Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Đã dừng một cánh chim bằng
1. Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh năm 1936 ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong một gia đình trí thức, cha ông từng dạy học ở các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Nhưng dòng máu văn chương mà Nguyễn Quang Thân được thừa hưởng lại đến từ mẹ ông, một người đàn bà sinh ra trong gia đình gia giáo, tư chất thông minh, có năng khiếu viết.
Chính bà đã là người truyền cho nhà văn Nguyễn Quang Thân tình yêu văn chương, hun đúc trong ông những cảm xúc tinh tế về cái đẹp và sự cương trực trong cách sống, cách nghĩ.
Sinh ra ở Hà Tĩnh nhưng Hải Phòng lại là nơi ông gắn bó nhiều nhất suốt một thời trai trẻ, làm biên tập viên dưới quyền nhà văn Nguyên Hồng ở tạp chí Cửa Biển, Nguyễn Quang Thân và nhà thơ Thi Hoàng là 2 cánh tay của Nguyên Hồng, bên văn, bên thơ cùng nhau tạo dựng lên 1 tờ tạp chí văn học có "chất" của giới văn chương miền Bắc thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân. |
Nói đến văn nghiệp của Nguyễn Quang Thân, phải nói đến tác phẩm cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của ông, Chú bé có tài mở khóa, và những tiểu thuyết Hội thề, Con ngựa Mãn Châu, Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất hứa, kịch bản phim Cây bạch đàn vô danh... Bên cạnh đó còn là vô số những truyện ngắn đã từng gây chấn động ở thời điểm chúng xuất hiện trên báo Văn nghệ như Vũ điệu của cái bô, Nước về, Hoa cho một đời...
Nguyễn Quang Thân cũng như người bạn thân cùng thời với ông như Bùi Ngọc Tấn, viết văn như những người thợ khắc chữ chỉn chu. Ông đào sâu, nghiền ngẫm những bi kịch trong đời sống tinh thần của giới trí thức, những người rời sách vở ra là bơ vơ giữa dòng đời đảo điên khi thời "kinh tế thị trường" lên ngôi.
Bi kịch của người tri thức đi làm vú em, đổ bô cho một cậu bé con nhà giàu, chứng kiến sự thô lậu, trắng trợn của giới có tiền, có quyền thông qua những nhân vật là "bồ" của mẹ cậu bé khiến người đọc cảm thấy chua chát.
Nỗi bi phẫn của một thế hệ những tri thức không được trọng dụng, không được làm việc đúng chuyên môn, sự trêu ngươi của đời sống khi đồng tiền trở thành thứ có quyền lực vô biên, sai khiến tất cả thể hiện trong nhiều trang viết của nhà văn Nguyễn Quang Thân.
Thái độ với cái xấu xa, đểu giả của đời sống của các nhân vật trí thức trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thân chính là thái độ sống của ông, một thứ tuyên ngôn ngấm ngầm vừa ngông bạo vừa cương trực: thà về làm vú em, đi đổ bô cho một đứa trẻ còn hơn phải luồn cúi đu theo những kẻ có quyền lực nhưng dốt nát, dối trên lừa dưới.
2. Nguyễn Quang Thân chỉ thực sự là ông khi gặp người bạn văn, bạn đời như một định mệnh, nhà văn Dạ Ngân. Họ gặp nhau khi cả hai đã yên bề gia thất, con cái đề huề trong một trại sáng tác ở Vũng Tàu. Khi ấy ông đã trên 40 tuổi, còn bà mới chỉ chớm bước vào tuổi 30, vẻ mặn mà xuân sắc của một cô gái miền Tây đã thực sự cuốn hút ông.
Họ trải qua bao nhiêu dằn vặt, trăn trở và sóng gió mới đến được với nhau gần 20 năm sau, khi con cái 2 bên đều phương trưởng, thành đạt. Căn nhà tập thể nhỏ của ông bà ở khu tập thể Kim Giang (Hà Nội) đã trở thành điểm hẹn của bạn bè, nơi ông được thỏa chí trò chuyện với họ bên mâm cơm ấm cúng với những món do chính tay bà nấu.
Tôi vẫn còn nhớ những lần được "ngồi chầu rìa" nghe ông và các bạn văn chuyện trò, và bà lúi húi trong bếp, lúc làm món nọ, lúc làm món kia và thỉnh thoảng góp vài câu chuyện vui vui. Đó là một không khí văn chương ấm áp và bình dị không ở đâu có được.
Sau này khi được tiếp xúc với ông bà nhiều hơn, tôi hiểu họ đã dành cho nhau một tình yêu đắm say đủ để san bằng mọi núi non cách trở. Bà lúc nào cũng âu yếm khi nói về ông, lo lắng chăm chút cho ông từng li từng tí, còn ông mỗi khi nhắc đến bà đều với một giọng nói ấm áp và đôi mắt lấp lánh niềm vui.
Cứ tưởng căn hộ nhỏ ở khu tập thể Kim Giang sẽ là nơi dừng chân cuối cùng của hai vợ chồng nhà văn, nhưng đầu những năm 2000, ông bà quyết định dọn vào TP HCM sinh sống.
"Để Dạ Ngân được gần gũi con cháu, bù đắp cho các con nhiều hơn" - ông giải thích đơn giản vậy thôi, nhưng ẩn chứa trong đó là tình yêu lớn mà ông dành cho bà.
Nguyễn Quang Thân và mẹ. |
3. Nếu nói đến những nhà văn không chỉ đóng góp cho đời sống văn học mà còn đóng góp cho cả báo chí trong vài thập niên gần đây, phải nhắc đến Nguyễn Quang Thân hàng đầu. Ông không hề xa rời một giây một phút nào tình hình đời sống đất nước, với chiếc máy tính xách tay, ông là một "tòa soạn di động", đi đến đâu cũng vậy, chỉ cần nối mạng là ông có thể viết ngay những bài bình luận nóng hổi.
Trong văn chương, Nguyễn Quang Thân sâu sắc và thẳng thắn, trong báo chí, Nguyễn Quang Thân nóng hổi, nhiệt huyết, không e ngại bất cứ đề tài gì. Được may mắn cộng tác với khá nhiều nhà văn, tôi biết tính từng người, có nhiều nhà văn trước những vấn đề nóng của xã hội không bao giờ lên tiếng ngay, bao giờ cũng nghe ngóng xem người nọ, người kia đã nói gì chưa, mình lên tiếng bây giờ có hợp lý không.
Nguyễn Quang Thân thì trái lại, ông bổ ngay những nhát búa trời giáng vào cái xấu, bất kể người gây ra cái xấu ấy là ai, ở vị trí nào. Ông chỉ mặt đặt tên những cái xấu bằng ngôn từ trực diện, không vòng vo, uốn éo. Ông đau đáu với nỗi cùng khổ của những người dân thấp cổ bé họng còn chịu nhiều thiệt thòi, lúc nào cũng day dứt, xót xa.
Có lẽ trong những nhà văn mà tôi từng được may mắn cộng tác, Nguyễn Quang Thân là duy nhất, khi mà có những lúc quá bức xúc trước một đề tài nào đó vừa xảy ra trong đời sống, ông bốc ngay máy điện thoại để tự "đặt hàng ngược" cho mình: "Chú viết đề tài này nhé, đọc thông tin mà chú sôi cả máu, không viết ra thì không chịu nổi. Chú sẽ phải viết để giải tỏa những bức xúc trong người".
Tôi cảm thấy may mắn nhất là những lần được ông bốc điện thoại "đặt hàng ngược" như vậy, cảm giác được tin cậy, được ông dành cho những suy nghĩ tâm huyết với thời cuộc. Sẽ không có nhà văn thứ hai nào như Nguyễn Quang Thân, chỉ dấn thân và dấn đến tận cùng, không bao giờ chùn bước.
4. Với những người yêu quý vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân, buổi sáng ngày 4-3-2017 sẽ là một buổi sáng không bao giờ quên trong cuộc đời, ngày mà ông ra đi sau cơn đột quỵ ở bể bơi, khi bà đang vắng nhà.
Khi bà trở về, ông đã chìm sâu vào cơn hôn mê, không còn ngôn ngữ, không còn cảm giác. Và ông bỏ bà mà đi, ở cái tuổi 82 với một cơ thể hoàn toàn tráng kiện, vẫn có thể bơi cả tiếng đồng hồ ngoài biển, với một niềm tự hào: không bao giờ ốm đau tới mức phải đi nằm viện.
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân. |
Dạ Ngân đã khóc rất nhiều khi bà mất đi người yêu dấu lớn nhất của cuộc đời mình, mất đi chỗ dựa tinh thần, mất đi người bạn lớn, mất đi một người mà vì ông, bà đã vượt qua bao nhiêu sóng gió để đến được với nhau.
Nhưng bạn bè ông đã an ủi bà: Ông ra đi như thế là mãn nguyện, không phải chịu cảnh ốm đau tiều tụy, không phải để người khác nhìn thấy mình già nua, xộc xệch, như một người lao động mệt quá thì chìm vào giấc ngủ vậy thôi.
Nguyễn Quang Thân đã đến với văn đàn trong tư thế của một người viết cương trực, không bao giờ luồn cúi, người tạc nên tên mình bằng những tác phẩm chuyên chở những ý tưởng mạnh mẽ như những nhát rìu cắm trên thân gỗ. Và ông đã từ biệt văn đàn trong tư thế ngẩng cao đầu. Cho đến lúc ra đi, trong khối óc mẫn tiệp ấy vẫn còn tràn trề bao nhiêu sinh lực, vẫn một tinh thần và ý chí quật cường, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác.
Ông có lần đã nói: "Niềm sung sướng nhất của ông là khi viết văn hay viết báo, ông vẫn luôn được là chính mình, không phải nể sợ hay kiêng dè ai, không có những "nhát kéo tự kiểm duyệt" nằm sẵn trong đầu". Nguyễn Quang Thân vì thế mà là một người hạnh phúc hoàn toàn trong suốt cuộc đời, minh mẫn cho tới ý nghĩ cuối cùng của ông.
Suy cho cùng, cuộc đời của một người như một cánh chim bằng dám đương đầu với gió lớn, thì niềm hạnh phúc nhất không phải là nhắm mắt trong một cái tổ nho nhỏ nào đó sau khi quẩn quanh ra vào với những cọng rơm nhỏ xíu tha góp được.
Nguyễn Quang Thân, đời sống và đời văn của ông, chưa một giây phút nào ngừng khát khao bầu trời, và cuối cùng, ông đã chấp nhận rời bỏ bầu trời ấy không phải trong tư thế người thua cuộc trong ý chí mà chỉ là người rời khỏi đường bay vì một cú lỗi nhịp của đường truyền nhiên liệu mà thôi.
Và bầu trời rộng lớn ấy, mãi mãi vẫn thuộc về ông, nhà văn Nguyễn Quang Thân, như nó đã từng.