Nhà văn Anh Graham Greene: Điệp viên cầm bút

Thứ Sáu, 20/04/2012, 15:07
Đã có không chỉ một nhà văn nổi tiếng ở Anh đồng ý cộng tác với các cơ quan tình báo. Nhưng đối với độc giả Việt Nam, Graham Greene luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt. Đơn giản là vì chính Greene đã viết nên một tiểu thuyết hấp dẫn và rất ăn khách trên thế giới về đất nước chúng ta để qua đấy, mọi người có thể hiểu thêm được chính nghĩa của người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược tới từ bên kia đại dương.

Và dẫu rằng đã rất nhiều thời gian trôi qua kể từ khi cuốn sách ra đời, cho tới hôm nay, “Một người Mỹ trầm lặng” vẫn còn được tìm đọc. Hơn mười năm trước đây (năm 2001), lần thứ hai tiểu thuyết này lại được dựng thành phim nhờ đạo diễn Phillip Noyce và dẫu rằng không đoạt được giải Oscar nhưng cũng đã gây nên sự chú ý cao ở Hollywood và trên thế giới.

Đường văn định sẵn

Graham Greene sinh năm 1904 trong một gia đình hiệu trưởng trường trung học thượng lưu. ông là người con thứ tư trong số 6 người con. Ngay từ nhỏ, nhà văn tương lai đã rất mê đọc sách, đặc biệt là những tác phẩm trinh thám của các nhà văn như Henry Haggard và Joseph Conrad. (Nhiều năm về sau, Greene thú nhận rằng, khi mới bắt đầu bước vào con đường sáng tác, ông đã rất khó khăn mới vượt qua được ảnh hưởng của hai nhà văn này). Thiên tư văn sĩ đã khiến cho cậu bé Graham không dễ hòa nhập với các bạn đồng trang lứa và vì thế, hay bị chế giễu và trêu chọc, đến mức đã mấy lần cậu định tự vẫn! Cha mẹ nhà văn tương lai đã buộc phải để cậu bỏ học ở trường mà ngồi nhà tự học. Những nỗ lực cá nhân cuối cùng cũng đã giúp cho Greene lớn lên thi đậu vào Trường Balliol thuộc Đại học Oxford.

Cuối những năm 20 của thế kỷ trước, Greene đã bắt đầu lập thân bằng nghề viết báo cho tờ Nottingham Journal rồi tờ The Times. Năm 1926, ông đã gia nhập đạo Thiên chúa như một sự phản kháng đối với tín ngưỡng chính thống trên “hòn đảo sương mù” là Giáo hội Anh.

Năm 1929, Greene đã cho xuất bản tiểu thuyết đầu tay Con người bên trong và bắt đầu một giai đoạn khác trong sự nghiệp của mình với tư cách là một văn sĩ chuyên nghiệp. Cho tới cuối đời, ông đã viết hàng chục tác phẩm với những chủ đề hấp dẫn và là một trong những nhà văn có nhiều sách được chuyển thể thành phim nhất. Các tiểu thuyết của ông, như đánh giá của giới phê bình, được cả độc giả bình dân lẫn các trí thức ưa chuộng. Tự ông chia các tác phẩm của mình ra thành hai loại: loại giải trí và loại nghiêm túc. Tuy nhiên, độc giả rất khó phân biệt được sự khác nhau giữa các tác phẩm của ông theo cách này.

Sinh thời, Greene đã rất nhiều lần được đề cử vào giải Nobel văn học nhưng đều bị đánh trượt vì các ý kiến phản đối của nhiều cây bút phê bình văn học chuyên nghiệp. Giải thưởng văn học tương đối danh giá mà ông được nhận là giải Jerusalem năm 1981.

Tác phẩm cuối cùng của Greene A world of my own: A dream diary được viết năm 1994. Đây là một cuốn sách có tính nửa hư cấu, nửa tự thuật dựa trên 800 trang tác giả ghi lại trong suốt 24 năm qua.

Điệp viên không bất đắc dĩ

Greene được coi là cán bộ của cơ quan tình báo Anh MI-6 trong những năm 40 của thế kỷ trước, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì sức khoẻ yếu nên Greene không được nhận vào quân đội chính quy nên đành thể hiện tinh thần ái quốc bằng cách xin làm cho MI-6, tiếp nối truyền thống gia đình. Người từng lập ra Học viện Phản gián Hải quân Anh chính là anh ruột của ông nội nhà văn, Sir William Graham Greene. Em gái của Greene là Elisabeth cũng làm việc cho MI-6.... Tất nhiên, trong gia đình cũng có “con chiên ghẻ”: người anh của nhà văn, Herbert, lại có thời gian cộng tác với Cơ quan tình báo Nhật Bản năm 1930...

Tất nhiên, với những mối quan hệ gia đình như thế, MI-6 đã nhận ngay Greene và hàng ngũ của mình. Thời buổi chiến tranh, mọi sự diễn ra khá đơn giản. Đại diện MI-6 nói với cộng tác viên mới: “Tôi không thể chỉ ra cụ thể việc anh sẽ làm nhưng tôi có thể nói chắc một điều: nếu anh cộng tác với chúng tôi thì anh sẽ không sợ bị ai đe dọa và sẽ phải sợ bị ai đó xâm phạm tới tính mạng”.

Tháng 10/1941, Greene cùng một bạn đồng nghiệp trong làng văn được cử đi học một khoá đào tạo cơ bản về nghề tình báo. Tuy nhiên, thực tế trong “mặt trận bí mật” đã  không khiến cho ông cảm thấy vui mừng. Khoá đào tạo bắt đầu bằng các tiết tập đội ngũ. Greene hoàn toàn không tỏ ra có năng khiếu gì về môn này và giáo viên luôn lấy ông ra để “làm gương” cho việc, không nên thực hiện các động tác đội ngũ như thế. Rồi các tân điệp viên được dạy lái xe mô tô. Sau khi Greene đâm hỏng hai xe, ông được miễn trừ cho môn học này...

Các tiết học về lý thuyết và thực hành nghề tình báo cũng không làm cho Greene thích thú dẫu ông rất cố gắng lĩnh hội những gì nghe trên lớp. Lắm khi ông cảm thấy những kiến thức mà các giảng biên đang cố gắng nhồi nhét vào đầu ông thực vô nghĩa, đặc biệt là việc sử dụng các loại mực không hiện hình... Tới thời điểm đó, công nghệ viết vô hình đã quá lỗi thời; sử dụng mật mã điện đài vừa tiện lợi và có hiệu quả cao hơn nhiều. Một học viên hỏi: Làm thế nào nếu không tìm được đủ những chất hóa học để pha chế mực? Giảng viên đưa ra một vài công thức cho những tình huống khó khăn. Một công thức trong số đó là: trộn nước bọt với... phân bồ câu. Nghe thấy thế, Greene cảm thấy rùng cả mình...

Kết thúc khóa học, Greene được phân công sang thủ đô Freetown của nước Cộng hòa Sierra Leone ở Tây Phi. ông được giao nhiệm vụ theo dõi các tàu ngầm Đức và thu thập thông tin tình báo về nước láng giềng Senegal, thuộc địa của Pháp, lúc đó đang nằm dưới quyền quản lý của chính quyền thân phát xít ở Paris. Khi ấy, tại hải cảng chính yếu của Senegal đang neo một tàu Pháp; con tàu này đang phải tu sửa nhưng nếu ở trong tình trạng bình thường, hoàn toàn có thể tấn công các con tàu Anh. Greene cũng có nhiệm vụ theo dõi cả con tàu Pháp này nữa.

Greene đã định bắt đầu sự nghiệp tình báo viên một cách đầy hứng khởi. ông đề nghị MI-6 chi tiền để mở... một nhà chứa chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn có đối với các thủy thủ Pháp. Theo Greene, các cô gái bán hoa trong nhà chứa sẽ thu thập thông tin từ các khách hàng Pháp và chuyển cho ông(!).

Lãnh đạo MI-6 cho rằng ý tưởng này không được văn minh cho lắm và đề nghị Greene tìm những khả năng thu thập thông tin khác. Khi đó, Greene quyết định sử dụng những tu sĩ Mỹ đang cư trú tại Senegal. ông định lôi kéo họ qua biên giới bằng lời hứa cung cấp những thực phẩm Anh có chất lượng cao với số lượng không hạn chế. Sau đó, ông sẽ đưa họ trở lại Senegal để thu thập thông tin cho Greene.

Lãnh đạo MI-6 đồng tình với kế hoạch này. Tuy nhiên, khi các tu sĩ chưa kịp tới biên giới giáp Sierra Leone, thì Greene đã bị cấp trên gọi đi làm một phi vụ đột xuất. Hoàn thành việc này, Green trở về chỗ hẹn với các tu sĩ Mỹ nhưng vì đã quá giờ hẹn trước, họ đã trở lại Senegal từ lâu rồi.

Sau vụ này, Greene không buồn nghĩ ra kế sách nào mới nữa. Cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ ở Freetown, Greene chỉ làm độc một việc là gửi cho MI-6 những bản báo cáo chứa đựng những câu chữ cực kỳ rối rắm và vô nghĩa, thậm chí là cả những trích đoạn bí ẩn từ các trích đoạn văn học. có lúc ông ký ở dưới bằng mật danh của mình là “điệp viên 59200”, còn có lúc ký bằng tên các nhân vật trong các tác phẩm của mình. Tối tối, ông mời những người đồng hương của mình tới chơi và bày trò giải trí cho họ là xem gián thi chạy với nhau. Khi Greene được triệu hồi về Anh, tất cả đều cảm thấy nhẹ cả người...

Các chuyến công vụ khác của điệp viên Greene đều không có gì khác thế... Sau Sierra Leon, Greene được cử đi công tác tại quốc gia trung lập Bồ Đào Nha với tư cách trưởng nhóm điệp viên đang đóng trụ tại đây. ông có nhiệm vụ phối hợp hành động cùng người bạn đồng môn cũ Maggerige, trước đó đã được cử tới làm việc tại Mozambique, một thuộc địa của Bồ Đào Nha. Phận sự của Maggerige là thu thập dữ liệu tình báo về các con tàu ngầm phát xít và các loại thông tin ở các điệp viên Đức đang hoạt động tại thủ đô Mozambique.

So với Greene, Maggerige lại còn là một điệp viên ngây ngô hơn gấp nhiều lần. Có lần, ông này thiết lập mối quan hệ có đi có lại với tùy viên quân sự Đức tại Mozambique bằng cách giả đò mình sẵn lòng làm điệp viên hai mang. Thế nhưng, do ít kinh nghiệm nên trong mối quan hệ này, Maggerige đã tiết lộ cho đối thủ nhiều thông tin hơn là khai thác được từ nó. Thời tiết nóng bức của châu Phi cùng nỗi thất vọng vì thất bại của mình đã khiến cho Maggerige cảm thấy tuyệt vọng. Có một đêm, ông ta quyết định bơi ra giữa biển để tự vẫn. Tuy nhiên, tới phút cuối cùng, Maggerige kịp thời tỉnh trí và bơi trở lại bờ.

Hiểu rõ năng lực nghiệp vụ của bạn mình, Greene đã tận dụng các mối quan hệ cá nhân để lãnh đạo MI-6 triệu hồi Maggerige trở về London. Tuy nhiên, tại Anh, Maggerige lại càng bộc lộ rõ sự bất tài trong nghề với một lần để quên trên xe hơi một khẩu súng đã nạp đạn và một bộ hồ sơ tối mật. Thử hỏi, sau chuyện này, còn ai dám đặt lòng tin vào những ông nhà văn đi làm gián điệp như thế?

Kết cục là cả Greene lẫn Maggerige đều bị MI-6 loại khỏi đội ngũ của mình.

Theo các nhà phê bình văn học, chính những gì thu nhận được trong giai đoạn làm cho MI-6 đã khiến cho ngòi bút của Greene khi viết về cuộc đời điệp viên của các nhân vật luôn bị ám ảnh bởi những cảm giác chua cay. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều tồi tệ. Khi rời khỏi Freetown, Greene đã ghi trong sổ tay: “Giờ thì tôi đã hiểu ra rằng, cuộc đời tôi thực là lạ lùng, vô ích và vô dụng, đôi khi rất dở nhưng dẫu sao cũng khá thú vị và tất nhiên là không buồn chán...”.

Những năm cuối đời, Greene sống ở Thụy Sĩ. Và ông đã mất tại đó ngày 3/4/1991

Vũ Công
.
.