Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Còn mong gì hơn nữa?!

Thứ Năm, 05/08/2010, 09:44
Khi tôi tới, anh đang ngồi trên vỉa hè trước quán cà phê Nhân ở phố Hàng Hành, cùng thi sĩ dân gian Nguyễn Bảo Sinh khá lừng lẫy ở Hà Nội dẫu thơ rất hiếm khi được đăng trên báo (Thơ ông Nguyễn Bảo Sinh chủ yếu được truyền miệng và tôi rất nhớ câu thơ ông viết rằng, nghe ai đó trong dân gian thuộc thơ mình thì còn "sướng hơn cái giải gọi là Nobel"!).

Tôi có cảm giác như Nguyễn Huy Thiệp vừa rất hài hòa với không khí của những phù hoa Hà Nội cổ kính, vừa như lạc ra bên ngoài mọi sự đang diễn ra. Trò chuyện với anh, tôi vừa muốn gật đầu đồng tình vừa muốn phản bác…

Có một thời tôi đã thường xuyên gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở nhà anh trong rìa làng Khương Hạ, khi ấy còn rất đồng không mông quạnh. Đó là vào những năm đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Lúc đó, nghe theo lời chỉ dẫn của nhà văn Ngô Tự Lập (người cùng đi bộ đội với tôi, cùng ở chung một tiểu đội trong giai đoạn tân binh trước khi chính thức được nhận vào Học viện Kỹ thuật Quân sự và đi sang Liên Xô du học), tôi và dịch giả Đăng Bảy đã cùng gom góp tiền mua chung một mảnh đất ở ngay cạnh nhà Nguyễn Huy Thiệp.

Phi vụ bất động sản này với tôi chẳng mang lại lợi lộc gì, nhưng cái được là tôi đã có nhiều dịp tới nhà của Nguyễn Huy Thiệp, nghe anh trò chuyện về văn thơ, được anh vẽ chân dung (bức ký họa đó giờ đã bị thất lạc sau nhiều lần chuyển nhà), được mua nhiều thang thuốc của một thầy lang hiện đại để gia tăng năng lực đàn ông…

 Bẵng đi nhiều năm, tôi cũng hiếm khi gặp lại anh (nói của đáng tội, tôi theo lời khuyên dân gian, không thích tới những nơi đông người, không thích gặp những người mà thiên hạ hay tìm gặp) nhưng giữa tôi và anh, hình như đã hình thành một mối quan hệ tình cảm khá chân thành. Những khi anh có việc cần, tôi luôn sẵn lòng giúp. Khi tôi trong nghề làm báo cần tới anh, anh không bao giờ từ chối, dù anh có tiếng là khó tính trong việc tiếp xúc với báo giới…

Chiều thứ ba 20/7/2010, đã gần tối rồi, bỗng  nhiên tôi nhớ tới anh khi phải đối mặt với nhiệm vụ phải thực hiện bài viết cho chuyên mục "Trò chuyện và suy ngẫm" của số chuyên đề ANTG CT tháng 7 này. Tôi đã bấm số gọi cho anh. Không ai trả lời. Chỉ một lát sau tôi mới nhận được cú điện thoại gọi lại.

Khi tôi hỏi, anh đang ở đâu, Nguyễn Huy Thiệp nói rằng anh đang ở quán cà phê Nhân trên phố Hàng Hành. Và anh hẹn tôi tới đó để gặp. Thực sự là tôi hơi ghen tị với anh vì hầu như ngày nào anh cũng có những phút giây thư giãn như thế, không như tôi cứ chúi mũi vào các công việc sự vụ từ sáng tới tối cũng chẳng biết rồi sẽ dẫn đến đâu… Thôi thì mỗi người mỗi phận…

Hồng Thanh Quang: Dạo này cuộc sống của anh thế nào ạ?

Nguyễn Huy Thiệp (cười): Như mọi người thôi…

Hồng Thanh Quang: Hình như anh đã chuyển lên trung tâm Hà Nội rồi hay sao mà lại thường xuyên có mặt ở phố Hàng Hành này như thế…

Nguyễn Huy Thiệp: Không, tôi vẫn ở dưới kia…

Hồng Thanh Quang: Thế chiều nào anh cũng ngồi đây thế này thì cũng có nhiều thời gian nhỉ… Anh lên đây bằng phương tiện gì, đi xe máy hay ôtô, hay có bạn bè đón?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi đi xe máy thôi, nhìn chung, làm sao để không phiền ai, tôi luôn cố gắng sống để không bao giờ phiền ai.

Hồng Thanh Quang: Trước tôi thấy anh chủ yếu chỉ ở khu vườn nhà anh dưới Khương Hạ, sao bây giờ lại hay lai vãng ở trung tâm Hà Nội thế này?

Nguyễn Huy Thiệp: Không, từ xưa đến nay vẫn hay ở trên này đấy chứ. Tôi phải đi đi lại lại ở đây vì đây là trung tâm. Từ khi ở Tây Bắc về, từ năm 1980,  tôi đã luôn luôn lai vãng ở đây rồi.

Hồng Thanh Quang: Rõ rồi. Trung tâm thì mình phải tới. Tôi muốn hỏi là anh bây giờ ra sao rồi, sau khi đã được khôi phục lương hưu viên chức? Mỗi tháng anh được bao nhiêu?

Nguyễn Huy Thiệp: Đâu được hơn 1 triệu…

Hồng Thanh Quang: Số tiền đó có giúp ích cho anh được gì không?

Nguyễn Huy Thiệp: Thì cũng mang tính chất ấy thôi...

Hồng Thanh Quang: Vui vẻ thôi chứ cũng chẳng giúp giải quyết được gì nhiều?

Nguyễn Huy Thiệp: Không, dĩ nhiên là có vẫn hơn không, cái gì cũng thế, đó cũng là sự ghi nhận cho quá trình mình đã làm việc trong biên chế nhà nước…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Trong việc khôi phục lại lương hưu của anh, ai đã giúp đỡ anh nhiều nhất để qua bao sự vụ hành chính, thủ tục?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhiều người giúp đỡ…

Hồng Thanh Quang: Anh là nhà văn, lại nổi tiếng như thế, khi anh đến đâu là mọi người cũng đều có thiện chí hết, mặc dù mấy chục năm qua rồi…

Nguyễn Huy Thiệp: Nhìn chung về cá nhân con người thì ai cũng thiện chí hết, nhưng trong thủ tục hành chính thì mình nhiều khi cũng phải vấp phải chuyện cơ chế nọ, cơ chế kia. Cũng có lắm người mà họ không có điều kiện để vượt qua cơ chế được. Trong trường hợp này mình cũng phải ...

Hồng Thanh Quang: Thông cảm với người ta thôi…

Nguyễn Huy Thiệp: Nhiều khi phải đi tắt, nhiều khi phải bỏ qua một số thủ tục... Nói chung là đã có nhiều người thiện chí lắm…

Hồng Thanh Quang: Thông thường những người như anh vấp phải loại những thủ tục ấy thì hay cảm thấy rất là chán nản. Riêng anh thì thấy thế nào?

Nguyễn Huy Thiệp: Loanh quanh cũng mất 2 năm. Lắm lúc tôi cũng chán nản và nhìn chung cũng thấy nó...

Hồng Thanh Quang: Nhiêu khê?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhiêu khê!.. Đầu tiên mình cũng hơi có sự bất bình, nhưng ngẫm đi ngẫm lại thấy nó cũng là nằm trong sự hỗn độn chung thôi, cả vũ trụ này nó hỗn độn mà. Nhưng sự đời nay cả giữa cái hỗn độn nó cũng có hay, dở.

Hồng Thanh Quang: Có đen thì có trắng, có phải thì có trái, có tốt thì có không tốt... Những cái đó cũng là chuyện bình thường, quan trọng là mình đạt được cái điều mình muốn dù có phải mất công?

Nguyễn Huy Thiệp: Lắm lúc tôi cũng tưởng là thôi rồi, nhưng tưởng đến lúc thôi thì...

Hồng Thanh Quang: Lại được?

Nguyễn Huy Thiệp: Thì thế, tưởng hết lại còn, tưởng không lại có, tưởng mất lại được...

Hồng Thanh Quang: Lâu lắm chẳng được đọc truyện của anh in trên báo chí nữa. Dạo này anh đang viết gì?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhìn chung là không viết gì.

Hồng Thanh Quang: Từ mấy năm nay rồi?

Nguyễn Huy Thiệp: Trong khoảng độ 2 năm nay.

Hồng Thanh Quang: Anh cảm thấy thế nào khi anh không viết gì?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là, có lẽ cái việc của mình nó xong rồi. Tôi cũng là nhà văn của một giai đoạn, mình cũng đã đến tuổi 60 rồi…

Hồng Thanh Quang: Người ta vẫn bảo, với nhà văn không có cái tuổi nào gọi là già, không có cái tuổi nào gọi là nghỉ hưu… Thông thường là như vậy…

Nguyễn Huy Thiệp: Đấy là người ta nói thế thôi, chứ theo tôi thì đến tuổi 60 là phải nghỉ, là hết một vòng đời rồi đấy…

Hồng Thanh Quang: Năm con giáp đã trôi qua…

Nguyễn Huy Thiệp: Cái gì nó quá đi cũng không tốt, ông ạ, nó quá đi thì cũng không hay...

Ảnh: Minh Trí

Hồng Thanh Quang: Đấy là quan điểm của anh thôi, chứ tôi thấy nhiều người ở tuổi anh thì họ lại bắt đầu viết rất sung sức, lại có một giai đoạn phát triển mới, theo cách mới, đạt những thành tựu mới… Liệu có phải là bây giờ anh hơi bị mệt mỏi nên anh nghĩ thế, còn sang năm, anh sẽ bắt đầu nghĩ khác thì sao?

Nguyễn Huy Thiệp: Không phải, ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy đúng là quy luật cuộc đời nó thế, con người ta sống 60 năm, ngày xưa các cụ coi là lên lão hết rồi… Cũng không phải tự dưng có chế độ về hưu ở tuổi 60 nọ kia…

Hồng Thanh Quang: Đó là quan điểm  riêng của anh?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng, và tôi nghĩ rằng, cuộc đời của con người ta nó như một trận chiến, một cuộc đấu tranh vật lộn… Thời trẻ, đọc Tam quốc, mình sẽ thấy chuyện tiến quân nó rất dễ, bất cứ một ông Hoa Hùng nào đấy, một ông cầm quân ba lăng nhăng nào đấy cũng có thể nhảy lên ngựa và lĩnh ấn tiên phong. Thế nhưng rút lui ra cuộc đời, rút lui...

Hồng Thanh Quang: Ra khỏi trận chiến…

Nguyễn Huy Thiệp: Ra khỏi trận chiến cuộc đời là phải sự chuẩn bị, là phải cần có một tướng giỏi, là phải có Triệu Tử Long thì lúc đấy mới có thể giữ được danh toàn thân vẹn...

Hồng Thanh Quang: Vâng, châm ngôn  phương Tây cũng có câu: Bắt đầu chiến tranh đã khó, nhưng kết thúc chiến tranh còn khó hơn rất nhiều…

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi… Mà danh lợi cũng vậy thôi, ông ạ. Ông sống ở trên đời mà không có danh lợi thì ông rất buồn…

Hồng Thanh Quang: Nguyễn Công Trứ từng nói rồi: “Đã trót mang thân trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông…".

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng, đúng rồi. Ông sống, ông phải có danh, ông phải có lợi. Thế nhưng, khi ông thấy đủ rồi, khi ông thấy khả năng mình đến đấy là đỉnh rồi thì ông phải biết rút ra khỏi danh lợi. Mà rút lui danh lợi thì không phải dễ. Đấy, cái ông Nguyễn Bảo Sinh kia cũng đã có câu: Mấy ai bỏ được lầu xanh/ Mấy ai bỏ được công danh trở về… Ông ạ, không phải dễ đâu. Vì quá trình mình tiến vào danh lợi thì cũng tương tự như mình tiến vào "lầu xanh" cuộc đời… (cười). Ông ạ, tôi nói thật với ông đấy…

Hồng Thanh Quang (cười): …

Nguyễn Huy Thiệp: Ông đi vào đấy là ông phải chao chát, ông phải đời thường, ông phải chuyện nọ chuyện kia… Cuộc đời nó là thế…

Hồng Thanh Quang: Thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế…

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, ông muốn qua sông, ông phải lụy đò, ông phải ướt áo chứ. Ông phải nhẫn chịu, ông phải ghê gớm, ông phải khôn ngoan, thậm chí nhiều khi ông phải khéo léo, ông phải thủ đoạn, lúc thì ông thiện, lúc thì ông ác…

Hồng Thanh Quang: Cái đó đúng…

Nguyễn Huy Thiệp: Lúc thì ông hay, lúc thì ông dở, tất cả những thứ đấy, ở trong trường công danh, trường lợi danh thì ai cũng phải đi qua…

Hồng Thanh Quang: Đã bước chân vào thì phải trải qua…

Nguyễn Huy Thiệp: Nhưng đến lúc nào đấy thì anh phải thấy rằng, đã tới lúc anh phải từ bỏ nó để anh lui quân…

Hồng Thanh Quang: Lui quân một cách xứng đáng…

Nguyễn Huy Thiệp: Anh rút lui cho gia đình mình, anh rút lui cho bản thân mình, cho các thế hệ về sau nữa, ông ạ. Ông cứ sống đi, bây giờ ông còn trẻ, ông sống đến tuổi tôi thì ông sẽ thấy...

Hồng Thanh Quang: Anh ơi, tôi đâu còn trẻ nữa, năm nay cũng đã 49 tuổi âm rồi…

Nguyễn Huy Thiệp: Thế vẫn còn trẻ… Mà tôi bảo ông này, về già không có tiền nguy lắm, về già không có danh tiếng thì nguy lắm. Không có danh tiếng thì mọi người không tôn trọng mình như mình muốn đâu. Và không có tiền thì không ai...

Hồng Thanh Quang: Phục vụ mình đâu…

Nguyễn Huy Thiệp: Ông về già thì ông phải có hiểu biết, ông phải có tiền bạc, ông phải chiều mọi người thì ông mới có bạn. Chứ nếu không thì ông sẽ cô đơn, con nó không chơi với ông đâu, vợ cũng xa cách ông, đấy là những người thân ở trong gia đình, chưa nói đến người ngoài. Cho nên tôi chủ trương là phải rút lui đúng lúc…

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng tôi nghĩ là cái giới hạn để mà mỗi người chúng ta phải rút lui khỏi sân khấu cuộc đời của mình là do từng người đặt ra. Có thể với anh là 60 tuổi, nhưng với người khác thì biết đâu sẽ là ở tuổi 70. Có những người thậm chí đến phút cuối cùng họ vẫn chiến đấu, họ vẫn sáng tác, họ vẫn chao chát, vẫn ham muốn với cuộc đời này. Tôi nghĩ cái đó cũng không nên áp đặt ranh giới nhất định cho từng người, đúng không anh?

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng, đúng rồi…

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu là, với sự tĩnh tâm này của anh, như anh đang có, thì nhiều điều anh đã ngẫm ra, đã nghĩ ra được về tất cả tác phẩm văn học từng một thời gây nên sóng gió trên văn đàn của anh. Những tác phẩm nào mà anh coi là thiết thân nhất với anh, gan ruột nhất với anh ở thời điểm này, khi nhìn lại hành trang văn học của mình?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không phải là người viết nhiều, nếu tính ra đây thì tôi viết khoảng độ 60-70 truyện ngắn, khoảng 10 vở kịch, một tập phê bình tiểu luận cũng không nhiều, chỉ khoảng độ 20 bài viết thôi, số lượng trang có lẽ chỉ 2.000 chứ không phải viết nhiều. Thực sự là tự tôi cũng bỏ đi rất nhiều những thứ mà mình đã viết..

Hồng Thanh Quang: Tự anh bỏ đi?

Nguyễn Huy Thiệp: Tự tôi bỏ đi, hoặc có các thứ nọ kia thì cũng nhiều. Tôi nghĩ, nhiều cũng chẳng để làm gì, thế cũng đủ rồi, cái gì cũng vậy, ở trên đời này chuyện thế là cũng đã đủ, tôi viết thêm nữa thì cũng thế mà không viết thêm thì cũng vậy. Tôi thấy có lẽ điều ấy nó hợp với tâm lý, hợp với thể chất của người Việt Nam mình hơn…

Hồng Thanh Quang: Anh có thể nói cụ thể hơn được không ạ?

Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nghĩ là ở Việt Nam, mọi cái nó chỉ cần vừa vừa thôi. Ví dụ một cái Tháp Bút, một cái cầu Thê Húc nho nhỏ như thế rất đẹp. Một cái chùa Một Cột như thế là rất đẹp… Những công trình vừa vừa, nho nhỏ thì nó đẹp…

Hồng Thanh Quang: Hợp với tâm thế người Việt hơn…

Nguyễn Huy Thiệp: Cả về chuyện tinh thần cũng thế. Có thể về những lĩnh vực khác thì tôi không dám nói nhưng trong văn học nghệ thuật cũng thế. Tôi nghĩ Việt Nam ta không phải là xứ sở của những con đường lớn…

Hồng Thanh Quang: Những đại lộ thênh thang…

Nguyễn Huy Thiệp: Không phải của những tiểu thuyết hoành tráng, những trường ca mà là của những truyện ngắn…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Những bài thơ ngắn…

Nguyễn Huy Thiệp: Những bài thơ ngắn hay những vở kịch ngắn thì người ta dễ làm. Người phụ nữ Việt Nam rất nhỏ nhắn, thể xác của người đàn ông Việt Nam cũng nhỏ nhắn. Ông Nguyễn Bảo Sinh có nói đùa, nếu chọn hoa hậu mà toàn những 1,75 hay 1,80 mét trở lên thì là chọn cho người nước ngoài chứ đâu phải chọn cho những người đàn ông Việt…

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng mặc cảm lắm khi đứng trước những mỹ nhân chân quá dài, cao hơn mình quá đỗi… Nhưng chắc là con trai tôi, với thể tạng của nó, sẽ nghĩ khác…

Nguyễn Huy Thiệp: Ở mình thì những cái vừa vừa sẽ dễ được làm kỹ hơn. Ngay cả những tiểu thuyết cũng thế. Tôi nghĩ những tiểu thuyết nó ngắn hoặc nó không dài lắm thì dễ hay hơn...

Hồng Thanh Quang: Vấn đề ấy tôi hiểu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi, bây giờ anh nhìn nhận lại như thế nào về tác phẩm của anh? Có những tác phẩm nào mà bây giờ anh cảm thấy, rằng nếu hôm nay anh viết, anh vẫn viết như thế và vẫn mơ ước viết bằng được như thế?

Nguyễn Huy Thiệp: Cũng chẳng biết đâu. Tôi...

Hồng Thanh Quang: Anh có hay nghĩ về tác phẩm cũ của mình không?

Nguyễn Huy Thiệp: Không, nhìn chung là... Tất cả chúng ta, chúng ta tưởng mình hoạt động một cách có ý thức nhưng thực sự thì cái ý thức ở trong mỗi cá nhân của chúng ta rất ít, chủ yếu là vô thức. Trong con người của chúng ta, có lẽ tôi nghĩ phải tới 80-90% nó là vô thức, ông ạ. Nếu có ý thức và có sự đấu tranh giữa ý thức và vô thức ấy thì bao giờ vô thức vẫn thắng.

Tất cả những thứ tôi viết ra, làm ra, thậm chí tôi chẳng hiểu tại sao tôi làm như thế. Lúc đó tâm trạng của mình như thế, khả năng của mình, những mong muốn, tất cả những cái bên trong, bên ngoài, những thứ nọ kia, nó khiến mình làm như thế, chứ còn khó nói lắm. Cho nên câu của Nguyễn Du: Ngẫm hay muôn sự  tại giời. Câu ấy đúng, rất đúng, tất cả mọi cái phần lớn là do vô thức, chứ ý thức của mình có thể là rất ít.

Hồng Thanh Quang: Nói như vậy thì nhìn lại con đường văn học của anh, nhìn lại thời hàn vi của anh, khi anh còn là giáo viên ở Tây Bắc, anh không hề có ý thức chuẩn bị cho mình thành nhà văn?

Nguyễn Huy Thiệp: Không, không, có ý thức đấy chứ…

Hồng Thanh Quang: Thì sao anh lại nói chủ yếu là vô thức?

Nguyễn Huy Thiệp: Sự chuẩn bị của tôi để trở thành nhà văn là rất có ý thức. Cũng phải đọc sách, rồi cũng phải tìm hiểu các thứ nọ kia thì tôi mới viết được như thế chứ… Còn nếu như mà mình không có sự chuẩn bị thì mình...

Hồng Thanh Quang: Không bao giờ thành được nhà văn như anh đã thành?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhưng mà trên đời bao giờ cũng vậy, được cái nọ thì mất cái kia, lợi thủy thì hại hỏa. Những tưởng thời gian 10 năm ở Tây Bắc của tôi là 10 năm rất buồn tẻ, mệt mỏi, nhưng nó cũng có một cái hay cho cuộc đời văn chương của tôi. Chính trong 10 năm ấy, tôi sống với thiên nhiên, tôi sống với núi rừng. Đấy, thì bản thân mình giữ được cái gì đấy mà mình không bị tha hóa, chứ nếu lúc đó ở trong tuổi trẻ đấy mà tôi ở Hà Nội này thì có khi chưa chắc tôi đã thành nhà văn. Và khi mình về Hà Nội này thì tôi đã...

Hồng Thanh Quang: Đã có một bản lĩnh rồi, đã có một sự trưởng thành nhất định và sẽ không bao giờ bị tha hóa bởi đời sống đô thành nữa?

Nguyễn Huy Thiệp: Không phải, không phải thế, nhưng mình học được ở thiên nhiên nhiều thứ, ví dụ như mình không bị rối lòng… Mình biết là cây nó phải chờ đến lúc nào đấy nó mới ra hoa, nó mới kết quả, hay là, tất cả mọi cái nó phải có quy luật tự nhiên của nó, không phải mình cố, mình muốn mà được. Thành ra khi bước vào trường danh lợi ấy tôi cũng không nôn nóng, tôi không bị rối loạn như một số người khác.

Một số người khi vào chuyện văn chương, họ muốn nổi tiếng ngay, hay họ làm đủ mọi cách để nổi tiếng thì tôi không bị như thế. Nên nhiều người chỉ viết một truyện ngắn là họ đã nghĩ họ thỏa mãn rồi. Nhưng gần như khi tôi vừa xuất hiện một cái thì tôi đã "về hưu" luôn, khi xuất hiện truyện "Tướng về hưu" như thế là sự nghiệp văn chương của tôi...

Hồng Thanh Quang: Coi như mình đã về hưu rồi…

Nguyễn Huy Thiệp: Một số bạn bè của tôi trong nước hay ở nước ngoài họ nói rất đúng, khi mà tôi xuất hiện cái là đã xong sự nghiệp văn chương rồi, ông ạ. Cho nên truyện "Tướng về hưu" là truyện tiêu biểu của tôi, nó cũng có ý nghĩa là khi tôi xuất hiện cái là tôi cũng nghỉ hưu luôn. Tức là lúc đó tôi đã có cả tập truyện, gần như một nửa số tác phẩm của tôi…

Hồng Thanh Quang: Đã được viết xong rồi…

Nguyễn Huy Thiệp: Đã được viết xong rồi… Về sau này có truyện nọ truyện kia thì nhìn chung, nền móng đấy nó rất là ổn định rồi, tôi xuất hiện cái là nổi tiếng ngay trong nước và lập tức nước ngoài cũng in sách ngay và bắt đầu nổi tiếng ngay.

Hồng Thanh Quang: Anh cư xử thế nào với sự nổi tiếng của mình? Anh thấy sự nổi tiếng ấy nó có tác động như thế nào với anh không trong quãng đời vừa qua?

Nguyễn Huy Thiệp: Nhìn chung tôi thấy sống ở đời phải có danh, phải có lợi, cái danh tiếng rất quan trọng. Như anh hỏi chuyện tôi được chuyển chế độ hưu, nếu tôi không phải danh tiếng Nguyễn Huy Thiệp, tôi là một người bình thường thì…

Hồng Thanh Quang: Chắc sẽ rất khó khăn…

Nguyễn Huy Thiệp: Vô cùng khó, và thậm chí không được, chắc chắn sẽ không được tại vì nó...

Hồng Thanh Quang: Các thủ tục hành chính đều chống lại anh, giấy tờ mất hết rồi…

Nguyễn Huy Thiệp: Đúng thế… Chuyện danh lợi rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ rằng là, sống với mọi người thì phải biết thế nào là đủ, biết đến lúc nào là dừng, nhìn chung cũng phải tự biết...

Hồng Thanh Quang: Mình tự biết mình…

Nguyễn Huy Thiệp: Như các cụ nói, tức là phải biết tri túc, phải biết tự đủ, nếu không biết tự đủ thì rất dễ bị nhục.

Hồng Thanh Quang: Anh có cảm thấy đầy đủ, có hài lòng với cuộc sống của anh hiện nay hay không?

Nguyễn Huy Thiệp: Không hài lòng cũng không được. Bây giờ mình già rồi, gia đình cũng yên ổn, cũng có bạn bè…

Hồng Thanh Quang: Tâm giao có…

Nguyễn Huy Thiệp: Cũng có nhiều người quý mến, cũng có tiền bạc, đại thể như thế, còn mong gì hơn nữa?!

Về câu chuyện lương hưu, xin được mở ngoặc kể. Đầu tháng 9/2007, Nguyễn Huy Thiệp đột nhiên tới tìm tôi ở Tòa soạn báo tại 66 phố Thợ Nhuộm và trình bày tình huống mà anh đang muốn giải quyết. Và tôi đã viết một bài báo trên tờ Công an nhân dân mà khi đó tôi đang làm Tổng Thư ký Tòa soạn. Bài báo có tít là "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn lại được làm… viên chức" và nội dung có đoạn:

Dễ đến gần hai chục năm nay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được sống đời ngồi nhà cầm bút mà không bị ràng buộc bởi lịch làm việc của bất cứ một cơ quan công sở nào.

Đã có lúc ông rất lấy làm đắc ý với việc này, vì dẫu không được nhận lương của bất cứ cơ quan nào, nhưng sách ông viết ra bán chạy, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài nên so với rất nhiều đồng nghiệp, ông vẫn là người có mức sống "xông xênh" hơn.

Mọi chuyện đã cứ thế trôi qua cho tới dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Hợi (2007), khi nhà văn phải vào bệnh viện cấp cứu vì đau tim. Lúc ấy ông mới hay biết rằng, vì không có bảo hiểm y tế nên ông phải nộp viện phí tới hàng chục triệu đồng cho ca chữa trị.

Và ông cảm thấy ân hận vì khi rời bỏ cuộc đời viên chức về nhà viết văn, ông đã quá lơ đãng để không hoàn thành các thủ tục hành chính để lấy cho mình những chế độ chính đáng dành cho các cựu viên chức.

Ở cái tuổi đã "biết rằng tâm mình có hạn, chẳng nên khoe tài, không nên gắng gỏi làm gì", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (có lẽ là lần đầu tiên trong đời) ngồi viết đơn trình bày hoàn cảnh của mình để xin được phục hồi các chế độ xã hội cho những năm tháng ông phục vụ trong các cơ quan Nhà nước...

Hai năm sau, vào dịp đầu tháng 9/2009, tôi bất chợt nhận được điện thoại của Nguyễn Huy Thiệp. Anh báo là anh đã làm xong mọi thủ tục và cảm ơn tôi đã góp phần vào sự tựu thành ấy. Nói thực là tôi hơi ngượng vì tôi có làm được gì đáng kể đâu, một bài báo nói cho cùng thì công dụng cũng có là mấy… Ấy vậy mà anh cũng không quên…

H.T.Q.
.
.