Nhà văn Italia, Umberto Eco: Càng thường xuyên thương lượng càng tốt

Thứ Hai, 20/12/2010, 16:30
Nhà nghiên cứu ký hiệu học Umberto Eco là tác giả của nhiều cuốn sách best-seller được dịch và in trên khắp thế giới. Kể từ khi tiểu thuyết đầu tay "Tên của hoa hồng" được xuất bản cách đây 30 năm, mỗi một cuốn sách mới của ông đều gây nên sự chú ý rộng rãi của dư luận và độc giả không chỉ tới cụ thể tác phẩm đó mà cả những quan niệm nhân sinh của tác giả. Và tiểu thuyết "Nghĩa địa Prague" của Umberto Eco vừa ra mắt độc giả cũng không là ngoại lệ.

Số lượng phát hành kỷ lục

Cuốn tiểu thuyết mới của Umberto Eco "Nghĩa địa Prague" vừa phát hành tại Italia dày tới 528 trang. Số lượng in tiểu thuyết này đối với ngay cả Italia cũng là khổng lồ, ở mức kỷ lục: 200 nghìn bản. Nhân vật chính của tiểu thuyết là viên thuyền trưởng Simonini, một kẻ phiêu lưu, một tên gián điệp.

Một trong những chủ đề chính trong tiểu thuyết "Nghĩa địa Prague"  là sự phục sinh của chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại, trong đó có việc biên soạn "Biên bản của các nhà hiền triết Sion", một tập hợp văn bản ngụy tạo mà những tác giả của chúng (theo các nguồn tin thì đó rất có thể là nhà báo gốc Nga Matvey Golovinsky, sống ở Pháp) đã định sử dụng để "chứng minh" sự tồn tại của một âm mưu Judeo-Masonic toàn thế giới nào đó.

Cái nghĩa địa được đặt làm tên sách - đó là một nghĩa địa cổ xưa của người Do Thái, nằm ở trung tâm Prague, thủ đô CH Czech, nơi đã mai táng cả Judah Loew ben Bezalel, Tổng giáo chủ Do Thái ở Prague trong giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, người đã viết lại những truyền thuyết nổi tiếng về Golem huyền thoại (con quái vật được làm từ bùn cũng giống như con người nhưng mạnh và khỏe hơn loài người). "Nghĩa địa Prague" là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Umberto Eco. Nhà văn còn có rất nhiều tập tiểu luận, phê bình và sách nghiên cứu khoa học khác.

Cần biết thương lượng

Trong một lần trả lời phỏng vấn cho tạp chí Pháp Le Figaro sau khi một cuốn sách viết về nghệ thuật dịch văn học của ông được xuất bản cách đây vài năm, Umberto Eco  cho rằng dịch giả cần phải thạo "nghệ thuật thương lượng".

Ông nói: "Không thể có một bản dịch trùng khít tuyệt đối từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, không bao giờ có sự trùng nghĩa trăm phần trăm. Chính vì thế nên tập tiểu luận của tôi về công việc của dịch giả có nhan đề: "Nói gần như cũng là điều đó" và chính xung quanh cái "gần như" ấy cần tới các cuộc thương lượng. Đây không phải là một thuật ngữ có vấn đề duy nhất.

Cái "điều đó" mà chúng ta dịch là gì? Một chuỗi từ hay là một cái gì đấy sâu sắc hơn? Ta hãy thử hình dung khi nhà văn muốn chứng tỏ nhân vật của mình ngốc nghếch đến thế nào và đưa vào miệng anh ta một câu chơi chữ ngu xuẩn. Liệu có cần dịch câu chơi chữ đó không khi ta biết rằng phần lớn các câu chơi chữ là thứ không thể nào chuyển ngữ được? Không.

Trong trường hợp này, cái "điều đó" chính là sự ngốc nghếch của nhân vật. Bởi vậy, người dịch cần phải tìm một câu chơi chữ khác tương ứng. Bề ngoài câu này không nguyên bản về mặt từ ngữ. Nhưng lại giống về bản chất. Bởi "cái gì đó" không phải là câu chơi chữ ban đầu mà là trò chơi chữ làm bộc lộ sự ngu xuẩn của nhân vật".

Nhà văn cũng cho rằng: "Khái niệm thương lượng đóng vai trò then chốt trong bộ môn ký hiệu học cũng như trong thế giới chính trị. Vì không tồn tại một chân lý tuyệt đối nên chúng ta luôn luôn phải tiến hành các cuộc thương lượng. Và việc này càng diễn ra nhiều thì càng tốt".

Ông lý giải: "Khi người ta không tiến hành các cuộc thương lượng thì người ta sẽ đối kháng với nhau. Của đáng tội, thương lượng cũng là một trong những đặc điểm của giai đoạn "chiến tranh lạnh". Trong giai đoạn đó cả hai khối đều lập luận theo cách: "Tôi sẽ không thọc tay vào chỗ này, còn anh thì phải rời khỏi chỗ kia".

Hoặc: "Tôi sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, còn anh thì phải ngừng sản xuất chúng". Đó là một dạng thương lượng thầm lặng, không công khai. Hiện nay chúng ta đã đánh mất kỹ năng tiến hành các cuộc thương lượng như thế. Chúng ta lại trở về với chính sách vũ lực, đụng đầu thẳng thừng…".

Nỗi lo thời đại

Trong quan niệm của Umberto Eco, có thể dễ dàng chứng minh rằng thời đại mà chúng ta đang sống giống như bất cứ một thời đại nào khác. Nhưng sự khác biệt của hôm nay so với bất cứ một giai đoạn lịch sử nào được xác định bởi tốc độ sống.

Và sự gia tăng của tuổi thọ: "Thời Napoléon, một người chết ở tuổi 40 chỉ có thể được chứng kiến một sự kiện lịch sử lớn, thí dụ cuộc cách mạng Pháp chẳng hạn. Hiện giờ thì có những người từng trải qua cả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, cả quá trình tan rã của Liên bang Xôviết, cả vụ khủng bố tòa tháp đôi ở New York. Cuộc đời của chúng ta đã trở nên dài lâu hơn nhưng cũng hỗn độn hơn, chúng ta phải thường xuyên gánh chịu vô số những sự kiện mà đôi khi rất khó xử lý. Hiện giờ  chúng ta vẫn đang đủ sức để làm việc này nhưng điều đó đòi hỏi phải có một hệ thần kinh cực kỳ ổn định".

Emberto Eco cũng cho rằng, không nên lo lắng vì cái gọi là hiện tượng văn hóa đọc suy giảm: "Tôi lúc nào cũng phải nghe những lời than phiền rằng mọi người hiện nay ít đọc sách. Thực ra thì ở thời đại chúng ta số lượng độc giả đông hơn trong quá khứ. Trong các hiệu sách có thể thấy rất nhiều thanh niên đang giở sách ra xem. Ở thời tôi còn trẻ, các hiệu sách chỉ là những không gian khép kín. Khi một thanh niên bước vào trong đó thì người bán hàng hỏi ngay: "Anh cần gì thế?". Điều này làm mất hứng ngay…".

- PV: Phải, nhưng trước đây thức ăn cho trí tưởng tượng chỉ lấy được từ sách. Còn hiện nay chúng ta đang bị vây bủa với các hình ảnh. . .

- Umberto Eco: Lúc nào chẳng có các hình ảnh. Một nhà thơ Gotich là gì nếu không phải là một máy truyền hình tràn đầy những bức tranh dành cho những người nghèo không biết chữ?

- PV: Theo ông, thời đại chúng ta có giống một dạng đặc biệt của những sự quái dị không?

- Umberto Eco: Trong thế kỷ XX, thậm chí là từ trước đó, trào lưu nghệ thuật tiên phong đã là một sự khiêu khích. Trong những dòng nghệ thuật này chúng ta nhìn thấy một cách đánh giá lại mang tính tranh biện nào đó về khái niệm cái quái dị. Những họa sĩ theo chủ nghĩa biểu hiện Đức vẽ những người quái dị để bóc trần xã hội tư sản và tất nhiên là đã tạo nên những bức họa tuyệt vời để biểu hiện cái quái dị.

Dần dà trong cuộc sống chúng ta đã xuất hiện một hiện tượng lạ khác: ngày càng khó phân biệt giữa cái đẹp với cái quái dị. Bây giờ giới trẻ không chỉ mê George Clooney hay Nicole Kidman mà vẻ đẹp của họ xứng đáng để vẽ nên những bức tranh thời Phục hưng mà mê cả ca sĩ nhạc rock rùng rợn Marylin Manson mà cá nhân tôi cho là rất kinh dị.

Để minh họa cho ý tưởng của mình, trong cuốn sách “Nhìn từ góc độ khác”, sau "Câu chuyện về cái đẹp" (in năm 2004), tôi đã trình bày bên cạnh bức tranh của Hieronymus Bosch, trong đó để bôi bác những tín đồ của Jesus, họa sĩ đã vẽ họ có những lỗ thủng trên mặt là tấm ảnh một cậu thanh niên ăn chơi vênh mặt trương ra những vết piercing (những lỗ thủng để xâu nhẫn hay vòng). Không rõ vì sao mà bây giờ giới trẻ lại tiếp nhận Manson với các vết piercing? Đó không còn là vấn đề của cái đẹp hay cái quái dị. Rất khó tách biệt cái này khỏi cái kia. Các khái niệm đã bị đồng nhất.

- PV: Liệu sự đồng nhất đó có dẫn tới đánh mất sự khác biệt giữa cái ác và cái thiện trên phương diện đạo đức không?

- Umberto Eco: Đó là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong cuốn sách của tôi.  Qua trình đồng nhất cái đẹp - cái thiện với cái quái dị - cái ác  đang tồn tại có lẽ là ở khắp mọi nơi. Trong thời cổ đại người ta đã tiến hành tầm nã phù thủy và trưng họ ra như những quái nhân, vì rằng họ rất ác.

Nhưng đồng thời ngay ở thời cổ đại cũng coi Socrat là quái nhân nhưng lại tràn đầy đức hạnh. Ở thời đại muộn hơn, tất cả những tác phẩm của dòng lãng mạn đều nói về những người trông có vẻ quái gở nhưng lại có trái tim vàng - chỉ riêng ở Victor Hugo chúng ta đã thấy hai nhân vật "Người cười" và Quasimodo.

Quá trình đồng nhất cái quái dị - cái ác vẫn được duy trì cho tới thời đại của chúng ta. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nảy sinh chính từ sự đồng nhất này: người lạ luôn bị coi là quái dị. Ngay những người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã quen mô tả dân hoang dã là những người xấu xí.

Thế nhưng, sự đồng nhất cái quái dị - cái giận dữ hôm nay đang bị phủ nhận quyết liệt, đang diễn ra sự tụng ca cái ác. Các ca sĩ nhạc rock đang trình diễn mình dưới ánh sáng tích cực dù cổ động cho ma túy và quỷ satan. Đó là một hiện tượng mới và thú vị. Sự ca tụng cái ác đã luôn luôn tồn tại, nhưng trước đây phải bí mật.

Còn hiện giờ điều đó được công chiếu trên truyền hình và trẻ em cũng xem những cảnh đó khi đang dùng bữa tối. Liệu có thể coi đó là phản ứng đối với tâm trạng nổi giận ở khắp mọi nơi không hay đó chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng đó? Liệu việc tôn vinh cái quái dị có góp phần làm bùng nổ chiến tranh và bạo lực không?

Hay chiến tranh và bạo lực đang kích động những thế hệ mới tụng ca cái quái dị biến thái? Tôi không biết và không muốn phát biểu ý kiến về việc này. Dù gì thì cũng đang thấy hiện tượng trong xã hội có chuyện nghiêng về biến thái.

- PV:  Cái thiện đi vào bí mật, còn cái ác trở nên thịnh hành?

- Umberto Eco: Đúng thế. Đang diễn ra một quá trình ngược lại với những gì đã diễn ra trước đây. Có thể tôi đi tới kết luận bi quan này do lứa tuổi của tôi. Còn lớp trẻ lại coi đấy là hoàn toàn bình thường. Cá nhân tôi không muốn có chuyện yêu đương với một phụ nữ trẻ với cái nhẫn xâu vào rốn, tôi dị ứng với cái đó.

Nhưng nếu đám bạn trai của cô coi đấy là bình thường thì tôi cũng không dám trách họ. Nếu quý vị muốn nghe tôi đưa ra một đánh giá đạo đức về chiến tranh hay chủ nghĩa khủng bố thì tôi sẵn sàng. Nhưng đánh giá về mặt đạo đức đối với các gu thẩm mỹ thì lại không phải việc của tôi. Tôi không xây dựng lý thuyết cái quái dị, mà là câu chuyện về cái quái dị, để chứng minh rằng, khái niệm này có thể thay đổi.

- PV: Liệu các tác phẩm viết có thể làm thay đổi những gì?

- Umberto Eco: Những tác phẩm viết không bao giờ có thể thay đổi hiện tại,  chúng chỉ có thể thay đổi tương lai. Bạn đọc một cuốn sách, nó có thể gây cho bạn một ấn tượng sâu sắc; dần dà nó thay đổi cách nghĩ của bạn, nhân cách của bạn và ngày mai ngày kia bạn sẽ có cách hành xử hoàn toàn khác. Những ai hướng tới trí tuệ với yêu cầu giải quyết các vấn đề thế giới là sai lầm

Nguyễn Hữu Độ
.
.