Nhà văn Phan Việt: Kẻ đi tìm tiếng người

Thứ Hai, 07/04/2008, 13:30
Có những khi, tôi hình dung thật rõ về chị, cô gái có mái tóc ngắn, vóc người nhỏ, ngồi trong căn phòng có hơi gỗ ấm giữa nước Mỹ để viết văn, những chữ tiếng Việt nhảy nhót trên bàn phím. Và tôi có cảm giác, như chị viết văn để nhận rõ về mình, để mình không bị tách rời với tiếng mẹ đẻ, sau những ngày học và nghiên cứu gần như cách ly khỏi tiếng Việt.

Phải đặt trong người viết một trái tim dũng cảm, mới có đủ tâm sức mà tự mình đi, cô độc đi ở một nơi mà không ai biết, không ai thích, không ai đọc những gì mình viết ra. Và cũng phải đặt trong trái tim ấy, một tình yêu đủ lớn với chữ nghĩa, để bắt đầu "nhập thế" với thể loại tiểu thuyết.

Đi tìm "những tiếng nói một đời không bày tỏ hết", Phan Việt là người phụ nữ hiện đại, văn chương của chị loại bỏ toàn bộ những khuôn thức cũ, tràn trề tự do. Nhưng trên hết, tôi cảm giác ở Phan Việt, viết văn như hành trình đi tìm chính mình, đi tìm những ý nghĩa mới trong những chiều kích khác nhau của cuộc sống.

Tại các diễn đàn trí thức người Việt trên mạng Internet, Phan Việt được biết đến như một trường hợp đặc biệt. Người có những phản đề táo bạo về giáo dục và trách nhiệm của người trí thức. Phan Việt dám bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Và phần lớn những bài viết ấy đăng trên tạp chí Tia sáng. Thế nhưng, mới đây Phan Việt lại trở lại với một lĩnh vực khác. Chị xuất hiện trên Báo Tuổi trẻ, tự "tiếp thị" cuốn sách mới của mình: "Tiếng Người"!

"Tiếng Người" là câu chuyện của những người đang bước vào tuổi trưởng thành. Duy, nhân vật chính, đại diện cho thế hệ 7X, với kiến thức đủ để hoàn toàn tự tin trở thành một công dân thế giới. Nhưng chính anh ta cũng không thoát bỏ được những giằng níu của quá khứ, không thoát khỏi được hiện tại và không hoàn toàn tự tin trong việc khám phá chính những... bí ẩn trong tâm hồn mình.

Duy căm ghét Hoàng, người đang hiện thân của sự giàu có, tự tin, vợ đẹp con khôn và tham vọng chính trị không giấu giếm. Và Duy, liên tục tự vấn, liên tục tìm lời đáp cho chính mình trước những biến cố... Có lẽ chỉ Duy là một nhân vật rõ rệt trong cuốn tiểu thuyết này.

Và cuốn tiểu thuyết đã làm được một việc, nó khiến người ta không rời bỏ trang sách khi đọc những trang đầu tiên.

Không thể coi đây là cuốn tiểu thuyết rất hay, nhưng đó là đại diện của một tiếng nói mới, không đi theo những con đường cũ đồng thời cũng không tìm mọi cách làm mới theo kiểu "đốt đền". Những con đường cũ không xấu, nhưng đi sau thì vất vả hơn nhiều. Mới theo kiểu phủ nhận hoàn toàn thành tựu của người khác, là cách làm mới không dành cho những trí thức văn minh.

Phan Việt, từ buổi đầu của "Phù phiếm truyện" đoạt giải nhì cuộc thi "Văn học tuổi 20" của NXB Trẻ, đã là một giọng văn lạ. Ở chị không có cái làm dáng cố tình, cũng không có những đoạn văn trữ tình óng mượt. Chính xác, mạch lạc, như khoa học nhưng không khô khan. Cuốn hút trong những câu chuyện của Phan Việt là một lối tư duy tường minh, nhìn nhận cuộc sống bằng thái độ nghiêm túc nhưng không lên gân, không nghiệt ngã. Không có sự cảm thương bi lụy trong văn chương Phan Việt.

Đang là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Mỹ, Phan Việt có một người đàn ông đáng tin cậy để tựa vai trong hành trình nhiều khi không đơn giản. Giống như Duy và M trong "Tiếng Người", chồng chị thường dắt tay và đi bộ cùng chị tới trường rồi mới quay trở về nhà để chuẩn bị đi làm. Những ngày nghỉ, họ thường đi chơi xa.

 Có những dịp nghỉ lễ, họ thường lái xe đi đến những điểm xa của nước Mỹ, cũng có thể đó là Canada. Có khi, họ canh đồng hồ trên ôtô và cùng nhau reo lên tiếng chào năm mới giữa những vùng núi mù sương của Vermont.

Và Phan Việt quan niệm, ở tuổi trẻ này và tình yêu đó, chị có thể sống ở bất cứ đâu. Quê hương ở trong tim chị. Không có ai đổi thay được trái tim ngoài chính chúng ta. Có lẽ chính cuộc sống ấy đã đổ bóng lên "Tiếng Người". Không có những băn khoăn về khoảng cách không gian, không có nỗi ám ảnh về thời gian đã mất. Nhân vật của Phan Việt sống và hành động theo tiếng nói trong tâm hồn họ. Không gì ràng buộc. Không sợ hãi. Họ đi tìm tiếng người.

"Hầu như 2 năm tôi về nhà một lần nhưng những lần trước đều là mùa hè; lần này là lần đầu tiên tôi về nhà ăn Tết mà lại đúng năm rét bất thường nên thấy Hà Nội đáng ghét hơn Sài Gòn, xin lỗi anh (cười).

Mỗi lần về lại thấy Hà Nội mở rộng ra nhiều, người Hà Nội thì giàu lên, mỗi lần về là thấy một loại xe máy mới tràn ngập đường. Nhưng có một điều làm tôi bứt rứt là một ngày ở đây luôn bị chặt vụn thành các mẩu nhỏ bởi những thứ linh tinh, mà không mẩu nào đủ lớn để người ta có cảm giác neo đậu được suy nghĩ và sự tồn tại của mình vào thời gian và không gian này.

Tôi luôn có cảm giác là thời gian và bản thân mình cứ trôi thoát đi liên tục… rất khó giải thích… có lẽ là nếu tôi về lâu hơn thì cảm giác sẽ khác đi chăng?" - Phan Việt bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một suy nghĩ như thế.

- Vậy là sau hơn hai năm, Phan Việt mới trở lại cùng "Tiếng Người". Có nhiều cách giải mã "Tiếng Người" của từng người đọc. Nhưng với chị, tác giả, chị giải mã nó như thế nào?

- Ở thời điểm này, tôi không nhớ chính xác tôi nghĩ gì lúc đặt bút viết bản thảo đầu tiên vì tôi đã viết rồi bỏ nó quá lâu.

Với bản thảo cuối cùng mà tôi đồng ý đem in thì lúc viết, tôi nghĩ là mỗi con người, vào những thời khắc khác nhau trong ngày, trong tháng, trong đời, họ đều có những bí mật, những mơ ước, những nỗi sợ hãi, những tham vọng, những khao khát, những đổ vỡ và khai sáng mà họ không bao giờ nói ra hoặc không dám theo đuổi đến cùng vì có thể chính họ cũng không hiểu và không tin trong khi dường như chính những thứ đó lại chính là điều đáng nói nhất về một con người.

Tôi gọi đấy là "những tiếng nói một đời không bày tỏ hết" và muốn cố gắng ghi lại những tiếng nói ấy để chúng không bị trôi đi mất.

Tôi viết bản thảo này lần đầu vào tháng 1 năm 2006 với cái tên "Bong Bóng", rồi lập tức bỏ nó vì quá thất vọng. Đến giữa năm 2007, tôi có viết thư cho nhà văn Nguyễn Đông Thức về một cuốn sách khác và chú Thức có hỏi tôi về cuốn "Bong Bóng". Tôi nghĩ là sau bao nhiêu thời gian mà chú ấy vẫn nhớ thì chắc là nó phải có cái gì đó. Khi tôi giở bản thảo ra đọc lại, tôi ngạc nhiên là tôi từng viết một thứ như thế.

Về mặt văn chương, tôi thấy có quá nhiều lỗi nhưng về mặt ý tưởng tôi giật mình nhận thấy là tôi đã có những quan điểm như thế vào năm 2006. Chính sự bất biến về quan điểm này khiến tôi quyết định dựng lại câu chuyện. Càng viết thì cuốn sách càng tự có một đời sống riêng và trọng tâm của nó càng ngày càng đi lệch khỏi điểm xuất phát ban đầu.

Trên máy tính của tôi, bản thảo mà tôi gửi đi in là bản sửa thứ 13. Thực tế là ở thời điểm gửi bản thảo đó đi và ở thời điểm này, tôi đều biết là tôi còn có thể sửa được nữa; nhưng tôi đã quyết định buông tay khỏi nó để viết cuốn khác.

Về giai đoạn cuối, tôi quá mệt với cuốn sách, mệt cả thể xác lẫn tinh thần vì cái quá trình sửa dường như không có điểm dừng, tôi thấy tôi không làm sao viết được như tôi muốn, rất nhiều lúc tôi muốn bỏ nó đi. Ngay cả sau khi gửi đi in rồi, tôi vẫn còn có lúc có ý nghĩ tôi sẽ rút lại bản thảo.--PageBreak--

- Như chị nói trước đây, chị không có ý định vào văn chương và biết trước văn chương là lối đi không đơn giản. Vậy nhưng chị vẫn miệt mài đi tiếp. Tại sao nhỉ?

- Tôi từng nói như vậy à? Chắc lúc đó tôi không đủ tự tin và không biết rõ cái đẹp của văn chương. Vào lúc này, tôi thấy tôi may mắn vì đã biết đến nó mặc dù tôi cũng biết rõ hơn là viết văn rất vất vả, cực kỳ vất vả. Nhưng văn chương mang lại cho tôi những niềm vui lớn lao mà vì nó tôi sẵn sàng chấp nhận sự vất vả. Thực ra thì hai cái đó không tách rời nhau đâu.

- Có vẻ như Duy của "Tiếng Người" là một đại diện thế hệ 7X, một thế hệ sinh ra trong những ngày vất vả và lớn lên trong những ngày mở cửa, Tây học và có nghĩ suy độc lập. Nhưng Duy cũng là đại diện của một thế hệ nhiều day dứt, day dứt trong lý tưởng, day dứt trong cuộc kiếm tìm chính mình. Phải chăng, Duy là một gửi gắm những nghĩ suy thực của chị trong thời điểm này?

- Một phần thôi. Đúng là tôi quan sát thấy thế hệ 7X dường như có chung một sự hoài nghi vô hướng và là một thế hệ quá độ đặc biệt - chuyện này nói ra rất dài. Nhưng những yếu tố thời cuộc đó là lý giải quá giản đơn. Tôi cho là những day dứt của Duy là day dứt chung của những người có khả năng tự biện, tự vấn; những người có khả năng quan sát đời sống tinh thần của bản thân và của người khác; bất kể họ sống ở thời nào.

- Cuốn sách không gây sốc, rõ ràng như thế, nhưng cuốn người đọc bằng "tảng băng chìm" dưới lớp vỏ ngôn ngữ. Có người nói, chị đã chạm đến cái "mặc cảm bản ngã" và cuộc chiến thực sự chỉ xảy ra trong nội tâm của từng nhân vật. Theo chị, đó có phải là đặc điểm chung của những người trí thức hiện đại?

- Nó là đặc điểm chung của những người có khả năng tự biện, tự vấn, người không lơ là những tiếng nói thầm của nội tâm.

- Tôi muốn hỏi chị về đời sống bên ấy. Công việc nghiên cứu của chị đến nay thế nào?

- Tôi vẫn đang cố hoàn thành chương trình tiến sỹ vào năm nay. Lẽ ra tôi đã xong nếu không vướng cuốn "Tiếng Người", cuốn "Suối Nguồn" của Ayn Rand và một cuốn khác. Thời gian vừa rồi, tôi treo việc học ở đó vì tôi không cưỡng được ham muốn viết.

- Chị còn theo đuổi đề tài người già và trẻ em? Cái nhìn của chị về vấn đề này của xã hội Mỹ ra sao?

- Tôi đang làm nghiên cứu về vị thành niên. Ở Mỹ, người ta quan tâm nhiều tới vị thành niên vì nhóm tuổi này ngoài việc có tâm sinh lý bất ổn nhất trong vòng đời một người thì đứng về mặt kinh tế, đây là nhóm tiêu dùng có nhu cầu rất lớn, lại dễ bị dụ dỗ.

- Đến giờ chị thấy cuộc sống của mình ra sao?

- Tôi thấy cuộc sống của tôi càng ngày càng đơn giản. Bây giờ, tôi viết là chính; sau khi tốt nghiệp thì xin việc, và tuỳ công việc, tôi sẽ sắp xếp tiếp cuộc sống của mình. Nhưng dù thế nào, tôi có nguyên tắc là tôi tập trung làm nhiều nhất là 2 thứ, lý tưởng là một thứ thôi, và làm thật sâu. Tôi sắp in tập "Nước Mỹ, nước Mỹ", đây là tập truyện đầu tiên mà tôi rất tự hào và tôi viết rất tự nhiên.

- Điều gì khiến chị thấy thích nhất ở Mỹ?

- Mỗi lúc một khác. Vào lúc này thì là không khí sạch sẽ, mỗi ngày tôi có thể ngồi từ sáng đến tối trong hiệu sách để viết; ngày của tôi không bị chặt vụn ra bởi những trách nhiệm và thủ tục lắt nhắt.

- Và điều gì khiến chị sợ nhất?

- Bị ốm. Tôi cũng sợ là tôi sống tách rời lâu như bây giờ thì dần dần tôi mất hết khả năng giao tiếp xã hội.

- Đến nay, chị có chắc chắn điều gì về tương lai của mình chưa?

- Tôi chắc chắn là tôi sẽ viết văn. Tôi chắc chắn là tôi muốn dạy học ở đại học hoặc làm công tác xã hội ở cấp trực tiếp (grassroot) chứ không phải ở bàn giấy. Còn làm ở đâu và thế nào thì tôi sẽ chờ đến lúc tôi tốt nghiệp. Nhìn chung, tôi muốn mở tất cả các khả năng của mình trong cuộc sống. Việc gì xảy ra lúc nào thì tôi sẽ đối phó lúc đó

Dương Bình Nguyên
.
.