Nhà văn Mỹ Michael Crichton: Đi lên từ những nỗi đau

Thứ Năm, 08/09/2011, 14:55
Mùa thu năm 1992, Michael Crichton, lúc đó đã là một tác giả kịch bản phim có danh có giá ở Hollywood, một hôm trở về nhà sớm hơn thường lệ. Và anh đã sững sờ khi nhìn thấy tận mắt cảnh người vợ mà anh vô cùng yêu quý đang mây mưa trên giường với viên đại lý của anh.

Nỗi đau đớn vì bị cắm sừng lớn đến mức ngay tối hôm đó Crichton đã quyết định nuốt cả nắm thuốc ngủ để tự vẫn. Tuy nhiên, nhờ những người hàng xóm tốt bụng và cảnh giác nên mưu toan chia tay thế giới của Crichton đã bị phát hiện kịp thời.

Chính trong thời gian nằm trên giường bệnh, Crichton mới nảy ra ý tưởng thiên tài: viết một kịch bản phim nhiều tập về các bác sĩ và nhân viên ở phòng cấp cứu trong một bệnh viện bình thường. Và thế là một tác phẩm ăn khách thượng thặng đã ra đời, đưa tác giả kịch bản lên một tầm cao mới để từ đó anh trở thành một trong những tên tuổi sáng chói nhất trong làng văn Mỹ quốc.

Kiên trì một lối

Michael Crichton sinh ngày 23/10/1942 ở Chicago (bang Ilinois) nhưng lại lớn lên ở khu ngoại ô Long - Island, Rosly, New York. Cha anh từng làm ở một tạp chí, còn mẹ nội trợ tại gia. Crichton là một trong bốn người con (hai trai, hai gái) của họ.

Thuở nhỏ, Michael từng học ở Trường Trung học Roslyn. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học ở mức  trung bình, Crichton quyết định đổi lĩnh vực quan tâm và chuyển sang nghiên cứu nhân chủng học ở Cambrige (Anh). Trở về Mỹ, Crichton lại tìm cách đổi nghề và đi học làm bác sĩ tại Khoa Y - Đại học Harvard.

Tốt nghiệp bác sĩ năm 1969, Crichton vào làm việc trong một thời gian ngắn tại Viện Nghiên cứu Sinh học Jonas Salk ở La Jollia, California nhưng dứt khoát không chịu đi hành nghề y vì ngay từ khi ngồi trên giảng đường y khoa, anh đã bắt đầu viết văn.

Năm 14 tuổi, Crichton đã có tác phẩm để bán cho tờ New York Times. Đó là những ghi chép trên đường đi, đơn sơ nhưng cũng tương đối hấp dẫn. Khi vào học ở Khoa Văn, anh bắt đầu viết những tác phẩm chững chạc hơn. Tới giữa những năm 60, để có tiền ăn học, Crichton đã viết những tiểu thuyết cảnh sát và cho in với bút danh Jeffrey Hudson và John Lange.

Một trong số những tiểu thuyết này, nhan đề Trong trường hợp cần thiết đã được nhận giải thưởng có uy tín dành cho các tác phẩm trinh thám "Edgar" (mang tên nhà văn Mỹ nổi tiếng Edgar Poe) năm 1968. Một tiểu thuyết khác, Phương tiện tuyển chọn (1968), đã trở thành tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên của Crichton và cũng là một tiểu thuyết trinh thám khoa học viễn tưởng kinh điển.

Nhưng phải tới tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên mà Crichton ký bằng tên thật Dấu ấn của Tinh vân Tiên nữ (1969) thì nhà văn mới có thể được coi là đã thành công. Năm 1971, tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim.

Làm gì cũng giỏi

Đầu những năm 70, Crichton đã quay sang viết kịch bản phim nhiều hơn rồi thử sức cả trong việc dựng phim. Bộ phim thứ năm mà Crichton làm đạo diễn Thế giới miền Tây hoang dã đã thu được những thành công nhất định. Trong phim này những con người của tương lai đã đi nghỉ tại một công viên khổng lồ tương tự như Disneyland, nơi tái hiện lại tất cả các thời đại đã qua nhưng thay vào con người thật chỉ là những robot y chang người thật.

Và một trong những chàng chăn bò robot bị sự cố kỹ thuật nên đã săn đuổi con người. Cuộc đọ sức giữa robot và con người đã tạo thành cốt truyện chính của phim. Thêm vào đó, trong chính bộ phim này Crichton đã là một trong những đạo diễn đầu tiên ở Hollywood sử dụng biện pháp số hóa hình ảnh để tạo nên những hiệu quả đặc biệt.

Nhưng danh tiếng toàn cầu chỉ tới với Crichton năm 1993 sau siêu phẩm dựa theo tiểu thuyết Công viên kỷ Jura. Chính thành công này đã khiến công chúng lại tìm tới những tác phẩm văn học cũ hơn của Crichton. Bản thân tiểu thuyết Công viên kỷ Jura trong năm 1993 đã liên tục trụ ở trong danh sách những tác phẩm best-seller phát hành lên tới gần 7 triệu bản. Cũng trong năm này, Crichton được công nhận là nhà văn được phổ biến nhất ở Mỹ.

Tới đầu năm 1998, Michael Crichton được xếp ở vị trí thứ tư trong danh sách những nhân vật giàu nhất làng nghệ thuật giải trí (102 triệu USD). Tới thời điểm đó, tổng số sách đã bán được của anh lên tới hơn 100 nghìn bản.

Ngoài ra, bộ phim truyền hình nhiều tập ăn khách nhất từ trước tới nay Cấp cứu đã hoàn thành dựa theo kịch bản của Crichton được viết trong giai đoạn anh bị phụ tình. Phim này đã được nhận tới 14 giải Emmy, giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực truyền hình.

Crichton từng là lãnh đạo công ty sản xuất hỗ trợ chương trình FilmTrack. Tới cuối những năm 90 của thế kỷ trước, anh trở thành người sáng lập Hãng Timeline Studios chuyên về sản xuất các trò chơi điện tử dựa trên chính cốt truyện các tiểu thuyết của anh.

Nhà văn cũng thổ lộ rằng trong gần hai thập niên, anh rất mê hình thức giải trí này và điều này không thể không ảnh hưởng tới sáng tác của anh.

Tính tới nay, sách của Michael Crichton đã được bán khắp thế giới với số lượng lên tới hơn 150 triệu bản. Nhiều cuốn đã được dựng thành phim. Năm 1994, Crichton là nhà văn duy nhất có tác phẩm "hot" bậc nhất cả ở trên màn ảnh nhỏ (phim truyền hình nhiều tập Cấp cứu), cả ở trên màn ảnh lớn (phim Công viên kỷ Jura) và cả trong lĩnh vực sách in (tiểu thuyết Vạch mặt).

Các tác phẩm văn học của Crichton thuộc dạng pha trộn của thể loại hành động với sát nhân kỹ thuật mà trong đó xảy ra rất nhiều thảm họa do sai lầm của con người khi tiếp cận với những siêu kỹ thuật mới, đặc biệt là với các kỹ nghệ sinh học. Cốt truyện nhiều cuốn sách diễn ra trong thế giới y học hoặc khoa học, bộc lộ quá khứ của chính tác giả.

Michael Crichton từng là chuyên viên trong lĩnh vực máy tính và tác giả của một trong những cuốn sách phổ biến kiến thức khoa học đầu tiên về kỹ thuật số Đời sống điện tử: Computer suy nghĩ như thế nào (1983). Anh cũng từng là người thiết kế nên trò chơi điện tử "Amazon" (1984) và "Mũi tên thời gian" (2000).

Crichton sưu tập các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, từng viết một nghiên cứu nghiêm túc về đại diện nổi bật của nghệ thuật đại chúng Jasper Johns. Năm 1988, anh xuất bản cuốn tiểu thuyết tự thuật Những chuyến đi kể về các chuyến chu du thiên hạ của mình tới Băng Cốc (Thái Lan), Malaysia, Pakistan, núi Kilinmanjano (Tanzania), Jamaica, New Guinea. Anh cũng thường xuyên đăng các bài viết về khoa học trên các tạp chí và tuyển tập khác nhau.

Michael Crichton từng tham gia thử nghiệm ngoại cảm, tập dùng ý nghĩ để bẻ cong thìa và thậm chí từng tiến hành các ca xua đuổi tà ma!

Đời tư không bình lặng

Cho tới cuối đời, Crichton sống ở Santa - Monica, thành phố nằm ở phía tây Los Angeles, bang California. Anh từng ba lần lấy vợ: Joan Radam (từ 1965 tới 1970), Kathy St. Johns (1978-1980) và Anne - Marie Martin (1987-2003). Người vợ thứ ba, nữ nghệ sĩ Anne - Marie Martin, là người đã phụ tình anh nhưng cũng là mẹ của cô con gái duy nhất của anh, Taylor Anne, sinh năm 1988...

Có lẽ chính vì đứa con thơ nên Crichton đã "ngậm bồ hòn làm ngọt" nhiều năm liền và chỉ tới năm 2003, khi đã mơ hồ cảm thấy trong mình đang bị hoành hành ngày một mạnh hơn bởi căn bệnh ung thư, Crichton mới quyết định chia tay hẳn với Anne - Marie Martin… Khi ấy, Taylor Anne đã ở tuổi 15.

Crichton mất vì bệnh ung thư ngày 4/11/2008 ở Los Angeles. Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg nhận xét: "Kích cỡ tài năng của Crichton cũng lớn như kích cỡ của các chú khủng long trong Công viên kỷ Jura. Anh ấy là người vĩ đại nhất trong các môn khoa học tổng hợp với những luận điểm nghệ thuật trình diễn lớn cho phép khủng long "tái sinh" trên trái đất.  Michael là một người tốt bụng, thể hiện được phần sáng chói của mình trong tiểu thuyết. Không có ai không khi nào có thể thay thế vào chỗ của anh ấy được".

John Wells, nhà sản xuất phim Cấp cứu đánh giá: "Michael Crichton là một con người xuất chúng. Sáng chói, ngộ nghĩnh, bách khoa, duyên dáng và luôn luôn giàu suy nghĩ. Không một bữa ăn nào với Michael lại không kéo dài hơn ba giờ và không một đồ vật nào lại tẻ nhạt tới mức mà anh ấy không để ý đến. Những vấn đề về giới, các câu hỏi y khoa và khoa học, ngành nhân chủng học, khảo cổ học, kinh tế học, thiên văn học, vật lý quang học và sinh học nguyên tử luôn luôn là những chủ đề thường nhật để thảo luận".

Jeff Zucker, Chủ tịch Hãng NBC thì nhận xét: "Một con người từ thời Phục hưng sống ở ngày hôm nay. Anh ấy đã là nhà vật lý, nhà văn, đạo diễn và nhà sản xuất phim - ít có ai làm nhiều việc mà lại tốt như anh ấy. Là người tạo nên và sản xuất phim Cấp cứu, anh ấy đã giúp làm thay đổi gương mặt của phim truyền hình".

Rey Bradbury, nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng đã tỏ ra tiếc nuối "Anh ấy đã là một người tốt. Và đã mất quá sớm. Quá sớm…"

Khánh Thiện
.
.