Nhà văn Nguyễn Minh Châu như thế đấy…
Sắc sảo trên trang viết, lóng ngóng trong đời thường
Những người không gần gũi Nguyễn Minh Châu không thể nghĩ rằng, cái ông nhà văn đã viết nên những cuốn tiểu thuyết, những truyện ngắn thật hay, tỏ ra rất sắc sảo, từng trải, hiểu người, hiểu đời này lại rất lóng ngóng trong việc... gọi điện thoại (bàn).
Hồi năm 1984, nhà văn Nguyễn Minh Châu sang bên tôi nhờ gọi điện thoại (có việc cần gấp anh mới nhờ chứ tính anh không thích phiền toái). Thận trọng đứng bên máy, anh nhấc tổ hợp máy lên, rồi đặt lại xuống chỗ cũ, và... bấm số, rồi nhấc tổ hợp lên "a lô" liền... Tôi ngó thấy đến hai lần anh làm theo đúng quy trình như thế nên phải can thiệp mới xong.
Khi anh ra về, con gái tôi thì thào với bố, vẻ lạ lùng: "Bác Châu không biết gọi điện thoại hả bố? Hay bác giả vờ? Ở cơ quan bác, bác vẫn gọi cơ mà...".
Ấy vậy mà có lúc Nguyễn Minh Châu đã mơ sáng tác bằng máy chữ. Đi đây đó thấy đồng nghiệp gõ máy rào rào ra bao chữ nghĩa, Nguyễn Minh Châu những tưởng ta đây rồi cũng làm được như thế.
Anh về bày tỏ niềm ao ước có máy chữ với vợ là chị Doanh. Chị Doanh chiều chồng xoay xỏa đủ tiền, cạy cục nhờ vả ông hàng xóm lùng sục mua được cái máy chữ cũ. Anh rất mừng, hí hoáy tháo tháo, lắp lắp, ấn ấn, gõ gõ mấy buổi liền mà chả gõ ra được chữ nào gọi là thí nghiệm thành công.
Ba cô con gái thấy bố ì hục thao tác vận hành máy chữ vô cùng lóng ngóng, nhìn nhau cười trộm. Sau mấy buổi, quyết tâm xẹp như lốp xì hơi, biết là vào tay mình cái máy cao quý này không thể làm nên cơm cháo gì, Nguyễn Minh Châu quẳng nó vào gầm giường, tịnh không khi nào rờ mó đến nó nữa.
Về thuốc xái, Nguyễn Minh Châu tỏ ra thành thạo khoản thuốc lào. Nhưng khi phải thay thuốc lào bằng thuốc lá thì ra vấn đề. Cái cung cách cầm điếu thuốc và hút thuốc của người, ai cũng nhận ra là nó rất vụng về. Cầm điếu thuốc thì cầm bằng cả bốn ngón tay kềnh càng, đưa điếu thuốc lên miệng thì thường bằng cả bốn ngón tay kềnh càng ấy, và miệng thì chụm lại hít... khá nhọc nhằn.
Có buổi sáng sang bên tôi ngồi chơi lâu, anh nhớ thuốc lào nhưng không có điếu nên đành hút thuốc lá vậy. Khổ nỗi, thuốc lá thời khó khăn ấy lấy đâu ra thuốc điếu. Thuốc lá là thuốc vụn (thuốc vụn chứ không phải thuốc sợi - nó vụn gần đạt “trình độ”... cám) do công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long vơ vét ở khắp nơi vương vãi trong xưởng sản xuất, không còn cách gì cuốn nó lại thành điếu thuốc tử tế nên đóng vào túi nilon đem bán.
Tôi mời Nguyễn Minh Châu cái loại thuốc vụn ấy. Anh nhúm nhúm thuốc đặt vào mẩu giấy (giấy thuốc cũng là giấy vụn đầu thừa đuôi thẹo bị loại ra khi cuốn hỏng thuốc chính phẩm), loay hoay, lúng túng làm rơi vãi lung tung, mãi không sao cuộn nổi được cho ra điếu thuốc.
Đỡ nhúm thuốc trên mẩu giấy từ tay anh, tôi nói: "Để tôi giúp". Tôi vê nó thành điếu thuốc gọn gàng, tròn trịa chuyển sang tay anh để anh dán nó lại bằng cách liếm nước bọt (giữ ý lịch sự, đảm bảo vệ sinh mà!).
Cầm điếu thuốc tôi đã vê sẵn, Nguyễn Minh Châu đưa lên miệng liếm, nhưng giời ạ, đâu phải anh liếm, cơ hồ như anh xả ra cả bãi nước bọt lên đấy. Nhúm thuốc vụn hóa ra nhúm... mùn cưa thấm nước, vỡ tung toé.
Tôi nói anh bỏ cái nhúm thuốc không thành sản phẩm ấy đi, làm lại, và dặn anh kỹ càng rằng, chỉ đưa lưỡi liếm nhẹ một đường dài ở mép giấy thuốc thôi. Anh làm lại, không tốt hơn mà còn tệ hại hơn. Nguyễn Minh Châu bất lực, lắc đầu bảo tôi: "Thôi, ông cứ liếm quách cho tôi, có khi nước dãi ông lại làm điếu thuốc đậm đà hơn nước dãi tôi đấy!".
Và Nguyễn Minh Châu đã phì phèo thưởng thức điếu thuốc "đậm đà hơn" ấy một cách ngon lành.
Còn về việc nói năng, khi say chuyện với bạn bè, đồng nghiệp, anh Châu cũng không phải người ít nói - mà nói hóm hỉnh, có duyên ra trò, luôn bột phát những ý tưởng rất hay. Nhưng đăng đàn trước công chúng thì anh ấp úng lắm.
Có lần anh đến nói chuyện văn chương ở một trường cấp III. Chả biết anh nói ra sao mà cử tọa "không thèm nghe", cứ nói chuyện riêng ồn ã, rồi kẻ ra người vào rất nhốn nháo. Nhà văn đã thấy ngao ngán lắm, chưa biết xử sự thế nào thì vị cán bộ tuyên huấn dẫn nhà văn đi nói chuyện phải xông lên bục ngắt lời nhà văn, chấn chỉnh thái độ cử tọa và quảng cáo về nhà văn rất kêu: nào Nguyễn Minh Châu làm đến tận chức Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; nào Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, nổi tiếng khắp nước và... khắp thế giới...
Nhưng rồi tình thế không tốt lên. Nhà văn nghĩ thượng sách là đánh bài chuồn bèn vội vàng "nói tóm lại" ít phút, "cám ơn mọi người đã lắng nghe", xin "hẹn một dịp khác" rồi ngường ngượng rời hội trường. (Kể lại chuyện đăng đàn gẫy 100% này với bạn bè, Nguyễn Minh Châu không hề tỏ ra "đau khổ" gì sất cả, ngược lại, có vẻ... khoái!).--PageBreak--
Nhát gan mà... ngoan cố chân thành
Về cái sự nhát gan của mình, Nguyễn Minh Châu đã tự bộc bạch: Ngày bé, anh là một đứa trẻ nhút nhát, lớn lên vẫn nhút nhát thế, đến bây giờ, nói trước micro, nghe tiếng mình dội lại oang oang từ cái loa, cũng thấy sợ... Còn sự nhát gan trong công việc viết lách của anh thì tôi được chứng kiến quá nhiều.
Nguyễn Minh Châu vốn coi trọng khám phá, tìm tòi đổi mới nên tác phẩm văn xuôi cũng như những tiểu luận văn học của anh ở thời buổi tư duy xã hội chưa được đổi mới, thường bị "mắc-kê", bị nhìn nhận khe khắt là nó bộc lộ quan điểm, tư tưởng lệch lạc, không có lợi. Và cứ khi nghe rì rầm lời đánh giá, phê phán như thế là anh lo lắng sợ hãi lắm, nhiều khi mất ăn, mất ngủ…
Hồi đó, Nhà xuất bản Tác phẩm mới đã đưa bản thảo tập truyện ngắn “Bến quê" của anh ra nhà in, anh còn vội vã đến đề nghị cho bổ sung cái "sapô" vào truyện "Khách ở quê ra" để "thuyết minh thanh minh" cho chủ đề tư tưởng của thiên truyện, những mong tránh “đòn".
Mặc dầu, Nguyễn Minh Châu làm việc này là tự bắt buộc với tâm trạng rất khổ sở. Anh bảo có thằng nhà văn nào mà lại sồn sồn tự trưng ềnh lên cái chủ đề tư tưởng truyện của mình kiểu như thế không cơ chứ! Sau khi anh gửi nhà văn Lê Lựu Tạp chí Văn nghệ quân đội truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa", anh tỏ lo lắng rồi không biết dư luận sẽ phản ứng thế nào.
Tôi nói với anh: "Truyện này hay chứ sao đâu, chỉ có điều cảnh biển và con thuyền đánh cá buổi ban mai ở tấm ảnh trong truyện quá đẹp, toàn bích, mà đời sống của những con người trong bụng cái thuyền ấy thì loạn quá, e có ai đó suy diễn chỗ này chăng?". Chỉ nghe có thế thôi mà rồi anh lặng lẽ lập cập tìm đến nhà văn Lê Lựu đòi rút cái truyện lại, đòi "lấy ngay về cho tôi", chờ đến "khi nào nó nguôi nguôi đi cái đã"…
Sau cái cuộc họp ở báo Văn nghệ năm 1985 trao đổi về truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu, thì anh thật sự hốt hoảng. Đáp lại những ý kiến trong buổi họp, anh cầm tờ giấy run run, rất tội.
Ở cuộc họp về, anh cứ nơm nớp lo. Mấy hôm sau đó, anh nói với tôi: "Tôi vừa lục tìm mãi đống bản thảo cũ xem có cái gì hay hay, rõ tính khẳng định không để gửi đăng báo Nhân Dân cho nó đỡ đi, mà chưa tìm ra. Người ta bảo tôi ngập ngừng, bối rối, không có chính kiến, lệch lạc, không viết về những con người anh hùng và sự kiện vĩ đại cao đẹp..., thế là giết nhau rồi còn gì! Những ý kiến như thế đến tai các "cụ" thì nguy quá, nguy quá!".
Tôi phải nói để yên lòng anh: "Thì cũng còn nhiều ý kiến khen, khẳng định đấy chứ. Sẽ không có gì ghê gớm đâu, anh đừng quá lo lắng". Hồi ấy, có đến mấy lần chị Doanh đã nhờ tôi làm sao giúp anh Châu bình tĩnh lại chứ anh ấy tỏ ra sống không yên…
Khi bệnh trọng đã phát triển quá nặng, anh còn nhờ tôi lấy lại bản thảo truyện ngắn "Bài tập đi đều” đã gửi tạp chí Tác phẩm mới về, để anh sửa. Khi tôi đưa lại bản thảo cho anh, anh rủ rỉ: "Điều tôi muốn nói trong cái truyện này là mỗi con người phải được phát triển tự nhiên, không nên biến nó thành những cái máy giống nhau. Nhưng phải đổi cái tên truyện này thôi…".
Và những ngày nằm viện anh đã sửa rất kỹ truyện này, đổi tên truyện là "Mùa trái cóc ở miền Nam". (Tập bản thảo chữa nhằng nhịt này hiện gia đình nhà văn đang lưu giữ).
Thế đó, Nguyễn Minh Châu cứ sợ hãi, rồi lại quên sợ hãi, rồi lại sợ hãi, rồi lại nhanh quên. Có cái nghịch lý ấy bởi vì anh vốn nhát lắm nhưng lại là người trung thực, khao khát xây dựng, khao khát đóng góp phần tích cực vào sự tiến bộ trong văn chương và trong xã hội nước nhà, nó là một nhu cầu của anh.
Anh trung thực, chân thành, thiện chí chứ không toan tính, thớ lợ, không có ý đồ ham hố gì. Vậy nên mới có một Nguyễn Minh Châu là nhà văn nhát mà dũng cảm.
Một chiều, vào những ngày Nguyễn Minh Châu sắp mất, tôi đến thăm anh. Vừa đến bên giường bệnh anh, tôi cúi xuống hỏi: "Anh có dễ chịu hơn không?". Anh Châu không trả lời câu hỏi, đột ngột nói chuyện khác. Chắc là anh vừa ngẫm ngợi điểm lại việc viết lách của mình, đặc biệt là bài tiểu luận "Hãy đọc lời ai điếu”...
Anh tâm sự: "Ông ạ, tôi nói cả một giai đoạn văn nghệ minh hoạ và hãy đọc lời ai điếu nó là hồ đồ. Phải nói, dù còn nhiều cái cản trở sự sáng tạo, nhiều cái dở đấy, nhưng không ít tác phẩm văn học - nghệ thuật của ta bấy nay cũng được lắm, hay lắm, cũng thật lắm chứ!
Có minh họa đi chăng nữa mà được vậy thì cũng tốt chứ sao, không thể lờ quên nó được. Nói thế là bạc với đóng góp tâm huyết của anh em mình, kể cả của những người quản lý nữa - nhất là của anh em mình từng bỏ bao công lao, cả xương máu nữa làm ra nó".
Tôi hiểu tâm thế, nghĩ ngợi của anh lúc này, hoàn toàn cảm thông và chia sẻ, nhưng không bàn luận gì thêm mà hỏi anh: "Một lúc nào đấy, tôi viết thuật lại ý kiến này của anh nhé!". Anh Châu lắc đầu: "Thôi, nói rồi, không nói lại nữa". Về vấn đề này, ý kiến phát ngôn chính thức là trách nhiệm và quyền của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Tôi không dám lạm dụng gì để "đính chính" làm sai lệch nó đi, vả lại nhà văn cũng đã bảo: "Thôi, nói rồi, không nói lại nữa" kia mà. Nhưng tôi cứ mạo muội xin phép anh hồn Nguyễn Minh Châu đang ở miền xa thẳm thuật chuyện trên đây, không có ý gì khác ngoài mong muốn nói về sự trung thực, chân thành, cầu thị, lúc nào cũng đầy tinh thần xây dựng rất đáng quý trọng của anh Châu mà thôi