Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đời có lúc mất hết, vẫn còn văn chương

Thứ Ba, 20/01/2015, 16:10
Giọng nói sang sảng, nghe vạm vỡ hơn rất nhiều vóc người gầy gầy nhỏ nhỏ, nhà văn Nguyễn Văn Thọ mà đã sa đà vào chuyện văn chương nghệ thuật, đố mà dứt ông ra được. Ông bàn chuyện gì cũng rốt ráo, như thể phải truy đến cùng gốc rễ mọi căn nguyên vấn đề, quyết không bao giờ để lửng câu chuyện. Ngoài đời hay trong tác phẩm, ông luôn giữ một thái độ như vậy, thái độ thẳng thắn và quyết liệt với chính mình, với các nhân vật của mình.

Quyên”- cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Văn Thọ vừa được một đơn vị tư nhân điện ảnh hóa bằng một bộ phim tiêu tốn một khoản tiền lớn, và hứa hẹn là một bộ phim khắc họa sâu sắc nhất về thân phận người Việt mưu sinh ở xứ người.

Nguyễn Văn Thọ hồ hởi như đứa trẻ, ông vui với sự kiện này, thậm chí tần xuất xuất hiện trên truyền thông để nói về sự kiện này hơi nhiều. Biết tính ông thẳng, nên gặp ông tôi cũng thẳng tưng: Chuyện ông nhiệt tình quá với đoàn làm phim không ngại người ta nghĩ ông PR cho tác phẩm của mình quá đà à? Tưởng là công việc của nhà văn là đứng trong bóng tối thôi chứ.

Nhà văn “quyết liệt” đáp lời ngay: “Một tác phẩm văn học cần có thời gian để kiểm chứng giá trị. Tôi đã đủ già để hiểu, chả quan trọng gì cái chữ PR, trong nghề văn. Vì mọi bọt bèo nó sẽ trôi hết. Việc tiểu thuyết Quyên của tôi được mua bản quyền, và được biến thành một tác phẩm điện ảnh, nhất là đoàn làm phim phải lặn lội sang tận nước Đức, nơi tôi đã để một phần đời rất dài của tôi ở đó, sống trong thân phận của một người Việt xa xứ mưu sinh, nó mang một ý nghĩa riêng tư khác.

Những số phận, những cuộc đời tôi tái hiện trong Quyên đều là từ những trải nghiệm thật của tôi ở nước Đức. Những con người bước vào tác phẩm của tôi - những người lao động ấy, vẫn đang sống và lưu giữ những ký ức cuộc đời buồn đau, vất vả, có mồ hôi và máu. Họ rất hạnh phúc khi những gì họ trải qua được nhà văn, nhà làm phim chia sẻ. Tôi vui và muốn nói to điều đó với họ, những người Việt rất bình thường, vì áo cơm mà phải mưu sinh, đối mặt với nhiều hiểm nguy cạm bẫy nơi xứ người”.

Vâng, Nguyễn Văn Thọ có cái lý của riêng ông về sự kiện Quyên. Thực ra thì tôi cũng chỉ hỏi xoáy để ông trả lời, chứ thực chất, tâm thế của một người cầm bút từng trải như ông, những thứ thuộc về màu mè hình thức, khua chiêng gõ mõ đâu còn quan trọng nữa. Ông bảo, nghề cầm bút cực nhọc lắm. Đã làm thân lươn “lấm đầu” trong nghề này, là phải hiểu những giá trị thực, không hoa mắt chóng mặt bởi những thứ linh tinh đâu. Cuộc đời ông bao phen lận đận, vật lộn để mưu sinh. Những khó khăn nhọc nhằn trở thành chất liệu cho công việc sáng tác một cách rất tự nhiên. Quyên là cuốn sách viết hoàn toàn bằng trải nghiệm thực, không cần nhiều đến trí tưởng tượng hay hư cấu. Nó là cuộc đời chảy tự nhiên vào sách.

“Khi ở Đức, tôi có lúc đi buôn lậu thuốc lá, cũng khốn khổ như bất cứ thân phận tha hương nào khác. Bị thúc ép bởi đồng tiền, sợ đói khát, sợ bị đuổi về nước, sống trong tâm trạng bất an, lo âu. Chỉ có điều tôi không làm gì quá, tôi biết dừng lại. Vì tôi là một người cầm bút, biết thương thân phận con người, nhất là những người da vàng cùng cảnh ngộ”.

Quyên, là câu chuyện về một cô gái người Việt, theo chồng vượt biên sang Đức. Những gì cô phải trải qua là một ác mộng, có lúc như địa ngục. Nhưng trên hết vẫn là tình con người, biết thương yêu chia sẻ trong những hoàn cảnh tưởng như tận cùng. Quyên là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt, chịu đựng hy sinh, biết tin vào các giá trị tốt đẹp của cuộc đời.

Nguyễn Văn Thọ kể, năm 2001, thời điểm ông đã “thấm mệt” vì mưu sinh, thêm nỗi buồn vì sự thất bại trong cuộc hôn nhân thứ hai, ông quyết định viết tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết về số phận người Việt nơi xứ người.

Ông về Hà Nội, giam mình trong cô đơn để viết. “6 tháng đầu tôi không thể bắt đầu cuốn sách. Cứ cầm bút, những ký ức đau khổ lại hiện về. Phải sống với những ký ức, đặc biệt là những ký ức buồn, thật khó khăn. Nhiều lúc tôi gục xuống bàn và khóc. Tâm trí tôi xáo trộn. Mà không tĩnh thì không minh, không viết được. Hà Nội thì buồn, bố đã mất, không có ai để nói chuyện, bạn bè thì xao xác. Tôi thường phóng xe máy ra Hồ Tây ngồi một mình ở đó. Tôi nhớ năm đó tôi ăn một cái Tết cô đơn nhất. Tôi không mua sắm gì, chỉ ngồi lì trong nhà với mì tôm.

Từ mùng 1 đến mùng 6 Tết tôi viết xong 3 chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết. Càng viết mọi con đường càng trở nên rõ ràng. Tôi viết như một cuộc trả nợ với cuộc đời, với những người tôi đã gặp, đã sống cùng, đã yêu thương, trong một quãng đời rất dài”.

Đọc Quyên, một cảm giác bất an, khốc liệt đổ sập vào tâm trạng bạn đọc, ngay từ những trang đầu tiên. Những gì mang tính số phận, thân phận, mà những người vì một lý do nào đó phải rời bỏ quê hương ra đi phải gánh chịu thật kinh khủng, đôi khi hơn cả sự hình dung của trí óc họ. Con người khi đặt vào những hoàn cảnh phải lựa chọn để sống, để tồn tại, thì cái Thiện và cái Ác được bộc lộ tận cùng. Nếu không phải nhà văn từng sống và trải qua hiện thực đó, Nguyễn Văn Thọ không thể chạm đến đáy cảm xúc của bạn đọc như vậy.

Sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, nó được một hãng phim tư nhân chú ý. Họ muốn mua bản quyền cuốn sách và đưa nó lên màn ảnh. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể lại: “Vợ chồng đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đến gặp tôi và ngỏ ý mua bản quyền cuốn sách. Tôi chỉ hỏi một câu thôi, vì sao họ muốn làm phim về Quyên. Và hai bạn trẻ ấy đã nói với tôi về cuốn sách trong một giờ đồng hồ. Tôi nhận ra họ là những người am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn học, và về tinh thần cuốn sách. Lúc ấy tôi đang cần tiền để làm răng. Răng của tôi bị yếu đi sau một lần “đụng độ” làm ăn ở Đức. Tôi bảo, nếu các bạn đã hỏi mua, tôi sẽ ra giá. Tôi bán bản quyền làm phim cho các bạn với giá 10.000 USD không kém một xu. Vợ chồng đạo diễn Bình đồng ý ngay, họ trả tôi 150 triệu trước, đủ để tôi đi nha sĩ”.

Hỏi, trong lịch sử văn học và điện ảnh, phần lớn các bộ phim đều không hay hơn tác phẩm văn học gốc, vậy ông có chờ đợi gì ở Quyên, Nguyễn Văn Thọ trả lời ngay, rằng, ông tin tưởng vào các nhà làm phim trẻ tuổi, họ được đào tạo, có hiểu biết sâu rộng, và quan trọng là họ dám bỏ một khoản tiền rất lớn để làm một tác phẩm nghệ thuật. Họ không có nhà nước đỡ đầu. Họ phải tự chịu trách nhiệm với những gì họ sáng tạo ra. Những người như họ rất cần được khích lệ, để điện ảnh Việt trở nên có tầm vóc hơn và có ảnh hưởng hơn trong lòng thế giới... Tôi nhớ, hôm đoàn làm phim Quyên vừa từ Đức trở về và có một buổi ra mắt công chúng tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã xúc động nghẹn lời khi chia sẻ câu chuyện của mình với khán giả.

Đến nhà phỏng vấn nhà văn Nguyễn Văn Thọ một buổi sáng mùa đông, nhìn ông xắn quần móng lợn lui cui với mảnh vườn trồng rau, ngồi tào lao chuyện trò với bạn bè dưới gốc cây khế trong một khoảnh sân nho nhỏ, tay bế cậu con trai Bọ Gậy hơn 2 tuổi, cảm nhận một sự yên bình thư thái trong tâm thế của ông. Ông nói, đang viết như điên một lúc 2 cuốn sách. Viết và xuất bản xong mấy cuốn này là thôi, “giải nghệ” viết lách. Chỉ vui vẻ trồng rau và chơi với con thôi.

Chả biết Nguyễn Văn Thọ nói vậy rồi ông có làm vậy được không, vì con chữ nó có ma lực mời gọi lắm. Bỏ viết đâu phải chuyện chủ quan của mình mà xong. Mà nếu ông bỏ chữ thật, đi chơi cuộc chơi bất kỳ nào khác, thì cũng phải hỏi xem, cuối cùng văn chương đóng một vai trò như thế nào trong cuộc sống của ông chứ. Nguyễn Văn Thọ chợt trầm ngâm.

Ông chia sẻ: “Tôi không coi văn chương là lập thân. Xưa, bố tôi thích tôi làm hội họa. Tôi cũng là đứa học giỏi các môn tự nhiên. Nhưng rồi tôi lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Tôi bước chân ra chiến trường như hàng ngàn thanh niên cùng thế hệ thời đó. Những ám ảnh của chiến tranh vẫn luôn bám theo tâm thế một người cầm bút như tôi. Rồi tôi bị cuốn vào cuộc di dân. Số phận đẩy tôi phải sống trong những hoàn cảnh khốc liệt, ngay cả đời riêng cũng nhiều lận đận. Lúc không còn gì, tôi vẫn còn văn chương. Đó là liều thuốc cứu rỗi cho tâm hồn tôi. Viết văn là công việc tu thân, khai thông trí tuệ. Viết văn cũng là một sự học. Học trong viết văn là để mình sống tử tế hơn, cảm thấy hạnh phúc thanh thản hơn. Tuổi trẻ thì ai cũng phải đi chiến đấu nếu đất nước có chiến tranh, và đi kiếm tiền để sống. Và văn chương là thứ còn lại. Tôi thích ý nghĩ là mình sẽ vẫn còn để lại một chút gì đó của mình, cho thế hệ sau, cho con tôi, để chúng hiểu rằng thế hệ chúng tôi đã sống như thế nào. Tác phẩm cuối cùng của đời văn mình tôi sẽ đề tặng con trai tôi”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ mạnh về trực giác, nhưng khi cần lí trí, thực tế, thì cũng khó ai bằng ông. Chấp nhận cuộc sống như vốn có, sẵn sàng trải nghiệm mọi góc cạnh cuộc đời thành thật, không né tránh hay tô vẽ, ông được tưởng thưởng xứng đáng cả trong đời và trong văn chương. Người cầm bút biết làm kinh tế, dư giả nhà cao cửa rộng, có cả vườn trồng rau giữa thủ đô như ông, hơi bị hiếm. Rồi ở tuổi ngoài 60, vẫn có người con gái đẹp chưa vướng bận sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho ông, sinh cho ông một cậu con trai đáng yêu, cũng là hơi bị hiếm. Nhìn lên nhìn xuống, thì người đủ trải nghiệm như ông chắc cũng đã biết tự hài lòng.

Nói về cậu con trai, ông mủm mỉm cười, cặp mắt tinh anh, quai quái lấp lánh sau gọng kính tròn: “Đời tôi lạ lắm, cứ 17 năm thì có một đứa con ra đời. 3 đứa con của tôi cứ đứa sau thua đứa trước 17 tuổi. Đấy là duyên phận cuộc đời cho tôi. Thằng con trai út Bọ Gậy mới hơn 2 tuổi, nó là tuổi trẻ, là năng lượng sống của tôi. Đi đâu về nhà, nhìn thấy nó tít mắt cười, thấy đời ý nghĩa lắm”.

Vì lẽ đó, nếu Nguyễn Văn Thọ sau đây không cầm bút viết văn nữa, như ông tuyên bố, thì niềm vui sống và mọi trải nghiệm của ông mỗi ngày trong đời sẽ được chuyển hóa vào những chuyến đi, hay đơn giản hơn là chăm sóc gia đình vợ con, chăm mấy luống rau sạch ngoài vườn. Xét cho cùng, đời người, đến tuổi của ông, được sống như thế đã là rất lãi rồi. Viết đến đây, hình dung đến vẻ mặt hóm hỉnh của ông, giọng nói sang sảng của ông, tôi tự nhiên lại nghi nghi mình. Rằng chớ nên tin một người còn nhiều năng lượng chữ như thế bỏ viết. Nghề viết giống như một hũ rượu đầy, nó sẽ tự tràn ra, chắc gì đã thèm đếm xỉa đến một tuyên bố nào đó của người cầm bút...

Bình Nguyên Trang
.
.