Nhà văn Phạm Thành Hưng: Ân tình sau cuộc chiến

Thứ Tư, 08/07/2020, 20:04
Đời của người sinh viên thật hạnh phúc khi được gặp những người thầy tài năng, đức độ. Sau khi ra trường nhiều năm, gặp lại, tình thầy trò không những tươi nguyên như năm xưa mà còn trầm lắng nghĩa tình. Đối với tôi, thầy giáo - nhà văn Phạm Thành Hưng là một người như vậy.

Năm 1984, từ chiến trường Campuchia, tôi phục viên, chuyển ngành về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào đúng Khoa Văn bao năm mơ ước. Dạo đó, các môn đều học ở Mễ Trì, nhà cấp 4. Mỗi môn Lý luận văn học, chúng tôi được lên Thượng Đình. Học trên tầng 4. Thầy Phạm Thành Hưng dạy môn này. Môn của thầy thường tan học lúc 12 giờ. Đói meo. Nhưng vui vì không nhạt. 

Dạo đó, tôi cứ tưởng đọc lý luận về mấy cái phương pháp sáng tác này nọ là viết được ngay. Mua một đống sách. Ngấu nghiến đọc. Tìm hiểu bí quyết. Nhưng càng đọc, càng khó viết. Không ngờ, thầy Hưng cũng có tâm sự như tôi. “Sáng tạo là một sự bí ẩn vô tận”. Vở tôi còn ghi lời thầy. “Và chẳng ai có thể đi đến đích”. Tôi lại phải gạch dưới câu này để lỡ sau này, mình thất bại trên con đường văn chương, còn có lý để an ủi. Chính cái việc không đến đích này mới làm cho con người say mê đến tận cuối đời.

Nhà văn Phạm Thành Hưng.

Trước khi được học thầy, tôi đã đọc trên Tạp chí Văn nghệ quân đội truyện ngắn Phía tiếng súng nổ. Câu chuyện kể về hai anh lính giữ kho trong rừng. Lâu không thấy có ai vào nhận hàng. Nằm mốc. Bồn chồn. Xem lịch thì đã gần hết quý 1. Sắp sang mùa mưa. Hai anh đi thám thính xung quanh. Càng vắng. Nghĩ đơn vị bỏ quên mình. Về đơn vị cũ. Trống trơn. Anh lính trẻ hoảng. 

Nhưng, anh lính già cứ nằm khểnh trên võng. Anh còn chú khỉ trong chuồng. Lại có đôi chim sáo mới nở. Một luống rau xanh. Cây ớt chỉ thiên trái xiên tua tủa. Đặc biệt, anh còn có mối tình với cô gái Vân Kiều phía bên kia núi. “Thế nào chúng nó cũng phải đến tìm tao”. 

Nhưng, anh lính trẻ đứng ngồi không yên. Nghe tiếng pháo từ xa vọng lại. Anh đoán già đoán non. Bực mình, anh tìm chiếc radio cũ, bị hỏng từ lâu. Tí toáy chữa lại. Nghe tậm tịt nhưng cũng rõ những câu “tấn công”, “giải phóng thị xã...” cùng mấy giai điệu quen thuộc. Anh đoán quân ta đang hành tiến về Nam. Anh xếp ba lô, muốn lên đường. Nhưng, anh lính già không thích. Hai người cãi nhau. Lính trẻ dọa bắn lính già.

“Mục đích chiến tranh là để có hòa bình. Tao ở đây có hòa bình rồi. Đi đâu nữa”. Nhưng đêm, anh mơ thấy quân mình đang đánh trận cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn. Ước mơ giang sơn liền một dải khiến anh bồi hồi. Anh vùng dậy, gọi anh lính trẻ. Hai người ra đi ngay trong đêm... 

Đây là một truyện ngắn có cấu trúc vững vàng. Tình huống gay cấn. Kịch tính liên tục. Ít nhân vật. Một cái kết khỏe mạnh. Đọc lúc nào cũng thấy mới. Tôi cứ ngắm nhìn tên mãi tên tác giả. Một dòng chữ in đậm: Phạm Thành Hưng.

Motif người và vật bị bỏ quên có cả trong văn học dân gian và đương đại nhưng chuyện nào cũng ly kỳ và xúc động. Trường hợp của tôi. Tôi cũng bị đơn vị bỏ quên trong một cuộc hành quân giữa cơn khát. Truyện ngắn đó âm vang mãi trong tôi. Tôi cứ nghĩ, nếu anh lính già ở lại. Sau anh lính trẻ về tìm, sẽ có chuyện gì xảy ra? Đó không phải là truyện ngắn nữa mà là tiểu thuyết. 

Khi gặp thầy Hưng, tôi cứ phân vân. Thầy mình chẳng có tác phong “lính tráng” chút gì. Giọng thầy nhẹ nhàng, trầm ấm. Nụ cười hiền. Ánh mắt đôn hậu. Mình đi học, còn mặc áo lính. Thầy đi dạy, có mặc áo lính đâu.

Lúc thi hết môn, thầy ra đề, viết về nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Tôi cứ dùng thơ để phân tích và chứng minh. Hết sức thoải mái. Chẳng cần biết điểm số thế nào. Gần bốn mươi năm sau, gặp thầy, nói chuyện thi cử. Thầy mới nhắc lại bài của tôi. Khi chấm, thầy lưỡng lự. Bài này, một là khá nhất, hai là bét dem. Vốn tính thương người, thầy cho điểm tốt. Đó là một trong những điểm làm cho tôi được Khoa Văn và Trường Đại học Tổng hợp cử sang Nga học.

Khi tôi sang Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân học tiếng Nga thì thầy Hưng cũng học tiếng Séc ở ngay cạnh lớp tôi. Hai thầy trò lại gặp nhau. Lúc đó, tôi mới dám hỏi về cái truyện ngắn kia. Thầy khiêm tốn nhận mình là tác giả bằng một giọng rất nhỏ nhẹ. Một hôm, tôi được thầy mời uống bia. Thấy thầy ngồi, lưng dựng như tấm bìa. Tôi hỏi thăm. Hóa ra, thầy bị đau lưng. 

“Tưởng gì. Làng em học hồi sơ tán có ông lang Hanh nắn xương khớp cực giỏi. Trận đá bóng nào trên sân Hàng Đẫy, Bộ Y tế cũng cử xe về tận nhà đón ông lang Hanh. Xếp cho ông một chỗ danh dự trên khán đài. Cầu thủ nào gãy xương, ông nắn một cái. Chạy ngay vào sân. Như sóc luôn”. Tôi lặp lại y nguyên lời mấy thằng bạn trẻ trâu của tôi. Hai thầy trò hẹn Chủ nhật, tôi đưa thầy sang Văn Giang nhờ ông lang Hanh chữa lưng.

Hai thầy trò đi đò qua sông Hồng. Thầy nhìn bến đò, cây đa, quán nước và bà cụ bên sông. “Mỗi con người và sự vật kia là một thư viện. Có bao điều mình cần phải đọc mà để trôi đi”. Mãi sau này tôi mới cảm nhận lời thầy. “Lịch sử như dòng sông. Các nhà sử học viết về những sự kiện. Còn chúng ta, những nhà văn, viết về cỏ cây, con người và nhà cửa bên sông”. Thầy nhắc tôi tìm đọc Will Durant. Trước mặt tôi, không phải một người đi chữa bệnh. Đó là một nhà hiền triết. Thảo nào thầy rất mê triết gia Trần Đức Thảo.

Thời gian trôi đi. Học xong, tôi trở về. Đang lang thang ở mấy hiệu sách quanh Tràng Tiền bỗng gặp thầy Hưng. Thấy tôi đi xe đạp, thầy có nhã ý tặng tôi một bộ xích Tiệp. Tôi ngỡ ngàng. Một món quà quý. Nhưng, cứ đến nhà thầy để nhận. 

Nhớ lại, thấy mình cũng vô tâm. Đến nhà thầy nhận quà mà chẳng mang gì biếu. Chỉ thấy trên bàn thầy đầy sách vở. Thầy còn tặng cho cậu nhóc nhà tôi mấy quyển truyện tranh Tarzan mà thầy dịch từ tiếng Séc. 

Mang bộ xích thầy tặng, lắp vào. Xe đi bon bon. Êm ru. Như lướt trên thiên đường. Dù lúc ấy tôi đang thất nghiệp. Cũng như thầy Hưng, tôi phải lao vào dịch và viết cho các báo. Sợi xích của thầy tiếp sức cho tôi trên đường mưu sinh.

Lúc đầu, tôi cứ tưởng thầy là lính hậu cần. Sau này, tiếp xúc với những bậc đàn anh, cùng “dân Tổng hợp” như Phùng Huy Thịnh, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Như Thìn... tôi mới biết thầy là lính bộ binh. Lại là bộ binh Quảng Trị mới oách! Thầy từng bị thương. Năm 1972. Tháng 8. Bị bom B-52 giội khi giữ Thành Cổ. Mảnh trong đầu. Chui sâu vào não. Thầy vẫn nhớ mãi ân nhân của mình. Y sĩ Phán, người Kim Sơn - Ninh Bình đã băng bó, cứu chữa cho mình trên trận địa còn mịt mù khói lửa.

Thầy thường kể về người trung đội trưởng của mình - liệt sĩ Nguyễn Khắc Tơ. Cưới vợ được ít ngày, anh phải vào Nam. Vợ anh - cô gái làng gốm Bát Tràng. Linh cảm tin chồng đi xa, đã lặn lội tìm đường đến với anh. Nhưng khi đến nơi, đơn vị vừa chuyển đi. Chị đuổi theo chồng bằng mọi phương tiện. Chị đi bằng khát khao, bằng giác quan tình yêu, bằng lẽ tử sinh. 

Rồi chị gặp được anh. Bên đường chiến tranh. Có một đêm tình yêu bất tử. Dường như Trời Phật thấu tình cảnh vợ chồng. Một sinh linh bé bỏng đã đậu lại trong lòng chị. Rồi ít ngày sau, anh hy sinh bên bờ sông Thạch Hãn. Chị trở về làng. Sinh ra người con trai. Càng lớn càng giống bố. 

Ngày hòa bình, người con trai đi tìm mộ bố. Nhưng, chỉ mang được nắm đất của dòng sông huyền thoại về thờ. Chị khóc nhớ thương anh đến mờ đôi mắt. Liệt sĩ Nguyễn Khắc Tơ để lại nhiều bài thơ, trong đó có bài Pháo ta nổ vang trời Khe Sanh được nhạc sĩ Thanh Phúc phổ nhạc. Bài ca với nhịp điệu hành tiến mạnh mẽ đã trở thành một trong những “Bài ca đi cùng năm tháng”.

Tôi nhớ mãi câu chuyện thầy kể về chàng trai cùng Khoa Văn tên là Nguyễn Khánh Thụy. Anh vào lính với dị tật rất đặc biệt ở gót chân. Nghĩa là gót chân của anh không thật tròn, không đầy đặn như của mọi người. Dép râu và giày vải đều không bén được chặt bàn chân khuyết gót của anh. Vậy mà anh vẫn cùng đồng đội hành quân ra trận. 

Về khuyết tật này, nhà báo Mỹ Mary Roach (1959), tác giả 7 cuốn sách về khoa học tò mò và sự hài hước thông thường đã chú ý. 

Trong cuốn Lính trơn: Khoa học kỳ lạ về loài người trong chiến tranh (Grunt: The curious science of humans war - NXB Thế Giới và Nhã Nam - Nguyễn An Thái dịch), bà cho biết: cái gót chân tuy nhỏ nhưng giữ vị trí cực quan trọng đối với người lính. Gót được cấu thành từ mỡ chứ không phải xương. Lớp mỡ ở gót chân tương tự như lớp đệm đỡ xương gót với phần da phía dưới. Đó là lớp mỡ đặc gồm các tế bào có hình sợi. Những tế bào này chỉ có ở gót chân. Khi ta bước đi tạo ra một lực dồn xuống gót. Lực này bằng 200% khối lượng cơ thể. Nhưng khi chạy, lực đó lên tới 400%. Vậy mà người lính khuyết gót vẫn hành quân bộ từ Hà Nội, vượt đèo dốc Trường Sơn, vào đến tận miền Đông Nam bộ. Anh ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn ngày 20-4-1975. 

Ngày giỗ lính trận, thầy cùng đồng đội đến tìm đến nhà anh Thụy trong cơn mưa tầm tã. Hàng xóm cho biết, địa chỉ này đã thuộc về người khác. Lại hỏi thăm, quyết tìm được nhà bạn. Đi làm việc nghĩa để người chết mát dạ, người sống yên lòng.

Thầy còn một kho chuyện về đồng đội, về chiến tranh nhưng ít khi kể về mình. Nếu có kể thì đó là những câu chuyện mình mang ơn người khác suốt đời, dù những cái ơn rất nhỏ. Dưới những trang viết của thầy, chân dung các bạn đồng môn - đồng đội như nhà văn Nguyễn Thế Tường, liệt sĩ - nhà thơ Vũ Dũng, nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự, nhà tiếu lâm Hải Triều... hiện ra rất sinh động, gần gũi. Thầy luyện cho mình giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp nhưng không kém phần hóm hỉnh. Sau mỗi chân dung bạn bè, đồng đội, người đọc nhận ra tình cảm sâu nặng của nhà giáo - nhà văn Phạm Thành Hưng.

Sau những năm tháng học ở Séc, được ăn cơm Séc, uống nước Séc, nói tiếng của người Séc, khi về nước, thầy Phạm Thành Hưng đã trả ơn cho đất nước và người Séc bằng những tác phẩm như Cộng hòa Séc - Đất nước, con người (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2015), Một số phận vinh quang không nhiều hơn cay đắng,  Truyện cổ Séc (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2005), Văn học Séc - Lịch sử Séc (NXB Khoa học xã hội - 2015), Truyện ngắn B.Hrabal (NXB Văn học - 2000) cùng nhiều tác phẩm khác. 

Đặc biệt, thầy còn góp phần đào tạo nhiều sinh viên Séc nghiên cứu văn học Việt Nam. Họ trở thành những sứ giả văn hóa, dịch những tác phẩm văn học Việt ra tiếng Séc. 

Trong số này có cô Julie Liên Vrbkova. Sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, về nước làm việc, cô gửi những lời cảm ơn bằng tiếng Việt: “Em chắc chắn là học văn ở Hà Nội và sự giảng dạy của các Thầy Cô, đặc biệt là của Thầy Hưng cho em hiểu ngôn ngữ và văn học Việt Nam sâu sắc hơn bất cứ giáo trình học nào khác tại châu Âu. Em rất biết ơn Thầy Hưng và các Thầy Cô tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã nhiệt tình giảng dạy cho chúng em. Từ nơi xa xôi, em nhớ thời gian sống ở Hà Nội và những cơ hội tuyệt vời để hiểu thêm về ngôn ngữ và dân tộc Việt mà em yêu quý. Em cảm ơn Thầy nhiều”. 

Đó là hạnh phúc thật sự của nhà giáo - nhà văn Phạm Thành Hưng - người gieo những hạt giống nghĩa tình trên cánh đồng lương thiện.

Đoàn Tuấn
.
.