Nhà văn Nga A.Solzhenitsyn, giải Nobel Văn chương 1970: Không yêu nước mình thì không thể vĩ đại

Thứ Hai, 28/04/2014, 16:48
Không được đề cao, thậm chí bị bài xích ở Liên Xô cũ trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước nhưng Aleksandr Solzhenitsyn trong thời “hậu Xôviết” đã được ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất nước đánh giá là một nhà văn lớn. Thế nhưng, trong cách nhìn của xã hội Nga, ông vẫn là một nhân vật gây tranh cãi. Không ít trí giả Nga cho rằng, Solzhenitsyn lại chính là thủ phạm của việc bóp méo sự thật lịch sử và vì thế, đã có không ít những trang viết dẫu tài hoa nhưng đi ngược lại quyền lợi đích thực của dân tộc Nga.

Trang web Pravda.ru mới đây đã nhắc lại sự việc xảy ra cách đây 42 năm. Ngày 4/4/1972, Moskva đã từ chối cấp visa nhập cảnh cho đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển vào Liên Xô để trao cho Solzhenitsyn giải Nobel Văn chương (giải thưởng này được quyết định trao cho ông từ năm 1970 nhưng năm đó nhà văn không sang Stockholm nhận vì sợ sẽ không được quay trở về tổ quốc...). Phải tới tháng 3/1974, Solzhenitsyn mới cùng gia đình được phép xuất cảnh đi cư trú tại nước ngoài. Mãi tới năm 1990, Solzhenitsyn mới được khôi phục lại quốc tịch cũ và tới cuối tháng 5/1994, đã cùng gia đình trở về Nga. Ông mất ngày 3/8/2008 tại Moskva...

Mặc dầu đại diện chính thức của bộ máy quyền lực Nga hiện đại đã không tiếc lời ca ngợi Solzhenitsyn nhưng một bộ phận không nhỏ người dân Nga vẫn tiếp tục đánh giá ông trong những hoài nghi sâu sắc. Một trong những lý do để bộ phận xã hội này của nước Nga không công nhận Solzhenitsyn là những chỗ trống bí ẩn trong hành trình sống và sáng tác của nhà văn. Cũng trên trang web Pravda.ru, tác giả  Aleksandr Shorokorad đã viết: “Cuộc sống của Solzhenitsyn chỉ toàn những điều bí ẩn. Hãy thử bắt đầu với vết sẹo, nằm nghiêng một chút qua trán về phía mũi. Vết thương ngoài chiến trường hay dấu vết của những trận đòn ở Lubyanka (trụ sở cơ quan an ninh Liên Xô cũ)? Tác giả chuyên viết tiểu sử Solzhenitsyn là Rzhezach khẳng định, đó là vết tích của cú đấm mà một cậu bạn cùng lớp học hồi bé đã giáng vào vì những lời phát ngôn bài Do Thái của Solzhenitsyn. Tác giả Rzhezach đã nói dối ư? Nếu thế thì tại sao bản thân Solzhenitsyn cũng như gia đình ông không bao giờ bác bỏ thông tin đó và cũng chưa từng đưa ra giả thuyết nào khác? Và cũng phải nói rằng, cả khi bị giam cầm trong tù cũng như lúc ở trại tập trung, Solzhenitsyn chưa hề bị ai chạm tới dẫu chỉ một sợi lông chân...”.

Trang web Pravda.ru cũng đặt ra câu hỏi về một chi tiết khác trong tiểu sử của Solzhenitsyn: Tại sao cơ quan chống gián điệp của chính quyền Xôviết ngày 9-2-1945  đã bắt giam đại úy Hồng quân, khẩu đội trưởng  khẩu đội tình báo âm thanh Solzhenitsyn và đưa đến tống giam vào Lubyanka? Solzhenitsyn kể rằng, sở dĩ ông bị bắt giữ là vì trong thư gửi cho gia đình ông đã phê phán nhà lãnh đạo Stalin và chế độ Xôviết. Xin lỗi! Là một đại úy, làm sao Solzhenitsyn lại không biết rằng ở thời đó, thư từ chiến trường gửi về hậu phương đều bị cơ quan kiểm soát quân sự thanh lọc? Chẳng lẽ biết rồi mà đại úy Solzhenitsyn vẫn bạo phổi làm một việc tự sát như thế ư?! Không ngẫu nhiên mà giả thuyết Solzhenitsyn đưa ra để lý giải nguyên do khiến ông bị bắt giữ đã bị ngay cả những người chuyên viết tiểu sử cho ông, như tác giả L.A. Samutina, rất hoài nghi về tính chân thực...

Ngày 7/7/1945, Solzhenitsyn đã bị kết án tại một cuộc họp đặc biệt với mức 8 năm trong các trại lao động và  phải sống lưu đày sau khi hết thời hạn này tới cuối đời, theo đúng các điều khoản của luật hình sự thời đó. Từ tháng 8/1945 đến tháng 7/1947, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, Solzhenitsyn đã bị chuyển từ trại giam giữ này sang trại giam giữ khác tới 5 lần! Vì vậy, tháng 9/1946, Solzhenitsyn được đưa đến phòng thiết kế bí mật tại nhà máy động cơ máy bay ở Rybinsk. Năm tháng sau đó, vào tháng 2/1947 - lại được chuyển tới phòng thiết kế bí mật ở  Zagorsk,  rồi tới ngày 9/7/1947 - tới phòng thiết kế bí mật ở Marfino... Không ai rõ  một người với học vấn chỉ là giáo viên toán phổ thông như Solzhenitsyn đã làm gì ở những phòng thiết kế bí mật này. Cũng phải nói rằng, ở một trong những phòng thiết kế bí mật đó tại Marfino đã chế tạo những hệ thống thông tin liên lạc bí mật và cả những vali đựng bộ điều khiển vũ khí hạt nhân sau này của các Tổng thống Nga...

Solzhenitsyn không bao giờ hé lộ vai trò của ông trong các quan hệ với cơ quan an ninh Xôviết. Nhưng nếu không có những mối quan hệ mật thiết thì có lẽ ông khó có thể có mặt ở những cơ quan tối mật như thế với một học vấn hoàn toàn xa lạ... Có lần, Solzhenitsyn tiết lộ rằng ông đã nhận lời làm “thông tín viên” của KGB nhưng lại chưa hề viết bản báo cáo nào cho cơ quan này...

Ngay cả trong giai đoạn Solzhenitsyn đã sang phương Tây cư trú, trong tiểu sử của ông cũng vẫn tồn tại những khoảng trống khó hiểu. Thực sự người ta không hiểu là ông cùng gia đình đã sống ở đó bằng những nguồn tài chính nào. Trang web Pravda.ru cho rằng, với số lượng sách đã được phát hành ở phương Tây, Solzhenitsyn chỉ có thể thu về những khoản nhuận bút rất nhỏ nhoi và phải sống trong những điều kiện cực kỳ tùng tiệm. Thế nhưng, nhà văn ở phương Tây đã có được một đời sống vật chất trên cả sang trọng, mặc dù ngoài việc viết văn ông không làm thêm ở bất cứ đâu. Hơn thế nữa, vào năm 1976, Solzhenitsyn đã mua được cả một trang trại đắt tiền rộng tới 50 mẫu Anh(!) ở Vermont. Cùng với trang trại đó ông còn mua cả  một ngôi nhà gỗ lớn với đồ nội thất và các thiết bị khác. Cạnh ngôi nhà gỗ còn xây dựng cả một văn phòng viết văn cho ông là một ngôi nhà lớn ba tầng cùng nhiều công trình tiện ích khác...

Trang web Pravda.ru cũng tiết lộ, là ở  phương Tây, các con trai của Solzhenitsyn  đã được theo học tại các trường tư đắt tiền. Nhà văn đã duy trì được một bộ máy khá đông nhân viên. Đương nhiên, số lượng các nhân viên đó và mức lương phải trả cho họ đã được giữ bí mật.
Phải chăng ở phương Tây Solzhenitsyn đã được những người Nga giàu có lưu vong ở đó giúp đỡ? Hoàn toàn không. Trái lại, các hoạt động của nhà văn trong thời gian đó cho thấy, ông bỏ ra khá nhiều tiền để tham gia vào các hoạt động chính trị, chủ yếu theo hướng chống lại tổ quốc đang sống trong chế độ Xôviết của ông.  Làm sao mà Solzhenitsyn lại có đủ tiền cho những hoạt động như thế? Phải chăng lấy từ số tiền kèm theo giải Nobel Văn học mà ông đã được trao? Không thể như thế vì thực ra trị giá thành tiền của giải Nobel Văn học đâu có nhiều. Từ đây có thể hiểu, ở phương Tây, Solzhenitsyn đã có nhiều hoạt động bí mật khác ngoài văn học để có được nguồn  thu như đã chi tiêu...  Và những hoạt động này là gì nếu không để chống lại nước Nga của ông?

Đấy là về mặt hoạt động thực tế. Còn về tư tưởng của Solzhenitsyn thì sao. Trang web Pravda.ru viết: “Tháng 5/1974, Solzhenitsyn cho biết: Tôi sẽ đi đến Hoa Kỳ, sẽ nói chuyện tại Thượng viện, tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống, tôi muốn tiêu diệt Fulbright và tất cả các thượng nghị sĩ khác có ý định tìm đường đi tới thỏa hiệp với những người cộng sản. Tôi cần phải làm sao để người Mỹ gia tăng áp lực tại Việt Nam... Đấy, chính Solzhenitsyn đã đề nghị “để tăng áp lực”. Để sát hại thêm vài triệu người Việt Nam hay khai hỏa cho một cuộc chiến tranh hạt nhân?  Không nên quên rằng ở Việt Nam đã từng có tới hơn 60 ngàn quân nhân Xôviết và hàng trăm chuyên gia dân sự Liên Xô từng tham gia...

Solzhenitsyn từng chúc mừng viên tướng độc tài Augusto Pinochet, người đã tiến hành cuộc đảo chính đẫm máu ở Chile và giết hàng ngàn người dân vô tội mà không qua xét xử tại các sân vận động ở thủ đô Santiago. Solzhenitsyn cũng từng gửi lời chia buồn “chân thành” trước cái chết của nhà độc tài phát xít Franco và kêu gọi nhà chức trách mới ở Tây Ban Nha không vội vàng với việc dân chủ hóa đất nước...

Solzhenitsyn từng không chỉ một lần tỏ ra giận dữ và lên án các Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford vì những hỗ trợ và  nhượng bộ đối với Liên Xô. Theo nhà văn người Nga này thì dường như Washington đã “không tích cực can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô”, “bỏ rơi người dân Xôviết cho số phận tùy nghi dày vò”.

Sau khi được khôi phục lại quốc tịch Xôviết năm 1990 và kèm theo là chấm dứt vụ án hình sự, Solzhenitsyn cũng được trao giải thưởng Nhà nước của Cộng hòa Liên bang Nga cho tiểu thuyết Quần đảo GULAG. Theo lời thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Vyacheslav Kostikov, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Boris Yeltsin sang Mỹ năm 1992, ngay lập tức sau khi đặt chân tới Washington,  ông  Yeltsin đã gọi điện cho Solzhenitsyn  từ khách sạn và đã có một cuộc trò chuyện khá dài với nhà văn về nhiều chủ đề, trong đó có chuyện liên quan tới quần đảo Kuril (đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Moskva với Tokyo). Và ý kiến mà nhà văn lưu vong nêu ra đã gây bất ngờ và sốc cho nhiều người. Khi đó, Solzhenitsyn đã nói: “Tôi đã nghiên cứu tất cả lai lịch của các hòn đảo đó từ thế kỷ XII. Chúng không phải là của chúng ta. Chúng ta phải trả cho họ thôi. Nhưng phải theo giá cao...”.

Phải chăng lúc đó Tổng thống Yeltsin và các nhà báo đã không hiểu đúng lời nói của “nhà văn ái quốc” Solzhenitsyn? Than ôi, khi trở về Nga, Solzhenitsyn đã không hề chối bỏ bất kỳ chữ nào từ những lời ông  ấy đã nói trước đó. Solzhenitsyn đã viết trong Quần đảo GULAG và ở các chỗ khác nữa rằng, đã từng có tới 60 triệu tù nhân bị giam cầm ở đó, thậm chí là cả trăm triệu... Nhưng khi trở về tổ quốc rồi, hẳn ông ấy đã có thể biết được từ các nguồn thông tin chính xác đã được giải mật rằng ở Liên Xô trước kia, từ năm 1918 tới năm 1990 chỉ có khoảng 3,7 triệu người Xôviết bị bắt giữ vì lý do chính trị... Nhà bất đồng chính kiến Jaures Medvedev, người đã viết về con số này ở mức khoảng 40 triệu, về sau đã công khai thừa nhận sai lầm của mình và đưa ra lời xin lỗi. Riêng Solzhenitsyn thì lại không làm như thế...”.

Theo quan điểm của trang web Pravda.ru, nhà văn, cũng như bất kỳ công dân nào khác, có quyền phản đối chính quyền đương nhiệm. Nhưng không bao giờ được đứng về phía kẻ thù của Tổ quốc mình. Pushkin đã viết những bài thơ xúc phạm Sa hoàng Alexandr I và bị lưu đày. Dostoevsky đã tham gia vào âm mưu chống chính phủ Sa hoàng và vào tù. Nhưng vào năm 1831, Puskin đã không ngần ngại viết chống lại “những kẻ vu khống nước Nga” và Dostoevsky đêm trước của cuộc chiến tranh năm 1877 đã viết một bài báo về việc: “Và một lần nữa cần phải nói rằng, Constantinople sớm hay muộn nhưng rồi cũng lại phải là của chúng ta...”. Chính vì thế không thể để những nhà văn không yêu Tổ quốc mình như Solzhenitsyn được phong tặng danh hiệu vĩ đại như các bậc tiền bối...

Dương Hùng Quân
.
.