Nhà văn Phạm Duy Nghĩa: Người đi tìm cơn mưa hoa mận trắng
So với những giá trị thực mà họ tạo ra thì họ đang mặc một chiếc áo quá rộng. Ảo tưởng về bản thân, sự hấp dẫn bởi những phù phiếm từ hiệu ứng đám đông đã tước mất quyền được cô đơn của không ít người cầm bút. Sự lặng lẽ cần có đang mất dần đi trong tâm thế của người viết trẻ. Ý kiến này làm tôi không khỏi suy nghĩ, và tiếc là tôi đang nhìn thấy nhiều ví dụ minh chứng cho điều này. Nhưng đọc văn Phạm Duy Nghĩa, và nhất là khi gặp anh, thì tôi biết mình đã có một ví dụ khác.
Phạm Duy Nghĩa giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2003-2004 của Tuần báo Văn nghệ với tác phẩm Cơn mưa hoa mận trắng. Nhưng giải thưởng chỉ là một thước đo, và thậm chí chẳng làm cho người ta quan tâm đến một người cầm bút nào đó nhiều hơn, bởi tâm lý hoài nghi từ lâu đã có sẵn trong không ít bạn đọc văn chương.
Có những người cầm bút giành giải cao nhất rồi mất hút trong đời sống văn học. Họ không thể làm nên tên tuổi của mình. Nhưng với Phạm Duy Nghĩa, phải nói rằng, giải thưởng thực sự không phản ánh sự chạm ngõ của anh với văn học, mà ngạc nhiên là, nó làm cho những người quan tâm đến văn học giật mình nhận ra anh đã ở giữa làng văn rồi.
Bất ngờ với truyện ngắn giành giải nhất Cơn mưa hoa mận trắng, tìm đọc các tác phẩm trước đó của anh, bạn đọc có thể có cảm giác "ngỡ ngàng", thì ra cái anh chàng giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai trẻ trung kia đã viết từ rất lâu và anh đã kể những câu chuyện hay không kém gì cái giải nhất anh vừa chạm tới, chỉ là anh quá khiêm nhường, quá lặng lẽ mà ít người biết đến đấy thôi.
Trong thời buổi đa số đang mắc chứng bệnh ngại đọc thì một cuốn sách, một tác phẩm văn học chẳng dễ gì trở thành món ăn trong thực đơn tinh thần của chúng ta, nếu nó không thực sự hấp dẫn. Người ta thường mong chờ những cuốn sách kéo mình đi, hơn là cái cảm giác phải cố để đọc nó.
Với tôi, những câu chuyện của Phạm Duy Nghĩa đã làm được điều tuyệt vời này, là nó kéo mình đi, mình tự nguyện, thậm chí hạnh phúc với những vui buồn, bất an, dằn vặt bởi các nhân vật có mặt trong chuyến đi đã không ngừng "hành hạ" mình. Đó có thể là một cô gái bán dâm khát khao được yêu, một người đàn ông Mèo kém thông minh và tốt bụng đến khó tin, một cô giáo cắm bản ở vùng cao, một chàng trai biết nói chuyện với những bông hoa cẩm tú cầu…
Những nhân vật trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thực sự đã khuấy đảo ta, "làm phiền" ta và buộc ta phải suy nghĩ. Anh đã viết về miền núi theo một cách riêng, không "đơn giản, thật thà đến ngớ ngẩn như một số người đã và đang viết, mà là thế giới miền núi lung linh, huyền ảo và gợi cảm" (nhận xét của nhà văn Sương Nguyệt Minh).
Phạm Duy Nghĩa quan niệm: "Miền núi, tự bản thân nó đã đẹp, nên văn cũng phải đẹp cho xứng đáng với nó. Viết về miền núi mà nhạt nhòa, không thấy cái tươi xanh hùng vĩ của nó ở đâu, thì tự thấy xấu hổ với chính thiên nhiên miền núi. Là một trong những cây bút trẻ người Kinh (khá ít ỏi) viết về miền núi hiện nay, tôi cố gắng trình bày cái thế giới còn lắm mời gọi này với một màu sắc riêng, cố gắng không lẫn, ít lẫn vào khu rừng văn chương vốn rất sum suê của những người đi trước".
Hơn 10 năm làm nghề dạy học, gắn bó với vùng núi cao Tây Bắc là những trải nghiệm quý giá của Phạm Duy Nghĩa, và là chất liệu làm nên những trang viết đẹp nhưng không kém phần quyết liệt của anh về đời sống, về phận người.
Đó là những chuyến đưa sinh viên đi làm công tác tình nguyện xóa mù chữ ở các bản làng xa xôi, những câu chuyện dọc đường, những mối tình thầm kín giữa thầy và trò, những lần nhỡ xe phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, chỉ nhìn xuống chân, không biết bên phải, bên trái hay trước mặt mình là gì, vì xung quanh sương mù dày đặc …
Và không ít những truyện ngắn hay đã được Phạm Duy Nghĩa xây dựng trên nền của những câu chuyện có thật. "Cái cô Diễm chỉ quen sơ sơ anh chàng văn sĩ trên một chuyến tàu mà dám liều mạng về thủ đô ở với anh ta mấy ngày, trong Cô gái xuống ga Vĩnh Yên là có thật. Hiện cô gái này vẫn bán cà phê trên quãng đường vắng ở thành phố Lào Cai, mỗi lần về qua, tôi đều ghé thăm. Còn cái chuyện giáo viên cắm bản, vì "hoàn cảnh vùng cao" nên một nam một nữ phải ở chung phòng mấy tháng liền trong Cơn mưa hoa mận trắng chính là thực tế tôi đã chứng kiến tại một xã hẻo lánh ở Lào Cai".
Ngồi trước tôi bây giờ không còn là một Phạm Duy Nghĩa thầy giáo nữa. Anh đã xa rời cái không gian miền núi mình gắn bó để trở về Hà Nội, bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Văn học với đề tài "Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi", và là Trưởng ban Lý luận phê bình của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Cuộc bỏ rừng về phố của Phạm Duy Nghĩa là một quyết định khó khăn: "Tôi không hề có ý định về Hà Nội và nói thật là tôi không yêu cái cuộc sống đô thị ồn ào. Tôi là người thích viết trong sự tĩnh lặng. Ở miền núi, tâm thế tôi thanh thản hơn, tĩnh hơn". Sau khi giành giải Nhất báo Văn Nghệ, Phạm Duy Nghĩa nhận được nhiều lời mời về làm việc ở thủ đô. Nhà phê bình Văn Giá tha thiết mời anh về làm Phó chủ nhiệm Khoa Viết văn Nguyễn Du của Trường Đại học Văn hóa, là một ví dụ.
Trở thành một nhà văn mặc áo lính trong khu nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội với Phạm Duy Nghĩa chỉ đơn giản là một sự xê dịch, hoàn toàn không phải một tham vọng nào khác. "Tôi nghĩ người cầm bút thì ở đâu cũng viết được. Tuy nhiên, tôi cũng thấy một thực tế là có nhiều nhà văn lúc sống ở địa phương thì viết hay hơn".
Phạm Duy Nghĩa đã chọn lấy một sự đổi thay là tự bứt mình ra khỏi môi trường sống quen thuộc mà anh đã gắn bó nhiều năm tháng, cũng chính là vùng đất đã cho anh những chất liệu độc đáo để anh tự viết tên mình trong đời sống văn học bằng những truyện ngắn hay. Tôi nghĩ, đây cũng là một cuộc thử nghiệm của chính anh. Chắc chắn là không tránh khỏi những loay hoay, nhưng là những loay hoay thú vị.
Vốn là một thầy giáo, Phạm Duy Nghĩa lúc nào cũng cho ta cảm giác nghiêm ngắn, chuẩn mực. Trong văn chương phóng khoáng bao nhiêu, thì ngoài đời Phạm Duy Nghĩa chỉn chu bấy nhiêu. Một vài bạn văn nhà số 4 Lý Nam Đế thường kể cho tôi nghe, anh chàng nhà văn, tiến sĩ này không bao giờ mặc áo thun, áo không có cổ, áo sơ-mi ngắn tay đến cơ quan. Anh ăn mặc bao giờ cũng nghiêm túc nhất có thể. Anh khó tính đến sốt ruột cả trong cuộc sống và văn học.
Bước vào phòng văn của Phạm Duy Nghĩa, bạn hoàn toàn có thể nhầm tưởng căn phòng đã được trang trí, cắt đặt bằng đôi tay của một người con gái nào đó. Nhưng bạn đã nhầm đấy. Bình hoa màu trắng thanh nhã với những bông hoa tím và trắng đan xen là tự tay chủ nhân mua về bày biện. Chủ nhân cũng tự tay lau dọn căn phòng của mình sạch sẽ và ngăn nắp.
"Với văn chương, tôi lúc nào cũng cẩn thận chăm chút từng câu từng chữ. Tôi không bao giờ viết một lần là xong. Bản thảo của tôi luôn bị sửa chữa chi chít. Trong biên tập, tôi khó chịu với từng lỗi chính tả bị bỏ sót. Tôi ghét cay ghét đắng những câu văn viết sai ngữ pháp. Điều này có lẽ tôi chịu một phần ảnh hưởng của những năm tháng làm nghề dạy học, luôn phải chấm bài của học trò. Tôi là người cầu toàn và duy mỹ. Những cái sai, cái xấu, dù ở hình thức biểu hiện nào cũng đều làm tôi dị ứng. Tôi cũng là người khó chịu đến nỗi, nếu một cô gái nhắn cho tôi một cái tin mà sai lỗi chính tả thì tôi không chơi với cô ấy nữa. Tôi nhắn tin cho một người bạn, lâu quá họ không nhắn lại thì tôi cũng có thể xóa số của họ ngay".
Cực đoan đến mức không chịu thỏa hiệp với những cái bất bình thường, khó tính với mình và thừa nhận khó tính cả với người nên tuổi gần 40, anh chàng nhà văn, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa vẫn là lính "phòng không". Bạn văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội không ít người sốt sắng lo tìm người mai mối cho tác giả Cơn mưa hoa mận trắng sớm có tổ ấm đi về, nhưng anh chàng vẫn bình chân như vại.
Hài hước, Phạm Duy Nghĩa kể cho tôi nghe câu chuyện anh được người lái xe của Tạp chí làm mai mối cho một cô gái. "Nàng làm ở ngân hàng và đang theo một khóa cao học. Sau màn giới thiệu đôi bên, nàng nói nàng chưa nghe nhắc đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội bao giờ. Anh bạn lái xe của tôi gỡ điểm cho nàng bằng cách cho biết Văn nghệ Quân đội là nơi nhà thơ Trần Đăng Khoa từng công tác, nàng đáp nàng không biết Trần Đăng Khoa là ai.
Bạn tôi lại hỏi, nàng có biết nhà văn Nguyễn Minh Châu không, nàng lắc đầu. Hỏi nhà văn nào nàng cũng không biết và trả lời nhát gừng. Tôi giục anh bạn "bỏ của chạy lấy người". Trên đường về anh bạn cứ trách tôi thiếu kiên trì, tôi thừa nhận nhưng vẫn hậm hực, lẽ nào nàng không biết tên các nhà văn đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường? Hay nàng chưa học hết phổ thông?".
Chúng tôi đã cùng cười vang trước câu chuyện đi tìm người trong mộng của anh chàng nhà văn- tiến sĩ trẻ, tác giả của nhiều truyện ngắn được bạn đọc yêu mến. Thực là khó cái chuyện tình yêu trên đời. Sự gắn kết của một người đàn ông và một người đàn bà xưa nay vốn được xem là cái duyên Trời cho. Nếu đúng như vậy thì Phạm Duy Nghĩa chẳng cần phải sốt ruột.
Rồi cái ngày người phụ nữ mang theo tình yêu nguyên khôi đáp xuống đời anh từ một Cơn mưa hoa mận trắng, như anh mong muốn, chắc chắn sẽ đến. Người phụ nữ ấy sẽ làm cuộc sống của anh bận bịu hơn, sôi động và nhiều màu sắc hơn, không còn những ngày thứ bảy, chủ nhật đến cơ quan làm việc vì không có ai để trò chuyện, không còn cảnh một mình lẻ bóng đường về nhà nữa.
Và hy vọng trong lúc chờ đợi người phụ nữ của mình, Phạm Duy Nghĩa sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện mới của anh, không phải ở miền núi, mà ở thành thị, nơi anh đang sống và trải nghiệm mỗi ngày