Nhà văn Đoàn Giỏi thích cúc vạn thọ lùn, ăn cơm với ớt và hột vịt chiên hành

Chủ Nhật, 13/11/2016, 10:46
“Ba tôi thích bông cẩm chướng, cúc vạn thọ lùn. Ông thường uống trà đặc, viết văn vào đêm khuya, lúc nào trong túi cũng cầm theo ly “hạt mít” quen thuộc. Ba thích ăn cơm với ớt, mắm, hột vịt chiên với hành. Nhưng ba không nỡ ăn cả quả, bao giờ cũng chia 2 phần, một phần của ba, phần còn lại cho anh Viễn - chồng tôi”, cô Bùi Thu Hà, con dâu của cố nhà văn Đoàn Giỏi kể về những thói quen thường nhật của “đại thụ văn chương phương Nam” lúc ba mình còn sống.

Trong căn nhà mới sửa sang của gia đình ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cô Bùi Thu Hà nhớ lại hình ảnh người ba đáng kính của mình – nhà văn Đoàn Giỏi - một trong những tên tuổi văn chương đặc biệt của “đất rừng phương Nam”. Thấy con trai Đoàn Quang Minh – người cháu nội duy nhất của nhà văn – mua hoa (gồm mấy loại) đặt lên bàn thờ thắp nhang cho ông, cô Hà nhắc con quay lại chợ, tìm cho được cúc vạn thọ lùn bởi đó là loài hoa lúc sinh thời ba mình thích nhất.

Mặc dù chỉ làm dâu được 4 năm thì ba mất nhưng hình ảnh về một người đáng kính, có danh tiếng nhưng hết sức giản dị, khiêm nhường cho đến nay cô Hà vẫn không thể nào quên được.

Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định, từ năm 1945, nhà văn Đoàn Giỏi tham gia cách mạng rồi công tác trong ngành an ninh, làm công tác thông tin, văn nghệ.

Trong 9 năm kháng chiến, Đoàn Giỏi từng là Phó trưởng Phòng Văn nghệ Sở Thông tin Nam Bộ. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc, rồi chuyển sang viết văn, làm báo, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam những khóa đầu tiên.

“Tôi và anh Viễn vốn cùng Công ty Cây xanh Hà Nội. Anh Viễn làm ở xưởng mộc, tôi làm mảng thống kê. Thời bọn tôi chưa có xe máy để đi, ba Giỏi đã có người đưa đi đón lại bằng ôtô rồi. Hồi đó, ba hay qua Công ty tôi họp với các giám đốc, bọn tôi nhân viên toàn mua bông tặng (người miền Nam gọi hoa là bông – PV).

Ông thích cúc vạn thọ lùn nhất, sau đó thích bông cẩm chướng thơm. Tôi hay tặng bông nên ba con rất quý nhau. Anh Viễn tán tôi. Ba đến nhà tôi chơi. 2 ông già lại hợp nhau. Kết quả là 2 tháng sau, anh Viễn mang đồ đến ăn hỏi. Tôi với anh Viễn lấy nhau năm 1983. Minh ra đời hai năm sau đó. Khi chúng tôi lấy nhau, ba đã đi bước nữa (người vợ đầu của nhà văn Đoàn Giỏi mất từ năm 1969 - PV).

Bà Lục – người vợ hai của ba – có một người con riêng là chị Lê Thị Thái Hà. Dù không cùng dòng máu nhưng chúng tôi vẫn yêu thương nhau như những người ruột thịt. Chúng tôi sống chung trong ngôi nhà ở số 2 Cổ Tân (mà nhiều người vẫn nhầm là số 4)”, cô Hà nhớ lại mối nhân duyên của mình.

Trong ký ức của cô Bùi Thu Hà, nhà văn Đoàn Giỏi có thói quen uống trà đặc, lúc nào trong túi cũng có ly “hạt mít”. Ông thường viết văn đêm. Khi cả nhà đã đi ngủ, ông mới bắt đầu bật cây đèn nhỏ xíu lên và ngồi làm việc. Ông ham đọc sách, mỗi lần đi công tác nước ngoài về, ông chẳng mang gì về ngoài sách. Ông thích ăn cơm với ớt, mắm, một hột vịt chiên đánh với hành. Ông không bao giờ ăn hết cả quả mà chia thành 2 phần, một phần của ba, phần còn lại cho anh Viễn.

Ba Giỏi yêu động vật lắm. Hồi đó, ba nuôi một con mèo. Con mèo đó phá lắm nên cả nhà chẳng ai ưa. Nhưng với ông thì khác, cứ mỗi lần thấy ông về, nó chạy ra. Ông chỉ cần huýt sáo, nó xuất hiện ngay. Khi ba ngủ, nó thường cuộn mình dưới chân ông.

Tình cảm đặc biệt dành cho loài vật nói riêng và thế giới xung quanh của nhà văn Đoàn Giỏi từng được người con riêng Thái Hà kể lại tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông tại Hà Nội vào năm ngoái.

“Nhà tôi ở tầng hai, ban công nhỏ xíu, nhưng ông làm một cái bệ đưa ra ngoài trồng cây. Ăn mướp đắng, ba lấy hạt gieo thành cây, rồi giâm những cành rau thơm, trồng cây cẩm cù trên đó, hàng ngày chăm sóc cẩn thận. Những ngày cuối đời, cha tôi đi đi về về giữa TP HCM và Hà Nội nhiều hơn. Ông đổ bệnh tại TP HCM. Khi tôi vào chăm, ông một tay đang cắm ống truyền thuốc, một tay vẫn kê giấy, cầm bút viết: “Con về nhà nhớ cho lũ thạch sùng ăn”. Tôi về căn phòng của ông trên phố Võ Văn Tần mới biết, hằng ngày ông cho cơm nguội vào cái đĩa, để trên bậu cửa cho đám thạch sùng bò tới ăn".

Không có gì là lạ khi người con của “núi cả mây ngàn” ấy yêu thương, nâng niu loài vật. Và cũng chẳng phải tự nhiên, kho tàng văn chương của chúng ta hôm nay có một Đất rừng phương Nam sừng sững qua bao nhiêu thế hệ, đọc bao nhiêu lần vẫn thấy mới mẻ, cuốn hút.

Cô Bùi Thu Hà – con dâu cố nhà văn Đoàn Giỏi và anh Đoàn Quang Minh – cháu nội nhà văn.

Mới đây, NXB Kim Đồng vừa tái bản bộ sách quý của nhà văn Đoàn Giỏi. Ngoài những cuốn sách mang chủ đề lịch sử, danh nhân, con người Nam Bộ như truyện dài Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, truyện ký Trần Văn Ơn, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Rừng đêm xào xạc, không thể không nhắc đến Tê giác trong ngàn xanh Những chuyện lạ về cá.

Với hơi văn đượm vẻ phong tình Nam Bộ, thông qua 2 tác phẩm đó, cha đẻ của Đất rừng phương Nam đã dựng nên một thế giới thiên nhiên vừa gần gũi nhưng ít người biết đến, vừa sống động và cũng thật huyền ảo. Tâm hồn ông phải mở rộng tới tận cùng để lắng nghe, để hòa vào thì mới nghe ra được tiếng vọng lại của những mùa nước lớn, tiếng rúc rích của côn trùng, mới biết được cá dứa thì có mùa; nước rong, ba khía leo bám đầy lên cây đước, cây vẹt…

Có lẽ, bản thể không tách rời cùng cuộc đời ấy đã mở ra một con đường độc đạo dẫn dắt người đọc đến với mảnh đất Nam Bộ - mà có lẽ, cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua được nhà văn Đoàn Giỏi. Người chưa đặt chân đến mảnh đất này sau khi đọc văn ông thì mong một lần neo thuyền đến để xem cây đước Cà Mau, những dòng kênh rạch dọc ngang sông Tiền, sông Hậu như thế nào, mùa nước lớn dâng lên ra làm sao.

Người đến đây rồi thì thấy hóa ra, văn cũng như người, quá đỗi thực thà. Tình văn Đoàn Giỏi bền lâu và gắn với thân phận mảnh đất này như cây đước, cây vẹt, ngàn đời vẫn cắm rễ ở cửa biển để đón những mùa biển động sóng trào. Tự nhiên, hoang dã và vô cùng.    

Khi tôi hỏi, có người cha quen biết rộng và nổi tiếng như nhà văn Đoàn Giỏi, hẳn con cháu được nhờ nhiều, ít nhất là trong công việc, người con dâu của nhà văn nói rằng: “Với vị trí của ba thời đó, ông hoàn toàn thu xếp được cho con cái một công việc tốt hơn nhưng ông không làm. Tính ông khiêm tốn, giản dị. Ông vẫn dạy chúng tôi đối nhân xử thế, lễ nghĩa. Sống trong đời sống này nên làm gì và không nên làm gì. Ba là người ham chữ nghĩa nên ông hay lồng ghép những bài học làm người thông qua những câu chuyện. Nhất là, ông không chửi mắng và chưa một lần to tiếng với con cái trong nhà. Hồi Minh 1-2 tuổi, ba hay dạy Minh học. Chữ ông đẹp lắm. Mà chữ thằng cháu rõ là méo mó đến buồn cười”.

Về Tiền Giang, là về với đất phát tích của cải lương với các giọng ca trời phú Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Du, Tư Xe, Bảy Nam. Là về Phú Triết, mảnh đất đã sinh ra soạn giả Trần Hữu Trang - con người nho nhã như thư sinh, ra Hà Nội cũng mặc bộ quần áo bà ba trắng...

Là về với chợ Giữa, Vĩnh Kim, nơi cố Giáo sư Trần Văn Khê một đời lầm lũi, nặng lòng với âm nhạc dân tộc. Là về với nơi đầu tiên trên toàn quốc, thành lập gánh hát toàn con gái - gánh Đồng Nữ của cô Ba Diện, chuyên trình diễn những tấm gương ái quốc, những tuồng lịch sử chống xâm lăng... Là xứ chợ Gạo, nơi sinh ra danh họa Nguyễn Sáng - một trong những cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Và về Tiền Giang, là về với đất lành văn chương Đoàn Giỏi, về với mảnh đất ai đưa chim sáo sổ lồng bay đi...

Đậu Dung
.
.