Nhà văn Lê Lựu: Và sự sống bất chợt mong manh

Thứ Bảy, 20/09/2008, 14:00
Không một ai biết được mỗi một ngày ở phía trước cuộc đời ta sẽ chứa đựng điều gì. Cuộc sống luôn là một ẩn số và ngày nào, khi chúng ta thức dậy, mở mắt ra và thốt lên: Ơn trời ta vẫn khỏe mạnh bình an thì đó là lúc ta đang được tận hưởng một ngày hạnh phúc. Với nhà văn Lê Lựu, đã 10 năm nay, ông có duy nhất một buổi sáng để không thể thốt lên rằng, ơn trời ta vẫn khỏe mạnh.

Một buổi sáng, ông thức dậy khác hơn với trăm ngàn những buổi sáng bận rộn và bình an khác, ấy là lúc, cái cơ thể đã cần nghỉ ngơi của ông đột nhiên lên tiếng phản trắc. Và thế là ông ốm, trận ốm đột ngột buộc ông phải gác bỏ trăm ngàn thứ việc bận rộn để vào bệnh viện và thực hiện một công việc duy nhất đó là trị bệnh.

Tôi có cảm giác rằng, đã lâu lắm rồi nhà văn Lê Lựu không sống một đời sống chậm rãi và bình yên như lẽ thường những nhà văn nổi tiếng như ông, khi lên tới đỉnh cao của con đường sáng tạo, thường vẫn có quyền lấy làm bằng an với những thành quả lao động mà mình đã gặt hái được.

Tựa như lâu lắm, sự bình yên không đậu yên lành trong tâm hồn của nhà văn nổi tiếng Lê Lựu (có thể chưa bao giờ có trong tâm hồn ông sự bình yên ấy) nhưng tôi vẫn muốn có cảm giác như vậy.

 Có lẽ, sự không bình yên trong tâm hồn của một nhà văn đấy là sóng ở đáy sông, tảng băng chìm ở biển lớn, nham thạch trong núi đá, bão cát trên sa mạc. Sự tĩnh tại của núi đá trong một nhà văn nổi tiếng giờ nhường chỗ cho sự bận rộn sục sôi của một Giám đốc Trung tâm.

Nhưng ngay cả sự không bình yên, không tĩnh lặng trong đời sống, trong tâm hồn của một nhà văn thì cũng khác xa cái sự sôi động của một nhà văn tạm gác cây bút văn chương để bước sang một địa hạt hoàn toàn mới mẻ. Đấy là môi trường kinh doanh.

Có dễ hơn 6 năm rồi, kể từ một cơ duyên với Văn hóa Doanh nhân để rồi kể từ đó, cánh cửa số phận của nhà văn Lê Lựu khép mở sang một địa hạt khác, như là duyên nghiệp. Đó là làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Đưa văn hóa vào doanh nhân và nâng tầm doanh nhân lên tầm văn hóa.

Lĩnh vực mới mẻ này đã chiếm hữu nhà văn yêu quý của chúng ta một cách toàn phần triệt để. Chiếm lấy tình yêu thương vốn đã yêu ai thì dâng hiến đến kiệt cùng (thuộc tính của người nghệ sỹ) của nhà văn Lê Lựu, và ông, xét một góc độ nào đó thì ông là sự lựa chọn của thời cuộc để thực hiện sứ mệnh này.

Từ đó đến nay, nhà văn Lê Lựu bận rộn liên miên. Hễ gọi điện thoại xin gặp ông, xin được phỏng vấn ông nhân một sự kiện của đời sống văn hóa văn nghệ đang diễn ra thì bao giờ ông cũng quá bận để có thể sắp xếp một cuộc hẹn.

Thường thì ông có thể dành cho nhà báo trong khoảng thời gian chật hẹp cuối buổi sáng, cuối ngày. Có khi, nhà báo phải đến chờ ông họp xong một cuộc họp mới có thể gặp được.

Và cái sự bận, cái sự họp với Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân là liên miên. Hiện nay Trung tâm có 30 nhân viên, nuôi sống 4 tờ báo trong đó có 1 website, 1 câu lạc bộ hàng ngàn hội viên và có hơn 30 cơ quan đại diện trên toàn quốc v.v...

Việc sáng lập ra một đơn vị mới, nuôi sống đơn vị, vạch ra hướng đi đúng để nuôi dưỡng và phát triển đơn vị và làm được rất nhiều hoạt động thiết thực bổ ích cho đời sống văn hóa của doanh nhân là một công việc không hề đơn giản.

Bởi vậy mà từ khi làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đến nay đã 6 năm, nhà văn Lê Lựu bị cuốn đi trong vòng xoáy mới mà không còn thời gian để ngoái lại những gì đã trải qua trong 6 năm ấy.

Bởi nếu có ngoái lại thì bản thân nhà văn Lê Lựu là một người trong cuộc cũng không thể tưởng tượng được lấy đâu sức mạnh, sự nhạy bén để chèo lái Trung tâm Văn hóa Doanh nhân phát triển ngày một lớn mạnh không ngừng như hôm nay.

Thật ra đó cũng là một thành công lớn của nhà văn Lê Lựu, thành công trong việc làm Giám đốc, mà ngay cả nhà văn Lê Lựu rất có thể cũng ngạc nhiên với siêu khả năng của mình.

Làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân không khó như bò trên một trang bản thảo mà rất có thể viết xong một trang viết mới, nhà văn sẽ gục chết. Nhưng lại không dễ dàng như việc nhà văn có thể trút suy tư, trăn trở, thông điệp dự báo hay quan điểm cá nhân trong những con chữ nhiều chứa đựng ấy.

Nói tóm lại, làm nhà văn và làm Giám đốc Trung tâm là hai công việc hoàn toàn khác nhau nhưng có vẻ như nhà văn nổi tiếng Lê Lựu đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ khó khăn không phải ai cũng làm được một cách khá xuất sắc mà không mất đi bản sắc của mình.

Nhưng lựa chọn một công việc mới, một hướng đi mới, một lĩnh vực mới không phải người trong cuộc không bắt buộc phải trả giá. Ngay cả khi nằm viện, nhà văn Lê Lựu hình như cũng chẳng còn khoảnh khắc nào yên tĩnh.

Không còn bóng dáng của một nhà văn nông dân, hay anh Giang Minh Sài, chàng Núi luôn mang một gương mặt ngờ nghệch. Ngay lúc này, khoảng thời gian cần nhất sự yên tĩnh để dưỡng trí, dưỡng thể và dưỡng tâm thì nhà văn Lê Lựu cũng vất vả bận rộn bởi trăm công nghìn việc phải điều hành. --PageBreak--

Trên giường bệnh, một tay là ống xông họng, một tay là điện thoại di động bật loa ngoài, vặn volum to hết cỡ, cứ thế phía đầu dây bên kia, giọng người báo cáo công việc, trình bày phương án xử lý, nghe oang oang, còn đầu dây bên này, nhà văn Lê Lựu điều hành công việc từ xa, giọng nói oang oang như quát.

Khi tôi bước vào cho đến lúc ông bỏ máy điện thoại ra, mất hơn chục phút coi như đã chỉ đạo xong một công việc trong mớ trăm công nghìn việc của một ngày bận rộn ở Trung tâm Văn hoá Doanh nhân mà ông phải nhúng tay vào không sót một công việc nào từ to đến bé.

Ông nhìn vẻ ngao ngán ngạc nhiên của tôi, lắc đầu, nở nụ cười rất tươi. Nụ cười của nhà văn Lê Lựu hình như trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí là lúc gay cấn nhất, căng thẳng nhất, nghiêm trọng nhất thì vẫn luôn giữ nguyên nét hồn nhiên, dễ chịu, dễ thương và hóm hỉnh đến lạ. Ông than: "Khổ thế đấy, nằm viện mà có được nghỉ ngơi gì đâu.

Công việc cứ ùn lên đầu, đã giao người khác rồi thế mà vẫn loanh quanh một lúc lại phải về mình mới trôi được. Giời đày ấy mà". Ông bắt đầu câu chuyện như vậy, tôi có cảm tưởng như nhà văn Lê Lựu nói cái gì cũng hóm, cái gì cũng hay, cũng hấp dẫn người đối diện và kéo số đông công chúng về mình. Đó là cái tự nhiên, duyên trời cho, và hành động nào nơi ông trông cũng ngố, cũng buồn cười mà duyên đến lạ.

Công việc đang ngon trớn, đang chuẩn bị cho chương trình "Đồng đội tôi những người lính là doanh nhân" ngày hôm sau truyền hình trực tiếp thì nhà văn Lê Lựu ngã bệnh đột ngột. Nguyên nhân là chiều hôm đó sau khi duyệt chương trình tỉ mỉ đến từng chi tiết một, và chạy thử chương trình xong, buổi chiều ngày 19/7, như thường lệ, nhà văn đi dạo bộ ở khu vực chung cư đền Lừ.

Hôm đó thấy trời râm mát, nhà văn Lê Lựu không mang ô đi theo như mọi khi. Đang thanh thản bách bộ ra đến hồ ở khu chung cư Đền Lừ đang xây dở, vừa đi vừa thư thái ngắm hồ nước yên tĩnh, cây cối xanh tươi ở ven hồ thì trời bỗng đổ mưa dông ầm ầm. Không kịp trở tay thì mưa đã trút nước xuống, nhà văn Lê Lựu bị ướt sạch.

Hốt hoảng, cứ thế ông cắm đầu cắm cổ chạy một mạch từ hồ Đền Lừ về tới Trung tâm. Cuộc chạy bộ trong màn mưa như trút phải chừng 30 phút. Cho đến giờ, nhà văn Lê Lựu vẫn còn sợ khi nhắc tới, ông bảo, may mà không bị ngã, chứ ông chạy thục mạng thế, nếu vấp ngã một phát là coi như xong, không biết chừng bị nặng đến đâu.

Hôm đó, chạy về nhà tắm nước nóng ngay, cơ thể ông vẫn bình thường, không có vẻ gì là mệt mỏi. Tắm xong, bác sỹ là bạn của ông còn hướng dẫn xoa bóp cho ông và truyền nước, tiêm thuốc bổ đề phòng cảm lạnh. Cho đến suốt cả tối hôm đó, sức khỏe của nhà văn Lê Lựu vẫn hoàn toàn bình thường. Chỉ đến sáng hôm sau, khi ngủ dậy, nhà văn Lê Lựu hốt hoảng bởi một nửa người của ông bị liệt nhẹ, cử động rất khó khăn, và ông bị méo tiếng, nói năng rất khó khăn.

Ngay lập tức nhà văn Lê Lựu gọi xe vào viện cấp cứu. Ngồi lên xe cấp cứu rồi, nhà văn tham công tiếc việc và nhiều lo lắng vẫn vòng xe qua Nhà hát Lớn, chỉ đạo một số thay đổi trong kịch bản chương trình do ông không thể tham gia trực tiếp được.

Chỉ đạo, hướng dẫn và dặn dò các nhân viên tỉ mỉ chu đáo xong, nhà văn Lê Lựu mới quay xe trở lại vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện 108. Kết quả chụp cắt lớp city cho thấy ông bị nhũn não, và nhồi máu não. Lúc này, nhà văn Lê Lựu mới chịu nằm yên để tập thể các y bác sỹ ở Khoa Hồi sức Cấp cứu tập trung xử lý bệnh.

Phải nói rằng, sự nhiệt tình chu đáo, cộng với trình độ chuyên môn cao của tập thể y bác sỹ nơi đây, chỉ sau một ngày tập trung cứu chữa xử lý bệnh tình, sáng hôm sau, mặc dù nửa người bên trái vẫn bị liệt nhưng giọng nói của nhà văn Lê Lựu không còn bị ngọng, bị méo tiếng nữa, tinh thần sảng khoái minh mẫn trở lại.

Và từ đó cho đến nay, tròn 1 tháng trên giường bệnh, chưa lúc nào nhà văn Lê Lựu rời xa công việc của một Giám dốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân. Điện thoại di động kè kè một bên, mọi công việc xử lý đều đặn, chi tiết đến nơi đến chốn.

Đến lúc này, ngay cả khi sự sống có lúc bất chợt trở nên mong manh hơn bao giờ hết, khi mà con người vừa mới trước đó có vạn tỉ thứ để mà mơ ước thì khi bước qua khuôn viên này, trở vào nơi đây họ chỉ còn có một mơ ước duy nhất ấy là sức khoẻ, thì tôi thấy nhà văn Lê Lựu vẫn còn quá nhiều thứ để tâm huyết chứ không phải chỉ là sức khoẻ, là sự sống.

Ông nói rằng, đã đến lúc mình không thể tiếc mọi thứ được nữa, phải biết chấp nhận mọi điều sẽ đến như quy luật của cuộc sống nhưng xét cho cùng cái nghiệp chướng mà ông đã trót đa mang hãy còn nặng nợ với ông nhiều lắm. Trăn trở, kỳ vọng, và tìm người kế nghiệp là những con sóng không bao giờ ngừng vỗ trong cuộc sống hiện tại của ông.

Và ông, vẫn đang bị cuốn theo tất cả những sự sục sôi ấy như một lẽ tự nhiên mà sự lựa chọn nào cũng phải trả giá. Có thể nếu không lựa chọn con đường ông đang dấn thân, có thể ông sẽ cho ra đời được những cuốn tiểu thuyết mới.

Nhưng sự sáng tạo mà ông đang tâm huyết nó cũng rút hết sức lực và niềm đam mê của ông không kém gì văn chương. Với ông lúc này, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân là đứa con mà ông tạo ra và đặt nhiều kỳ vọng nhất

Cẩm Xuyên
.
.