Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Năm tháng buồn vui

Thứ Hai, 25/03/2013, 14:15
Khoảng dăm ba tháng một lần, tôi lại bắt gặp con người ấy ngồi một mình lặng lẽ bên tách cà phê sáng trên vỉa hè đường Trần Phú, Đà Nẵng. Dáng người thấp nhỏ, đội mũ bê-rê, râu tóc muối tiêu nặng màu từng trải. Thấy rồi lại quên, đôi khi chợt nhớ thì tự nhủ với mình rằng, chắc đó là một gã lãng du từ nơi xa đến, tựa lưng vào vỉa hè để hồi tưởng tháng năm qua…

Rồi một hôm, tôi cùng với mấy người bạn yêu mến văn chương, hẹn với nhà văn Thái Bá Lợi để chia vui, vì anh vừa nhận được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đúng giờ hẹn, Thái Bá Lợi xuất hiện và tôi thật bất ngờ khi nhìn thấy kẻ đồng hành cùng tác giả của tiểu thuyết “Minh Sư” (Tiểu thuyết của Thái Bá Lợi được giải thưởng 5 năm của Hội Nhà văn Việt Nam - NV) lại là con người mà thi thoảng tôi đã nhìn thấy ấy…Trước rất nhiều anh em, nhà văn Thái Bá Lợi trịnh trọng giới thiệu: “Đây là nhà văn Nguyễn Hoàng Thu mới từ Tây Nguyên xuống…”.

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu kể với tôi rằng: Ông được sinh ra vào năm 1945 ở một ngôi làng nhỏ thuộc địa bàn Phan Thiết. Vì hoàn cảnh gia đình nên thuở ấu thơ, ông không được đến trường như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Năm lên 8, ông phải phiêu dạt từ Phan Thiết ngược ra Ninh Hòa và ở đó, ông mới lần đầu tiên được cắp sách đến trường trong niềm vui khôn xiết của tuổi thơ. (Vì đi học chậm, nên trong lý lịch hiện thời Nguyễn Hoàng Thu có năm sinh là 1947 - NV).

Theo học ở Ninh Hòa được một thời gian thì Nguyễn Hoàng Thu lại di cư vào Nha Trang để tiếp tục con đường đèn sách cho đến lúc trưởng thành. Nguyễn Hoàng Thu bước vào tuổi thanh niên ở một đô thị lớn của miền Nam Việt Nam trong thời kỳ ly loạn. Chiến tranh đã làm cho đời sống của con người ở đây luôn trong tâm trạng bất an. Trên đường phố, trong các hộp đêm lúc nào cũng ngập tràn lính Mỹ với súng ống và lựu đạn.

Những cảnh bắt lính liên tiếp diễn ra khiến cho những chàng trai mẫn cảm như Nguyễn Hoàng Thu khinh bỉ cuộc chiến vô nghĩa đó và đã tỏ thái độ chống lại nhà chức trách đương thời bằng hành động cụ thể là bất tuân lệnh tổng động viên của quân đội. Bởi vì không chấp hành quân lệnh nên năm 1967, Nguyễn Hoàng Thu đã bị bắt giam, rồi bị đày đi lao công tại chiến trường. Những ngày ấy, ông đã làm thơ, viết truyện với nội dung đòi hòa bình, chống bắt lính.

Cũng vì vậy mà Nguyễn Hoàng Thu lại bị bắt đưa đi huấn luyện quân sự tại quân trường để bổ sung quân số cho Sư đoàn 22 Bộ binh ngụy ở mặt trận Tây Nguyên. Vài tháng sau khi đăng lính, từ trận địa Hàm Rồng - Plâycu, Nguyễn Hoàng Thu đã đào ngũ, trốn về Sài Gòn để tìm gặp những người quen cũ có cùng niềm đam mê văn chương, chữ nghĩa. Sống lang bạt ở Sài Gòn, Nguyễn Hoàng Thu mưu sinh bằng nghề sửa mo-rát, viết văn, làm báo để cộng tác với các tờ báo, tạp chí có uy tín lúc bấy giờ như: Trình Bày, Đối Diện

Nguyễn Hoàng Thu kể rằng, năm 1971, tờ Đối Diện in truyện ngắn Người bắt ruồi của ông, rồi không biết bằng cách nào, tờ báo có in cái truyện ngắn ấy lại lên được với chiến khu, rồi theo chân những người lính giải phóng quân ra đến miền Bắc. Năm 1972, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã đăng lại truyện ngắn này. Tất nhiên là phải đến sau ngày nước nhà thống nhất, một hôm tình cờ Nguyễn Hoàng Thu gặp được nhà văn Nguyễn Văn Bổng ở Nha Trang.

Nghe ông Bổng nói mới biết Báo Văn nghệ, một tờ báo danh giá của Hội Nhà văn quốc gia in truyện ngắn của mình. Hôm đó, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã cẩn thận ký tên mình rồi mang tặng “cây bút trẻ của xứ sở trầm hương” này một tờ báo biếu và khoản nhuận bút đến 22 đồng bạc Bắc (thời giá lúc mới giải phóng miền Nam có thể mua đến 30 chai bia - NV).

Nhân vật chính trong truyện ngắn Người bắt ruồi là anh Năm, một thanh niên hiền lành, chất phác, yêu hòa bình và tự do…vì chống lại lệnh tổng động viên của quân đội Sài Gòn nên bị bắt và tống giam ở quân lao Nha Trang. Ngày ngày, bọn cai ngục ở đây bắt những kẻ bị tống giam mỗi người phải làm một việc như nhặt rau, chẻ củi, quét nhà…

Anh Năm được giao một nhiệm vụ rất đặc biệt mang tính giải trí cho gã cai ngục. Theo lệnh của viên đại úy chỉ huy trưởng của quân lao thì mỗi ngày anh Năm phải bắt cho được 100 con ruồi. Đến cuối chiều, anh Năm phải mang “chiến lợi phẩm” của mình đến để trình diện với bọn cai ngục. Trong số 100 con ruồi phải bắt ấy, nếu thiếu con nào thì anh Năm phải bị đánh 1 roi bằng dây điện.

Và đương nhiên, do không thể bắt đủ số ruồi được giao, nên ngày nào anh Năm cũng phải chịu cảnh đòn roi. Đau đớn và căm phẫn sự tàn nhẫn và vô lý của chốn quân lao, anh Năm lại da diết nhớ vợ con của mình đang còn trẻ dại, nhớ quê hương của mình với những cánh đồng xanh thẳm thẳng cánh cò bay…

Rồi một ngày, anh Năm quyết định bàn với những người bạn cùng cảnh ngộ đang bị giam giữ ở quân lao tìm cách vượt ngục. Trong lúc đang tìm đường thoát thân, anh Năm đã bị hệ thống đèn pha của quân lao phát hiện, một loạt đạn M.16 vang lên, anh Năm trúng đạn và gục chết ngay chính cái nơi hàng ngày anh vẫn đứng rình để bắt những con ruồi…

Khoảng giữa năm 1975, Nguyễn Hoàng Thu tìm đến Ty Thông tin - Văn hóa tỉnh Khánh Hòa để xin việc làm và được bố trí vào làm việc ở bộ phận xuất bản tờ tin (tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay) cho đến năm 1976, lúc bấy giờ ở tỉnh Phú Khánh (đơn vị hành chính được sáp nhập giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) có cuộc vận động thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật thì Nguyễn Hoàng Thu chuyển công tác đến đó để “góp một tay với anh em văn nghệ địa phương” ấn hành tờ Tạp chí Văn nghệ của tỉnh.

Trong thời gian này, Nguyễn Hoàng Thu đã viết xong đề cương cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên gọi là Con đường đêm. Được anh em khích lệ, ông đã mạnh dạn gửi bản thảo đề cương tiểu thuyết này đến Hội Nhà văn Việt Nam với mục đích nhờ các “cây đa, cây đề” đang làm việc ở đó thẩm định. Kết quả sau khi gửi bản thảo ấy đi là ông được triệu tập tham dự một trại sáng tác văn học kéo dài trong 3 tháng ở địa bàn tỉnh Hải Dương.

Nguyễn Hoàng Thu nhớ lại: Hồi đó, sở dĩ trại viết được bố trí về Hải Dương là vì ở đó nguồn lương thực dồi dào, anh em dự trại có cái để ăn mà viết. Nhiều cây bút tham gia trại viết này về sau có nhiều tác phẩm gây được sự chú ý của bạn đọc như: Đỗ Thị Hiền Hòa, Hào Vũ, Đặng Ái, Trần Tự (Hải Phòng), Trúc Phương (Vĩnh Long), Phan Trường Giang, Nguyễn Tùng Linh… 

Có lần, ngồi với tôi trong căn phòng rất nhỏ của Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại miền Trung, Nguyễn Hoàng Thu kể rằng: Cũng chính nhờ cái truyện ngắn Người bắt ruồi ấy được nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Đoàn Giỏi đọc. Nên chi năm 1979, khi Trường Viết văn Nguyễn Du khai giảng khóa 1, Nguyễn Hoàng Thu đã được hai nhà văn này giới thiệu đi học.

Nguyễn Hoàng Thu nhớ lại: Lớp viết văn Nguyễn Du khóa 1 ấy có 46 người, đại đa số là anh em từ quân đội đi học như: Hữu Thỉnh, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Bùi Công Bính, Mã A Lềnh… rồi một số cây bút trẻ lúc đó như: Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Nguyễn Tùng Linh, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vương Anh, Chinh Văn, Ngô Thị Kim Cúc, Cao Duy Thảo, Ma Trường Nguyên, Anh Chi, Hào Vũ, Đỗ Thị Hiền Hòa… Nói chung, đa số thành viên của lứa học trò đầu tiên ở Trường Viết văn Nguyễn Du ấy, đến nay đã là những tên tuổi của nền văn học nước nhà.

Năm 1982, sau khi học xong ở Trường Viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Hoàng Thu trở lại Phú Khánh làm một chân biên tập viên ở tạp chí Văn nghệ địa phương, cho đến năm 1991 thì từ giã Nha Trang để vào Sài Gòn tìm kiếm một công việc mới. Qua sự giới thiệu của bạn bè, ông đã tìm đến, gõ cửa Tòa soạn Báo Thanh Niên để xin việc.

Nhà báo Nguyễn Công Khế - Người phụ trách Báo Thanh Niên lúc đó đã thuận tình và phân công ông đến thường trú tại vùng cao nguyên. Vậy là Nguyễn Hoàng Thu lại khăn gói lên vùng đất đỏ Đắk Lắk để thực hiện chức phận của một phóng viên thường trú. Kể từ đó, Nguyễn Hoàng Thu đã gắn những buồn vui của cuộc đời mình với đất Tây Nguyên. Có những lúc suốt cả chục năm trời, ông phải dấn thân vào công việc của một người làm báo mà lãng quên mất niềm đam mê sáng tạo văn học.

Chỉ đến lúc, tình cờ trên đường đi công tác tại Kon Tum vào mùa thu năm 2000, ông gặp lại hai người bạn học của mình là nhà văn Thái Bá Lợi và nhà văn Trung Trung Đỉnh. Trong chếnh choáng của men say, trong nỗi mừng vui gặp lại, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã tha thiết nói với Nguyễn Hoàng Thu rằng: Ngày xưa tôi đọc truyện ngắn Người bắt ruồi của ông tôi rất thích, vì sao ông lại bỏ viết văn? Ông không viết văn là ông có lỗi với thầy mình, có lỗi với bạn bè mình. Kết thúc cuộc rượu ấy là rất nhiều nước mắt và những lời hứa hẹn văn chương.

Cuối năm 2000, bạn đọc ngạc nhiên khi Nguyễn Hoàng Thu xuất bản trường ca Krông Ana không đổi dòng. Năm 2002, Nguyễn Hoàng Thu cho ra đời tiểu thuyết Con đường đêm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn in, đó là một cuốn sách hay viết về chế độ nhà tù của phía bên kia, về thân phận một thanh niên thôn quê vì chối từ vũ khí mà số phận phải trớ trêu trong vòng lao lý.

Trên đà ấy, năm 2005, Nguyễn Hoàng Thu lại tiếp tục ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai có tên là Đi qua bóng tối do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành. Đây là cuốn sách viết về cảnh sống nơm nớp lo sợ, đầy căm giận của một đào binh quân đội Sài Gòn tên Hải… (Sách được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam - NV).

Năm 2008, ông in cuốn Nỗi buồn đi qua, một cuốn tiểu thuyết viết về thời kỳ sau chiến tranh, về mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người… Hiện tại, ông nói với tôi rằng, ông đang cố gắng để hoàn tất cuốn tiểu thuyết mang tính tổng kết lại đời mình có tựa đề Nắng mai không ở lại, sách viết về những thay đổi của miền đất Tây Nguyên, những cái được và chưa được của miền đất này qua hồi ức của nhân vật chính là nhà báo… Ông bảo rằng, đây là cuốn sách mà ông phải sửa nhiều vì tính ông vốn dĩ không chấp nhận văn chương được viết ra theo lối “đường được, đèm đẹp”…

Bây giờ thì nhà văn có râu tóc muối tiêu nặng màu từng trải đang hôm sớm một mình trong ngôi nhà ở vùng cao nguyên đất đỏ Đắk Lắk. Nhiều bạn văn bảo rằng, nhà Nguyễn Hoàng Thu có rất nhiều rượu quý, toàn là những thứ rượu được ngâm bởi sản vật của rừng. Ông bảo cũng chỉ thường thôi nhưng mình là nhà báo, nhà văn đầu tiên của Tây Nguyên đi xe hơi thì đúng. Ông mua chiếc Nissan 4 chỗ ngồi “đời cô Lựu” với giá 50 triệu đồng, sau khi sử dụng 6 năm, ông đã bán lại với giá 20 triệu đồng cho một cơ sở kinh doanh phụ tùng, phế liệu.

Đôi khi ngồi với ông bên chén rượu, tôi đã cố gặng hỏi chuyện gia đình, bao giờ cũng thế, Nguyễn Hoàng Thu lại uống cạn một chén rồi từ tốn nói rằng…ấy là chuyện riêng tư có nhiều tế nhị. Nói là nói vậy, nhưng tôi thấy phía sau câu nói ấy là một nỗi nghẹn ngào, phía sau đôi mắt ấy là một nỗi buồn thương thăm thẳm…

Ngày trước, chuyện Nguyễn Hoàng Thu yêu, cả làng văn ai cũng biết, thậm chí có người còn “thêm mắm, thêm muối” để từng câu chuyện tình yêu ấy được thăng hoa. Nhưng rốt cuộc, nói như Nguyễn Hoàng Thu là “cái gì không hợp thì phải tan” chứ biết làm sao bây giờ? Điều quan trọng là phải sống như thế nào cho phải lẽ.

Viết xong bài này, tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Hoàng Thu để hỏi thăm sức khỏe. Từ đầu dây bên kia vẫn vang lên tiếng nói hào sảng như ngày nào. Ông nói với tôi: “Hai ngày nữa mình sẽ xuống Đà Nẵng, anh em mình lại đánh đu vỉa hè để nói chuyện cuộc đời với vô cùng những năm tháng buồn vui…”

Phan Bùi Bảo Thy
.
.