Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, giải Nobel Văn học: Cá tính mạnh nhưng trái tim mỏng mảnh

Thứ Tư, 06/08/2014, 07:30
Mặc dù qua đời đã 53 năm (ngày 2/7/1961), nhưng cho tới hôm nay, Ernest Hemingway vẫn còn rất thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ ở riêng nước Mỹ. Cho tới hôm nay, ngay cả sau khi sách báo viết về ông đã lên tới con số hàng chục nghìn, người ta vẫn tò mò muốn biết thêm về đời tư của ông. Ông vẫn có vô số người bắt chước, cả nghiêm túc lẫn không quá nghiêm túc. Nhiều cây bút văn học ở Mỹ tới nay vẫn còn cảm thấy sự ảnh hưởng to lớn của phong cách Hemingway đối với mình.

Và mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật ông (21/7) hàng năm vẫn có vô số những hoạt động hướng về tác giả của những “Giã từ vũ khí” (1929), “Chuông nguyện hồn ai” (1940), “Ông già và biển cả” (1952)... Mới đây nhất, đầu tháng 5 vừa qua, các nhà làm phim ở Hollywood đã thông báo rằng họ sẽ bắt tay vào thực hiện thêm một bộ phim mới về Hemingway  và các cảnh quay sẽ được thực hiện ở ngay Cuba, nơi ông đã tự sát...

Không ngừng náo động

Cuộc sống mà Hemingway đã trải qua được các nhà viết tiểu sử của ông gọi là “cuộc nổi loạn không ngừng” để chống lại thành phần xuất thân và cách giáo dục tiểu tư sản của gia đình. Ông là con trai của một bác sĩ và lớn lên ở khu ngoại ô Chicago trong môi trường mà phụ nữ chiếm đa số và ưu thế. Mẹ nhà văn tương lai từng nhiều năm bắt cậu con trai phải mặc đồ mà các chị gái đã để lại. Bà còn buộc cô chị  Marcelline phải đi học muộn một tuổi để cùng tới lớp một với cậu em trai Ernest  như một cặp song sinh. Năm 15 tuổi, nhà văn tương lai đã bỏ trốn khỏi nhà nhưng rồi đã phải quay về để học nốt trung học.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất mà Hemingway đã tham gia với vai trò một lái xe cấp cứu, ông đã sang Paris công cán với tư cách một nhà báo. Chính ở “kinh đô ánh sáng”, Hemingway đã rèn giũa phong cách sáng tạo độc đáo của mình và giành được thành công văn học  đầu tiên. Lọt vào được tâm điểm chú ý của dư luận, ông đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng, củng cố và phát triển hình ảnh của mình trong công chúng như một người lính và phóng viên chiến trường, dũng cảm, ham thích mạo hiểm, mê quyền Anh, câu cá, săn bắn và xem đấu bò tót...

Sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1960, Hemingway đã trở về Ketchum, bang Idaho. Nhưng cho tới cuối đời, ông vẫn rất yêu trang trại mà ông đã để lại ở Cuba. Chính ở giai đoạn đó, ông đã bị khủng hoảng tinh thần nặng nề và gần như không sáng tác được thêm gì nữa. Hemingway đã phải hai lần vào Bệnh viện Mayo trị bệnh tâm lý. Trở về nhà sau hai ngày của lần chữa bệnh thứ hai, ông đã dùng súng săn tự sát...

Hemingway đã cố gắng làm tất cả mọi việc để tôn tạo hình ảnh mình như một người tình vĩ đại. Ông đã từng không chỉ một lần khoe trong các bài phỏng vấn về việc thời trẻ ở Paris, tâm tính của ông nồng nhiệt đến mức ông có thể yêu tình nhân tới ba lần một ngày, thậm chí phải uống cả thuốc giảm cường độ nam tính mới yên tâm để ngồi sáng tác. Trong khi đó thì theo lời kể của cha mẹ nhà văn, Hemingway bắt đầu hò hẹn với bạn gái ở độ tuổi khá muộn, khi đã học ở lớp cuối  cấp trung học. Có lần Hemingway đã so sánh việc yêu đương của ông như đi xe đạp và bảo, càng làm nhiều thì càng trở nên thiện nghệ hơn... Nhà văn là người có tính gia trưởng rất nặng trong quan hệ với những người phụ nữ yêu quý của mình. Ông đã luôn cho rằng, giới mày râu phải điều khiển tiến trình diễn ra các quan hệ thể xác. Ba trong số bốn người vợ của ông đã đồng tình với ý kiến này nhưng chỉ có người vợ thứ ba, Martha Gellhom đã kịch liệt phản đối. Sau này chính bà Gellhom đã nói rằng, “bố” Hemingway chẳng có phẩm chất gì khác ngoài việc viết văn hay... Về phần mình, Hemingway sau này cũng nói rằng, cuộc hôn nhân giữa ông với Gellhom là “sai lầm lớn nhất trong đời”...

Cần cù bù mọi thứ

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng toàn thế giới, Hemingway nhiều năm hành nghề báo. Lối tư duy và làm việc của một phóng viên bẩm sinh đã khiến cho ngòi bút của ông trở nên khác lạ, gần như trở thành đặc trưng cho phong  cách tiểu thuyết thời hiện đại, vô cùng gần gũi với báo chí.

Có lần Hemingway đưa cho nhà báo Nga Henryk Borovik, một người bạn của ông, xem tờ giấy trong đó có ghi những hàng chữ số. Với vẻ rất nghiêm túc, ông nói rằng đấy là bảng thống kê của ông - cuối mỗi ngày (Hemingway làm việc hàng ngày từ 5 giờ sáng tới 1 giờ chiều), ông đếm xem mình đã viết ra được bao nhiêu chữ. Trung bình mỗi ngày Hemingway viết được khoảng 700-800 từ tiếng Anh. Cũng có một ngày ông chỉ viết được 208 chữ - bên cạnh con số thống kê này ông ghi: “Có những lá thư vụ việc cấp thiết”. Ông tự bào chữa cho mình trước bản thân! Như ông tự nhận xét, ông từ lâu “đã bán mình cho nề nếp kỷ luật cá nhân”. Không gì có thể bắt ông không làm việc. Ngay trong thời gian chiến tranh ở Tây Ban Nha, ông vẫn ngồi một mình ở Madrid trong khách sạn vắng hoe để đều đặn viết bài cho chuyên mục thường kỳ “Cột thứ năm”.

Sự thật nghệ thuật cao hơn

Từng có hai nhà báo Pháp tung ra giả thuyết, Gregoryo Fuentes, một người đánh cá ở làng chài Kojima (Cuba) đã kể lại cho Hemingway cốt truyện Ông già và biển cả. Tuy nhiên, sau khi tác phẩm này được hoàn thành, nhà văn lại quên đi nguyên mẫu của mình. Fuentes về sau gần như trở thành một VIP của làng chài. Ông cụ tham gia vào đủ các hoạt động tưởng niệm Hemingway sau khi nhà văn đã mất. Fuentes qua đời ngày 14/1/2002, ở tuổi 105.

Hemingway có vẻ như không đồng tình với việc Fuentes cứ khăng khăng nhận mình là nguyên mẫu cho nhân vật chính trong Ông già và biển cả. Theo chứng nhận của nhà báo Borovik, dường như Hemingway từng nhận xét về Fuentes như sau: “Tay đánh cá ấy nói bá láp đấy. Ông ta làm nghề chài lưới kém lắm. Tôi có lấy của ông ta một chữ nào đâu. Ông ta vì muốn có được vài ba đô của mấy phóng viên nên cứ tự nhận mình là nguyên mẫu Ông già trong truyện của tôi”.

Theo lời kể của Borovik, Hemingway đã nói rằng: Ông già và biển cả là tác phẩm duy nhất mà ông đã viết xong rất nhanh và rất dễ dàng:

- Tôi không nhớ là đã mất mấy ngày, nhưng tôi viết lẹ lắm. Nhưng trước đó tôi đã nghĩ về cốt truyện này cả 13 năm. Khi vụ việc xảy ra ở làng chài Kojjima, tôi quyết định viết truyện ngắn. Tuy nhiên, tôi đã hiểu ngay rằng, sẽ không thành công nên quay sang tìm hiểu về làng chài đó. Điều này theo đúng lý thuyết của Stanislavsky: người diễn viên có nhiệm vụ nói hai câu thôi nhưng cần phải biết mọi điều xung quanh nhân vật của mình. Còn nguyên mẫu ư? Sự thật nghệ thuật phải mạnh mẽ hơn sự thật đời sống - nhà văn phải mang tất cả những “sự thật” mà anh ta đã nhận thấy ở cuộc đời, ghép kiến thức và quan sát cá nhân để tạo ra sự thật của mình.

Khi hay tin mình được trao giải Nobel Văn học nhờ tác phẩm Ông già và biển cả, nhà văn đã bật cười và kể lại rằng: sau khi tiểu thuyết Bên kia sông, dưới bóng cây của ông bị giới phê bình văn học đồng giọng chê bai, ông đã quyết định “lập thân tối hạ thị văn chương” và thề sẽ không viết thêm tác phẩm nào nữa. Tuy nhiên, vài năm sau đó, do quá túng thiếu và bị các chủ nợ truy nã, ông quyết định viết một truyện ngắn để kiếm tiền vượt khó. Thế là xuất hiện Ông già và biển cả. “Từ đó trở đi tôi  đã tự hỏi mình, có khi sự túng thiếu mới có thể tạo cho nhà văn đủ cảm hứng để viết nên những tác phẩm lớn?”.

Chân lý nằm trong rượu

Hemingway thích uống rượu. Ông giải thích: “Tôi ngồi vào bàn viết từ sáng. Rồi sau đó, để khỏi bị ám ảnh bởi những gì vừa viết, tôi bắt đầu uống rượu và chỉ như thế mới cảm thấy mình được nghỉ ngơi một chút. Chứ không thì có thể hoá dại khi ta cứ phải nghĩ về mọi việc tiếp diễn với các nhân vật, chàng sẽ nói gì và nàng sẽ đáp lại như thế nào...”.

Có lần Hemingway ngồi trong quán rượu cùng vợ. Bỗng có một phóng viên của một tạp chí Mỹ nào đó vào, trông thấy ông, hồ hởi tới mời ông cụng ly. Ông từ chối: “Không, tôi đang trong chế độ kiêng!”. “Sao lại kiêng, tôi thấy anh cũng đang cầm ly rượu cơ mà?”. Hemingway đáp: “Tôi có chế độ kiêng đặc biệt - tôi không uống rượu cùng những kẻ vớ vẩn!”. Tay phóng viên tím mặt không nói vì nhà văn không quên những “ân oán giang hồ” với những cây bút mà ông coi thường về nghề nghiệp và nhân cách...

Sống phải khoẻ

Sinh thời, Hemingway luôn luôn cố gắng tỏ ra ông là một nhân cách mạnh. Các nhân vật của ông cũng toàn những người rất có cá tính và mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể xác. Với Hemingway, có khoẻ mới đáng sống. Có lạc quan mới đáng sống. Nhưng cuối đời ông, mọi sự không còn như ý ông nữa. Ông có quá nhiều kẻ đố kỵ, vu cáo. Những vết thương cũ cũng làm cho ông khốn đốn. Vậy nên ý nghĩ tự sát đã ám ảnh ông. Có lần ông định nhảy ra ngoài máy bay nhưng may thay, cửa sổ không mở...

Mùa hè năm 1961, Hemingway đã bất ngờ tự sát bằng súng sau khi từ bệnh viện về. Cha ông cũng đã dùng súng tự sát  ở tuổi 40. Về sau, cháu  gái ông, Margaux, cũng tự sát, vào đúng ngày 2/7/1996. Dường như có một gen di truyền u ám nào đó…

Hoàng Long
.
.