Nhà văn Ngô Thảo: Người trong cuộc ngoái nhìn quá khứ
Những chuyến đi ngút ngàn từ Bắc vào
1. Giữa chuỗi ngày hiếm hoi nhàn rỗi, ông vẫn không hề thảnh thơi đầu óc. Tập bản thảo lưu giữ một phần ký ức, ghi lại những "Chuyện đời - Chuyện văn một thuở" tiếp tục được chỉnh sửa, trau chuốt, chuẩn bị cơ hội chờ đón công đoạn cuối cùng. Tập sách của Ngô Thảo, nếu được in ra, sẽ hàm chứa nhiều tư liệu đầy ám ảnh về những văn nhân, thi sỹ lừng lững của một chặng đường, những người mà phần nhiều, đều đã thuộc về "cõi nhớ".
Cái ám ảnh ấy được Ngô Thảo ghi lại, chân thực, hồn hậu, kỹ càng như bản tính của chính ông. Không a dua, không xu thời, Ngô Thảo - nhà phê bình - luôn ghi lòng tạc dạ về quá khứ lính tráng của mình, lúc nào cũng canh cánh một nỗi niềm đồng đội, nhất là những người vắng mặt trong ngày chiến thắng.
Bởi thế, những tác phẩm được xuất bản của ông gần một thập kỷ qua, từ "Đời người - đời văn", "Văn học với đời sống, đời sống với văn học", "Văn học về người lính" và mới đây nhất, "Thao thức với phần đời chiến trận"…, đều có bóng dáng những người như nhà văn Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn, bậc đàn anh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà ông chưa một lần gặp mặt, có hình ảnh nhà văn Chu Cẩm Phong - Trần Tiến, người bạn cùng học ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, có vẻ đẹp ngời ngời giữa chiến trường khói lửa của nhà văn Dương Thị Xuân Quý…
Ngô Thảo ngoài đời phong lưu, xênh xang ngựa xe như một "đại lão gia" đích thực, được cuộc sống tiện nghi chiều chuộng và chăm bẵm từng ly từng tí. Trái ngược lại, trong công việc của một nhà lý luận phê bình, ông đặc biệt hướng sự chú ý của mình tới các nhà văn, nhà thơ đã hy sinh dưới làn đạn kẻ thù. Trong con mắt của nhiều đồng nghiệp, bạn bè, Ngô Thảo là người luôn "phù suy", lúc nào cũng canh cánh nặng lòng với các nhà văn liệt sỹ.
Ông không bao giờ quên đi, dù chỉ giây lát, những số phận mà ông cho rằng mong manh chất chứa thiệt thòi. Viết về "Tạp chí Quân đội" nhân sự kiện trọng đại, kỷ niệm 45 ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhà văn Ngô Thảo trước hết nhắc tới những con người thầm lặng.
Tầng hầm lặng sống, thầm lặng đóng góp, một cán bộ trị sự tâm huyết, một chị phát nhuận bút, bác sửa lỗi morát…, những người mà tên của họ chưa hề được "tipo hóa", nhưng không có họ, cỗ máy của cơ quan có thể không được vận hành trôi chảy đến thế, nhất là trong thời khắc chiến tranh ác liệt.
Bạn bè, người quen ốm đau hoạn nạn, Ngô Thảo hầu như là người luôn có mặt đầu tiên để đỡ đần, chia sẻ. Dành gần 20 năm (từ đầu năm 1980 tới năm 1996) để sưu tầm, chọn lọc, biên soạn, chỉnh lý, Ngô Thảo cho ra mắt bộ sách đồ sộ "Tuyển tập Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn" xấp xỉ 3.000 trang in.
Đến bây giờ, đó vẫn là công trình hoàn thiện nhất về nhà văn đất
Ông có 20 năm ròng đứng trong quân ngũ. Thực sự cầm súng, thực sự chiến đấu giữa chiến trường, thực sự đối mặt với cái chết, nếm trải gian khổ, ác liệt…, nhà văn Ngô Thảo thuộc về những người lính sống giữa hôm nay, nhưng luôn mang tâm trạng áy náy vì mình may mắn hơn đồng đội, mình đã toàn vẹn trở về giữa khúc khải hoàn ca.
"Áo hào hoa", "xếp bút nghiên", Ngô Thảo vào chiến trường lúc đã là sinh viên Văn khoa Tổng hợp, thường xuyên "lén lút" ghi nhật ký giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Vào chiến trường, đi từ chàng binh nhì đến lúc cầu vai đeo lon thiếu tá ngày ra quân, từng có tí "chức sắc" khi là Trung đội trưởng Trinh sát, Chính trị viên phó Đại đội, rồi Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn pháo binh 368, chất bộ đội vẫn theo ông đến tận lúc này.
Đảm đương trọng trách Chính trị viên phó, khả năng viết lách của Ngô Thảo được dịp thực thi, nhưng lại ở những tình huống đắng lòng, nghẹn thắt. Ông luôn được giao viết điếu văn cho những người bạn lính nằm xuống trong trận đánh vừa xong. Tự tay vuốt mắt cho đồng đội, tự tay khâm liệm đồng đội, tự tay chôn cất đồng đội, mảng quá khứ ấy đeo đẳng Ngô Thảo mãi khôn nguôi.
Làm những công việc nghĩa tử, nghĩa tận tỉ mẩn và chu đáo ít ai bì, nỗi đau mất mát đã gặm nhấm, hóa thạch trong trái tim ông, để rồi sau này, hỏi ông sao không bao giờ tham gia vào các cuộc gặp gỡ tụ hội, đàm đạo của nhà văn Việt - Mỹ, luôn xa lánh những cuộc giao lưu với các nhà văn tới Việt Nam từ bên kia chiến tuyến, đều nhận được cái lắc đầu không kém phần đau đớn: Là một người lính trực tiếp chiến đấu, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, nuốt nước mắt mai táng từng đồng đội, ông có thể không lưu giữ oán thù, nhưng lãng quên đi để hữu hảo, cũng là điều ông nhủ lòng không bao giờ được phép.
Phần đời chiến trận chưa một giây phút nào thôi thao thức trong ngày thường của nhà văn Ngô Thảo, dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm ròng. Lo lắng cho hậu sự của đồng đội và sau này là bạn bè chu đáo, cẩn trọng đến độ, nhiều chiến hữu thân thiết của ông đã có cái ước muốn lạ đời: Được chết trước Ngô Thảo để ông còn xắn tay áo chu toàn cho đám tang của mình.--PageBreak--
2. Vốn dân làng "trạng" Vĩnh Hoàng nổi danh về tài ăn nói của đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, bản sắc quê hương xem ra quá đậm đặc trong con người nhà văn Ngô Thảo. Khẩu khí khúc chiết, và đặc biệt nhất quán trong cả suy nghĩ lẫn hành động, ông đôi khi cực đoan đến gay gắt.
Có trước, có sau, không bao giờ phủ nhận quá khứ, ngay cả khi tuyển những bài viết cũ có tuổi đời vài chục năm của mình để in lại thành sách, Ngô Thảo cũng không động tay chỉnh sửa, dù chỉ một dấu chấm dấu phẩy. Hình ảnh của ngày hôm qua dẫu có thế nào, cũng cần được tôn trọng.
Nhận mình thuộc hàng "lão", không phải theo lối nghĩ trịch thượng, gia trưởng tự sắp đặt ngôi "tiên chỉ", mà đơn giản là 70 rồi, quá già rồi nên đã đến lúc "đi chỗ khác chơi", nhường không gian cho lớp trẻ như phát ngôn của nhà văn Trang Thế Hy mà ông luôn tâm đắc. Vừa hết bệnh, nhúc nhắc bước chân ra đường, Ngô Thảo đã lại trở về con người thường nhật của mình, ham vui, ưa hoạt động, quay quắt với những xoay trở về nhiều mảng hiện thực của đời sống đương thời.
Ông cay đắng và tê tái khi 35 năm sau ngày đất nước thống nhất, các thiếu nữ xinh đẹp của chúng ta vẫn phải sắp hàng chờ làm dâu xứ người, những chàng trai lực điền vạm vỡ vẫn lũ lượt đợi tới phiên đi xuất khẩu lao động. Tất cả cũng vì kế sinh nhai, vì mộng tưởng thụ hưởng vật chất đủ đầy dư dả hơn cho mỗi ngày thường. Với Ngô Thảo, đấy chính là đề tài ngồn ngộn cho những người sáng tác, nỗi nhức nhối đang cần sự giải mã của các văn nghệ sỹ trong bối cảnh hòa bình.
Chỉ 20 năm làm lính, nhưng chất lính còn theo Ngô Thảo đến tận lúc này. Phản đối sự lề mề chậm trễ, không bao giờ đến trễ bất kỳ một cuộc hẹn nào dù là chơi bời hay công việc, yêu ghét rõ ràng, không giấu giếm, Ngô Thảo chưa bao giờ biết diễn trong văn chương và giữa cuộc đời. Ông ghét sự giả dối, lật lọng, và đúng là nhớ dai đến "kinh điển" những chuyện cả nên lẫn không nên của nhiều ngày hôm qua.
Chất lính, cũng khiến ông, ẩn sau vẻ bề ngoài bệ vệ, sang trọng là trái tim đa cảm mềm yếu đến bất ngờ. Dễ khóc, dễ rơi nước mắt, cũng dễ phẫn nộ trước nhiều va đập của đời thường, ông lúc nào cũng chuốc lấy nỗi lo, những người xung quanh mình có thể sẽ khốn khó, có thể sẽ cơ cực và thậm chí, có thể sẽ sa ngã nếu ông không dành cho họ sự quan tâm nhanh nhất.
Giữa đám đông tiệc tùng ồn ào những nâng lên đặt xuống, Ngô Thảo lại rút tiền trong ví, "lén lút" ấn vào tay một bạn văn nào đó đang cơn hoạn nạn hoặc thiếu thốn đời thường. Giúp người, nhưng luôn giấu không để một ai nhận diện, sợ lại vô tình gây tổn thương cho những bằng hữu vốn nhạy cảm, cả nghĩ.
Tốt tính đến kỳ lạ, thảo tính cũng ít ai bì, Ngô Thảo, dẫu nhiều năm là người của sân khấu, đảm đương trọng trách bên Hội Nghệ sỹ sân khấu, vẫn luôn tự coi mình là người lính, "người trong cuộc" giữa những nhà văn mặc áo lính, bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Người đặc biệt, nên ở đâu ông cũng có người quen, đi dọc dài đất nước từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, dừng bất cứ địa danh nào nhấc điện thoại réo rắt vài cuộc, bạn bè cũng đã liên hồi ập đến. Đấy chính là phúc phận mà ông dành cho gia đình, một gia đình toàn người giỏi giang tháo vát, thành danh không kém gì ông, tất nhiên ở những lĩnh vực khác