Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đối diện ở xứ tuyết

Thứ Sáu, 12/09/2008, 09:00
Giọng nói. Ấn tượng đầu tiên là giọng nói. Dứt khoát, quyết liệt, với một vẻ tự tin được xác lập có vẻ như khó mà công phá. Nhưng ấm nóng và có sức lan tỏa. Đó là cảm giác đầu tiên khi gặp Nguyễn Văn Thọ. Trong những ngày Hà Nội oi ả này, người đàn ông ấy lại tất tả trở về từ xứ tuyết, thoắt ẩn thoắt hiện trên những con phố đông người... Mỗi góc phố, mỗi quán cà phê mà ông có mặt dường như mọi thứ đều ồn ã, xao động lên một tí. Để rồi sau đó lại là sự lặng lẽ...

Những cuộc trốn tìm

Có những người thụ động trong giao tiếp, có những người thì tuỳ vào đối tác, nhưng cũng có những người luôn chủ động. Nguyễn Văn Thọ nằm trong nhóm những người chủ động. Dường như ở ông có một vòng từ trường cương tỏa xung quanh thân hình nhỏ bé, và nó luôn phát ra những tia sáng. Ít thấy có những giây trầm lắng. Đúng ra thì không có trầm lắng, mà chỉ có vỡ òa, quả có thế.

Ở Nguyễn Văn Thọ, không thiếu những phút giây vỡ òa, thậm chí là nức nở. Không dễ thấy đàn ông khóc, và khi họ đã phải khóc thì cái điều làm cho họ khóc ấy phải là cái gì đó ghê gớm lắm, nhưng đôi khi nó cũng chẳng là cái gì ghê gớm, chỉ là gợi lại một kỷ niệm. Và tôi đã được thấy ông khóc, khóc một cách công khai, đầy xa xót bên cốc bia còn đầy, trong trạng thái gần như hoàn toàn tỉnh táo khiến kẻ đối ẩm cũng rưng rưng mủi lòng. Nguyễn Văn Thọ là người... dễ khóc. Tiếng khóc làm người khác bối rối vì hoàn toàn không... được báo trước. Và dường như ông cũng hoàn toàn không có ý giấu những giọt nước mắt của mình.

Rất nhiều câu chuyện trong các tác phẩm của ông đều có bóng dáng từ cuộc đời thực, Nguyễn Văn Thọ không phủ nhận điều này. Mỗi câu chuyện, mỗi chi tiết, tình huống đều là một lát cắt nào đó trong cuộc đời tác giả - một người viết xa xứ đến một phần ba cuộc đời. Cuộc ra đi 20 năm trước không hẳn vì mục đích kinh tế, có người nói nó như một cuộc trốn chạy, trốn chạy chính bản thân mình với những nẫu nường của cuộc sống đã quá chán ngấy.

Mười năm lính chiến để rồi khi về Hà Nội vác hồ sơ đi xin một chân bảo vệ vẫn vô cùng chật vật, trong tình trạng hỗn tạp của những năm đất nước sau giải phóng, hơn 5 vạn chiến sĩ giải ngũ trở thành những con nợ của chính họ trong đời thường. Những năm tháng khốn cùng ấy, gã lính chiến trở về từ chiến trường khét mùi khói súng rồi cũng kiếm được một chân bảo vệ kiêm dọn 2 khu nhà vệ sinh của một công ty. Một công việc hạ đẳng đeo bám theo đó bao nhục nhã ê chề mà phàm người có tự trọng không tránh khỏi những chạnh lòng.

Chao ơi là những dãy nhà vệ sinh công cộng thời bao cấp! Mỗi sáng đi làm công việc đó, gã thanh niên dù dạn dày trận mạc nhưng lại chưa một lần cầm tay con gái ấy dọn hết khu nhà vệ sinh nam, sang đến khu nhà vệ sinh nữ thì phải dặng hắng đánh động để những ai còn dang dở biết đường mà tháo lui tránh những tình huống nhạy cảm khó xử. Thế rồi một lần, người đàn bà làm kế toán trong công ty vì mải mê đọc báo mà không nghe thấy tiếng ho đánh động, vẫn ung dung an toạ trong tư thế bất nhã... Gã trai thản nhiên bước vào làm phận sự. Và... Đối mặt. Phần trên của bà ta thì báo che đi rồi, còn lại là những ê chề, phàm tục, trần trụi phơi bày... Gã trai tân thấy hết. Đứng lặng. Trân trối. Nhục.

Thương tổn. Nhắc lại kỷ niệm "vào đời" cay đắng ấy, Nguyễn Văn Thọ đã khóc. Khóc. Như là đánh mất thứ gì quý giá lắm. Vâng! Sự trinh trắng, vẹn nguyên của tâm hồn trai trẻ. Ông lặng đi đôi chút. Tôi giật mình ngồi ngẩn ra trước người đàn ông nhỏ thó chỉ dăm ba phút trước đây thôi còn đầy vẻ hào sảng nói thia lia như chỉ có mình là nhất ấy. Sau sự cố không hay vừa kể, ông bỏ làm, đi tìm công việc khác. Qua bao bươn chải, rồi cũng đến lúc có danh có phận, và quan trọng hơn là... có tiền. Khi đã giữ một vị trí có thể phát triển sự nghiệp thì cũng là lúc ông lâm vào một đời sống tinh thần dường như đứng trước ngưỡng cửa của sự bế tắc. Và Nguyễn Văn Thọ đã dứt bỏ tất cả, ra đi dưới vỏ bọc kiếm tiền...

Hai mươi năm bươn chải ở xứ người, từng bông tuyết trắng, từng ngọn hoa Forytchia đã trở nên thân thuộc với ông và trở đi trở lại trong các tác phẩm như một nỗi ám ảnh. Sau tất cả những bon chen, giành giật miếng ăn thứ mặc xứ người, sau những đổ vỡ, văn chương đến với ông như một cứu rỗi. Đọc Nguyễn Văn Thọ, người ta luôn thấy một sự hành xác trong mỗi con chữ rưng rưng xao động với xúc cảm tràn lên mặt giấy hay ẩn sâu trong thứ ngôn ngữ lạnh như tuyết trắng.

Với những người xa xứ thì tha hương luôn là chủ đề ám ảnh trong những trang văn dù ít dù nhiều. Nguyễn Văn Thọ cũng vậy, nhưng đọc văn ông, cảm giác Nguyễn Văn Thọ vẫn là một người đàn ông... thuần Việt. Sự nhân hậu bao trùm dù cho cái hiện thực trong câu chuyện có nghiệt ngã đến khắc khoải thì điều toát lên vẫn là âm hưởng nhân văn, ấm nóng tình người. Bao nhiêu năm lăn lộn, sục sạo bươn chải trong một thế giới với không ít những mánh lới làm ăn chụp giật, không hiểu những trang văn đã cho ông giữ được thiên lương hay chính sự lương thiện giữ được giữa bão giông, giữa những điên đảo về nhân cách trong cuộc sinh tồn đã lan toả vào những trang văn của người đàn ông xa xứ. Điều này có vẻ như mâu thuẫn mà tôi chỉ có thể tự trả lời rằng đó là nhờ tâm hồn Việt thẳm sâu từ tâm thức.

Đối diện ở xứ tuyết

Có vẻ như Nguyễn Văn Thọ không chịu được mùa đông Hà Nội. Hoặc nó không còn là gì trước những mùa đông xứ người mà ông đã nếm trải trên bước đường mưu sinh. Nếu hình dung về một người đàn ông độc ẩm bên một cửa kính của một quán cà phê nào đó trong mùa đông mưa phùn thì có lẽ hoàn toàn trái ngược với Nguyễn Văn Thọ. Với ông là công việc, là thời gian, là phố đông... Tất bật và vội vã. Tất cả được xác lập, kế hoạch và chính xác đến từng phút.

Có thể ngồi với một trưởng lão làng văn bô lô ba la đủ thứ, nhưng cũng rất có thể ngay sau đó là cuộc hẹn với một cây bút nữ mới vào nghề anh em ngọt xớt, và ngay sau đó lại là một xó xỉnh nào đó của Hà Nội với những việc mà dưới con mắt nhiều người nó... chả để làm gì. Sinh động. Có thể dùng từ này để tóm lược một Nguyễn Văn Thọ khi không ngồi trước bàn phím. Chính vì thế mà cái hình ảnh người đàn ông đơn độc trong căn phòng nhỏ màu trắng nơi xứ tuyết của ông mới càng trở nên ám ảnh và đối nghịch.

- Ở Đức, nhà cửa đều sơn màu trắng, mùa đông tuyết trắng xoá, tất cả mọi thứ đều trắng. Trong một căn phòng trắng, giữa bốn bề tuyết trắng, chín tháng liền mà không viết được một chữ nào thì em thấy có khủng khiếp không?

Đó là những thời gian Nguyễn Văn Thọ đối diện với "pháp trường trắng", đối diện với mình. Hình ảnh người đàn ông nhỏ thó với cái mũi nhọn, đầu trọc, đôi mắt nhỏ mà sáng lúc nào cũng chực vắt ra hai giọt nước sắt se trong căn phòng nhỏ giữa thế giới tuyết nơi trời Âu cứ trở đi trở lại, đeo bám tôi mãi. Có vẻ như cảnh tượng đó trái ngược với phong thái của Nguyễn Văn Thọ. Bởi ông là xê dịch, là quyết liệt, kiệt cùng. Nhưng ông luôn tìm cho mình một sự xê dịch đúng hướng, theo một quỹ đạo khó mà cưỡng lại. Một cuộc trở về đã được manh nha chuẩn bị từ nhiều năm trước, mảnh đất nhỏ đã được xây nhà, mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc hồi hương thực sự. Sự xê dịch dường như đã gần kép kín một chu kỳ.

- Về thôi!... Phải về thôi!... Chứ ở bên đó làm gì. Tha hương thế đủ rồi...

Ở cái tuổi sáu mươi, người ta không còn nhiều tham vọng, chuyện mưu sinh cũng đã lùi lại phía sau, nhưng với Nguyễn Văn Thọ, dường như ông chưa bao giờ cảm nhận tuổi tác. Trên con đường dài dằng dặc ấy, có lẽ chỉ có phía trước và phía trước, dù có thể ngay ngày mai phía trước ấy là một... nghĩa trang thì vẫn là như vậy. Nói là sống gấp cũng chưa hẳn, nhưng dường như có một lực đẩy nào đó từ trong nội tại, hoặc phong cách ấy đã ăn sâu vào Nguyễn Văn Thọ trong những năm lăn lộn mưu sinh xứ người.

Trò chuyện với Nguyễn Văn Thọ, không hiểu sao tôi cứ nghĩ, dù giữa một vùng bao la tuyết trắng thì cái chỗ mà ông đứng vẫn ấm nóng, dù khoảng không gian quanh ông rất nhỏ hẹp, vô cùng nhỏ hẹp thôi, nhưng vẫn ấm nóng, đầy giao cảm. Và trong giọng nói ấy, tiếng cười ấy, sự ồn ã ấy vẫn le lói một sự khắc khoải những được mất với đời

Nguyễn Xuân Thuỷ
.
.