Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Vào miền kí ức

Thứ Năm, 18/12/2014, 15:18
Năm nay, là năm đại thắng lợi của Nguyễn Đình Tú. Giữa năm anh lên chức Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đến tháng 11 bộ phim “Hương Ga” chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Phiên bản” của anh ra mắt tất cả hệ thống rạp chiếu phim trong nước và tạo được hiệu ứng tốt.

Kể từ đầu năm đến thời điểm này, bộ phim này có thể được xếp trong danh sách phim Việt chiếu rạp đáng xem nhất. Chẳng phải thế mà, xuất chiếu tại hệ thống các rạp ở các thành phố lớn “Hương Ga” vẫn luôn ở top dẫn đầu, qua mặt phim hành động Mỹ, hay tâm lý xã hội Thái Lan. Trong phim có nhiều cảnh bạo lực và sex được quay với cường độ lớn đẹp mắt, thực sự ấn tượng, và người ta đặt ra câu hỏi làm thế nào để qua được khâu kiểm duyệt nghiêm ngặt?

Thực ra, bộ phim đã qua 11 lần kiểm duyệt, và đang từ 110 phút cắt xuống còn 92 phút. Hỏi cha đẻ của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Đình Tú nhỏ nhẹ nhưng rành mạch: “Bởi vì phim lấy chất liệu từ cuốn tiểu thuyết có tính chất văn học, và toàn bộ phim toát lên yếu tố nhân văn. Chính vì nhân văn nên đã thuyết phục được người xem”. Dù sao thì với những khán giả bình thường họ đến rạp không đặt nặng vấn đề chủ đề, hay tư tưởng, hoặc mớ triết lí cao siêu. Một câu trả lời ngắn gọn: “Bộ phim hấp dẫn”. Sự hấp dẫn khiến người ta thích thú.

Phiên bản là tên cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú ra mắt năm 2009, được giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản CAND lần thứ hai. Phiên bản khi ra đời gây ra một tiếng nổ, vì đề cập đến một khía cạnh khá gai góc là thế giới tội phạm, cuộc đời đầy thân phận của bà trùm đất Cảng, Dung Hà, qua lăng kính của nhà văn trở thành nhân vật đầy màu sắc trong tiểu thuyết. Nguyễn Đình Tú sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, đất Cảng, mà trước đấy, ở đó Nguyên Hồng đã từng viết Bỉ vỏ, câu chuyện về người đàn bà Tám Bính… sau này hậu duệ là Dung Hà. Mảnh đất sinh ra nhiều nữ quái khiến anh ít nhiều trăn trở, và Hương Ga được thai nghén trong mớ hỗn độn của cảm xúc như vậy. 

Là một nhà văn thuộc lứa tuổi 7X, chập chững bước vào tuổi 40, trong anh vừa là một quân nhân, vừa là một nhà văn chính hiệu. Đeo quân hàm Trung tá, lại có trong tay vô số truyện ngắn và sức nặng của 7 cuốn tiểu thuyết. Là một nhà văn lập kỉ lục khi mỗi năm cho ra đời một tiểu thuyết. Năm 2008 Nháp. Năm 2009 Phiên bản. Năm 2010 Kín. Nghỉ ba năm đến 2013 trở lại với cuốn tiểu thuyết Hoang tâm. 2014 là Xác phàm. Và những ngày này anh đang hoàn thành nốt chương cuối của Thạch máu dự kiến xuất bản vào 2015. Mặc dù giữ cương vị lãnh đạo trong đơn vị quân đội, lại “lao lực” vào văn chương, nhưng anh không có dáng vẻ quân nhân hoặc nhà văn nếu nhìn theo con mắt cũ. Ít khoác quân phục lên người, nếu có chỉ trong những dịp trọng đại. Nói nhà văn phải có chút gì nhàu nhĩ, hao mòn, đau đời, dị dị…

Nguyễn Đình Tú không mang dáng vẻ và khuôn mặt ấy. Nhưng nếu nhìn bằng con mắt mới, anh đích thị mang phong thái một nhà văn thế hệ mới. Trang phục chỉn chu như một công chức văn phòng, dáng vẻ gọn ghẽ, khoác túi da chéo, bên trong là iPad để nắm cả thế giới trong tầm tay, và thích thú với những màn cập nhật tin tức từ các trang mạng xã hội hoặc thông tin kết nối bạn bè từ Facebook.

Cùng một lúc hai chức danh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội kiêm Trưởng ban văn xuôi, công việc lắm lúc ngập đầu. Vậy mà khi hỏi, anh dùng thời gian nào để viết, phải chăng khi màn đêm buông xuống, yên tĩnh đến nghẹt thở, anh trải lòng trên trang giấy?! Câu trả lời thật bất ngờ, anh viết tiểu thuyết hoàn toàn trong giờ hành chính. Đó là hàng sáng đến cơ quan sau khi đã đọc và giải quyết mớ giấy tờ và những trang bản thảo gửi đến, anh tranh thủ ngồi vào bàn viết. Kể cả trong những lúc mạch cảm xúc đang tuôn trào thì bất chợt có người vào ra, anh lại tiếp chuyện họ trong ít phút, rồi sau những mạch đứt gãy đó, anh tiếp tục quay lại với dòng chảy của mình.

Ngày đó, sau khi tốt nghiệp bằng Đại học Luật Hà Nội, ra trường và công tác sáu năm tại Viện Kiểm sát, anh chuyển về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời sinh viên, anh cũng có kha khá truyện ngắn được giải thưởng, nghiệp văn chương đeo bám để sang tuổi 27 anh chuyển hẳn ngành, sang viết văn chuyên nghiệp.

Ngày đầu về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh mang theo bản viết tay tiểu thuyết  đầu tay Hồ sơ một tử tù và đã được giải tiểu thuyết của Nhà xuất bản Công an nhân dân lần thứ nhất. Những kiến thức có được từ khi học đại học Luật cộng với thời gian dài công tác ở Viện Kiểm sát đã tạo nên độ dày dặn, sự phong phú và tính thuyết phục cho những trang viết về thế giới tội phạm của Nguyễn Đình Tú. Sau này anh cũng dành nhiều đất viết về thế giới xã hội ngầm, quyền lực đen. Phải thế chăng mà đầy tự tin anh nói: “Trong số các nhà văn Việt Nam viết về trọng án, tôi có thể tự tin tôi là người viết hay nhất vì tôi hiểu luật”.

 May mắn, năm 2001, khi anh còn là thanh niên trai trẻ về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, vẫn còn có cả một thế hệ vàng những nhà văn tên tuổi. Đó là cô Nguyễn Thị Như Trang, bác Nam Hà, Nhà văn Hồ Phương, Lê Lựu, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ Trần Đăng Khoa…

Được sống và làm việc với những con người đầy chất văn thơ, trong môi trường ăm ắp văn học như vậy, phải chăng đó cũng là chất xúc tác, là màn khởi đầu thuận lợi cho anh khi đi vào con đường văn chương chuyên nghiệp. Khi ấy, người ta gọi mô hình của Tạp chí Văn nghệ Quân đội như hình cái nón úp ngược, lúc này Nguyễn Đình Tú là thanh niên trẻ nhất trong cơ quan và chỉ duy nhất có mình anh đeo quân hàm cấp úy. Còn lại người gần tuổi với anh nhất là nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng đã hơn anh 15 tuổi. Các bác, các anh đều đeo quân hàm cấp Tá. Cả một dàn nhà văn đeo quân hàm đại tá. Sau này cùng thế hệ về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội với anh còn có nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Khi người ta trẻ, người ta có quyền mơ ước, ấp ủ tư tưởng. Nguyễn Đình Tú cũng mang sứ mệnh như bao nhà văn quân đội khác. Anh khao khát sống, khao khát đi, tìm hiểu địa danh, chủng tộc, con người, những chặng đường mà mình đã dừng chân. Nói như anh: “Không còn nơi nào đáng đi mà chưa đến”. Đi khắp từ địa đầu tổ quốc đến đất mũi Cà Mau, lang thang lên Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió, hay những bãi cát trắng trải dài Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh… Đi dọc con đường Hồ Chí Minh huyền thoại… Những cánh rừng bạt ngàn một màu xanh biếc và dưới chân núi còn đó bao nhiêu nấm mồ của những anh hùng liệt sĩ vô danh… Tất cả thu vào anh như những thước phim lịch sử của một dân tộc oai hùng, đầy bi tráng.

Anh tự bạch: “Với những chặng đường đi như thế, tăng đối thoại với lịch sử, với chứng nhân khuất mặt. Họ dẫn mình đến với những nẻo đường khác nhau của lịch sử. Đó là những nẻo kí ức vô cùng phong phú mà dân tộc này đã trải qua”. Con người nhà văn vốn nhạy cảm, anh vẫn thường tự hỏi: “Những địa danh đậm đặc kí ức lịch sử, biết bao linh hồn vật vờ nơi đâu mà chưa tụ về được một nơi nào đó”. Giữa những người lính vô danh đã khuất mặt và Nguyễn Đình Tú có chung một sự đồng cảm, phải chăng họ đều là những người khoác áo lính. Và căn cốt trong anh là dòng máu của người lính. Cha anh là bộ đội thời chống Pháp. Anh trai là bộ đội thời chống Mỹ. Anh vào quân ngũ ở lứa tuổi trưởng thành khi đất nước đã hết hẳn tiếng súng, nhưng mảnh kí ức của các chặng đường lịch sử cứ âm vang dội về, thôi thúc con người nhà văn trong anh, hãy cầm bút, hãy viết.

Cả Nguyễn Đình Tú và những liệt sĩ vô danh, họ đều là những người trẻ. Những người lính tử trận trong chiến tranh để giành lại nền độc lập cho dân tộc. Còn anh là người lính lớn lên trong thời bình và có “nghĩa vụ” tìm hiểu và khai thác về họ, đó là cuộc chiến Tây Nam trong cuốn tiểu thuyết Hoang tâm hay chiến tranh biên giới phía Bắc trong tiểu thuyết Xác phàm. Nguyễn Đình Tú dùng hết nội lực của mình để viết.

Trong những năm trở lại đây, cách viết tiểu thuyết của anh đã khác trước rất nhiều. Nếu như ở cuốn tiểu thuyết đầu tay Hồ sơ một tử tù hay Bên dòng Sầu Diện đến Nháp, anh ngồi vào bàn viết, mạch cảm xúc cuốn đi không biết nơi đâu là bến bờ. Thì đến những tác phẩm sau, anh lên khuôn nhào nặn cho đến khi đã thuộc lòng cốt truyện mới bắt đầu viết.

Và công việc chỉ hoàn tất sau 2 tháng tập trung đánh máy. Nhưng, thực ra, câu chuyện trong những cuốn tiểu thuyết đã được chắt lọc qua hơn 30 năm sống, quan sát, ghi chép in vào tâm khảm, cựa quậy, nhảy nhót trong trái tim rớm máu, dồn nén bão giông trong trí não, để câu chữ ùa ra. Hơn 4 giờ chiều, anh giống như bao ông bố mẫu mực khác, tắt máy tính, rời công sở, phóng xe đi đón cô công chúa nhỏ duy nhất đang học lớp 3, một hạnh phúc giản dị đời thường…

Trần Mỹ Hiền
.
.