguyền rủa": các tập sách đã được phát hành từ năm 1955 tới năm 1977.

Chính bộ sách này đã giúp Maurice Druon có được danh tiếng "đệ tử chân truyền" của văn hào  Alexandre Dumas (cha) trong mắt những độc giả say mê tiểu thuyết dã sử Pháp. Ngay khi ông chưa kịp viết xong tập cuối cùng của bộ sách này, trên màn ảnh nhỏ Pháp đã xuất hiện những bộ phim truyền hình rất quyến rũ dựa theo các tích truyện của ông về "những ông vua bị nguyền rủa".

Năm 2005, thành công này đã được lặp lại khi xuất hiện loạt phim mới cũng dựa trên tích truyện của Maurice Druon với sự tham gia của những diễn viên thượng thặng như Gerard Depardieu, Jeanna Moreau, Jean-Claude Brialy... Cả nước Pháp trong suốt một thời gian dài như mê đắm Maurice Druon: người đàn ông luôn toát ra năng lượng tích cực và nụ cười rạng rỡ không thể không trở thành "người của công chúng".

Ngay từ năm 1966, ông đã được bầu vào Viện hàn lâm Pháp. Đó là một vinh dự rất không nhỏ bởi ngay cả một đàn anh về tuổi và về những đóng góp cho khoa học như Claude Lévi-Strauss cũng chỉ tới đầu những năm 70 của thế kỷ trước mới được kết nạp vào Viện hàn lâm Pháp.

Những đóng góp của Maurice Druon vào phong trào Kháng chiến chống phát xít không bị những người theo chủ nghĩa De Gaulle quên lãng: trong chính phủ của Thủ tướng Pierre Messmer, ông đã được cử làm người lãnh đạo Bộ Văn hóa trong hai năm 1973 và 1974.

Sau này nhớ lại quãng thời gian làm  quan chức đứng đầu Bộ Văn hóa Pháp, Maurice Druon đã châm biếm nói rằng, tới gặp ông trong văn phòng Bộ trưởng chỉ là những người một tay cầm cái đĩa của người ăn mày, còn tay kia cầm quả bom tự tạo của những chiến sĩ du kích năm xưa... Trong giai đoạn đầu những năm 70 cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Maurice Druon đã là nghị sĩ.

Ngoài ra, bất cứ lúc nào ông cũng là một người theo chủ nghĩa De Gaulle bướng bỉnh, một nhân vật bảo thủ theo kiểu tư duy Pháp. Vị thế đặc biệt của ông giúp ông có thể bộc lộ nhiều thái độ khác nhau: thí dụ như ông đã từng chống lại sự xuất hiện của bà Marguerrite Yourcenar ở Viện hàn lâm (bà là người phụ nữ đầu tiên được kết nạp vào "câu lạc bộ" kín này của giới mày râu năm 1980).

Tuy thế, bất chấp những trò trái tính của Maurice Druon, ông vẫn được mọi người tha thứ, chiều chuộng. Và những bài tiểu luận thường kỳ bất tận của ông bảo vệ Pháp ngữ trên tờ Le Figaro vẫn được đón đọc nhiệt tình. Một người bạn của ông nói rằng, Maurice Druon rất thích đóng vai người bảo vệ, dù là cho nước Pháp hay Viện hàn lâm hoặc ký ức về tướng De Gaulle...

Trong quan niệm của Druon, một nhà lãnh đạo quốc gia đích thực phải có những phẩm chất tương tự như tướng De Gaulle, tức là luôn luôn năng nổ, biết mình muốn cái gì và biết cách làm để đạt được cái mình muốn. Druon ủng hộ đương kim Tổng thống Pháp Nikolas Sarcozy vì đánh giá ông này theo đúng lăng kính đó...

Là một nhà văn nhưng Maurice Druon vẫn rất quan tâm tới các vấn đề chính trị xã hội. Theo ông, một nền văn học chân chính luôn luôn phải có một vai trò xã hội. Một nhà văn đích thực cũng thế. Trước khi qua đời không lâu, ông đã cho xuất bản cuốn sách "Toa thuốc dành cho một quốc gia đau ốm".

Theo ông, trong xã hội Pháp hiện nay có rất nhiều thứ cần được cải cách... Druon lo ngại trước xu hướng chuyển từ văn hoá đọc sang văn hóa nghe nhìn hiện nay và làm ngôn ngữ mất dần đi vai trò vốn có của nó. Theo ông, ngôn ngữ mới dạy được chúng ta phương pháp tư duy. Không ngẫu nhiên mà Descartes từng nói: Tôi tư duy tức là tôi tồn tại. Và rõ ràng là con người hôm nay ít tư duy hơn trước.

Theo quan niệm của Druon, phần lớn các nhà văn thường viết ra các bản tiểu sử đã được tiểu thuyết hóa để kể lại chuyện đời của mình. Nhưng một nhà văn chân chính sẽ chỉ bắt đầu từ việc anh ta sáng tạo ra những hình mẫu không chút nào giống anh ta cả.

Cũng chính vì quan niệm này nên Druon nói rằng ông không thích Gustave Flaubert khi văn hào Pháp này cứ thích nhắc đi nhắc lại: "Bà Bovary - đó chính là tôi!". Cũng trong quan niệm của Druon, nếu phải chọn 5 nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại thì ông sẽ chỉ chọn được... ba người: đó là đại văn hào Nga Liev Tolstoi, nhà sử học La Mã cổ đại Tasitus và nhà văn Pháp Montesquier.

Ông cho rằng, với Liev Tolstoi, ông sẽ rất thích thú khi được đàm đạo về thân phận con người. Còn với Tasit, ông sẽ thích thú đàm đạo về số phận của cả những dân tộc... Mặc dù không coi Liev Tolstoi là người thầy tinh thần của mình nhưng ông vẫn thú nhận rằng ông đã học được ở đại văn hào Nga rất nhiều điều trong nghề viết văn. Ông cho rằng, các tiểu thuyết của ông đã được xây dựng như các tiểu thuyết của Liev Tolstoi...

Lê Thu Hương
.
.