Nhà văn Hà Đình Cẩn: Có tôi đây

Thứ Sáu, 27/03/2015, 19:03
Làm Báo Quân đội, ra quân về Tạp chí Sân khấu, đang làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu rẽ ngang sang Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, rồi trở lại Sân khấu khi thời hoàng kim của các sàn diễn đã ra đi, nhà văn Hà Đình Cẩn cứ trở đi trở lại con đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu rồi Trần Hưng Đạo.

Hẹn nhau từ năm nảo năm nào, từ buổi uống rượu ở Đại Lải trong một chiều mênh mông gió, hoặc trong kí ức những đêm hành quân vằng vằc ánh trăng rừng, rốt cuộc rồi Hà Đình Cẩn, Chu Lai, Hà Phạm Phú cũng balô túi xách, đồ nghề, laptop chất lên xe tự lái, làm một hành trình ruổi rong xuyên Việt. Bỏ lại Hà Nội ran ran nóng và ẩm ướt đến rùng mình, “tam nhân” khác nhau cá tính, khác nhau văn nghiệp không hiểu có ai bốc đồng nổi hứng mà tách đoàn riêng tư “tụt tạt”, nhưng dõi theo hành trình được cập nhật trên Facebook, và cái giọng hồ hởi của nhà văn Hà Đình Cẩn rổn rang qua điện thoại thì cuộc đi lần này chắc sẽ tới đích đủ người...

1. Lúc lắc mái đầu tóc đã xóa trắng toàn phần, tuổi 70 râu ria vóc dáng thế vẫn được coi là tinh anh gọn ghẽ, nhà văn Hà Đình Cẩn ngồi giữa chốn đông người oang oang cười nói, xởi lởi với người này thân tình với người nọ, vui vẻ xuề xòa và dễ tiếp xúc, dễ gần, thấy cô gái xinh xinh ưa nhìn nào là nhận ngay tắp lự: “Con gái đấy, con gái tôi đấy” rồi hà hà tự thú “thế cho an toàn”.

Sinh đúng năm Ất Dậu 1945, gã trai ưa suy tư hay ngẫm ngợi của một bà mẹ nghèo nơi làng quê xác xơ khó ở vùng trung du Lập Thạch - Vĩnh Phúc năm nào đã đi gần trọn một vòng đời, vui buồn sướng khổ, hạnh phúc đớn đau, tiếng tăm thành công, thất bại, xòe bàn tay nhẩm đếm xem ra cũng đủ đầy. Nhưng ông dường như chưa dừng lại, chưa cảm giác mỏi mệt tuổi già hay còn miết mải với những cuộc kiếm tìm mênh mang thiếu vắng hồi kết.

Nhập ngũ năm 1965 lúc vừa tròn tuổi hai mươi, làm lính bộ binh trực tiếp cầm súng, lăn lê bò toài đủ cả, rồi viết văn, thành phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tác nghiệp như một nhà văn nhà báo chiến sĩ. Vào buổi sáng của ngày 30/4/1975 lịch sử, với chiếc máy ảnh Pratica cổ lỗ đeo trên vai, Hà Đình Cẩn tay bút tay giấy đứng giữa Sài Gòn, tận hưởng thời khắc có một không hai đầy hy hữu với mỗi đời người.

Đi nhiều, chứng kiến nhiều, trải nghiệm nhiều, những chi tiết đời sống, những chứng nhân lịch sử, cả xúc cảm riêng tư của mỗi phút giây suốt dằng dặc tháng năm, sau này đều thành chất liệu trong các sáng tác ngồn ngộn của ông. Quần đảo san hô, Vùng rừng âm vang, Vòng lăm vông thứ 2, Ký sự những ngày mưa, Đường gập ghềnh, Cây sa mu còn lại... văn xuôi hay kịch bản sân khấu Trò đùa người lớn, Thứ phi, Ô cửa sổ bỏ ngỏ... và cả các tập thơ Những câu thơ nhặt được, Ngày đi qua... đã tạo nên một chỗ đứng cho Hà Đình Cẩn trong đời sống văn nghệ nước nhà những năm hậu chiến.

Có thành quả, lại kinh qua chiến tranh, lạ một điều Hà Đình Cẩn khác nhiều nhà văn đang hoặc từng mặc áo lính, ông rất ít khi nhắc về quá khứ chiến trường, không mấy dịp bi bô “một thời đạn bom”, một thời mà sự sống và cái chết luôn hiện hình không giới hạn. Ông đôi khi cực tinh tế đem ký ức chiến tranh vào câu chữ, và những day dứt giằng xé ngữ nghĩa cứ ám ảnh mãi sau lớp ngữ âm kín tiếng kiệm lời: “Sau chiến tranh, tôi đem tiếng “có” của người lính về quê không biết để làm gì. Con gọi bố, tôi vô tình thưa “có”..., bỗng nghẹn lòng thèm mẹ gọi tên xưa”...

Cũng chẳng mấy dịp bắt gặp Hà Đình Cẩn lập ngôn, tranh cãi lập trường quan điểm chuyện này chuyện khác, hoặc giả ông thường viết nhanh hơn nói, chưa nghĩ xong đã rào rào gõ bàn phím lách cách con chữ kín kịt mặt giấy, và áp lực cơm áo gạo tiền cũng khiến viết đã thành thói quen sinh hoạt hằng ngày, nên viết với ông không kiêu kì bắc bậc, cao sang tót vời như sứ mệnh (tưởng tượng) mà nhiều văn nhân tự chuốc lấy cho mình. Viết đã thành một lao động lực điền, một phản xạ có điều kiện để đi qua buổi mất mùa giáp hạt, hay lúc con giai lấy vợ con gái lấy chồng, lát lại cái sân gạch ở quê hay xây cho cháu ngoại cái nhà vệ sinh kiểu mới.

Hà Đình Cẩn cứ hồn nhiên giữa những điểm trang thị dân lòe loẹt đang giăng mắc phố phường, vẫn nguyên kiểu một người lính trung du ngụ cư Hà Nội. Ông viết tất, kịch bản phim tài liệu, lời bình các lễ hội, có tiếng a lô gọi mời là “được rồi, được rồi, tốt”, và chỉ sau những tích tắc ngắn ngủi, công việc người khác làm cả tuần cả tháng đã được Hà Đình Cẩn ngon ngoẻn hoàn thiện trong một buổi chiều.

Hội Sân khấu mở cuộc thi kịch bản là phải bằng được cho ra một cái gửi dự thi, và gần như không lần nào thiếu tên trong danh sách đoạt giải, kịch bản Tôi và các nhân vật phụ giành giải nhất cuộc thi năm 2010 sau nhiều năm lãnh đạo Hội ngậm ngùi vì không tìm đâu ra quán quân, rồi được Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng, Hà Đình Cẩn cũng nhẹ tênh coi như chuyện thường, chỉ hề hề quy thành tích ra tiền mặt.

Cực có duyên với các giải thưởng văn chương sân khấu, nghĩ nhanh nói nhanh viết nhanh và làm gì cũng nhanh nhanh xong việc, vậy mà thấy ông vẫn thường xuyên tất tả, thường xuyên thiếu thời gian vì khối lượng công việc ngập đầu. Nhận Giải thưởng Nhà nước nhờ những kịch bản sân khấu từng gây tiếng vang, thấy hùi hụi một điều, không hiểu tiếc cho văn chương hay tiếc cho chính ông, bởi Hà Đình Cẩn cứ bị cuốn đi bởi muôn vụn vặt không tên chuyện gia đình chuyện con cái, những lo toan thường mang sắc diện đàn bà, khiến ông thiếu thời gian, thiếu cả sự tĩnh tâm để mà sắp đặt một tác phẩm dài hơi đầy đặn, một dấu ấn để đời cho bõ những quãng đời không kém phần oanh liệt đã đi qua và đã sống.   

2. Cũng 6,7,8 năm Hà Đình Cẩn thôi làm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, Hà Phạm Phú cũng không còn tham gia quản lí ở Hãng phim Hội Nhà văn dưới thời ông giám đốc nổi đình đám với những phim như Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông hay Hà Nội, Hà Nội..., Chu Lai thì kiên quyết rút khỏi Ban chấp hành Hội Sân khấu khóa mới vừa rồi, 3 ông nhà văn tuổi hơn kém 70 lại gặp nhau và cùng một tiếng hô thúc giục lên đường.

Làm Báo Quân đội, ra quân về Tạp chí Sân khấu, đang làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu rẽ ngang sang Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, rồi trở lại Sân khấu khi thời hoàng kim của các sàn diễn đã ra đi, nhà văn Hà Đình Cẩn cứ trở đi trở lại con đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu rồi Trần Hưng Đạo, toàn những chốn hội hè lấy vui làm chính coi tiền làm chuyện thoáng qua, lấy thêm bằng hữu bạn bè tác phẩm làm món nhắm để cười, để xả, để buông bỏ sống thêm mỗi ngày.

Đến với sân khấu chỉ vô tình, viết kịch bản đầu tiên được dàn dựng năm 1978 khi chưa biết gì về... kịch bản sân khấu, may cho sân khấu những thập niên qua có thêm Hà Đình Cẩn xuất xứ nhà văn, để cái sâu cái đằm, cả cái thời sự chua cay đều cách này hay cách khác đua ganh nhau trên sàn gỗ.

Nhà văn Hà Đình Cẩn (trái) và nhà văn Chu Lai trên đường xuyên Việt.

70 tuổi vẫn chưa ngưng nghỉ, con cái đã lớn đã tự lo được trong những khúc quanh vất vả đường đời, Hà Đình Cẩn không còn phải cảnh mà nhiều đồng nghiệp ông ở Tạp chí Sân khấu còn ứa nước mắt nhắc lại, mỗi kì lĩnh lương tiền vừa cầm xong đã chia ra vài cái phong bì, đây cho con lớn, đây con nhỡ, phần này con nhỏ, đây phần mẹ ở quê còn lại bao nhiêu mới nhét ví đút túi quần rồi hềnh hệch cười a lô bạn này bạn kia gặp nhau ở quán bia hơi nào đấy.

Làm nghề viết, dẫu tiếng tăm đầy mình nhưng ngay buổi “văn chương hạ giới rẻ như bèo” vẫn đàng hoàng nuôi được một đàn con trứng gà trứng vịt nên người giữa đất thủ đô nhà chật, đường chật, lòng người cũng chật căng bức bối, mới biết “cá chuối đắm đuối vì con” theo cách người đời nhìn ông bố Hà Đình Cẩn quả không sai sách gì. 

“Tam nhân” nhưng không “bất đồng hành”, chưa bị như lời dậm dọa nhau là lên ô tô tới Thường Tín thể nào cũng có ông xuống xe, qua Thanh Hóa thêm ông nữa quay lại, chuyến “hành phương Nam” của ba nhà văn Hà Đình Cẩn, Hà Phạm Phú, Chu Lai đang rổn rang xôm trò trên mỗi chặng dừng suốt dọc dài thiên lý. Tới đâu có bạn ở đấy, uống với nhau một vài chén rồi đi, rồi có thể quên cho tới lần gặp tiếp, chén rượu tiếp theo, gần 2.000 cây số đường thiên lý Bắc Nam quả là sân khấu vô tận không gian không đóng mở màn cho ba ông nhà văn tung hứng bày trò, say sưa đối đáp.

Hà Đình Cẩn và Hà Phạm Phú vốn đồng hương, đồng môn, nhiều khi thấy lạ, người điềm đạm có thể tư duy bằng tiếng Trung như nhà văn Hà Phạm Phú lại sóng đôi hợp được nết ăn nếp ở với Hà Đình Cẩn, mới thấy tình bạn đàn ông trong giới văn chương không bị ràng buộc mặc định vào những cái thông thường. 70 tuổi vẫn nhiệt tình sống, từng một thời nhiệt tình yêu đến mắt nhắm mắt mở quên cả đường về, quên cả thực tại, không màng tương lai, không hề sợ hãi, ngọn lửa sống, đam mê viết, thói quen làm việc vẫn ngùn ngụt trong từng nếp gấp tế bào của Hà Đình Cẩn.

Có cả một gia tài văn chương sân khấu ăm ắp đầy đặn, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn 70 tuổi bắt đầu được sống cho mình, được đẩy lùi lại sau lưng những năm tháng đắng cay ngọt ngào, để một lần tận lực với đam mê.

Ngô Hương Sen
.
.