Nhà văn Bùi Hiển: Từ tốn và độ lượng

Thứ Tư, 19/03/2008, 09:30
Hồi kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng, các anh thuộc thế hệ học sinh trước năm 1945 ngồi quây quần với nhau, ôn lại chuyện cũ. Những cậu học trò măng tơ ngày ấy, bây giờ tóc đã ngả màu sương. Có người trở thành nhà khoa học. Có người trở thành nhà quản lý. Có người trở thành vị tướng... Còn ông Bùi Hiển thì lại trở thành nhà văn.

Riêng Bùi Hiển, may mắn được ở trọ cùng nhà với một người bạn mê đọc văn học Pháp, tên là Hồ Phi Thức. Anh ta thức rất khuya, đọc mê mải, thỉnh thoảng lại cười rung cả giường, làm cho Bùi Hiển tỉnh dậy.

Dần dần Bùi Hiển cũng mê lây và cảm thấy được cái ma lực của văn chương. Từ chỗ mê văn chương nói chung, anh mê quốc văn. Trong thời gian ấy, văn học Việt Nam đang cách tân mạnh mẽ và nở rộ với nhiều sắc thái mới mẻ. Bùi Hiển hăm hở tìm đọc Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng...

Đến khi ra trường, đi làm viên chức, hoàn toàn rỗi rãi vào ban đêm, Bùi Hiển tập viết văn. Được một người bạn đọc hộ và nhiệt tình khuyến khích, anh mạnh dạn gửi truyện "Nằm vạ" cho Báo Ngày nay. Một niềm vui bất ngờ đến với anh, tháng 9/1940, Báo Ngày nay đăng với hàng tít khá lớn, có lời giới thiệu thắm thiết của Thạch Lam.

Đó là truyện ngắn đầu tiên được in.

Sau đó, Bùi Hiển tập hợp các truyện đã viết, mạnh dạn ra Hà Nội, đem bản thảo tới Nhà xuất bản Đời nay. Được Khái Hưng tiếp một cách lịch sự và nhiệt tình. Bảy tháng sau, sách in xong.

Đó là cuốn sách đầu tiên được in.

Báo Ngày nay bị đình bản, Bùi Hiển lại gửi bài cho Báo Hà Nội tân văn. Trong cuốn hồi ký "Những năm tháng ấy", Vũ Ngọc Phan có ghi lại: "Những cộng tác viên đầu tiên của tờ báo là Lưu Trọng Lư, Ngô Tất Tố, Trọng Lang (tức Trần Tán Cửu), Đỗ Đức Thu, Nguyễn Tuân, Hằng Phương, Thiết Can và về sau có thêm Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài(...). Bùi Hiển được bạn đọc chú ý từ những truyện về phong tục, về mê tín dị đoan của người dân quê xứ Nghệ".

Từ đấy, bút danh Bùi Hiển được khẳng định trong làng văn Việt Nam.

Trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Bùi Hiển thường lăn lộn mấy tỉnh Khu IV. Có một lần, tôi gặp anh ở ngay tại Quỳnh Lưu quê anh. Trong không khí chiến trường dữ dội, anh vẫn cười nhẹ nhàng, nói nhẹ nhàng. Qua trò chuyện, tôi biết dạo này anh ăn dầm nằm dề ở mảnh đất này để thỉnh thoảng lại theo dân chài ra khơi đánh cá.

Tôi hơi ngạc nhiên: đã gần 50 tuổi rồi mà anh vẫn ra khơi! Tôi kém anh những 17 tuổi, vừa rồi cũng liều theo thuyền giã đôi ra khơi một chuyến say lư đừ, mệt rã. Lại còn phải đề phòng gặp tàu giặc nữa chứ.

Tôi hỏi anh: "Nếu gặp tàu giặc, bị giặc bắt thì sao?". Anh nhoẻn cười: "Ta đã nghĩ đến chuyện đó. Nếu bị bắt, bị tra hỏi, ta cứ nói thật ta là nhà văn, đi theo dân chài để lấy tài liệu viết văn". (Trong khi đối thoại, anh không dùng chủ ngữ tôi hoặc mình, mà thường xưng là ta).

Phong thái Bùi Hiển luôn luôn nhẹ nhàng. Nhưng vóc dáng cơ thể thì chắc nịch - cái vóc dáng của người miền biển. Anh vốn sinh ra và lớn lên ở một làng ven biển: làng Phú Nghĩa hạ. Ngọn núi Mành sừng sững hướng ra biển. Sông Mơ chảy quanh làng rồi đổ ra cửa Lạch Quèn. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề chài lưới.

Thuở nhỏ, bản thân Bùi Hiển cũng đã từng cùng bạn làng bơi lội ở cửa sông, và đã liều cùng bạn bè bơi trên biển đến vài ba kilômét. Rồi lớn lên, một đôi lần đã theo thuyền ra khơi đánh cá. Tình biển thấm vào da thịt, vào cuộc đời anh tử thuở ấu thơ.

Khi bắt đầu cầm bút, hình ảnh biển luôn luôn hiện ra như người bạn vô cùng thân thiết. Anh tập dịch truyện ngắn "Ở biển" (En mer) của Maupassant. Anh tập làm bài thơ với đầu đề "Đời ngư phủ". Những truyện ngắn đầu tiên được in cũng viết về người dân biển quê mình. Ông Vũ Ngọc Phan, chủ bút Báo Hà Nội tân văn cũng khuyến khích anh viết về dân chài xứ Nghệ.

Ôi hãi hùng làm sao biển xa xưa nổi sóng dữ dội trên những trang văn. Mặt biển ùn ùn sương mù dày đặc như từ thủy phủ đùn lên lạnh ghê người. Bão tố quật thuyền va vào vách đá vỡ tan tành.

Người chìm xuống biển và trả về cho mặt biển một bong bóng rất lớn nổi lên vỡ bùng trên mặt nước kèm một búng máu.

Biển huyền bí đầy ma quái... “âm dương không phân ranh giới rõ ràng, cõi sống và cõi chết nương nhau vấn vít. Mấy chú ma hồn của những người dân chài đã bỏ mình trong bão tố, trở về ngồi lặng lẽ bên mạn thuyền, chắc hẳn chỉ để tìm lại chút hơi ấm cuộc đời vì cảm thấy lòng biển quá mênh mông lạnh lẽo”. (Chiều sương).

Có thể nói làng biển Phú Nghĩa hạ là nơi khởi thủy nguồn cảm hứng bất tận của Bùi Hiển. Từ những người nghèo của làng quê mình đến với những người nghèo của nhiều vùng quê khác, nguồn cảm hứng luôn luôn được tiếp sức và mở dòng dào dạt. Ngòi bút của anh hướng về họ với nỗi cảm thông sâu sắc.

Và anh đã có những đóng góp xứng đáng vào dòng văn học hiện thực Việt Nam đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Trong phong trào truyền bá quốc ngữ, Bùi Hiển có tham gia dạy một lớp ở Vinh. Học trò toàn là dân nghèo thành thị: bác phu xe, bà bán cháo bánh canh, chị bán bánh mướt, ông lão bán tào phớ...

Một hôm, dạy xong, anh đi dạo dọc phố vắng. Gặp em bé gái bán lạc rang, anh mua một gói. Khi trả tiền, em ngoảy đầu: "Em không lấy tiền của thầy mô". Không những em không lấy tiền mà còn dúi thêm vào túi anh một gói lạc, rồi đi rất nhanh và tiếp tục rao: "Ai lạc rang...". Anh nhìn theo em bé khuất dần trong đêm khuya, sống mũi cay cay... 

Với Bùi Hiển, dưới ngòi bút ngày càng sung sức, cuộc đời cũ nghèo túng, quẩn quanh, buồn tủi bỗng vỡ òa như dòng thác lớn. Ta nhận dạng được những nhân vật trong trang sách cũ lại hăm hở đi trên con đường rộng mở của cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng cuộc đời mới.--PageBreak--

Bùi Hiển say mê lùng sục vào các ngõ ngách của xã hội. Cùng với đoàn cán bộ thông tin luồn vào chiến khu Ba Lòng. Cùng với đoàn dân công Nghệ Tĩnh trèo đèo, lội suối, gánh lương thực và đạn dược ra tiền tuyến.

Cùng với anh Vệ Quốc đoàn len lỏi giữa các đồn và các lô cốt vùng địch hậu Thừa Thiên... Cùng với ngư dân Quỳnh Lưu bám biển. Cùng với lão nông Quảng Bình thăm đồng lúa Đại Phong. Tác giả kể lại, hồi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại, trong một đêm giao thừa, anh dừng lại ở một trại chăn nuôi lợn ở Diễn Châu, uống nước chè và nói chuyện cà rảm với các cụ giữa tiếng lợn ủn à ủn ỉn lẫn với tiếng nhạc rađiô nghe thật vui tai...

Những năm đánh Mỹ, cơ quan Hội Văn nghệ Nghệ An sơ tán về Yên Thành. Bùi Hiển thường về đó. Sau đợt đi thực tế vùng Khu IV, anh về địa điểm sơ tán một thời gian để viết hoặc để bàn bạc công việc (hồi ấy anh làm Chủ tịch Hội).

Bạn bè xúm xít vui lắm: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hồng Nhu, Thạch Quỳ, Quang Huy, Bá Dũng... Gặp mặt đông đủ, Trần Hữu Thung mang súng săn đi một chốc rồi mang về con cáo hoặc con cò, làm thịt nhắm rượu, đọc cho nhau nghe và góp ý kiến cho nhau những tác phẩm vừa mới viết xong. Rất chân tình. Rất thương nhau. Bùi Hiển tiếp nhận thoải mái những ý kiến khen chê của anh em và ghi đầy đủ vào sổ tay. Lúc khoái quá, mọi người cười toáng lên, nhưng Bùi Hiển vẫn cứ cười nhẹ nhàng, khẽ rung đôi vai.

Thời gian này anh viết được nhiều. Trong cái ồ ạt, sôi nổi của cuộc đời đang chuyển động, anh vẫn tinh tế phát hiện ra những gì đang nảy mầm thầm kín từ nơi sâu thẳm tâm hồn con người. O Đợi (trong truyện ngắn "Đợi") bị một tai nạn từ bé, người cứ héo quắt, còi cọc, thui chột theo năm tháng.

Anh Bình, cán bộ kỹ thuật được phái về hợp tác xã. Đợi được làm việc trong đội bèo hoa dâu. Bình hướng dẫn cho Đợi một cách chu đáo. Đợi săn sóc Bình một cách vô tư. Cũng rất vô tư, Đợi chắt chiu vun quén đám bèo hợp tác.

Do tiếp xúc trong công việc, một thứ tình cảm lạ lùng nảy nở như cánh bèo hoa dâu run run trên mặt nước. Lúc thì Bình thấy Đợi nhìn cánh bèo xao xuyến với đôi mắt thích thú long lanh. Lúc thì Bình thấy Đợi đứng như bức tượng đá, sững sờ, ánh mắt đọng một nỗi buồn bã vô cùng tận, câm lặng, não nề.

“Trong trái tim bé nhỏ của người con gái luống tuổi và còi cọc, cái ngăn dành cho một loại tình cảm riêng tư nào đó đã tèo tẹt đi. Nhưng trái tim nhỏ bé lại biết căng ăm ắp nhiệt tình, đập theo nhịp những yêu thương rộng lớn. Sức tiềm tàng ở đáy tim mỗi con người thật kỳ lạ. Càng kỳ diệu thay, cuộc sống mới chúng ta! Nó khơi dậy những yêu thương rộng lớn - bản thân nó đã là yêu thương rộng lớn. Giá không, dễ thường cô gái chỉ còn biết tàn lụi, trong cái hắt hiu thể chất lẫn tâm hồn”. Diễn biến tâm lý của Đợi thật là tự nhiên, không gò bó một chút nào. Người đọc ứa nước mắt theo những dòng chữ rất đỗi nhân hậu của tác giả.

Bùi Hiển tâm sự: "Tôi rất kị kiểu nhà văn nào đó lên giọng dạy đời, chì chiết hoặc chửi bới, cứ như thù hận con người (...). Khi cần phê phán, tôi thích dùng lối văn châm biếm nhẹ nhàng, chen tí hài hước khoan dung, nhằm đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người, nó đang ngủ gà ngủ gật vì kém nội lực bản thân hoặc bị khỏa lấp do những eo xèo cuộc sống, và nhằm đừng để trượt dần dù là vô tình vào cái xấu, cái ác". ("Nhà văn Việt Nam hiện đại", NXB Hội Nhà văn - 1997).

Từ những truyện ngắn đầu tiên viết năm 20 tuổi cho đến những truyện ngắn gần đây, ngòi bút của Bùi Hiển vẫn quán xuyến điều tâm niệm ấy. Con người Bùi Hiển trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày hiện lên khá rõ một Bùi Hiển cầm bút: thận trọng, từ tốn và độ lượng.

Ngăn nắp trong gia đình. Chu đáo với người thân, với bạn bè. Đến dự bất kỳ cuộc họp nào dù là cuộc họp dăm bảy người, anh cũng thắt cravát và tới đúng giờ. Bản thảo được tác giả tự biên tập trước, sửa đi sửa lại kỹ càng về nội dung và câu chữ.

Ấy thế mà có lần anh bị độc giả phê phán khá nặng với truyện "Ánh mắt" in ở Tạp chí Văn nghệ: nhân vật trong truyện không điển hình cho người chiến sĩ Vệ quốc, không điển hình cho tình quân dân như cá với nước; nếu phần lớn chiến sỹ ta như những nhân vật kia thì làm sao mà có được chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ; cuối bức thư, người độc giả kết luận đó là một truyện xấu! Có một thời như vậy, nhiều bạn đọc và nhất là cán bộ tuyên huấn, đọc và xem tác phẩm văn học nghệ thuật không phải để thưởng thức mà để bới lông tìm vết!

Trong truyện, Bùi Hiển không tạo nên những tình tiết gay cấn, ly kỳ; mà cốt truyện được mở ra theo diễn biến tâm lý nhân vật một cách từ tốn, tinh tế. Như trong cuộc đời thực, anh không nổi nóng gắt gỏng, xử sự ác với ai; trong tác phẩm anh cũng không xử sự ác với nhân vật.

Anh chỉ mong dùng ngòi bút góp phần "đánh thức dậy những ước ao hướng thiện và những tiềm năng tự hoàn thiện ở từng con người một" như có lần anh tâm sự. Nhìn thấy tật xấu của người khác, anh không hề lên giọng dạy đời, mà nhẹ nhàng phê phán, mỉm cười độ lượng xen chút thông cảm.

Ngay từ truyện ngắn đầu tiên viết năm 1940, truyện "Nằm vạ", ta đã nhận ra cái nụ cười ấy của anh. Cho đến 40 năm sau, truyện "Cái bóng cọc" - một truyện ngắn có ý nghĩa biểu tượng cao, ta vẫn nhận ra ở anh nụ cười phê phán đầy độ lượng

Võ Văn Trực
.
.