Nhà văn Ma Văn Kháng: Chi chút như con ong làm mật

Thứ Tư, 26/09/2007, 18:00
Năm 1961, truyện ngắn "Phố cụt" đầu tiên của Ma Văn Kháng được in báo. Gần hai năm sau, trong một cuộc họp ở Viện Văn học, Phó Viện trưởng Nguyễn Minh Tấn thông báo tình hình văn học thời gian vừa qua, có nói: Cây bút trẻ Ma Văn Kháng in nhiều truyện ở các báo được giới văn học và bạn đọc chú ý.

Từ đó, anh viết đều đặn và xuất hiện đều đặn trên mặt báo, nhanh chóng chiếm được cảm tình của độc giả.

Hồi ấy, đất nước tưng bừng đi vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Rộn rã công trường. Phong trào đi xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi lôi cuốn hàng ngàn thanh niên và học sinh. Ga Hàng Cỏ chật ních những chuyến tàu lên Tây Bắc.

Cậu học sinh Đinh Trọng Đoàn mới ngoài hai mươi tuổi, quê gốc Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm xung phong lên dạy học ở Lào Cai. Lý tưởng của thời đại giục giã, cộng với lòng say mê văn học, anh hăm hở đi vào vùng đất hoàn toàn mới lạ.

Phải có ý chí mạnh mẽ, con người mới tự nguyện rời khỏi tổ ấm quen thuộc có ánh đèn điện, có nước máy để đến sinh sống ở những nơi heo hút, hoang vắng.

Ma Văn Kháng tâm sự: "Có sự tương hợp giữa sự thành nhân và đắc đạo văn chương". Chặng đường đời dài mấy chục năm qua của anh đã chứng minh cho sự tương hợp ấy. Tự rèn luyện mình để viết văn. Viết văn để rèn luyện mình. Chu kỳ chuyển đổi đó không ngừng vận hành trong cuộc sống hằng ngày của anh.

Từ cậu học trò Đinh Trọng Đoàn ngơ ngác đã trở thành nhà văn Ma Văn Kháng được bạn đọc mến mộ - là một trong những nhà văn tiêu biểu của thế hệ chống Mỹ. Hàng ngàn trang sách của anh quện đặc tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên.

Thời gian đầu những năm 60, Lào Cai nói riêng và miền núi nói chung còn giữ được nhiều vẻ hoang sơ với những tập tục sinh hoạt cổ xưa. Với lòng hiếu kỳ của tuổi trẻ; với đầu óc ham hiểu biết, ham khám phá của một trí thức; với trái tim nồng nhiệt của một người cầm bút, Ma Văn Kháng vồ vập mảnh đất lạ bằng một tình yêu say đắm.

Ngoài giờ dạy học, anh đến với các bản Mường. Vạch lau lách mà đi. Xắn quần mà lội suối. Chống gậy mà leo vách đá. Cuộc sống kêu gọi. Anh hăm hở như cậu bé vào hội chợ đấu xảo đầy những con vật lạ lùng, đầy những đồ vật mới mẻ. Kia là bản Mèo chót vót trên đỉnh núi mù sương như tổ chim phượng hoàng đá. Kia là phiên chợ rực rỡ màu sắc và âm vang tiếng ngựa hí. Những đám cưới, đám ma còn giữ nguyên phong vị cổ sơ. Những cuộc hát giao duyên lai láng ánh trăng tình tự…

Anh đã trải qua nhiều môi trường công tác: Giáo viên, hiệu trưởng trường trung học, thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy, phóng viên, Phó Tổng biên tập báo của Đảng bộ tỉnh. Anh đã tận dụng những vị trí của mình để quan sát cuộc sống từ dưới lên, từ trên xuống, từ ngoài vào, từ trong ra. Làm việc không mệt mỏi. Đi không mệt mỏi. Sau mỗi chuyến đi, đầu óc anh lại ngùn ngụt những ý tưởng mới về lẽ sống, về sáng tạo…

Chi chút, chắt lọc từng mẩu nhỏ của cuộc đời, anh sống chan hòa với học sinh, với bà con dân bản, để tái hiện những thời điểm lịch sử chao chát búa rìu, dựng những nhân vật độc đáo, giàu cá tính.

Nhiều người đọc tác phẩm, ngỡ như anh viết về mình, cho riêng mình - Ma Văn Kháng là "nhà văn của mình". Họ viết thư trao đổi tình cảm với anh, kể cả những chuyện riêng tư trong gia đình, trong dòng họ.

Trong những thư từ ấy, có một bức thư cảm động do sự nhầm lẫn nhà văn là họ Ma thật. Chỉ là sự nhầm lẫn thôi, nhưng thư đi thư lại, tình cờ đã tìm được dây mơ rễ má của dòng họ Ma. Mời các bạn đọc trích đoạn ba bức thư sau đây sẽ rõ.

"…Chú Kháng kính mến! Tôi xin báo cáo với chú một số vấn đề về cội nguồn dòng dõi họ Ma ta để chú nghiên cứu xem sao? Thế kỷ XVII có ông Tổ: Tiến sĩ Ma tướng công, tức là Ma Văn Lâm… Bom Mỹ đã đánh tan cả nhà thờ và gia phả. Chỉ còn lăng mộ, trên lăng có khắc chữ Tiến sĩ Ma tướng công tức Ma Văn Lâm…

Ma Văn Hiệp".

"…Anh Hiệp kính mến, tôi đã nhận được thư anh. Rất cảm động trước tình cảm thân tộc tự nhiên chân thành của anh, tôi càng bối rối. Vì thật tình là lỗi ở tôi, tôi đã vô tình tạo ra tình huống này. Số là tôi gốc không phải họ Ma. Đi kháng chiến, một lần tôi nhận ơn cứu mệnh một người họ Ma (ông Ma Văn Nho, Phó Chủ tịch huyện Bảo Thắng, Lào Cai), tôi kết nghĩa anh em và đổi họ sang họ ông. Từ đó, tôi lấy luôn bút danh khi viết báo, viết văn. Tôi vô cùng cảm ơn thịnh tình và sự chu đáo của anh và của họ hàng ta. Việc này thực tình cũng vẫn là may mắn. Vì biết được dòng họ ta có những trang lịch sử đẹp như thế, tôi sẽ chuyển ngay đến anh Ma Văn Nho và con cháu anh hiện đang ở Hà Nội…

Ma Văn Kháng".

"… Chú Kháng quý trọng! Nhân ngày giỗ tổ, con cháu họ Ma đều về đông lắm, vui lắm. Nhận được thư chú đúng vào ngày giỗ Tổ, cả nhà đều vui mừng, vì được tin chú cho biết một số tình hình về dòng họ Ma. Tôi thay mặt cả họ cảm ơn chú, mong chú khỏe. Nhưng dù sao đi nữa, chú đã mang họ Ma. Vì lẽ đó, tôi muốn phiền chú: Trao đổi với ông Ma Văn Nho đến Văn Miếu và Viện Hán Nôm tìm thêm tiểu sử cụ Tổ Ma tướng công… Nhờ chú chuyển lời thăm ông Nho và con cháu của ông Nho…

Ma Văn Hiệp".

Sau khi nhận được ảnh lăng cụ Tổ và hai bức thư của anh Ma Văn Hiệp do nhà văn Ma Văn Kháng trao, ông Ma Văn Nho rất vui mừng, hăm hở đi tìm gốc gác gia phả và các chi họ Ma phiêu tán hàng mấy trăm năm ở Thừa Thiên, Nghệ An, Tuyên Quang…--PageBreak--

Trong một cuộc gặp mặt ở Báo Văn nghệ, khoảng năm 1990, nhà Việt Nam học người Nga Nikulin có nói: "Ông Ma Văn Kháng đã từ miền núi xuống đồng bằng". Đưa ra nhận xét đó, hẳn là ông đã đọc các tác phẩm "Mưa mùa hạ", "Mùa lá rụng trong vườn", "Đám cưới không có giấy giá thú"…

Sau hai mươi năm sống cam khổ, xông xáo ở miền biên ải, anh trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn (quê anh ở làng Kim Liên, tức làng Đồng Lầm, ở phía Nam thành phố). Đó là thời điểm dân tộc ta được hưởng hòa bình sau ba mươi năm chiến tranh. Đất nước còn nhiều khó khăn. Rồi nền kinh tế thị trường được mở ra. Từng con người trong xã hội bộc lộ khá rõ phẩm chất của mình với tất cả những mặt tốt mặt xấu.

Hơn nữa, nơi đây là Hà Nội, một thành phố lớn, càng thấy rõ điều đó. Anh tâm sự: "Xã hội hiện nay như một chậu nước bị khuấy lên. Theo cùng một mô men lực, tất cả đều quay tròn. Ở trung tâm vòng xoáy, tức là thành phố, vòng quay so với vòng quay bên ngoài xoáy tít hơn và lắng nhiều cặn hơn, nên dễ bị lừa rằng: Ở đây lắm cặn bã ghê gớm quá. Đừng có cảm tính như thế".

Dẫu sao thì ở trung tâm vòng xoáy lắng nhiều cặn hơn, anh dễ nhận ra cái vẩn đục pha tạp vào dòng nước trong. Anh xông ra, dùng vũ khí văn học đối mặt với cái xấu.

Tác giả hóa thân vào các nhân vật anh giáo Tự ("Đám cưới không có giấy giá thú"), nhà báo Luận ("Mùa lá rụng trong vườn"), nhà văn Khiêm ("Ngược dòng nước lũ")… để len lách vào các ngõ ngách của cuộc sống, đối diện với cuộc sống, đối thoại với các nhân vật, như một lời thề quyết liệt: Phải chiến đấu cho cái đẹp!

Ma Văn Kháng đã biến tất cả những thứ thu lượm được thành năng lượng tâm hồn và trào chảy ra đầu ngòi bút. Như suy nghĩ của văn sĩ Khiêm trong "Ngược dòng nước lũ": “Ôi! Sức viết vốn dồi dào của anh giờ như nhờ thêm một nội lực chống trả hoàn cảnh đã trở thành một xung lực sáng tạo bất ngờ”.

Có lúc ngồi với bè bạn, anh kể một số chuyện tiêu cực ở đâu đâu, mà hàm răng anh nghiến lại, tưởng như những chuyện đó đang ập xuống đầu anh. Trong tác phẩm cũng vậy, không nén được, đôi khi tác giả xông ra, cùng với nhân vật tranh luận, biện giải, triết lý và cả văng tục nữa. Chả thế mà có nhà phê bình vội cho là "tự nhiên chủ nghĩa".

Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường văng tục những lúc quá bực bội. Đó cũng là tâm lý bình thường của con người. "Ngổn ngang trăm mối bên lòng - Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình", lòng anh có ngổn ngang trăm mối thì mới bật ra văn chương sáng giá được chứ…--PageBreak--

Năm 1974, gặp nhau ở Lào Cai, Ma Văn Kháng kể cho tôi nghe nhiều chuyện vui nhiều chuyện buồn trong đời sống xã hội. Những chuyện kể đó sau này tôi thấy anh đưa vào tiểu thuyết "Đám cưới không có giấy giá thú" và rải rác trong các tiểu thuyết khác.

Những năm anh làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng bạn bè xúm nhau trò chuyện. Tất cả mọi chuyện đều lọt vào tai Ma Văn Kháng một cách đầy đủ và rồi lại hiện lên trên những trang viết của anh. Đối với anh, không có cái gì thừa, không có cái gì vô ích. Tất cả đều được chế biến qua bộ máy tâm hồn để thành chất liệu văn học.

Ta có thể nhận dạng anh như thế này: Ăn mặc xuềnh xoàng. Đầu đội mũ lưỡi trai. Vai mang chiếc túi căng phồng sách vở. Đi tới đâu, việc đầu tiên là đặt cái túi bên cạnh, mở túi rút cuốn sổ ghi chép có cài sẵn chiếc bút bi. Nếu trong phòng họp, cuốn sổ đó được đặt trên đùi. Nếu ở ngoài trời, dự hội hè, dự mít tinh, cuốn sổ đó được cầm sẵn ở bàn tay trái. Thế là tai nghe, mắt nhìn, tay ghi, ghi lia lịa...

Trên giá sách của anh, xếp hàng chồng sổ tay ghi chép. Ghi từ trong cuộc sống. Ghi từ trong sách vở.

Anh làm việc không mệt mỏi. Ngày nào cũng viết. Không viết cái dài thì viết cái ngắn. Không viết cái ngắn thì viết đề cương. Không viết đề cương thì viết ý nghĩ chợt đến...

Thường ngày, làm việc 8 tiếng ở cơ quan cho tròn trách nhiệm một viên chức nhà nước. Chiều về, tắm giặt xong, 17h ngồi vào bàn viết cho đến 19h mới nghỉ tay ăn cơm. Cứ thường xuyên gò mình vào như vậy và cảm hứng nảy sinh từ khuôn khổ gò bó ấy...

Tôi chợt nhớ đến Emile Zola. Ông nói: "Không ngày nào không viết một câu". Vạn bất đắc dĩ, ngày nào không nghĩ ra câu gì để viết thì ông lại ghi vào sổ tay: "Tại sao hôm nay ta không viết được câu nào nhỉ?". Như vậy là ngày đó ông vẫn viết được một câu như kỷ luật tự đề ra…

Năm nay tuổi đã ngoại sáu mươi, sức khỏe giảm sút. Anh sắp xếp thì giờ làm việc khoa học cho phù hợp với lứa tuổi. May sao có người vợ tần tảo, đảm đang, thấu hiểu nỗi vất vả công việc viết văn của chồng.

Chị quê ở Lào Cai, kết duyên với anh từ những ngày còn muôn nỗi lắng đắng. Vợ chồng cùng lo toan cho nhau. Rồi cùng về xây tổ ấm ở Hà Nội.

"Nếu trên đời này còn có những nguồn vui chân chính và niềm hạnh phúc thực sự thì nó sẽ nằm trong tổ ấm gia đình", Ma Văn Kháng càng ngày càng thấm thía câu nói của nhà văn Pháp Lamenais.

Nỗi khao khát ấy được thể hiện ở tác phẩm "Mùa lá rụng trong vườn" và ở sự chăm lo hằng ngày cho nhau. Ngoài việc nội trợ, chị giúp chồng sắp xếp bản thảo, chữa chính tả, đánh máy...

Có nhiều hôm, khu tập thể vắng lặng, gian nhà vắng lặng, chỉ vang lên tiếng máy chữ gõ lách cách... lách cách... đều đều

Võ Văn Trực
.
.