Nhà văn Mạc Can: Như chú bé chưa khi nào ra khỏi thời thơ ấu

Thứ Ba, 11/08/2015, 06:29
Trong Đại hội Hội nhà văn Việt Nam vừa rồi, Mạc Can là nhà văn “đắt sô” chụp ảnh nhất. Ông đứng đâu ngồi đâu cũng có bạn bè xô tới, tíu tít chụp ảnh cùng. Thậm chí ông đang ăn trưa, ăn tối, cũng phải dừng lại chút chút “làm pô ảnh” kỷ niệm với bạn văn.

Vốn là một diễn viên, một nhà ảo thuật, nên chỉ cần người khác giơ chiếc máy ảnh hay điện thoại lên trước mặt, là Mạc Can “diễn”. Những biểu cảm đáng yêu trên khuôn mặt ông làm bạn bè thích thú, thấy gần gũi.

Buổi đầu tiên của Đại hội, thấy ông mặc chiếc áo đỏ có logo Hội Nhà văn, tôi bảo: “Nhìn chú mặc màu đỏ điệu quá”. Ông cười hề hề: “Tôi còn trẻ mà, mặc màu gì chả đẹp”. Mọi người cười lăn khi ông lão tuổi ngoài 70 làm bộ ngây thơ như con trẻ. 

Đọc ông nhiều, xem phim ông đóng từ lâu, nhưng phải đến kỳ Đại hội Hội Nhà văn lần này mới có cơ hội được gặp ông. Có thể nói, ông là nhà văn “dễ thương” nhất trong Đại hội. Buổi sáng trước khi bỏ phiếu bầu Ban chấp hành, ngoài hành lang thấy ông đứng chơ lơ, nép sau cánh cửa. Xin chụp cùng ông kiểu ảnh, tôi ghé tai hỏi: “Chú sẽ bỏ phiếu bầu những ai vào Ban chấp hành?”. Vẫn kiểu cười rất trẻ thơ, ông bảo: “Cái này tui không biết được. Toàn người giỏi giang, thì ai làm cũng được. Tui thì chỉ biết nhà văn qua đọc tác phẩm thôi, chứ mấy cái vụ bầu bán tôi không rành đâu”.

Đúng là Mạc Can không rành mấy vụ này thật. Ông chỉ thích làm một người nghệ sĩ, chỗ nào mời sắm vai đóng phim thì chạy tới, thấy hợp là gật đầu cái rụp. Diễn xong một vai về nằm khểnh, đợi ngày phim chiếu, xem lại cái hình của mình đi đứng nói năng trên màn ảnh có duyên không, có đủ hấp dẫn để được khán giả yêu mến, chờ đợi hay không. Những lúc không phim ảnh gì thì ông lang thang nghĩ ngợi vài ba cái cốt truyện, khư khư chiếc laptop trên tay, đợi cảm hứng đầy ắp thì ngồi xuống và viết. 

Mà viết thì gặp bất cứ chỗ nào cũng viết, không phòng điều hòa máy lạnh cây xanh ngoài cửa sổ, hay thơm nức mùi cà phê trong không gian riêng tư sang chảnh gì sất. Viết giữa công viên, viết trong đám đông ồn ào cơm áo, viết trong bệnh viện điều trị bệnh đau khớp hay đau dạ dày, viết giữa những giọt mồ hôi long tong chảy trên trán, trên cổ, trong cái oi bức của Sài Gòn nhiệt đới. Tôi hỏi thăm cái chân đau của ông dạo này ra sao, ông bảo, cũng tàm tạm. Cái dạ dày cũng yên yên. Tóm lại vẫn có đủ sức khỏe la cà ra tận Hà Nội, chứng kiến sự kiện được quan tâm nhất của giới cầm bút, đấy là Đại hội Hội Nhà văn. 

Nói chuyện nhân sự Đại hội, nhà văn Mạc Can không hào hứng. Ông bảo tui già rồi, cả đời không biết việc gì ngoài mấy việc mình thích. Tui đóng phim, làm xiếc, rồi một ngày đùng một cái mà viết văn. Viết văn thôi, chớ làm nhà văn thì xưa nay đâu dám màng. Nhà văn - danh xưng nghe nó ngại ngần quá. Chữ nghĩa của nả được mấy đâu mà dám đụng vào một cuộc chơi nguy hiểm trận đồ bát quái đó. Sợ chữ lắm chứ, không phải cứ viết bừa đi là ngon ăn đâu.

Tôi nhớ mãi câu chuyện về cậu bé Cang - nhân vật chính trong Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Chú bé là con của một gánh xiếc rong lênh đênh trên sông nước, rất giỏi màn phi dao ngoạn mục và nguy hiểm. Chú không được đến trường học, nên con chữ là cái gì đó thật xa vời. Đó là hình ảnh của “chú hề Mạc Can” thủa nhỏ. Ngoài nghệ thuật biểu diễn xiếc ra, chú xa lạ với mọi thứ. Rồi chú bé Mạc Can học lỏm con chữ từ lớp học bé xíu trong nhà thờ. 

Lớn lên làm bao nhiêu việc, lênh đênh qua bao bến nước cuộc đời, Mạc Can dường như vẫn nguyên vẹn là chú bé tự ti khi đứng trước hình ảnh những con chữ. Chưa từng ở đâu ông tự tin nói về vốn chữ phong phú của mình, dù cho độc giả khi đọc những trang viết của ông thừa nhận rằng ông là một nhà “ảo thuật chữ” chứ không đùa. 

Trong tinh thần của Mạc Can, không phải sự dồi dào chữ đã đẩy ông đến với văn chương, mà chính là thực tế phong phú của cuộc đời ông đã nếm trải, đã chiêm nghiệm giục giã ông cầm bút. Cứ như thể không viết thì không có cách nào mà trả nợ, hay trút bỏ những hiện thực ấy. Và một người hay nghĩ ngợi như ông thì không thể mãi để nó dằn vặt trong cõi lòng.

Mạc Can đã chọn trang giấy để kể lại đời sống mà ông như hòn sỏi đã lăn qua. Những thô nhám xù xì, những êm ả, những khổ đau bi lụy dường như đã nhờ chữ mà vơi nhẹ, mà thư thả hơn trong tâm hồn. Dù vậy, thì với Mạc Can, viết không dễ như người ta tưởng. Viết là vật lộn với chữ. Tôi từng đọc một bài báo kể lại Mạc Can thường gọi chữ theo cách âu yếm là “bé chữ”. Ông nâng lên đặt xuống “bé chữ” này “bé chữ” nọ, sắp đặt “các bé” vào một chỗ rồi thấy chưa ưng lại bỏ ra. 

Mỗi lần thay đổi chữ như vậy ông thường trò chuyện với chữ, xin lỗi vì hôm nay “ta” đã không dùng “con”. Chữ đối với ông là một linh hồn, một sinh linh, một cơ thể sống. Ông không bao giờ thô bạo, tàn nhẫn với chữ. Ông dường như thấm thía hơn các nhà văn khác việc mình phải vất vả long đong suốt thời thơ bé như thế nào để học lấy từng con chữ, và sau này chữ cho ông cơ hội quan trọng để trang trải những món nợ với cuộc đời dâu bể.

Đọc văn chương Mạc Can, dù tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn, người đọc đều có thể nhìn thấy rất rõ, ông không có bất cứ một tham vọng nào ở hình thức thể hiện. Cách ông kể một câu chuyện giản dị đời thường như cách chúng ta nói với nhau hàng ngày. Tuyệt nhiên không có sự lóng lánh trang sức hay cầu kỳ xiêm áo nào. Ông thường nhặt những “bé chữ” bình dân nhất có thể, để một người đạp xích lô ba gác, một người bán bánh mỳ hay một người công nhân có thể đọc và hiểu điều ông định nói. Nhưng khi gập mỗi cuốn sách của ông lại, ngẫm nghĩ, lại nhận ra chất “ảo thuật gia” trong nghệ thuật kể chuyện của Mạc Can. Cái chất “ảo thuật gia” ấy có được là bởi vốn sống khổng lồ mà ông chiêm nghiệm trên dài rộng cuộc đời, cho đến tuổi 60 là thời điểm ông bắt đầu cầu bút viết những trang văn đầu tiên. 

Thông thường khi người ta trẻ, vốn sống còn mỏng, còn ít, người ta hay cố gắng đi tìm những cách tân trong hình thức. Đôi khi sự làm xiếc về hình thức thể hiện của một vài nhà văn trẻ thực chất chỉ là cách che đi những thiếu hụt vốn liếng cuộc đời, để lừa mị độc giả. Mạc Can không cần vậy và không làm vậy. Ông biết mình không thể chơi trò làm xiếc chữ ngay ở giây đầu cầm bút viết văn và được độc giả thân mến gọi là “nhà văn trẻ”. Đó không đơn giản chỉ là sự “biết mình” ở ông, mà đó là tâm thế của một người đã có thể “tri thiên mệnh”, biết rằng mọi màu mè áo xống trên đời không thể lòe bịp được những độc giả thật của văn chương. Rằng cái đáy cuối cùng còn lại của người cầm bút, là vốn sống và tấm lòng với cuộc đời, với con người. Những cái gì thật nhất, con người nhất, sẽ chạm được vào trái tim độc giả.

Với cách ấy, Mạc Can đã viết văn không phải tâm thế của một người cố tình viết văn hay cố tình trở thành nhà văn. Ngay trong Đại hội Hội Nhà văn mà ông là đại biểu đi dự, ông vẫn sợ hai chữ “nhà văn”.

Ông nghĩ chữ đó không hợp với ông. Ông chỉ là một người cầm bút kể lại những rong ruổi đời mình rồi may (hay không may) được gọi là nhà văn theo nghĩa chuyên nghiệp của từ này. Ông không có bất cứ lý thuyết nào cho việc viết, không lớp lang này nọ, không tầm sư học đạo cao siêu. Người thầy lớn nhất của ông chính là cuộc đời. Những tuôn chảy trên trang viết, đó chính là sự tuôn chảy của cuộc đời, qua cây bút nhiều dằn vặt nỗi buồn nhưng thiếu tự tin của ông. Và qua cặp mắt nhìn đời sống ngồn ngộn trải nghiệm nhưng cũng vô cùng hồn nhiên thơ ngây của ông.

Mạc Can dường như không có một sự ăn nhập nào với không gian của những cuộc hội nghị hội thảo, hay những cuộc hội họp trang nghiêm này nọ. Ông cứ như một người lữ hành từ đâu đến, với vóc dáng nhỏ thó, cách ăn mặc xuề xòa, gương mặt giàu biểu cảm và nụ cười như chú bé chưa khi nào đi ra khỏi thời thơ ấu. Nhưng đọc mỗi trang viết của ông, thấy mình như mặt đất thẩm thấu nỗi buồn từ một cơn mưa rất nhẹ hạt mà dai dẳng. Những phận người trong Tấm ván phóng dao, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người nói tiếng chim bồ câu, Bầy mèo vô sinh… ám ảnh người đọc từ trang đầu tiên cho đến khi khép lại cả cuốn sách. 

Mỗi số phận một nỗi buồn, như thể cứ sinh ra làm người thì thượng đế đã ấn định một nỗi buồn trên trán vậy. Cảm giác đó đâu phải nhà văn cố tình tạo ra, mà dường như chính các nhân vật đã được sinh ra từ cảm giác đó. Mạc Can cũng vậy thôi, ông cũng là nhân vật được sinh ra bởi chính những con chữ của chính mình. Hỏi Mạc Can: “Sao chú viết gì cháu đọc cũng buồn quá vậy?”. Ông cười hiền lắm, bảo: “Nếu mà đời không buồn, mấy thứ văn chương nghệ thuật sinh ra làm chi”.

Quả có vậy, nhìn kỹ những tấm hình chụp Mạc Can, thấy trên gương mặt trẻ thơ của ông đâu thiếu dấu vết của nỗi buồn. Ngay cả nụ cười hồn nhiên ấy, ngẫm kỹ ra, cũng là dấu tích của buồn chứ. Bao nhiêu bài báo viết về cuộc đời ông, những thăng trầm ông đã trải, và cả một tuổi già cô đơn, ốm đau không tài sản ông đang sống, đang đối mặt, cho ta nhận diện một điều rất rõ và cũng rất đáng để suy ngẫm, rằng người nghệ sĩ già ấy, cuối cùng chỉ chọn niềm vui ở lại với mình mà thôi. Rằng, sau bao nhiêu buồn vui khổ nạn kiếp người, ông vẫn luôn giữ nụ cười thơ trẻ đó.

Hóa ra, Mạc Can không viết nỗi buồn lên giấy để trao tặng hay tống khứ nó đi, mà để chuyển hóa nó thành một trạng thái khác. Bạn đọc nếu đi qua nỗi buồn ấy, sẽ thấy mặt sau của nó là niềm thư thái, niềm an nhiên với cuộc đời.

Bình Nguyên Trang
.
.