Nhà văn Hồ Anh Thái: Một mình qua đường

Thứ Hai, 04/08/2008, 14:15
Người đàn ông này không thuộc về bất cứ đám đông nào. Và dường như anh không có thú vui nhậu nhẹt của đàn ông. Có người nói anh yêu vẻ cô đơn đẹp đẽ của mình. Anh như một hòn đá chìm trong lòng suối sâu, phải ngắm rất lâu ngày nước lặng mới gặp. Nhưng chỉ cần mỗi tác phẩm mới của anh xuất hiện, ngay lập tức có những dư luận trái chiều.

Người khen cũng nhiều, kẻ chê cũng lắm. Nhưng tuyệt nhiên không có những lời nổi đoá hay thanh minh. Im lặng sống. Im lặng viết. Một mình. Chỉ có những con chữ xôn xao...

Đầu năm 2008, Hồ Anh Thái trả lời tạp chí Văn hoá Phật giáo: "Khi mới đến Ấn Độ, tôi vẫn còn nóng tính lắm. Ỷ mình có chân lý, nhiều khi không chịu ai, đấu tranh với xung quanh, từ sếp cho đến ông lái xe trong cơ quan. Việc không chạy thì "trị" cả người bản xứ cho đến khi việc được làm đúng mới thôi.

Người ấn rất tốt nhịn, cộng với ý thức đẳng cấp mấy nghìn năm khiến họ có lối sống khoan dung, bình yên, bất bạo động. Nên hiểu rằng tính cách ấn hoàn  toàn trái ngược với những vụ việc của các tổ chức ly khai, khủng bố, gây mất ổn định. Rất tự nhiên, dần dà mình cũng thiền đi, và khi trở về Việt Nam, chất ấn Độ đã ngấm vào tôi từ lúc nào.

Hầu như tôi không nhận lời đăng đàn diễn thuyết, hoặc giao lưu với độc giả. Trước mọi sự bao giờ cũng tự dặn mình, không đôi co tranh cãi, không hơn gì nhau câu nói. Quyền lợi chia bôi, nhường mọi người nhận trước. Người ta ghen ghét, đố kỵ, bịa đặt công kích mình hoặc làm ác với mình, cứ lấy sự ôn hòa mà đáp lại. Ôn hòa, cũng bởi vì tin vào điều nhà Phật nói: những người ấy trong đời tự họ đã và sẽ phải chịu luật nhân quả rất nặng nề rồi...".

Đã có người nói anh nói "xạo", bằng chứng là bằng cách này hay cách khác, anh vẫn muốn phản bác lại những gì người ta nói về mình không chính xác. Như một cách "đáp trả" với những bài viết không thiện cảm về cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh "Đức Phật, nàng Sivitri và tôi". Nhưng tôi tin là anh nói thật, bởi Hồ Anh Thái không phải là người sợ dư luận.

Anh chỉ muốn bảo vệ đứa con của mình trước những đòn roi mà thôi. Những đòn roi ấy anh biết trước nó sẽ xảy ra, nhưng không thể nào ngăn được. Tác phẩm và dư luận, người khen kẻ chê, người ghét kẻ yêu, nó như sau buổi sáng sẽ có buổi chiều. Chuyện bịa đặt, công kích đến với Hồ Anh Thái không chỉ một lần.

Chẳng hạn như chuyện một ngày đẹp trời rất nhiều người là bạn bè anh nhận được một tin nhắn rất vô văn hoá của một kẻ giấu tên nói rằng anh phải vào bệnh viện vì những lý do rất... kinh khủng, trong khi anh đang đi du lịch nước ngoài. Hay một người nào đó suốt ngày nhắn tin chửi mắng anh chỉ vì một việc anh làm không đúng ý họ.

Cuộc tấn công bằng tin nhắn ấy nhiều ngày sau vẫn không chấm dứt. Thế nhưng, Hồ Anh Thái đã không "phản đòn". Sự im lặng của anh có lẽ cũng là một câu trả lời.

Hồ Anh Thái sống một mình trong căn nhà nhỏ, lối đi vào phải dắt khéo mới được một chiếc xe. Anh hiếm khi mời ai về nhà. Có thể coi đó là "tổ kén", hoặc là "nơi trú ẩn" của anh. Căn nhà nhỏ, các lối đi âm u, đường lên cầu thang lành lạnh, chiếu nghỉ là chỗ xếp đầy giá và chân nến, như thể một thứ nghi lễ.

Anh sống trọn vẹn trên căn gác, với bốn bề là sách và băng đĩa. Sách tiếng Anh, sách ấn Độ nhiều. Mảng đồ sộ là sách văn hoá ấn Độ, trong đó của nả khá lớn là những cuốn thơ cổ ấn Độ. Và những cuốn sách của anh, cả tiếng Việt, cả tiếng Anh được xếp gáy đều tăm tắp. Trước tivi là một rổ đĩa phim cực lớn. Hồ Anh Thái có một tiệm đĩa quen tút hút trên một căn gác sâu phố Hàng Bài.

Mỗi khi có đĩa phim mới, phim độc, chủ tiệm đĩa lại nhắn tin cho anh. Ba chục phút sau, anh có mặt, ngồi mân mê chọn lựa, phim nào hay mua cho bằng hết, có phim mua vài chục đĩa, hôm sau đóng gói đem biếu bạn bè. Hồ Anh Thái xem rất nhiều, từ Oscar cho đến Cành cọ vàng, từ bom tấn Mỹ đến phim Iran, từ hoạt hình Nhật Bản cho đến phim bộ Hàn Quốc.

Thế nên không có gì lạ lẫm khi thấy anh xem cả "Những đứa trẻ thiên đường" với "Bản tình ca mùa đông". Và cũng không có gì ngạc nhiên khi anh sẵn sàng tiếp nhận cả sang lẫn sến, cả những ngôn ngữ điện ảnh bậc cao cho đến drama tình - tiền  - tù - tội đẫm lệ sầu Hàn Quốc. --PageBreak--

Có thể đó là cách để anh không tách bỏ mình khỏi đời sống. Và cũng có thể là một thứ giải trí trong giờ tập thể dục buổi chiều, trên chiếc xe đạp anh đặt ở góc phòng. Không ai biết Hồ Anh Thái vui hay buồn với cuộc sống ấy. Chỉ biết rằng anh đã ở đó, tĩnh tại như thế trong nhiều năm, sống và viết, tác phẩm ra đều đặn, tác phẩm nào cũng xôn xao.

Trong căn phòng bộn bề sách của Hồ Anh Thái có một gia tài quý giá mà tôi nghĩ rằng hiếm có người Việt nào có được, đó là bộ băng đĩa trọn vẹn tiếng hát NSND Lê Dung. Những chiếc băng cassette cũ được thâu lại, có cái từ Đài Tiếng nói Việt Nam, có cái từ các album cũ.

Hồ Anh Thái yêu mến tiếng hát Lê Dung vì lẽ gì, đã nhiều lần tôi định hỏi. Nhưng rồi thôi. Bởi rốt cùng, vì lẽ gì thì cũng đâu cần, chỉ nhìn cái gia tài kia là biết lòng người, như cách người ta nâng niu một chú họa mi.

Tôi nhớ khi đám trẻ chúng tôi nhìn thấy những cái băng của Lê Dung, Hồ Anh Thái như thể muốn vội ôm lấy, như thể sợ rằng trong chốc lát tình yêu ấy sẽ bị chúng tôi chiếm đoạt và mang đi mất...

Về sau thì tôi hiểu, Hồ Anh Thái có một niềm vui là đi sưu tầm các ấn phẩm văn nghệ hay và muốn giữ lại thành bộ sưu tập. Cái gì hay anh sẽ chia sẻ với mọi người bằng cách... mua thêm để tặng chứ không cho mượn.

Với đám viết trẻ, có lẽ Hồ Anh Thái là một người anh nhiệt tình. Khi anh "tung hô" Nguyễn Thế Hoàng Linh như một thiên tài, bị không ít người mỉa mai và cho rằng anh đang làm công việc đánh bóng một thỏi vàng chưa đủ tuổi. Về một mặt nào đó, những lời ngợi ca của anh dành cho cậu thanh niên trẻ đã gây hiệu ứng với bạn đọc.

Nhưng nó chính là một gánh nặng cho người viết ấy. Anh ta sẽ phải gánh vác hai chữ thiên tài trong suy nghĩ và thể hiện trước mọi người. Nhưng, với Hồ Anh Thái, đã yêu ai là yêu hết lòng, giúp bằng mọi nhẽ. Anh thấy việc làm của mình là phải đạo thì sẽ làm đến cùng.

Tôi nghĩ rằng, có thể anh chỉ nghĩ đơn giản đến việc giới thiệu được một tiềm năng mới sau nhiều năm văn học buồn tĩnh lặng. Và anh làm công việc đó như anh vẫn từng làm, âm thầm gom nhặt những tác phẩm mới có ít nhiều sáng tạo để gom thành một tập sách.

Hay đọc được một cái gì lý thú trên mạng, ngay lập tức anh gửi file tới tất cả bạn bè trong list địa chỉ email. Hay như khi đọc một truyện ngắn mới, thấy phù hợp với một cuộc thi truyện ngắn trên báo, anh âm thầm gửi tới người biên tập, khi báo đăng lên anh lại âm thầm đi lấy nhuận bút rồi ra bưu điện gửi cho tác giả.

Và đến khi truyện ngắn đoạt giải, anh lại là người tất tả gọi điện chia vui, như thể chính anh mới là người được giải vậy! Khi tuyển cuốn truyện ngắn "Văn mới 5 năm đầu thế kỷ", Hồ Anh Thái có đề nghị tôi gửi cho anh một truyện ngắn. Anh đọc rất nhanh, bôi đỏ choe choét trên bản thảo. Anh đề nghị tôi sửa. Anh nói, nhà văn phải là người sáng tạo ngôn ngữ, phải dùng từ ngữ cho thật chuẩn.

Và khuyên, dù không có hứng cũng phải tập cho mình một thói quen, mỗi ngày viết một đến hai tiếng. Văn chương cũng cần sự kiên trì tập luyện. Lời khuyên của anh đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được, dù tôi biết đó là sự thật, bằng chứng là chính anh với tác phẩm ra đời đều đặn hàng năm.

Khi tôi viết bài này thì Hồ Anh Thái đang chu du tận Thụy Điển. Những chuyến đi nước ngoài với anh như một nhu cầu thường xuyên. Có khi là công việc. Nhưng cũng có khi là đi chơi. Anh đi nhiều. Và đi một mình. Tôi cho rằng, anh là người cảm nhận rõ nhất sự cô đơn, đến mức nhận ra được vẻ đẹp của nó.

Những ngày Tết, anh thường trốn đi đâu đó một mình. Anh nói, cảm giác một mình ở một nơi xa lạ, không quen biết ai, tự mình tìm hiểu và sống trọn vẹn với chính mình là một cảm giác không tồi. Chuyện về Hồ Anh Thái quả là những chuyện mơ hồ. Không ai biết về gia đình, vợ con anh.

Cũng không ai biết anh đang làm gì. Khi viết là anh tắt điện thoại. Như một thứ kỷ luật để hết mình với những con chữ. Hồ Anh Thái đang viết một cuốn tiểu thuyết mới. Anh không nói về cuốn tiểu thuyết của mình. Đã có người đặt ra câu hỏi xung quanh chuyện đời riêng của anh.

Nhưng tôi lại không muốn bắt đầu viết về anh theo con đường ấy. Mỗi người có quyền giữ cho mình những khoảng riêng cần thiết. Họ không muốn cho ai biết. Và họ không cần ai biết. Vậy hãy để họ được sống cho chính mình. Tôi chỉ biết cảm giác đón đợi những tác phẩm của anh là có thật. Và sự đón đợi ấy minh bạch, công khai...

Thiên Ý
.
.