Nhà văn Nguyên Hồng với Hải Phòng...
Tôi lại có dịp thăm Hải Phòng, mảnh đất mà tôi từng gửi lại đó 10 năm tuổi trẻ. Tôi được tham dự Hội thảo kỷ niệm 95 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng, vị Chủ tịch đầu tiên Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hải Phòng, ông giữ chức vụ này 18 năm, cho đến lúc mất (1964-1982).
Trước mặt tôi, không chỉ những bản tham luận sắp được trình bày đóng thành tập có đề Nhà văn Nguyên Hồng - Cuộc đời và sự nghiệp văn chương, mà riêng tôi còn có thêm cuốn kỷ yếu 45 năm hoạt động của Hội (1964-2009) đã gửi tặng tôi, mà tôi không nhận được khi sách mới in ra. Tôi giở lướt phần Hồi ức và Tư liệu, thật mừng khi thấy có cả những hồi ức của ba vị trưởng thượng của Hội giai đoạn đầu thành lập: Nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hải Phòng, Phó chủ tịch Hội; nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, phó thư ký Hội; nhà thơ lão thành Lê Đại Thanh, không giữ chức gì, nhưng ông là vị trưởng lão, người đầu tiên tôi phải đến chào khi tôi nhập cư làm công dân Hải Phòng. Tôi thường ngồi cà phê mỗi sáng, ở góc nhìn bao quát được đầu phố Cầu Đất, dãy quán bán hoa mái ngói rêu phong bên cạnh quảng trường Nhà Hát, cảnh sắc rất tiêu biểu cho phố xá Hải Phòng mà vẫn như thấy thiêu thiếu một cái gì đó! Bất chợt một ông già cao cao xuất hiện trên hè phố, ông đội chiếc mũ phớt dạ cũ mèm, dáng đi như kẻ mộng du, vẻ mặt đanh quắt khắc khổ, mường tượng như một nhân vật của Gô-gôn vừa từ tiểu thuyết bước ra. Tức thì cảm giác thiêu thiếu của tôi được lấp đầy: nhà thơ Lê Đại Thanh!
Vậy là, với riêng tôi, cuộc hội thảo về nhà văn Nguyên Hồng có mặt cả ba người ấy. Cụ Lê Đại Thanh còn là thầy học nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng là bạn Nam Cao, cùng một trường, chỉ khác lớp Nhì B và lớp Nhì C nên nhà văn Nguyên Hồng cũng coi cụ Lê Đại Thanh như thầy. Cụ Thanh viết hồi ức: Nguyên Hồng xuất thân từ trường Jules Ferry, Nam Định. Từ cái lò đúc người ấy, có lẽ tôi và Nguyên Hồng do chịu ảnh hưởng của trường phố Chợ Rồng này mà thành đạt trong nghề viết lách cũng nên!
Cụ Thanh khen đức tính hiếu học của Nguyên Hồng: “Anh vào đời chỉ với cái bằng tiểu học Pháp. Nhưng anh học từng ngày và năm sang Liên Xô với ông vua Vang bóng một thời, Nguyên Hồng đã lên bục đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp trước Hội nghị toàn quốc các nhà văn Liên Xô. Có một cô gái rất đẹp và lãng mạn đã mê anh vì đọc Những ngày thơ ấu… Phạm Cao Củng, người chuyên viết truyện kiếm hiệp cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã rỉ tai Hồng: “Phải thương nó! Nó tương tư vì cậu đấy!”. Nguyên Hồng phải xin lỗi cô gái: Tôi là người Công giáo đạo gốc. Tôi lại là người cầm bút viết dạy người ta đạo đức. Tôi không thể lừa dối vợ tôi và làm hại đời cô!”. Cô gái đã khóc và bỏ đi Nam, rồi lấy chồng trong đó.
Qua cuốn kỷ yếu 45 năm của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng, tôi nghe bác Lê Đại Thanh đã góp lời trong Hội thảo như vậy! Sinh thời, bác Lê Đại Thanh hay có những phút “bốc trời” với các bạn viết trẻ, thí dụ trường ca bác đang viết hàng nghìn câu, hồi ký hàng nghìn trang sẽ viết, chúng tôi thường cười vui thông cảm với những hư tưởng của lão thi sĩ, ngọn lửa sáng tạo nội tâm thì có thừa, nhưng làm sao thực hiện được, nhất là ở khâu in ấn, xuất bản trong hoàn cảnh sinh thời của bác! Nhưng chuyện đã qua thì tôi tin ở trí nhớ của bác, chứng nhân cao niên nhất không chỉ ở Hải Phòng này!
Nhưng tôi chẳng dè còn một nhân chứng khác không kém phần thâm niên và đáng tin. Trước đây mấy tuần, họa sĩ Phan Kế An (91 tuổi) cho tôi biết: “Mình biết Nguyên Hồng từ năm… lên tám tuổi, vì hai đứa học cùng lớp năm đó mà! Nguyên do là những năm đầu tiểu học của An, cụ Phan Kế Toại được điều về làm thương tá Nam Định, cụ đưa An vào học trường dòng Nam Định nổi tiếng dạy toán giỏi, lớp enfantin (đồng ấu). Nguyên Hồng học cùng trường, nhưng khi An lên lớp élémentaire mới được học cùng lớp với anh. Vì Nguyên Hồng có điểm đặc biệt dễ nhớ: Ba năm học liền Hồng đều bị “đúp” lớp, nghĩa là 3 lớp enfantin, préparatoire, élémentaire An học 3 năm thì Nguyên Hồng phải học 6 năm. Năm cuối An mới lên 8 thì anh Hồng đã 13 tuổi, cao lêu nghêu. Khi ra sân tranh bóng, hễ đụng phải anh Hồng là An ngã bắn ra xa, cho nên cứ thấy Nguyên Hồng đến gần là An nhường bóng, tránh voi chẳng xấu mặt nào! (Tôi không rõ ngôi trường này có phải cũng là trường Jules Ferry, Nam Định mà bác Lê Đại Thanh đã nhắc tới?).
![]() |
Lớn lên dù đọc mấy cuốn tiểu thuyết của Nguyên Hồng một cách thích thú, An cũng không hề nghĩ đó là anh Hồng ngày ấy. Hai người nhận ra nhau từ một cuộc triển lãm tranh năm 1946, sau Cách mạng Tháng Tám. “Cuộc triển lãm vừa kết thúc, cánh họa sĩ chúng mình lại trở thành những vị khách cuối cùng đi duyệt lại phòng tranh, đặc biệt chú ý xem có tờ danh thiếp nào gài bên bức tranh tác phẩm của mình không. Nếu có, đó là tín hiệu vui: Người đó đã chấm bức tranh và ngỏ ý mua nó! (với giá tranh đề ngay cạnh). Họa sĩ Phan Kế An đã thấy một tấm danh thiếp in tên nhà văn Nguyên Hồng, gài bên tranh của mình, có ghi thêm mấy chữ: Tôi rất thích bức tranh này! Muốn được gặp họa sĩ! An rất vui khi được nhà văn nổi tiếng khen, chỉ lạ sao nhà văn nổi tiếng cả vì nghèo lại có tiền mua tranh với giá ấy (cái giá An đề khá cao để anh được giữ lại bức tranh thêm một thời gian). Gặp nhau, An nhận ra anh trước nhưng sợ mình lầm, nên chủ động hỏi về những kỷ niệm xưa. Lúc đó Nguyên Hồng mới nhớ ra. Nguyên Hồng lúc ấy mới biết mình “phạm luật” mua tranh. Ông thích bức đó, nhưng chỉ muốn làm quen và khen ngợi người tạo tác ra nó!
Hôm ấy, sau khi nghe câu chuyện lạ, trên đường về nhà, tôi nghĩ vui rằng mình đã quên không hỏi ông Phan Kế An xem nhà văn dạo ấy đi học vất vả như vậy, do kém toán hay kém… văn?)
Trở lại cuốn kỷ yếu của Hội, nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hải Phòng, cũng là thủ trưởng trực tiếp của tôi, thì nhớ lại cái tật của Nguyên Hồng: “Tôi không quên một mẩu chuyện về anh và Nguyễn Tuân lúc đi thực tế ở Hải Phòng. Một hôm anh Nguyễn Viết Lãm, người cùng đi với hai anh xuống một xã ở Kiến An, lúc về đã gặp tôi và băn khoăn: “Các ông ấy đi xuống với dân mà không giữ gìn gì cả!”. Tôi hỏi: “Việc gì đấy?” Thì ra hai ông nằm trên hai ghế trường kỷ trò chuyện, đợi lúc mọi người ngủ cả mới rút chai rượu ra nhắm với lạc rang, rồi ngủ đến sáng bạch mới dậy!
Tôi phì cười và trao đổi với anh Lãm: “Với hai ông Nguyên Hồng và Nguyễn Tuân mà “uống thầm” rượu với lạc rang trong đêm, vào lúc người ta đi ngủ, thì đó là một việc phi thường, một biểu hiện của tự trọng và giữ gìn rất đáng ghi vào… sử sách đấy. Thế là tuyệt vời lắm, anh Lãm ạ!”.
Đọc đôi dòng kỷ niệm của anh Trần Hoàn, tôi nhớ nhà lãnh đạo nghệ sĩ ấy đã nhường căn hộ hai phòng của Giám đốc Sở sang, đẹp nhất Khu tập thể phố Minh Khai cho hộ tập thể, khi ông đi B. Vợ con ông gần như định cư ở nơi sơ tán. Hộ tập thể ngày ấy chỉ có tôi và Văn Thinh ở lại nội thành. Văn Thinh chưa có vợ, đang ở giai đoạn nước rút, tiếp cận các cô gái anh quen…
Chiều hôm ấy, cơn bão số 7 xoay chiều đang hoành hành khu vực Hải Phòng. Ác hại là sáng hôm sau Văn Thinh lại hẹn một cô gái đến chơi. Anh vẫn phải lau dọn căn buồng thật sạch sẽ, và dặn tôi không có việc gì thật cần thì không được ra khỏi nhà, e lúc về làm hỏng “công trình” của anh. Đã khuya, quãng 11 giờ đêm, bỗng có tiếng đập cửa dồn dập, rồi nhà văn Nguyên Hồng ào vào như một cơn lốc. Chiếc áo mưa lính lòa xòa sũng nước, nước mưa tong tả chảy chung quanh ông, đọng thành vũng ngay đầu căn phòng vừa lau sạch bong. Niềm vui gặp lại nhà văn Nguyên Hồng không át nổi cơn suýt soa, tiếc rẻ cái sàn nhà vừa bị nhuốm bẩn, Văn Thinh kêu lên: “Úi giời! Úi giời! Mưa bão thế này mà bác vẫn về!” Tôi thì đang đọc cuốn Cơn bão đã đến trong bộ Cửa biển vừa in xong, thấy trùng hợp quá với hoàn cảnh, phấn khích reo to: “Cơn bão đã đến! Cơn bão đã đến!” thay cho lời chào vị Chủ tịch Hội vốn ưa những gì dân dã, giản dị. So với sự sạch sẽ của căn phòng vừa lau, nhà văn Nguyên Hồng quả xứng đáng là đại diện cho… cơn bão số 7! Nguyên Hồng nhận ra ngay “tình thế” mình vừa gây ra, vội đi nhanh vào buồng trong, đến một góc khá rộng mới dừng lại cởi áo mưa, quanh mình nhà văn lúc đó mới lộ ra lỉnh kỉnh đủ thứ túi xách, ba lô, và mấy cái bi đông đựng rượu quen thuộc.
Hai chúng tôi đưa khăn khô cho nhà văn Nguyên Hồng lau người, hỏi nhà văn cần ăn uống gì không và muốn nhường bằng được một trong hai chiếc giường cá nhân cho nhà văn. Nhưng Nguyên Hồng phản đối kịch liệt, xếp sắp các đồ lề chung quanh chỗ nằm như một chiến lũy… Nhà văn chỉ cần một chiếc chiếu khô là ngủ ngon lành!
Ấn tượng của tôi về nhà văn Nguyên Hồng không chỉ ở tác phong dân dã, xuề xòa như trên. Ông còn một đặc tính nữa là rất dễ xúc động, và… mau nước mắt. Còn nhớ buổi nhà văn đọc thơ giữa trận địa một đơn vị pháo phòng không ven bờ sông Cấm. Hôm trước, ông cùng chúng tôi đã thăm một trận địa khác gần đó, vừa qua một trận đánh quyết liệt với máy bay Mỹ để bảo vệ kho giấu hàng, ngờ chúng đã phát hiện. Một quang cảnh tang thương mà chúng tôi không dám kể lại chi tiết, trong đó có tổn thất về người, về vũ khí. Nhưng trên tất cả, là những câu chuyện cảm động về một đơn vị nữ tự vệ một nhà máy gần đó, đã nhao vào trận địa, thế chỗ cho những chiến sĩ bị thương. Họ trở thành đội cứu thương, thành chiến sĩ chuyển đạn, thiếu giẻ lau súng, họ sẵn sàng cởi tấm áo đang mặc, chẳng nề hà… Đêm đó nhà văn thức rất khuya, hí húi viết.
Để sáng hôm sau, ông kể về trận đánh của đơn vị pháo hôm qua, rồi đọc bài thơ Tấm áo lau súng giữa trận địa. Ông đọc mỗi lúc một nghẹn ngào… rồi giữa chừng, ông òa khóc khiến chúng tôi và tốp chiến sĩ vây quanh cũng không cầm được nước mắt…
Do không được gần gụi nhiều với nhà văn Nguyên Hồng, tôi đành mượn ký ức của những bậc cao tuổi nay hầu hết đã về trời, phác thảo lại cá tính và xuất xứ nhà văn mà tôi yêu kính. Phần tài năng và phong cách nhà văn Nguyên Hồng trong Hội thảo được các nhà nghiên cứu phê bình văn học và các bạn văn phân tích, đánh giá rất chân xác, phong phú. Tôi không dám lạm bàn, xin dành cho các nhà nghiên cứu ở một bài báo khác!