Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh: Đi qua mùa cứu độ chúng sinh

Thứ Sáu, 12/08/2016, 10:47
Bảo Sinh bây giờ ít giao du bạn bè hơn, dù vẫn những thói quen xưa cũ. Ông vẫn tiếp tục làm thơ, in thơ, nhưng không ra mắt ồn ào như trước đây. Ông bảo, càng tuổi cao, càng muốn đi vào chiều sâu hơn, càng thiền, càng thanh thản hơn.

Nếu có một ai đó có một thời gian biểu gần như không thay đổi hàng chục năm nay, sáng dậy sớm làm thơ, viết văn, ngồi tiếp khách... Cơm trưa xong nghỉ ngơi vài chục phút thì thong dong trên chiếc xe 82 bát phố.

Nơi đầu tiên ông đến là quán cà phê Nhân ở phố Hàng Hành. Một địa chỉ quen thuộc bao nhiêu năm nay của ông. Ông ngồi đó, giữa những người bạn, có người thân thiết, có người mới biết, có những người chỉ là khách của quán... nhưng dường như đã quen với sự có mặt của Bảo Sinh, họ bên cạnh những câu chuyện say sưa, thảng vẫn lắng nghe ông đọc những vần thơ "dân gian" của mình rồi mỉm cười vui vẻ.

Khi chiều đã tắt nắng, ông cuốc bộ mấy vòng hồ Hoàn Kiếm, để ngẫm ngợi về cuộc đời và thế sự. Tối đến, những gì đã sàng lọc của một ngày tràn lên trang giấy. Đó là lý do, đều đặn hằng năm, Bảo Sinh luôn có sách in, luôn có những vần thơ tiếu ngạo như là một cách mua vui ở cuộc đời vốn dĩ rộng lớn và đa chiều này.

Ở vào tuổi 76, Bảo Sinh khẳng định, ông đã sống đầy trách nhiệm với chính mình để có một sức khỏe tốt, một trí nhớ tuyệt vời và cả những sáng tạo huyền thi khiến cho cuộc đời ông không bao giờ nhàm chán.

Trên nền đất của cha ông để lại là cả một đời lao động để Bảo Sinh có thể xây được căn nhà cao rộng, có cả cầu thang máy lên xuống đỡ phải leo khi tuổi già. Căn nhà có một gian lớn, có quầy sách của Bảo Sinh. Cuốn nào cũng dày dặn, đầy tâm tư của cuộc đời. Nhà ông một thời là nơi tụ hội của nhiều văn nhân tên tuổi. Họ đến với Bảo Sinh với một tình yêu lạ lùng.

Một Bảo Sinh thường nói nhiều điều triết lý sâu xa vì đã thấm đẫm câu chuyện cuộc đời, nhưng cũng là một Bảo Sinh dễ dãi, giản đơn, không cần nhiều lễ nghi để có thể ngồi nhâm nhi chén rượu, bàn chuyện thi phú, đọc cho nhau nghe những vần thơ tiếu ngạo, để rồi cười vỡ tan cả không gian.

Đôi khi là một Bảo Sinh chỉ ngồi nghe, gật đầu và mỉm cười để bạn bầu được bày tỏ nỗi lòng của mình. Bởi vậy đến với ông, có nhiều văn nhân đầy tài nhưng cũng lắm tật. Ông từng thân thiết như ruột thịt với thi nhân quá cố Đồng Đức Bốn. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là bạn tri âm.

Dịch giả Đắc Lê, dịch giả của cuốn sách Hãy để ngày ấy lụi tàn từng là người mang những mẩu giấy nhỏ nhất đến với nhiều nhà văn, nhà thơ khác, chỉ để mời đến nhà Bảo Sinh dự lễ cầu siêu chó mèo...

Trong dáng dấp của Bảo Sinh, có một gia tài những câu chuyện cũ, những câu chuyện thuộc về dân gian, những câu chuyện của làng quê ngay giữa lòng Hà Nội, những câu chuyện ma mị, lôi cuốn và hài hước. Bởi ngôi nhà mà ông đang ở, nơi người mẹ đẻ của ông, đã gần trăm tuổi vẫn còn sống khỏe, là trầm tích những câu chuyện dân gian.

Từ trẻ đến già, Nguyễn Bảo Sinh chỉ ở số 30, ngõ 167 Trương Định (ngõ Bảo Sinh). Gần như suốt đời không hề chuyển dịch đi đâu, luôn ở cùng gia đình, xung quanh có vợ con, anh em, họ hàng. Gia đình ông đã định cư nhiều đời ở Hà Nội. Thời trẻ, ông từng đi lính, từng là võ sư Judo. Nhưng sau những năm tháng bôn ba, ông trở lại nơi chôn nhau cắt rốn để sống và lập nghiệp trên chính mảnh đất hương hỏa của ông cha để lại.

Trước khi nổi tiếng với tư cách là nhà thơ trào lộng của dân gian với những câu thơ đã đi vào lòng công chúng như: "Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng...", "Muốn cho trộm chẳng đến nhà/ Đề vào trước cửa đây là nhà thơ" hay "Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm/ Khi mê dâm chỉ là dâm/ Ngộ ra mới biết trong dâm có tình/ Khi mê tình chỉ là tình/ Ngộ ra mới biết trong tình có dâm/ Khi yêu cái xích dưới chân/ Thì xiềng xích ấy là thần Tự do"...

Những câu thơ hóm truyền khẩu ấy đã được ông, in, photo rồi phát cho mọi người cùng đọc, cùng cười, cùng chiêm ngưỡng, ấy thế mà dần dần nó đã đi vào đời sống đương đại một cách tự nhiên, thì Nguyễn Bảo Sinh được biết đến với "hỗn danh" là Sinh "Chó".

Việc này duyên do từ chuyện có thật: Hồi bé, vốn tính ngỗ ngược, thân phụ ông là cụ Nguyễn Hữu Mão (năm nay 95 tuổi, cũng là người rất hay thơ) có lần tức giận bảo rằng: "Lớn lên thì chó nuôi mày!". Một lời là một vận vào! Lời nguyền của người cha tự nhiên vận vào số phận đứa con.

Từ nhiều năm nay, Nguyễn Bảo Sinh vẫn sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, cũng có khi làm hậu cần cho các sới chọi gà khắp một vùng nội ngoại thành Hà Nội. Ông đã tự bạch: "Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!".

Nguyễn Bảo Sinh chia sẻ: "Tôi đến với nghề nuôi chó mèo cũng như một cái duyên, một sự may mắn của số phận. Ngay khi còn bé, tính tôi vốn yêu quý động vật, tôi đã biết chôn cất, cài hoa, cắm hương và khóc thương cho con chim, con dế mình nuôi không may bị chết. Tuy rằng lúc đó chỉ là những hành động nằm trong vô thức của trẻ con, song điều đó cứ đi theo mình mãi.

Tôi vẫn nhớ, ngày tôi còn nhỏ chừng 7 tuổi, có lần vào chơi với con chó đẻ bị nó cắn cho hai phát vào mặt (bây giờ vẫn còn sẹo), lớn lên, mải chơi quá, bố tôi tức quá bảo: "Đời mày rồi chó nuôi con ạ!".

Thế mà rồi câu nói ấy vận vào cuộc đời mình thật. Tính đến nay, tôi đã làm nghề nuôi chó 45 năm. Cũng nhờ vậy, tôi gặp được nhiều văn nhân, bè bạn là nghệ sĩ. Nhiều người tài giỏi đã đến đây đàm đạo thơ văn.

Nhiều người đến mua chó, mèo, rồi có nhiều người lại gửi hỏa táng những vật nuôi yêu quý của mình như: Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhà sử học Lê Văn Lan, đạo diễn Đặng Nhật Minh, họa sĩ Thành Chương, nhà phê bình Lã Khắc Hòa, ca sĩ Tùng Dương… Mình nuôi chó nhưng thực chất là nó nuôi sống cả gia đình mình mấy chục năm nay đấy chứ.

Nói vậy, nuôi chó không dễ chút nào đâu nhé. Vốn cũng không nhỏ chút nào. Có người bỏ ra hàng chục tỉ để kinh doanh chó, thế rồi mất sạch, trắng tay đấy. Sai lầm là chết ngay. Kinh doanh chó mèo là khó nhất trong những ngành kinh doanh. Vì thế mà với các con, tôi không bắt ai theo nghề mình cả. Mặt khác, các con tôi cũng có công việc tốt và kiếm nhiều tiền hơn so với bố rồi.

Trong việc này, tôi học ông Honda, ông nói đại ý, vợ đã có phần của vợ, con có phần con, riêng lãnh đạo Hãng Honda phải là người có tài… Bây giờ tôi xây một khách sạn 6 tầng dành riêng cho các thú cưng đặc biệt này cùng một khuôn viên nghĩa trang rộng rãi, sạch đẹp để chôn cất chúng sau khi chết.

Bài Á kinh cầu: "...Cõi dương thế chan hòa ánh nắng/ Dưới đất sâu lạnh trắng xương khô/ Não nùng thay những đêm mưa/ Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ...".

Trung bình mỗi năm khách sạn tổ chức hai lần cầu siêu và thường là vào rằm tháng 7 âm lịch hoặc chọn một ngày thiêng trong các tháng. Đó không phải là mê tín, mà khi đời sống khấm khá hơn, người ta cũng muốn trân trọng những con vật đã từng gắn bó với mình, như một người thân, muốn tưởng nhớ nó theo một cách nào đó.

Tôi đã biết trước điều này để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất những dịch vụ dành cho những thú cưng của các gia đình, điều mà trên thế giới, người ta đã có từ rất lâu. Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà ở phương Tây người ta lại yêu chiều chó mèo đến thế.

Ở khía cạnh này tôi không bàn về kiếp luân hồi, nhưng cần khẳng định rằng, đây là một cách giáo dục thế hệ trẻ. Từ yêu thương con vật, sẽ biết yêu thương con người. Tôi có giá cả cụ thể cho từng loại chó mèo khác nhau, từ chăm sóc, gửi gắm, trị bệnh... giá của tôi không rẻ, toàn tiền trăm, tiền triệu cả.

Vì tiền nào của nấy, đẳng cấp hàng hiệu là giá phải cao nhưng ngược lại, bên cạnh đó, nếu có cháu sinh viên nào nuôi chó, nuôi mèo có bị ốm đau hay bị chết mà mang đến đây, có khi tôi không lấy tiền. Là vì tôi muốn các cháu phát huy tinh thần yêu thương động vật. Thà chúng nó nuôi chó, nuôi mèo còn hơn nhảy vào thuốc lắc, ma túy...

Những ngày đó, rất nhiều chủ nhân của những chú chó mèo đã chết đến cầu siêu cho thú cưng của mình. Đó thực sự là một ngày có ý nghĩa đối với công việc gắn bó và nuôi sống cả đời tôi".

Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn lớn, truyện ngắn của ông đã tốn không ít giấy mực cho các nhà lý luận phê bình trong và ngoài nước, là đề tài không đếm xuể cho các nghiên cứu sinh... Nhưng ông lại là người mê say thơ của Bảo Sinh đến độ, ông đã đưa vào tiểu thuyết của mình những câu thơ ông thích.

Đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp đã dành nhiều tình cảm của mình khi viết về Bảo Sinh: "Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca.

Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống...

Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này: "Khi yêu cái xích dưới chân/ Thì xiềng xích ấy là thần Tự do!', "Tự trói thì gọi là tu/ Bị trói thì gọi là tù mọt gông!", "Mê là mê theo cách mê của người/ Ngộ là mê theo cách mê của mình", Tôi khá bất ngờ và thích thú thấy Nguyễn Bảo Sinh ở tuổi này vẫn có những bài thơ bay bướm kiểu: "Yêu là nhớ ít tưởng nhiều/ Yêu là chẳng biết mình yêu cái gì/ Yêu nhau đâu bởi hàng mi/ Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi/ Yêu là yêu, có thế thôi...".

Tình yêu ấy, tôi nghĩ chính là tình yêu cuộc sống. Ông làm thơ cũng chính vì ông yêu cuộc sống. Tôi chắc ở nhiều nơi trên đất nước ta cũng có nhiều thi sĩ dân gian kiểu như Nguyễn Bảo Sinh. Họ yêu cuộc sống và họ làm thơ theo kiểu của họ...".

Bảo Sinh bây giờ ít giao du bạn bè hơn, dù vẫn những thói quen xưa cũ. Ông vẫn tiếp tục làm thơ, in thơ, nhưng không ra mắt ồn ào như trước đây. Ông bảo, càng tuổi cao, càng muốn đi vào chiều sâu hơn, càng thiền, càng thanh thản hơn. Bây giờ, niềm vui của ông là được an lành, thanh thản với tuổi già, con cháu.

Tháng bảy này, ông vẫn tiếp tục công việc cầu siêu cứu độ chúng sinh, công việc tưởng chừng đã cả một đời đi qua, nhưng ông vẫn tiếp tục, để được cảm thấy yên lành trong kiếp sống...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.