Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Về từ "Miền hoang tưởng"

Thứ Ba, 13/02/2007, 11:00

Tiểu thuyết văn học trong độ mươi năm lại đây, nếu không có "Hồ Quý Ly" và "Mẫu Thượng Ngàn" thì sẽ bớt đi biết bao nhiêu cái sang trọng của bản sắc văn hóa Việt thấm đẫm trong văn học Việt.

Tác giả của hai cuốn tiểu thuyết gây xôn xao dư luận và được tái bản nhiều nhất trong thời gian vừa qua là một người đàn ông vô cùng kỳ lạ. Đột ngột xuất hiện, như thể ông vừa bước ra từ một huyền thoại nào đó, từ một sự ẩn mình đâu đó lâu lắm, như loài trầm hương trong rừng sâu kia, một ngày nhoài lên từ lớp mùn và mục gỗ để đi về phía ánh sáng mặt trời và đem theo mùi hương quý giá.

Tôi đã có cuộc trò chuyện kỳ lạ với người đàn ông kỳ lạ ấy trong một buổi sáng mùa đông đầy nắng của Hà Nội. Bên ngoài số nhà 36 ngõ Trần Khát Chân cũng lạ lắm, cũ kỹ và bí ẩn. Tôi áp mặt qua cảnh cửa sắt tò mò nhòm vô phía trong phòng khách nhà ông và bấm chuông. Một người phụ nữ cao gầy hé cửa cho tôi vào. Tôi lọt thỏm vào căn phòng mờ tối treo duy nhất một bức trống đồng khắc họa bằng kim khí. Một lát sau, ông xuất hiện ở cửa, dáng người cao gầy, cúi lom khom bước vào phòng khách. Mái tóc dày bạc xõa trước trán, và nụ cười thường trực trên môi với ánh mắt tinh nhanh hóm hỉnh. Ông xuất hiện, làm cho khung cảnh nơi đây sinh động hẳn lên.

Khác với những gì tôi tưởng tượng, tiểu thuyết gia nổi tiếng này gần gũi và vô cùng bình dị, vô cùng sống động, trẻ trung trong câu chuyện đời mình và đời văn nghiệp mà ông vô tình ghé chân qua rồi trở thành duyên nợ suốt đời.

Chúng tôi uống trà nóng, cười giòn tan bên những câu chuyện ngộ nghĩnh và cùng ông quay ngược thời gian trở về thời thơ ấu, về với những biến cố xảy ra trong cuộc đời nhiều sóng gió của ông. Ông kể rằng: sở dĩ, tính nữ thiêng liêng trong các tác phẩm của tôi dày dặn, phì nhiêu, sum suê và sống động, là bởi từ nhỏ tôi đã lớn lên giữa nỗi đau sự cô độc, cô đơn của những người đàn bà. Đầu tiên là già của tôi, một người đàn bà tự nguyện không lấy chồng để chăm lo cho các em rồi sau này là các cháu. Thời đó, tính đại gia đình là ghê gớm, chuyện một người con trong đại gia đình không nghĩ đến lập gia đình riêng để ở lại chăm sóc cha mẹ và các em là bình thường. Rồi đến dì tôi, bà cũng sớm mất chồng do ông bệnh nặng.

Nhưng cú sốc lớn nhất đối với một thằng bé 7 tuổi non nớt như tôi là chứng kiến cái chết của cha tôi khi mẹ vừa tròn 30 tuổi. Mà người đàn bà bước sang tuổi 30 là lúc họ đẹp nhất, rực rỡ nhất, chín nhất và cũng là lúc khát khao hạnh phúc nhất. Chỉ vì những lễ giáo vô hình mà mẹ tôi phải ở vậy, hy sinh xuân sắc, thắt lưng buộc bụng quên mình đi để nuôi các con. Tôi, một thằng bé mọt sách, nghiền sách như mọt nghiền gỗ đến nỗi nhà có một cái tủ bị mất chìa khóa mà ngày nào tôi cũng hồi hộp đứng trước tủ chỉ để ao ước giá như cái tủ được mở ra, trong đó đầy sách. Ước ao nhiều đến nỗi khi mẹ tôi cậy cánh cửa tủ ra, trong đó chỉ là một cái tủ trống không tôi đã chạy ra ngoài òa khóc vì thất vọng. Một thằng mọt sách như tôi, sớm nhạy cảm và thấu hiểu những nỗi đau vô hình của những người đàn bà quanh mình. Chính nỗi cô đơn của họ đã trở thành một nỗi ám ảnh trong suốt và khắc khoải suốt cả tuổi thơ.

Tuổi thơ tôi là thế giới trong sách và những buổi theo mẹ đi hầu đồng nơi cửa Phật. Những lần ngắm mẹ lên đồng cùng những bước nhảy mê đắm mà man dại nơi linh thiêng của người, tôi đã lặng lẽ gặm nhấm một cách hoàn chỉnh nhất, mặn chát nhất và rợn ngợp nhất nỗi cô liêu của mẹ, những khát vọng buồn bã và sâu thẳm của người đàn bà xinh đẹp mà cô đơn trong mẹ tôi. Có lẽ đó cũng chính là những giây phút tôi lớn lên, trưởng thành hơn và từng trải hơn. Cảm giác đó giúp cho tôi đến gần hơn với cõi thiền, một sự tĩnh tại triền miên, một thăng bằng vững chãi trong suốt cuộc đời mình, cả khi những biến cố xảy ra không thể nói không ghê gớm.

Tôi không hề biết một ngày nào đó mình sẽ ghé chân qua ngôi đền văn chương rồi ở lại kiếp tu hành. Viết văn là một cuộc vật lộn khổ ải, một sự giãy giụa như không thể khác để vượt lên chính mình. Chưa kịp lớn thì tôi đã đi bộ đội, rồi lần đầu tiên cầm bút viết cái truyện ngắn "Một đêm" tự dưng lại được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi truyện ngắn đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.--PageBreak--

Từ đó, tôi gắn bó với văn chương như duyên nghiệp mà tình cờ số phận với những ngả rẽ bất ngờ đã đặt nó vào lòng tay. Mà cuộc đời của nhà văn nó phải như thế chứ. Tôi tin vào sự may rủi của số phận. Sau đó, khoảng năm 1960, tôi được trên cất nhắc cho về làm biên tập ở Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cùng thời với những tên tuổi như: Vũ Cao, Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Võ Minh Châu, Xuân Thiều, Xuân Sách... Nhưng cái tính tôi nó cứ lông bông tình tang thế nào ấy, không phù hợp và không gắn bó nổi với một nơi quy phạm và chuẩn mực như quân đội. Rồi một rủi ro tai nạn nghề nghiệp, năm 1965, tôi được chuyển về Báo Thiếu niên Tiền phong, làm phóng viên thường trú ở Khu 4.

Đến năm 1969, tôi về hưu non, ít sáng tác. Viết một số cuốn nhưng vì lý do tế nhị nên ký bút danh khác. Lao vào cuộc vật lộn vì mưu sinh, làm đủ nghề từ cao sang như dịch thuật (tôi dịch tiếng Pháp và tiếng Anh về Triết học, Tâm lý xã hội học cho Viện Thông tin) rồi làm thợ may (hồi đó không ít ông mặc áo của tôi, ví như Trần Tiến, Dương Thụ, Sơn Tùng đều chưng diện sản phẩm của tôi đấy) cho đến những nghề mạt hạng nhất như đi bán máu, nuôi lợn, gác nhà kho... tất cả cũng vì miếng cơm manh áo để nuôi mẹ tôi, 4 đứa con trai lộc ngộc và hai vợ chồng, tổng cộng là 7 miệng ăn trong gia đình.

Cuộc sống thời điểm đất nước chưa qua khỏi chiến tranh vô cùng khó khăn, đói nghèo và gian khổ, bao nhiêu gia đình trí thức nghèo như tôi hồi đó cũng phải kiếm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề. Sáu năm trời ở nhà ăn, ngủ, sống và "chăm bẵm" với đàn lợn, tôi vừa nghiên cứu Kinh Dịch và viết tiểu thuyết "Trư cuồng". Nói thật hồi đó, khó khăn quá, thiếu thốn quá, nhà nhà cải thiện bằng cách nuôi lợn. Người thành phố nhà cửa chật chội, không có chỗ nuôi lợn thì đành nuôi trên tầng 2, nuôi trong bếp, dưới gầm cầu thang. Đến ông Thành ủy, Khu ủy cũng nuôi lợn, toàn dân cuồng lên vì lợn, tôi gọi đùa là "bệnh điên lợn" mà.

Thế rồi tôi vẫn kiên trì nhẫn nại với nghề viết dù cho cuộc sống lúc đó hết sức khốn đốn, chật vật. Văn chương đối với tôi là một khu đền đài linh thiêng, dù vô tình lạc bước nhưng đã đến một lần rồi thì không thể quay trở lại được nữa. Bao nhiêu năm vất vả vì mưu sinh, tôi vẫn chờ đợi, vẫn dồn nén cho văn chương bởi tôi biết cơ duyên của mình ở đó. Giờ đây tôi thật sung sướng khi không phải giấu tên dưới những cuốn tiểu thuyết của mình. Cái tên Nguyễn Xuân Khánh đã lại được trả về nguyên vẹn dưới tác phẩm văn học của "ông ấy". Và sau bao nhiêu năm không được thừa nhận, giờ đây bạn đọc đã lại chào đón tôi, chấp nhận tôi, ưu ái và trân trọng những gì tôi viết, những thông điệp mà tôi gửi gắm, điều đó không gì tốt hơn và hạnh phúc hơn. Thế đấy, cuộc sống là một chuỗi vận động và biến thiên, để rồi sàng lọc và loại bỏ cái ấu trĩ, cái trì trệ, bảo thủ lạc hậu, và cái đích sẽ tới bao giờ cũng tốt hơn, tươi đẹp hơn, sáng sủa hơn. Cuộc sống là một sự vươn lên không ngừng nghỉ mà.

Nguyễn Xuân Khánh cười vang khi kết thúc cuộc trò chuyện tưởng không thể dứt với những ký ức của mình. Ở "Hồ Quý Ly" hay  "Mẫu Thượng Ngàn", bạn đọc đều nhận ra cái thông điệp về tình yêu mà ông gửi gắm. Đọc sách của ông, thấy yêu hơn dân tộc mình, đất nước mình, gắn bó sâu sắc hơn với nền văn hóa Việt thuần khiết, và như đứng trước một trách nhiệm lớn lao hãy giữ gìn văn hóa Việt trong cuộc hội nhập ngày hôm nay.

Cuối cùng thì Nguyễn Xuân Khánh cũng đã hào phóng dành cho tôi 2 giờ đồng hồ trong quỹ thời gian quý giá đã được sắp xếp một cách kín kẽ của ông (mỗi ngày ông dành ít nhất 3 tiếng để đọc sách và 4 tiếng để viết). Ông cho biết, về già rồi, trái với những cuốn sách đầy đặn chất "tình tang" mà ông viết thì ông lại đọc chủ yếu loại sách triết học, lý luận nghiên cứu nhiều hơn là sách truyện tâm lý tình cảm).

Nguyễn Xuân Khánh cũng hào phóng hơn lệ thường khi cho phép tôi ghé qua phòng văn của ông để chụp hình kỷ niệm. Phòng văn cheo leo trên những bậc cầu thang dốc đứng. Tôi lạc vào một nơi cũ kỹ của những cuốn sách in trên thứ giấy nâu ngày xưa gáy bụi phủ. Bàn viết của ông là một chiếc bàn làm theo kiểu bàn Sakê của người Nhật nhưng nó nhỏ bé và mong manh như chiếc bàn chéo chân đặt trên giường tầng của sinh viên những năm 1990, chỉ khác là nó đặt giữa sàn và ông ngồi bệt xuống nền đá, còng lưng đưa bút trên những tờ giấy kêu sột soạt.

Ở trên đó, những tác phẩm lớn đã ra đời...

.
.